Nghiên cứu về sinh khối và năng suất rừng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và khả năng tích lũy các bon của rừng vầu đắng (indosasa angustata mc clure) thuần loài tại huyện chợ đồn, tỉnh bắc kạn (Trang 20 - 23)

Chương 1: TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

1.1.2.2. Nghiên cứu về sinh khối và năng suất rừng

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu sinh khối rừng được tiến hành khá muộn, tuy nhiên bước đầu cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cho tới nay một số loài cây trồng rừng chủ yếu ở nước ta như Keo tai tượng, Mỡ, Thông mã vĩ, Thông nhựa và Keo lai,… đã được nhiều tác giả nghiên cứu lập biểu cấp đất, biểu thể tích, quá trình sinh trưởng và sản lượng rừng.

Đây là những nghiên cứu ban đầu làm cơ sở cho việc triển khai nghiên cứu sinh khối và tính toán lượng hấp thụ CO2 bởi các loại rừng trồng ở nước ta.

Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu sau:

Cũng sử dụng phương pháp “Cây mẫu” của Newboul D.J (1967), tác giả Hà Văn Tuế (1994) đã nghiên cứu năng suất, sinh khối một số quần xã rừng trồng nguyên liệu giấy tại vùng trung du Vĩnh Phúc [19].

Lê Hồng Phúc (1996) đã có công trình nghiên cứu về sinh khối hoàn chỉnh, đây được xem là tác phẩm mang tính chất đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu sinh khối ở nước ta. Với đối tượng nghiên cứu là Thông ba lá tại Đà Lạt.

Sau khi nghiên cứu, tác giả đã lập được một số phương trình tương quan giữa sinh khối của các bộ phận của cây rừng với đường kính D1.3 [13].

Vũ Văn Thông (1997) với luận văn Thạc sỹ của mình đã xác lập được mối quan hệ giữa sinh khối của các bộ phận với đường kính D1.3 cho loài Keo lá tràm [17].

Hoàng Văn Dưỡng (2000) đã tìm ra quy luật quan hệ giữa các chỉ tiêu sinh khối với các chi tiêu biểu thị kích thước của cây, quan hệ giữa sinh khối tươi và sinh khối khô các bộ phận thân cây Keo lá tràm. Nghiên cứu cũng đã lập được biểu tra sinh khối và ứng dụng biểu xác định sinh khối cây cá lẻ và lâm phần Keo lá tràm ) [4].

Đặng Trung Tấn (2001) khi nghiên cứu sinh khối rừng Đước, kết quả đã xác định được tổng sinh khối khô rừng Đước ở Cà Mau là 327 m3/ha, tăng trưởng sinh khối bình quân hàng năm là 9.500 kg/ha [15].

Nguyễn Ngọc Lung (2004) đã có công trình nghiên cứu về sinh khối rừng Thông ba lá để tính toán thử khả năng cố định CO2 mà cây rừng hấp thụ.

Từ việc nghiên cứu này tác giả đã xác định được một số hàm tương quan mang tích chất định lượng sinh khối [11].

Nguyễn Văn Dũng (2005), khi tiến hành nghiên cứu sinh khối lâm phần Thông mã vĩ và lâm phần Keo lá tràm trồng thuần loài tại Hà Nội đã cho thấy: Thông mã vĩ ở tuổi 20 có tổng sinh khối khô là 173,4 - 266,2 tấn và rừng Keo lá tràm trồng thuần loài 15 tuổi có tổng sinh khối khô là 132,2- 223,4 tấn/ha [3].

Vũ Tấn Phương (2006) khi nghiên cứu về cây bụi, thảm tươi tại Hoà Bình và Thanh Hoá, kết quả cho thấy sinh khối của lau lách khoảng 104 tấn/ha, trảng cây bụi cao 2-3m khoảng 61 tấn/ha, cỏ lá tre, cỏ tranh, cỏ chỉ có sinh khối từ 22-31 tấn/ha. Về sinh khối khô: Lau lách là 40 tấn/ha, cây bụi cao 2-3m là 27 tấn/ha, cây bụi cao dưới 2m và tế guột là 20 tấn/ha, cỏ lá tre 13 tấn/ha, cỏ tranh 10 tấn/ha [12].

Nguyễn Văn Tấn (2006) nghiên cứu về sinh khối rừng Bạch đàn Urophylla ở Yên Bái cho kết quả cho thấy với sinh khối tươi ở tuổi 4 bằng 183,54 tấn/ha, ở tuổi 5 là 219,77 tấn/ha và ở tuổi 5 là 239,19 tấn/ha. Trong đó sinh khối trên mặt đất chiếm từ 77,78% - 89,12%. Tương ứng sinh khối khô ở tuổi 4 là 66,87 tấn/ha, tuổi 5 là 73,53 tấn/ha, tuổi 6 là 96,02 tấn/ha. Trong đó sinh khối khô trên mặt đất chiếm từ 64,27% - 85,92% [16].

Nguyễn Duy Kiên (2007) khi nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 rừng trồng Keo tai tượng (Acacia mangium) tại Tuyên Quang đã cho thấy sinh khối tươi trong các bộ phận lâm phần Keo tai tượng có tỷ lệ khá ổn định, sinh khối tươi tầng cây cao chiếm tỷ trọng lớn nhất từ 75-79%; sinh khối cây bụi thảm tươi chiếm tỷ trọng 17- 20 %; sinh khối vật rơi rụng chiếm tỷ trọng 4-5% [10].

Võ Đại Hải và cộng sự (2009) trong đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu khả năng hấp thụ và giá trị thương mại carbon của một số dạng rừng trồng chủ yếu ở Việt Nam” đã tiến hành nghiên cứu năng suất sinh khối của một số loài cây trồng rừng như: Mỡ, Thông đuôi ngựa, Thông nhựa, Keo lai, Keo lá tràm,… Kết quả đã đánh giá được cấu trúc sinh khối cây cá thể và cấu trúc sinh khối lâm phần rừng trồng, tìm hiểu rõ được mối quan hệ giữa sinh khối cây cá thể và lâm phần với các nhân tố điều tra,…

Góp phần quan trọng trong nghiên cứu sinh khối rừng trồng và nghiên cứu khả năng hấp thụ carbon của một số loài cây trồng rừng sản xuất chủ yếu ở nước ta hiện nay [8].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và khả năng tích lũy các bon của rừng vầu đắng (indosasa angustata mc clure) thuần loài tại huyện chợ đồn, tỉnh bắc kạn (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)