HAI NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

Một phần của tài liệu Tổng hợp kiến thức mac lênin 1 (Trang 24 - 27)

CHƯƠNG 2: PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

II. HAI NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

a. Khái niệm mối liên hệ, mối liên hệ phổ biến:

Khái niệm mối liên hệ dùng để chỉ sự quy định, sự tác động và chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, hay giữa các mặt, các yếu tố của mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới;

khái niệm mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ các mối liên hệ tồn tại ở nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới.

b. Tính chất của các mối liên hệ:

- Tính khách quan của các mối liên hệ:

Đó là sự quy định lẫn nhau, tác động lẫn nhau và làm chuyển hóa lẫn nhau của các sự vật, hiện tượng (hoặc trong bản thân chúng) là cái vốn có của nó, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý chí của con người; con người chỉ có thể nhận thức và vận dụng các mối liên hệ đó trong hoạt động thực tiễn của mình.

- Tính phổ biến của các mối liên hệ:

Theo quan điểm biện chứng thì không có bất cứ sự vật, hiện tượng hay quá trình nào tồn tại tuyệt đối biệt lập với các sự vật, hiện tượng hay quá trình khác;

Đồng thời cũng không có bất cứ sự vật, hiện tượng nào không phải là một cấu trúc hệ thống, bao gồm những yếu tố cấu thành với những mối liên hệ bên trong của nó, tức là bất cứ một tồn tại nào cũng là một hệ thống, hơn nữa là hệ thống mở, tồn tại trong mối liên hệ với hệ thống khác, tương tác và làm biến đổi lẫn nhau.

Vớ duù:

- Bão từ diễn ra trên mặt trời sẽ tác động đến từ trường của trái đất và do đó, tác động đến mọi sự vật trong đó có con người;

- Sự gia tăng dân số sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế v.v.không chỉ trong một nước mà trên toàn thế giới;

- Môi trường ảnh hưởng to lớn đến con người và hoạt động của con người cũng tác động trở lại to lớn đến sự biến đổi của môi trường.

- Tính đa dạng, phong phú của mối liên hệ:

Thể hiện ở chỗ: các sự vật, hiện tượng hay quá trình khác nhau đều có những mối liên hệ cụ thể khác nhau, giữ vị trí, vai trò khác nhau đối với sự tồn tại và phát triển của nó;

Đó là các mối liên hệ bên trong và bên ngoài sự vật, mối liên hệ bản chất và hiện tượng, mối liên hệ chủ yếu và thứ yếu, mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp v.v…

c. Ý nghĩa phương pháp luận:

- Quan điểm toàn diện:

Quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta phải xem xét tất cả các mối liên hệ đối với sự vật.

Ngoài ra, cần xem xét sự vật trong mối quan hệ với nhu cầu thực tiễn của con người.

- Quan điểm lịch sử – cụ thể: đòi hỏi chúng ta phải chú ý đúng mức tới hoàn cảnh lịch sử đã làm phát sinh sự vật, tức là đặt sự vật trong bối cảnh hiện thực của nó.

2. Nguyên lý về sự phát triển

a. Khái niệm: Phát triển là một phạm trù dùng để khái quát quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn về chất, làm cho cơ cấu tổ chức, phương thức tồn tại và vận động ngày một hoàn thiện hơn.

Trong giới hữu sinh, phát triển biểu hiện ở việc tăng khả năng thích nghi của cơ thể trước sự biến đổi của môi trường, ở khả năng tự sản sinh ngày một hoàn thiện quá trình trao đổi chất.

Phát triển là quá trình biến đổi về chất theo hướng ngày càng hoàn thiện (Phát triển khác với tăng trưởng)

Trong xã hội, sự phát triển biểu hiện ở năng lực chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội để tiến tới trình độ ngày càng cao hơn trong sự nghiệp giải phóng con người.

Trong tư duy, phát triển biểu hiện ở khả năng nhận thức ngày càng sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn hơn đối với hiện thực tự nhiên và xã hội.

- Về nguồn gốc của phát triển quan điểm duy vật biện chứng cho rằng – đó là quá trình tự thân vận động, do những mâu thuẫn bên trong của sự vật qui định.

b. Tính chất của sự phát triển:

- Tính khách quan Đó là quá trình bắt nguồn từ bản thân sự vật, hiện tượng; là quá trình giải quyết mâu thuẫn trong sự vật, hiện tượng đó. Vì vậy, phát triển là thuộc tính tất yếu, khách quan, không phụ thuộc vào ý thức của con người.

- Tính phổ biến của sự phát triển được thể hiện ở các quá trình phát triển diễn ra trong mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy; trong tất cả mọi sự vật, hiện tượng và trong mọi quá trình, mọi giai đoạn của sự vật, hiện tượng đó;

- Tính đa dạng, phong phú của sự phát triển

Phát triển là khuynh hướng chung của mọi sự vật, hiện tượng, song mỗi sự vật, mỗi hiện tượng, mỗi lĩnh vực hiện thực lại có quá trình phát triển không hoàn toàn giống nhau.

Tồn tại ở những không gian và thời gian khác nhau sự vật phát triển sẽ khác nhau.

c. Ý nghĩa phương pháp luận

- Để phản ánh đúng hiện thực khách quan, cần có quan điểm phát triển. Đó là, khi xem xét sự vật phải đặt nó trong sự vận động, phát triển, biến đổi, chuyển hóa lẫn nhau.

- Quan điểm phát triển cũng đòi hỏi không chỉ thấy sự vật như là cái đang có, mà còn phải nắm được khuynh hướng phát triển trong tương lai của nó.

- Vận dụng vào quá trình nhận thức đòi hỏi chúng ta phải thấy tính quanh co, phức tạp của quá trình phát triển như là một hiện tượng phổ biến.

- Sự phát triển biện chứng của các quá trình hiện thực và của tư duy được thực hiện thông qua con đường tích lũy dần về lượng mà tạo nên sự thay đổi về chất, thông qua phủ định của phủ định.

Một phần của tài liệu Tổng hợp kiến thức mac lênin 1 (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)