Phân tích và lựa chọn phương án

Một phần của tài liệu Luận văn Ths NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP BẢO VỆ BỜ BIỂN KHU VỰC XÃ DÂN THÀNH, HUYỆN DUYÊN HẢI, TỈNH TRÀ VINH (Trang 80 - 82)

4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

3.1.3. Phân tích và lựa chọn phương án

Qua kết quả đánh giá tính hiệu quả bằng mô hình toán và kết quả tính toán thiết kế sơ bộ hai phương án, tác giả nhận thấy ưu nhược điểm của từng phương án như sau:

Phương án 1:

Ưu điểm:

Công trình dạng bị động nên tuyến chỉnh trị bám sát mép bờ hiện hữu, ít gây ảnh hưởng lớn đơn các khu vực lân cận, dòng chảy và dòng bùn cát không bị xáo trộn, tuyến bờ biển giữ được nét tự nhiên, ít bị chia cắt.

Ngày nay do trình độ khoa học công nghệ phát triển nên đã có nhiều kết cấu bảo vệ bờ có hình dạng phong phú, tính ổn định và mỹ quan cao đáp ứng được những yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra.

Đây là phương án truyền thống được áp dụng phổ biến ở nước ta nên đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.

Trong quá trình đầu tư có thể chia nhỏ thành nhiều phân đoạn và triển khai theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện nguồn vốn hạn chế, có thể đầu tư chống sạt lở cấp bách cho những khu vực dân cư, hay cơ sở hạ tầng quan trọng.

Điều kiện thi công thuận lợi do thi công gần tuyến mép bờ hiện hữu. Phù hợp với các đoạn bờ biển có điều kiện lấn biển.

Nhược điểm:

Phương thức bảo vệ bờ mang tính bị động, công trình bị tác động trực tiếp của các yếu tố sóng, gió mà không được ngăn chặn từ xa do đó trong tính toán thiết kế cần nâng cao hệ số an toàn để bảo đảm ổn định tổng thể.

Bờ biển bị bê tông hóa làm ảnh hưởng đến tính tự nhiên khi có yêu cầu phát triển du lịch – dịch vụ.

Phương án 2:

Ưu điểm: Phương án này sử dụng các dạng công trình bảo vệ bờ từ xa ngăn chặn và giảm thiểu các yếu tố gây sạt lở tác động trực tiếp lên bờ biển. Đây là phương án mang tính chủ động, vì vậy, mức độ an toàn đối với mục tiêu bảo vệ cao hơn.

Bờ biển ít bị bê tông hóa làm ảnh hưởng đến việc khai thác của các ngành du lịch – dịch vụ bãi biển.

Có khả năng mở rộng quỹ đất bãi biển phục vụ phát triển nông nghiệp.

Nhược điểm:

Do hệ thống công trình được xây dựng ngay trên bãi biển nên phương án này dễ làm mất đi vẻ tự nhiên của bãi biển, không phù hợp cho những khu vực cần khai thác bãi biển cho các mục tiêu khác như du lịch hoặc nuôi trồng thủy hải sản.

Phương án 2 có đặc thù cần phải đầu tư đồng bộ trên quy mô lớn cho cả một khu vực hoàn chỉnh, dẫn đến vốn đầu tư rất lớn nên không phù hợp để áp dụng theo hình thức phân đoạn công trình phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Ngoài khối lượng công trình chính, phần bờ phía trong vẫn cần được xây dựng kè bảo vệ với tính chất chỉnh trang, điều này dẫn đến khối lượng các hạng mục công trình là lớn hơn so với phương án kè bảo vệ bờ trực tiếp.

Điều kiện thi công khó khăn hơn do phải thi công xa bờ và dưới nước, yêu cầu thiết bị chuyên dụng cao hơn.

Phương án 3:

Sự bố trí kết hợp đồng thời cả 2 phương án công trình trên một đoạn bờ biển sẽ tạo nên “hiệu ứng” bảo vệ bờ đạt hiệu quả cao, mặt khác mỗi công trình chỉ thực hiện một phần chức năng nhất định nên quy mô của các hạng mục công trình cũng được giảm đi nhiều so với khi chỉ sử dụng độc lập từng phương án một, “hiệu ứng” này được phân tích như sau:

Công trình xa bờ trong trường hợp này thường được sử dụng là đê giảm sóng. Chức năng của đê giảm sóng có tác dụng làm giảm đi hơn một nửa chiều cao sóng tác dụng vào bờ, như vậy sẽ làm giảm quy mô của công trình kè bảo vệ bờ trực tiếp đi rất nhiều, đặc biệt là việc hạ thấp được cao trình đỉnh kè. Tác dụng gây bồi cho bãi biển của hệ thống đê giảm sóng và mỏ hàn là rất lớn, bãi biển được bồi cao dẫn đến kết cấu chân khay của kè bảo vệ bờ trực tiếp cũng giảm nhẹ đi và cao trình của chân khay cũng được nâng lên.

Phương án chọn:

Bờ biển xã Dân Thành, huyện Duyên Hải là một trong ba khu vực xói lở trọng điểm của tỉnh Trà Vinh, nguyên nhân là do địa hình bờ biển thoải, sóng lớn tác dụng vào bờ và dòng chảy ven bờ cuốn trôi bùn cát. Từ sự phân tích các giải pháp công trình bảo vệ bờ nêu trên, nhằm giải quyết triệt để các vấn đề xói lở bờ thì cần sử dụng phương án công trình tổng hợp để bảo vệ bờ:

Kết cấu của công trình gồm 2 cụm công trình: Đê ngầm giảm sóng cách bờ khoảng 100m đến 300m và kè bảo vệ bờ.

Một phần của tài liệu Luận văn Ths NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP BẢO VỆ BỜ BIỂN KHU VỰC XÃ DÂN THÀNH, HUYỆN DUYÊN HẢI, TỈNH TRÀ VINH (Trang 80 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w