2.1.1. Biểu tượng đơn
Qua khảo sát ta nhận thấy sự xuất hiện của các biểu tượng “muối” và “gừng”
đơn lẻ vẫn nhiều hơn so với khi chúng xuất hiện cùng nhau (xuất hiện 29 lần trên tổng số tài liệu khảo sát).
Sau khi tiến hành khảo sát và thống kê về biểu tượng đơn thì sự xuất hiện của biểu tượng “muối” (21 lần trên tổng số tài liệu khảo sát) trong các tập tài liệu đều nhiều hơn cả so với biểu tượng “gừng” (8 lần trên tổng số tài liệu khảo sát). Một phần có lẽ là bởi sự quan trọng của nguyên liệu đối với cuộc sống hàng ngày của con người, là thành phần chính trong những món ăn dân dã nơi đồng quê như dưa muối, cà muối... Còn bởi một lẽ nữa đó là biểu tượng “muối” thích hợp để diễn tả sự khổ cực của người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ cũng như sự vất vả trong công việc nông như:
“Ngày phơi muối trắng đầy trời Đêm nằm nghe xót, lòng người năm canh
Trời xanh, muối trắng, cát vàng
Thứ gì cũng đẹp, riêng nàng lầm than.” [11; tr.152]
Xét về biểu tượng “gừng” ta nhận thấy rằng biểu tượng này thường dùng để diễn tả sự đắng cay, tủi nhục của người phụ nữ dưới sự đày đọa của kỷ cương xã hội phong kiến. Chẳng hạn như cảnh lấy chồng theo sự sắp đặt, mai mối khiến cho đôi bên lỡ làng:
“Chị em ơi! Người ta trông thấy mặt chồng thì mừng,
Sao tôi trông thấy mặt chồng thì lại như gừng như vôi.” [10; tr.248]
Hoặc thể hiện tình yêu đôi lứa bị ngăn cách, chia lìa:
“Anh ra đi cay đắng như gừng,
Đường xa xôi ngàn dặm, khuyên em đừng nhớ thương.” [10; tr.164]
Khi xuất hiện đơn lẻ, những biểu tượng thường có xu hướng kết hợp với những từ ngữ, hình ảnh khác nằm trong cùng trường nghĩa như với biểu tượng “muối”
thường kết hợp với “mơ”, “chanh”. Ta có “muối” mang vị mặn thì “chanh” và
“mơ” lại mang vị chua, khiến người đọc khi đọc đôi câu ca dao sẽ có thể liên tưởng đến sự chua chát, mặn đắng của cuộc đời. Nhưng điều đáng quý là giữa khốn khó của hiện thực con người vẫn ước mơ, khát khao sự thủy chung chờ đợi nhau trong tình yêu và qua đó người đọc thể hiện sự đồng cảm với người dân lao động đã sáng tạo nên câu ca dao. Chẳng hạn như:
“Tay cầm nắm muối quả mơ,
Mơ chua muối mặn, ta chờ đợi nhau.” [4; tr.72]
Bên cạnh đó, biểu tượng “muối” còn có khả năng kết hợp với những hình ảnh, từ ngữ khác như “cà”, “vừng”, “lòng”, “ớt”, “dưa”...; hầu hết dùng để chỉ những món ăn, những phương thức chế biến món ăn dân dã và giản dị mà giữa chúng có sự gắn kết không thể tách rời. Chẳng hạn như món dưa muối nếu thiếu muối thì đã chẳng thể là một món ăn, cũng như tình cảm, nỗi nhớ thương giữa anh và em là một điều thiết yếu không thể phủ nhận được như:
“Mình nhớ ta như cà nhớ muối
Ta nhớ mình như Cuội nhớ Trăng.” [10; tr.47]
Vì gừng và muối là gia vị và thức ăn phổ biến đối với người Việt Nam nên nhiều món ăn được tạo ra bởi sự kết hợp ấy. Và qua đó ngoài việc hướng dẫn, chia sẽ kinh nghiệm nấu nướng thì nó còn thể hiện những ý nghĩa, tư tưởng sâu sắc. Chẳng hạn như với lá gừng khi kết hợp với cá cấn tạo nên món ăn quê hương thân thuộc, và dường như nhắc nhở những người con xa quê rằng những ai biết nấu món này chính là đồng hương của mình, để mà yêu thương, giúp đỡ:
“Cá cấn nấu với lá gừng Bà con mình đó, xin đừng quên nhau
Lá lốt mà nấu canh cà
Ăn vào thì mặn, nhã ra thì thèm.” [11; tr.32]
Mặc dù, biểu tượng “muối” và “gừng” khi được xác định là biểu tượng đơn thường có sự kết hợp với những từ ngữ, hình ảnh khác nhưng tự bản thân chúng đã là một biểu tượng mang một ý nghĩa nhất định thể hiện những sắc thái biểu cảm, thẩm mỹ sắc nét.
Vì vậy, khi là biểu tượng đơn chúng không chịu sự chi phối hay ảnh hưởng từ các biểu tượng hay hình ảnh khác nên có được tính tập trung sắc thái nghĩa rõ rệt.
2.1.2. Biểu tượng kép
Tần suất xuất hiện của các biểu tượng kép ít hơn so với biểu tượng đơn (xuất hiện 5 lần trên tổng số tài liệu khảo sát), bởi chỉ khi nào cần diễn đạt tăng cấp bậc của nội dung, ý nghĩa thì sự xuất hiện của biểu tượng kép sẽ làm là câu ca dao trở nên thắm thiết và sâu sắc hơn.
Tuy tần suất xuất hiện không nhiều nhưng sự đi liền giữa hai biểu tượng
“muối” và “gừng” đã trở thành một mô-típ thường gặp trong ca dao. Sự hình thành mô-típ đó chính là căn nguyên của việc xác định hai biểu tượng này là trở thành biểu tượng kép.
Khi hình thành biểu tượng kép thì giữa hai biểu tượng đã có sự tương đồng về nguồn gốc cũng như ý nghĩa, vì vậy khi trở thành biểu tượng kép và đi liền với nhau. Thay vì tập trung sắc thái nghĩa thì giữa chúng có sự giao hòa nét nghĩa, bổ sung qua lại trong một mối quan hệ mật thiết.
Biểu tượng kép “muối - gừng” thường tăng cấp bậc của ý nghĩa mà chúng mang lại một cách trọn vẹn nhất. Ví như để phản ánh thói xấu của những người đàn ông muốn đa thê đa thiếp và hơn cả là phản ánh những hủ tục của chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ, ca dao có câu:
“Anh kia có vợ con rồi Mà anh còn muốn hoa hồi cầm tay
Hoa hồi vừa đắng vừa cay
Vừa vặn như muối, vừa cay như gừng.” [11; tr.261]
Và cũng có những câu ca dao hài hước phê phán tình trạng “trai thì năm thê bảy thiếp”, gái chính chuyên một chồng” :
“Chính chuyên chết cũng ra ma,
Lẳng lơ chết cũng chôn ra ngoài đồng.” [10; tr.253]
Bên cạnh đó, biểu tượng kép “muối - gừng” được sử dụng với mục đích chính đó là khẳng định tình cảm chung thủy giữa vợ và chồng, sự thề nguyền giữa đôi lứa yêu nhau như:
“Tay nâng chén muối đĩa gừng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.” [10; tr.201]
Ví như để thể hiện sự chung thủy nhất mực trong tình cảm hôn nhân dù cho thời thế sự đời có đổi thay, ca dao đã diễn tả:
“Muối mặn ba năm muối hãy còn mặn, Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay, Đạo nghĩa cang thường chớ đổi đừng thay,
Dẫu có làm nên danh vọng, hay rủi có ăn mày, ta cũng theo nhau.
Theo nhau cho trọn đạo đời,
Dẫu rằng không chiếu trải nơi mà nằm.” [10; tr.211]
Ngoài ra trong ca dao còn có nhiều biểu tượng kép được thể hiện qua những mô-típ quen thuộc mà ta thường bắt gặp như mô-típ cây cầu, mô-típ dải yếm, mô- típ con đò (con thuyền) - bến đợi, mô-típ ngọn đèn, mô-típ lá trầu - quả cau...
Với mô-típ con đò (con thuyền) - bến đợi thường được sử dụng để chỉ sự chờ đợi, nỗi khắc khoải yêu thương trong tình yêu đôi lứa:
“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” [3; tr.225]
“Bóng trăng em ngỡ bóng đèn,
Bóng cây em tưởng bóng thuyền anh sang.” [10; tr.217]
Với mô-típ lá trầu - quả cau một mặt đùng để chỉ sự hạnh phúc hôn nhân nhưng một mặt lại chỉ sự bẽ bàng lỡ duyên, đồng thời còn diễn tả được những cung bậc cảm xúc yêu ghét trong tình yêu đôi lứa.
Khi yêu khi ghét giữa nam nữ qua ca dao cũng đã có sự so sánh đầy thi vị với quả cau, lá trầu như:
“Yêu nhau trầu vỏ cũng say,
Ghét nhau, cau đậu đầy khay chẳng màng.” [10; tr.210]
“Yêu nhau thì ném bã trầu,
Ghét nhau, ném đá vỡ đầu nhau ra.” [10; tr.210]
“Yêu nhau, cau sáu bổ ba,
Ghét nhau, cau sáu bổ ra làm mười.” [10; tr.210]
Chỉ những mối lương duyên đẹp đẽ, vẹn tình đôi bên người Việt Nam cũng sử dụng mô-típ lá trầu - quả cau chẳng hạn như:
“Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng:
Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng?
- Trầu vàng nhá lẫn cau xanh,
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.” [10; tr.171]
Căn cứ vào những mô-típ biểu tượng kép này, ta sẽ nắm vững và phân loại rõ hơn về nội dung và ý nghĩa của từng bài ca dao được xếp chung trong cùng một nhóm theo từng mô-típ nhất định. Từ đó tạo nên những ấn tượng nghệ thuật riêng.