2.2. Đặc điểm nội dung, ý nghĩa qua biểu tượng “muối” và “gừng”
2.2.1. Phản ánh hiện thực cuộc sống đời thường của người dân lao động
Biểu tượng “muối” và “gừng” đã truyền tải được những tư tưởng, ý nghĩ của người dân lao động. Ví như:
“Rạng ngày vác cuốc ra đồng Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu
Ruộng đầm nước cả bùn sâu Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
Việc làm chẳng quản nắng mưa Cơm ăn đắp đổi muối dưa tháng ngày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Biết công kẻ cấy người cày mấy nao!” [4; tr.39]
Mở đầu bài ca dao đã cho ta thấy sự chăm chỉ, cần cù lao động của người nông dân khi làm việc quanh năm suốt tháng chẳng nề hà, vậy mà họ cũng chẳng được ăn ngon mặc đẹp mà chỉ có “đắp đổi muối dưa”. Hình ảnh “muối dưa” hiện lên trong câu ca dao nhằm nhấn mạnh sự khó khăn, cực khổ khi làm ra hạt gạo. Cuối bài ca dao là bài học về sự biết ơn mà người dân lao động đã nhắn nhủ cho mọi người lúc bấy giờ và cả cả thế hệ mai sau. Ngoài ra còn có một số bài ca dao khác có cùng chủ đề và nội dung ý nghĩa như:
“Cày đồng đang buổi ban trưa Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần!” [3; tr.391]
Bài ca dao thứ nhất sử dụng hình ảnh “muối dưa” để chỉ tình cảnh nhọc nhằn của người nông dân, còn với bài ca dao thứ hai những cực khổ gian nan lại được cụ thể qua hình ảnh “mồ hôi” rơi như “mưa ruộng cày”. Nhưng với bài thứ nhất, ngoài việc nhấn mạnh sự cần cù “chẳng quản nắng mưa”, nội dung còn đề cập đến bữa ăn đạm bạc của người nông dân, vì vậy đã mang lại sự thuyết phục và tính đồng cảm cao hơn ở người tiếp nhận.
Theo Từ điển Truyện Kiều do Đào Duy Anh biên soạn, “muối dưa tức là muối và dưa chỉ món đồ ăn thường của nhà chùa” [1; tr.257]. Qua đây ta thấy được sự khổ cực của người nông dân dù làm lụng quanh năm vẫn chỉ được ăn rau dưa cho qua ngày.
Ca dao có tầm ảnh hưởng đến văn chương về mặt nội dung lẫn hình thức. Có thể nhắc đến một số tác giả, tác phẩm như Nguyễn Du với “Truyện Kiều” hay Tố Hữu với “Việt Bắc”... Nguyễn Du là một thiên tài văn học đồng thời chịu sự ảnh hưởng của nhiều vùng quê khác nhau, thế nên trong ông là sự giao hòa giữa văn chương bình dân và văn chương bác học, biểu hiện rõ nhất là hình tượng “muối dưa” xuất hiện trong tác phẩm Truyện Kiều:
“Gởi thân được chốn am mây,
Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong.” [1; tr.523]
“Thấy nhau mừng rỡ trăm bề, Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư.
Một nhà chung chạ sớm trưa,
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.” [1; tr.546]
“Đã đem mình bỏ am mây, Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa.
Mùi thiền đã bén muối dưa,
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.” [1; tr.556]
“Việt Bắc” của Tố Hữu đã tái hiện những kỉ niệm cách mạng và kháng chiến, gắn với những người dân Việt Bắc tuy vất vả nhưng tràn đầy tình đoàn kết, sát vai nhau cùng chiến đấu vì một mối thù chung:
“Mình đi, có nhớ những ngày Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.” [9; tr.110]
Bên cạnh công việc nông gia, công việc tạo ra hạt muối nơi miền biển cát trắng gió mặn cũng muôn phần khó khăn, điều đó được thể hiện qua đôi câu ca dao sau:
“Ngày phơi muối trắng đầy trời Đêm nằm nghe xót, lòng người năm canh
Trời xanh, muối trắng, cát vàng
Thứ gì cũng đẹp, riêng nàng lầm than.” [11; tr.152]
Nghề làm muối của người dân lao động vùng biển vô cùng cực nhọc, ngày thì phơi muối trắng đồng, đêm về hạt muối biển bám vào người tạo cảm giác xót nơi da thịt. Từ cái xót đơn thuần do muối thì người lao động đã liên tưởng đến sự xót xa của lòng người khi phải thức suốt năm canh dài. Qua đó, người dân lao động chia sẻ sự “lầm than” của bản thân, qua hình ảnh “nàng” - tức là thân phận người phụ nữ. Người phụ nữ tấm lòng trong trắng như hạt muối nhưng lại phải chịu cảnh đời lầm than, đây là sự than thân của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến nhiều bất công.
Để gửi gắm khát khao đấu tranh đòi quyền công bằng, người dân lao động đã mượn hình ảnh những loài vật xung quanh như con trâu, con cò..., và ở đây một tác giả dân gian đã lấy hình ảnh con ếch - con vật tượng trưng cho sự thấp cổ bé họng - làm thành một bài ca dao phản ánh đời sống cơ cực của nông dân Việt Nam dưới thời phong kiến:
“Ếch tôi mới ngồi bờ khoai, Nó giật một cái đã sai quai hàm,
Mẹ ơi lấy thuốc cho con Lấy những lá ớt cùng là xương sông,
Ếch tôi ở tận hang cùng, Bên bè rau muống phía trong bè dừa,
Thằng Măng là con chú Tre, Nó bắt tôi về, làm tội lột da.
Thằng Hành cho chí thằng Hoa,
Mắm muối cho vào, cay hỡi đắng cay!” [10; tr.301]
Bài ca dao mở đầu với việc “ếch ta” bị người ta bắt chỉ vì “mới ngồi bờ khoai”, điều này cho ta thấy thân phận bé nhỏ, bị áp bức bóc lột của người nông dân dưới thời phong kiến. Chưa hết hạn thiên nhiên khắc nghiệt thì cái hạn sưu tô, thuế ruộng thuế thân của các vị quan lại, địa chủ lại thay nhau đè đầu cưỡi cổ, cũng như tác giả dân gian đã so sánh với việc “lột da” ếch vậy. “Mắm muối” thường mang vị mặn, nhưng khi kết thúc bài ca dao ta chỉ thấy vị cay. Phép điệp ngữ được sử dụng hai lần đã thể hiện cái cay đắng đến cùng cực của người nông dân trong thời kì xã hội đầy sự nhiễu nhương ấy. Chủ đề về nỗi cực khổ của người nông dân thường được thể hiện dưới hình thức ẩn dụ, qua hình ảnh các con vật quen thuộc. Qua đó dân gian đã thể hiện nỗi đau khổ cùng cực của bản thân, đồng thời cũng phản ánh ý thức giác ngộ đối với sự khổ cực:
“Cái cò, cái vạc, cái nông,
Cùng ăn một đồng, nói chuyện giăng ca...
Muối kia đổ ruột con gà,
Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình” [10; tr.300]
“Ếch kêu dưới vũng tre ngâm,
Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre.” [10; tr.297]
Đối nghịch với cảnh khổ cực, cơm lo từng bữa của người dân lao động, vẫn có những kẻ chỉ biết bóc lột, luôn sống một cuộc sống nhàn hạ, xa hoa. Hơn thế còn là sự tham lam, được một lại đòi thêm mười:
“Trong nhà đã có vàng mười, Song le còn muốn của người nhân sâm.
Trong nhà đã có hoàng cầm, Song le còn muốn nhân sâm nước người.
Trong nhà đã có đồ chơi,
Song le còn muốn của đời thêm xinh.” [10; tr.303]
Sự đàn áp, bóc lột của chế độ phong kiến còn được thể hiện qua các làn điệu dân ca, được cả người lớn và trẻ em quan tâm. Đó là những bài ca biểu hiện tư tưởng chống đối giai cấp thống trị cũng như phản ánh đời sống cơ cực, khốn khó của nhân dân đồng thời tố cáo tội ác của bọn quan lại, địa chủ phong kiến như:
“Thả đỉa ba ba...
Chớ bắt đàn bà,
Phải tội đàn ông, Cơm trắng như bông, Gạo tiền như nước, Đổ mắm đổ muối, Đổ chuối hạt tiêu, Đổ niêu nước chè, Đổ phải nhà nào,
Nhà ấy phải chịu!” [10; tr.500]
Qua những bài ca dao phản ánh sự độc ác, tàn bạo của giai cấp thống trị, nhân dân ta đã có tinh thần giác ngộ đồng thời tìm ra những nguyên nhân của sự cực khổ. Điều đó phần nào khẳng định ý thức phản kháng, căm giận và kết quả chính là những phong trào khởi nghĩa của nông dân, điển hình là cuộc khởi nghĩa do người anh hùng áo vải Quang Trung chỉ huy.
Trên đây là những bài ca dao phản ánh tình cảnh của người lao động dưới sự đàn áp của xã hội phong kiến. Đến khi thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta lại phải chịu hai tầng áp bức bóc lột. Bài ca dao sau có lẽ được người phụ nữ nội trợ làm ra để kể về việc lĩnh lương của chồng và phải dè xẻn chi tiêu như thế nào với số tiền lương ít ỏi đó.
“Lĩnh lương còn được năm hào Ba hào đong gạo, thuốc lào một xu
Hai xu thìa mắm tôm khê Một hào cá ót một xu tỏi hành.
Hai xu rau diếp rau răm Ba xu mua chén muối vừng về rang
Thế là được bữa cơm sang Cá riêu, rau muống vừng rang đủ mùi
Con còn được một xu xôi
Chồng được gói thuốc ngày mai đi tầm.” [4; tr.146]
Người chồng làm lính đi tuần chẳng biết ngày mai sống chết như thế nào nhưng khi lĩnh lương chỉ “còn được năm hào”, từ “còn” ở đây đã ám chỉ việc ăn chặn lương của các vị ăn không ngồi rồi. Kế tiếp, ta thấy được sự tính toán kĩ càng, trọn vẹn đủ bề của người phụ nữ khiến ta phải thốt lên khâm phục, chỉ với năm hào
mà có được hẳn một bữa cơm canh ngon lành, chồng con còn có thêm xôi và thuốc lá. Nhưng đó chỉ mới là một bữa, còn những bữa sau sẽ như thế nào? Ta không thấy đề cập đến nhưng chắc hẳn cái gia đình ở đây rồi sẽ phải chạy ăn từng bữa.
Không chỉ vậy, dưới thời Pháp - Nhật thuộc nhân dân ta còn khổ cực trăm bề, để từ đó họ ý thức được việc cần phải đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ý thức về quyền độc lập tự chủ của một dân tộc:
“Đất này đất tổ đất tiên, Đất này chồng vợ bỏ tiền ra mua.
Bây giờ Nhật, Pháp kéo hùa,
Chiếm trồng đay lạc, ức chưa, hỡi trời” [10; tr.325]
Hay như ý thức đấu tranh, đánh đuổi quân giặc được thể hiện qua:
“Ruộng ta, ta cấy ta cày,
Không nhường một tấc cho bầy Nhật, Tây.
Chúng mày lảng vảng nơi đây,
Rủ nhau gậy, cuốc, đuổi ngay khỏi làng” [10; tr.325]
Bên cạnh những câu ca dao mang hàm ý than thân hay phản ánh sự áp bức của chế độ phong kiến và bọn đế quốc xâm lược, ca dao còn hàm chứa những bài học sâu sắc:
“Cá chẳng ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” [4; tr.32]
Nếu muốn bảo quản những thức ăn tươi sống như cá được tươi lâu, người ta thường ướp với muối. Từ đó ta liên tưởng đến những bài học mà cha mẹ dạy cho con cái, rất quan trọng và cần thiết như muối đối với cá vậy. Bài ca dao đưa ra lời khuyên là con cái đừng nên cãi lời cha mẹ vì “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
Câu ca dao còn đề cập đến thái độ đúng mực với người lớn tuổi, nâng cao tinh thần học hỏi đối với những người đi trước bởi vốn sống và kinh nghiệm mà họ đã trải qua là những điều được rút ra từ thực tế xã hội.
Những bài học dạy ta nên người mặc dù được sáng tạo ra cách đây rất lâu những vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho đến tận ngày hôm nay :
“Làm người phải đắn phải đo,
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu.” [3; tr.08]
“Có vất vả mới thanh nhàn,
Không dưng ai dễ cầm tàn, che cho.” [3; tr.14]
Ngoài ra bài học dành cho những kẻ đã không làm được gì lại còn lười biếng, chỉ biết ăn trên ngồi trốc được thể hiện qua hình ảnh con gà què trong câu ca dao sau:
“Gà què ăn quẩn cối xay
Rau răm muối ớt xé phay con gà.” [11; tr.31]
Biểu tượng “muối” ở đây chỉ một thành phần để nấu con gà thành món ăn nhưng đó cũng tượng trưng cho hình phạt dành cho những kẻ lười nhác trong xã hội. Bên cạnh đó là những bài ca dao khuyên nhủ con người sống là phải biết yêu thương nhau, gắn bó đoàn kết tình thân như “lá gừng” nấu với “cá cấn” vậy.
“Cá cấn nấu với lá gừng Bà con mình đó, xin đừng quên nhau
Lá lốt mà nấu canh cà
Ăn vào thì mặn, nhã ra thì thèm.” [11; tr.32]
Và còn những bài ca dao nói về tầm quan trọng của các loại thực vật thân thuộc có thể chữa khỏi những căn bệnh nhẹ như:
“Đau bụng lấy muối mà chườm
Ví bằng không khỏi, hắc hương với gừng.” [10; tr.76]
Từ những kinh nghiệm dân gian được đúc kết đã trở thành những bài học được truyền từ đời này sang đời khác, chẳng hạn như kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi trong câu ca dao:
“Gà nâu chân thấp mình to, Đẻ nhiều, trứng lớn con vừa khéo nuôi.
Chả nên nuôi giống pha mùi,
Đẻ không được mấy, nuôi con vụng về.” [10; tr.157]
Hay như:
“Ra đi anh có dặn dò
Ruộng sâu cấy trước, ruộng gò cấy sau.” [10; tr.158]
Bên cạnh ca dao còn có một thể loại thể hiện rõ rệt những bài học về kinh nghiệm sản xuất hay kinh nghiệm sống mà ông cha ta đã đúc kết và truyền lại, đó là thể loại tục ngữ. Những câu tục ngữ nói về những hiện tượng thời tiết, khí tượng mà người lao động cần biết để áp dụng trong công việc nông nghiệp như:
“Vò đựng muối ướt thì sắp có mưa, vò đựng muối khô thì trời có nắng.” [13; tr.124]
Tính chất của muối là kỵ sự ẩm ướt vì vậy khi trời mưa độ ẩm trong không khí tăng lên do hơi nước bốc lên từ những cơn mưa khiến cho “muối ướt”, qua đó ta nhận biết khi nào trời mưa khi nào trời nắng để tiến hành công việc một cách trôi chảy, thuận tiện hơn.
Lại có bài ca dao ca ngợi người anh hùng nhưng lại được ví với củ gừng, với những điều hết sức giản dị nhưng cũng không kém phần trân trọng. Đó chính là hình tượng người anh hùng gần gũi với nhân dân trong tâm tưởng của người dân lao động.
Đó là:
“Gừng già, gừng rụi, gừng cay
Anh hùng càng cực, càng dày nghĩa nhân.” [4; tr.180]
Con người phương Đông thường chú trọng những phong tục tập quán trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhưng nhiều khi sự chú trọng đó trở nên quá đà sẽ trở thành những hủ tục mê tín dị đoan chẳng hạn như:
“Đổ dầu đổ mỡ thì kiêng,
Đổ mắm đổ muối cũng nên dè chừng.” [11; tr.190]
Đôi khi xảy ra những việc ta vô ý, không kiểm soát được, nhưng lại phải dè chừng thì thật vô lí và phi thực tế. Việc đổ dầu, đổ mỡ có thể phải kiêng vì dầu mỡ có tính chất trơn trợt, nếu đổ ra mà không lau dọn thì những người khác dẫm phải có thể sẽ té ngã là đúng. Nhưng việc đổ muối đổ mắm mà phải dè chừng thì thật nực cười.
Từ những gia vị, thức ăn bình thường giản dị trong sinh hoạt hàng ngày , người dân lao động đã xem như những người bạn tâm tình để qua đó nhắn gửi những tình cảm chân thành, mộc mạc và chân chất nhất. Từ đó cũng phản ánh hiện thực xã hội, hiện thực đời sống hàng ngày của chính họ.
2.2.2. Sự thủy chung trong tình yêu, hôn nhân
Lĩnh vực sáng tạo phong phú và phổ biến nhất trong ca dao là lĩnh vực về tình yêu và hôn nhân, trước hết là đề cao sự chung thủy. Sự phát triển của ca dao trong lĩnh vực này phản ánh nhu cầu muốn bộc lộ tình cảm của người dân lao động lúc bấy giờ. Nhân vật trữ tình của ca dao thường có vẻ bề ngoài, tính cách và tâm hồn đại diện cho phần đông nam thanh nữ tú vùng đồng quê Việt Nam khi xưa. Thông qua những bài ca dao đó ta nhận thấy sự khao khát được yêu đương, đồng thời biểu hiện những quan niệm thẩm mỹ về tình yêu, hôn nhân. Song song với đó là việc thể hiện những cung bậc cảm xúc trong tình yêu như sự
lo lắng, băn khoăn khi mới quen nhau hay sự đau khổ vì chia lìa, vì không được thành đôi, hay nỗi nhớ thương dành cho nhau khi xa cách... Tất cả được miêu tả theo đúng tính cách của người nông dân thật mộc mạc và giản dị.
Diễn tả tình cảm nam nữ khi mới quen nhau, ca dao có câu:
“Đôi ta như lửa mới nhen,
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.” [10; tr.163]
Tình cảm lúc mới quen tuy rất ít ỏi nhưng lại đẹp với vẻ đẹp của sự trong sáng như
“trăng mới mọc”, “đèn mới khêu” và cũng mặn nồng, ấm áp như “lửa mới nhen”. Thủ pháp nghệ thuật so sánh ở đây đã hoàn thành tốt chức năng của nó vì đã làm nổi bật, nhấn mạnh tình yêu mới chớm nở giữa đôi trai gái.
Với biểu tượng kép “muối - gừng” thì lời thề nguyền sẽ chờ đợi nhau bất chấp những khó khăn gian khổ trong tình yêu, và từ đó cuộc sống hôn nhân sẽ càng trở nên mặn mà:
“Tay nâng chén muối, đĩa gừng
Gừng cay, muối mặn xin đừng có quên.” [4; tr.72]
Hoặc dị bản là:
“Tay nâng chén muối đĩa gừng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.” [10; tr.201]
Hình tượng “gừng cay” - “muối mặn” ngoài việc miêu tả tính chất vật lí mang tính vĩnh viễn trong tình cảm, ở đây chúng còn được dùng để chỉ những thử thách trong cuộc sống.
Hai dị bản không khác nhau về nội dung và ý nghĩa, nhưng khác về hình thức dùng từ ở câu cuối “xin đừng có quên” và “xin đừng quên nhau”. Mục đích chính là khẳng định tình cảm chung thủy và mong đối phương cũng đáp lại tấm chân tình đó. Nhưng ở câu “xin đừng quên nhau” có sự hiện diện của nhân vật trữ tình và đối phương, vì vậy ở câu này cho thấy sự công bằng trong tình cảm đối với cả hai.
Những đặc tính vốn có và không thay đổi của muối và gừng - muối thì phải mặn và gừng thì phải cay - là những điều không thể thay đổi được . Vì vậy chúng được sử dụng để gửi gắm sự chung thủy không đổi thay trong tình cảm của đôi lứa yêu nhau.
Hay như câu ca dao:
“Muối mặn ba năm muối hãy còn mặn, Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay, Đạo nghĩa cang thường chớ đổi đừng thay,
Dẫu có làm nên danh vọng, hay rủi có ăn mày, ta cũng theo nhau.