Phần 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
4.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Thị trấn Na Dương dựa trên tài nguyên than đá phát triển công nghiệp khai thác than và nhiệt điện, tuy nhiên kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp. Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm đạt khoảng 10 – 12%.
Tổng thu nhập năm 2013 đạt 50 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế như sau:
Nông nghiệp: 60%
Tiểu thủ công nghiệp: 35%
Thương mại dịch vụ: 5%
Những năm qua Đảng ủy thị trấn đã tập trung cao cho việc lãnh đạo phát triển kinh tế giữ được thế ổn định vững chắc. Trong đó có những lĩnh vực đạt được tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đa dạng, xuất hiện mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu kinh tế đã có sự dịch chuyển đáng kể, tỷ trọng các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có chiều hướng gia tăng.
Nhìn chung, cơ cấu các ngành kinh tế phát triển tích cực, đúng hướng.
Tuy nhiên, trong những năm tới cần tăng cường đầu tư, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại hơn nữa.
Tăng nhanh tỷ trọng của các ngành này trong cơ cấu kinh tế của thị trấn, tiếp tục giảm dần ngành nông – lâm nghiệp (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình).
4.1.2.2. Các ngành kinh tế
a. Nhóm ngành nông – lâm nghiệp
* Nông nghiệp
- Về trồng trọt: Lúa, ngô, khoai tây, thuốc lá và cây sắn là những cây trồng chủ lực của thị trấn Na Dương. Ngoài ra, trên địa bàn còn trồng dưa hấu, khoai lang và cây ớt.
+ Đối với cây lúa, người dân đã chú trọng đầu tư thâm canh tăng vụ kết hợp với việc sử dụng các giống lúa mới cho năng suất cao. Theo thống kê của thị trấn, Na Dương có khoảng 150 ha đất trồng lúa, với cả vụ mùa và vụ xuân đã cho thu hoạch gần 700 tấn thóc.
+ Cây ngô được trồng hai vụ trong năm. Vụ xuân diện tích gieo trồng là gần 53 ha, cho sản lượng trên 287 tấn. Ngô vụ mùa được trồng ít hơn vụ xuân, tổng diện tích ngô vụ mùa và sản lượng chỉ bằng khoảng 1/3 ngô vụ đông.
+ Khoai tây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và mới được người dân trồng hàng hóa trong vài năm trở lại đây. Các giống khoai tây Trung Quốc tỏ ra phù hợp với đất Na Dương. Sản lượng khoai tây của thị trấn đạt trên 80 tấn/năm.
+ Cây thuốc lá được cho là phù hợp với đất Na Dương, diện tích gieo trồng mỗi năm khoảng 35 ha, năng suất 16 tạ/ha, sản lượng 56 tấn/năm.
+ Cây sắn có diện tích gieo trồng không biến đổi trong vài năm trở lại đây, khoảng 18 – 22 ha, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 154 tấn.
- Về chăn nuôi: Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng hộ gia đình tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ. Công tác phòng ngừa dịch bệnh được kiểm soát tốt, có sự phối hợp của cán bộ thú y huyện Lộc Bình và các thú y viên thị trấn đã tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Vì vậy, trong 5 năm 2008 – 2013 gần như không có dịch bệnh nào xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế cho hộ gia đình. Ở thời điểm tháng 6/2010 đàn gia súc, gia cầm thị trấn Na Dương có 187 con trâu bò; 6500 con lợn; 18.500 con gia cầm. Nếu so sánh trong vòng 10 năm trở lại đây thì chỉ có đàn trâu bò có quy mô giảm đi còn lại đàn lợn và gia cầm đều có xu hướng mở rộng quy mô đàn (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình).
* Lâm nghiệp
Rừng là một lợi thế và có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định trữ lượng nước hồ Nà Cáy cả mùa mưa lẫn mùa khô. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách cụ thể đầu tư thích đáng cho việc phát triển ngành lâm nghiệp. Các hộ gia đình đã thực hiện tốt Nghị định 02/CP của Chính phủ, Chỉ thị 06/CT của ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và thực hiện ký cam kết 100% đối với khu, thôn và các hộ gia đình về phòng cháy, chữa cháy rừng, chăm sóc các diện tích rừng thuộc dự án.
Nhiều hộ gia đình đã yên tâm bỏ vốn xây dựng, kinh doanh vườn rừng, vườn quả mang lại hiệu quả kinh tế; nhiều mô hình nông, lâm kết hợp đã cung cấp sản phẩm cho thị trường (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình).
b. Nhóm ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
* Công nghiệp
Thị trấn Na Dương có hai công ty lớn phát triển công nghiệp khai thác than và nhiệt điện. Công ty than Na Dương sử dụng công nghệ khai thác là khai thác lộ thiên bằng các thiết bị hiện đại, bốc xúc bằng máy xúc thủy lực dung tích gầu từ 2,5 đến 6,7 m 3. Vận chuyển bằng ô tô tự đổ có trọng tải dưới 60 tấn. Mỗi năm công ty than Na Dương khai thác trên 600 nghìn tấn với tổng
doanh thu trên 400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 10 tỷ đồng và giải quyết vấn đề việc làm cho hơn 800 lao động.
Về Công ty nhiệt điện Na Dương, được thành lập sau công ty than Na Dương nhưng đã giải quyết được nhu cầu bức xúc đầu ra cho công ty này khi mà các nhà máy xi măng cải tiến công nghệ và không tiếp tục mua than nữa.
Nhà máy nhiệt điện Na Dương được thiết kế với công suất 100 MW đã giải quyết vấn đề việc làm cho gần 300 lao động (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình).
* Tiểu thủ công nghiệp
Sản xuất vật liệu xây dựng là nghề được nhiều hộ gia đình ở thị trấn lựa chọn. Quy mô sản xuất từ những hộ gia đình mở rộng thành những xưởng sản xuất lớn nhỏ khác nhau. Mỗi năm ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở Na Dương cung cấp ra thị trường 13 triệu viên gạch chỉ, 50 vạn viên gạch ba banh xi măng và khoảng 40 tấn vôi. Trong tương lai, sẽ không khuyến khích và phát triển nghề này do ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra trên địa bàn thị trấn còn có các nghề tiểu thủ công nghiệp như đồ gia dụng, chế biến nông sản thực phẩm, chế biến lâm sản, cơ khí sửa chữa nhỏ, các ngành nghề truyền thống phục vụ tiêu dùng của thị trấn, huyện Lộc Bình và các khu vực lân cận (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình).
c. Nhóm ngành thương mại và dịch vụ
Với việc đổi mới cơ cấu kinh tế theo cơ chế thị trường đã thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng nhu cầu lưu thông trao đổi hàng hóa.
Thị trấn Na Dương là trung tâm kinh tế lớn của huyện Lộc Bình, hoạt động thương mại dịch vụ ở thị trấn Na Dương diễn ra sôi nổi. Trên địa bàn thị trấn có trên 250 hộ kinh doanh buôn bán đủ các mặt hàng từ thực phẩm, gia dụng, vật liệu xây dựng đến các mặt hàng phục vụ sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu,…. Thu nhập của các hộ gia đình này khá cao và ổn định. Ngoài ra thị trấn có một hợp tác xã vận tải được thành lập vào năm 2000, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, và các nhu cầu sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy bơm nước chống hạn, máy say sát,… (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình).
4.1.2.3. Thực trạng phát triển xã hội
* Dân số, lao động, việc làm và thu nhập
- Dân số: Dân số trên toàn thị trấn năm 2013 có 7.756 nhân khẩu, với 1.957 hộ, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,08%, mật độ dân số trung bình là 678 người/km2, trong đó dân số tập trung đông ở các khu phố 3, 4, 6 và Na Dương bản (Nguồn số liệu thị trấn tổng hợp cung cấp tháng 10/2010).
Sự phân bố dân cư qua các khu, thôn có sự chệnh lệch khá lớn và tập trung chủ yếu ở dọc các tuyến đường giao thông chính.
Thị trấn có 8 dân tộc, trong đó: dân tộc Kinh chiếm 21,93%, dân tộc Tày chiếm 60,06%, dân tộc Nùng chiếm 17,53%, dân tộc Hoa chiếm 0,36%, dân tộc Sán Chỉ chiếm 0,21%, dân tộc H’mông chiếm 0,02%, dân tộc Khơ Me chiếm 0,05%, dân tộc Mường chiếm 0,01%.
- Lao động - việc làm và thu nhập: Năm 2013, thị trấn Na Dương có khoảng 4.296 người trong độ tuổi lao động (chiếm 55,39%). Trong đó:
+ Lao động nông, lâm nghiệp: 2.437 người + Lao động CN, TTCN, XD: 1.230 người + Dịch vụ, thương mại: 629 người
Có thể nói nguồn nhân lực của xã khá dồi dào song trình độ chưa đồng đều, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá lớn, chủ yếu là lao động làm việc cho ngành than và điện, lao động được đào tạo có tỷ lệ còn thấp.
Trong thời gian tới cần có biện pháp tạo việc làm ngay tại địa phương cho người lao động, nhất là đối với thanh niên tốt nghiệp phổ thông là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu trong thời gian tới.
Nhìn chung, tình hình thu nhập và mức sống hiện nay của các hộ gia đình trong thị trấn ở mức trung bình so với mức bình quân chung của tỉnh.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của thị trấn thường xuyên được kiện toàn. Năm 2013 thị trấn Na Dương có 211 hộ nghèo bằng 10,78%, 162 hộ cận nghèo bằng 8,28%, số hộ khá và giàu ngày một tăng, song những hộ này tập trung chủ yếu ở những hộ có nghề phụ và kinh doanh dịch vụ (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình).
* Thực trạng và xu thế phát triển đô thị trên địa bàn thị trấn
Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển chung của đất nước, dưới sự lãnh đạo Huyện ủy, UBND, đầu tư Nhà nước, sự giúp đỡ hỗ trợ các ngành và nỗ lực của nhân dân, nền kinh tế thị trấn đã có sự chuyển biến tích cực. Vượt qua nền sản xuất tự cung tự cấp phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, từng bước cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc, đẩy lùi các hủ tục và lạc hậu. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 15 – 18%. Cơ cấu kinh tế các ngành có sự chuyển dịch theo hướng thuận, giảm dần tỷ lệ ngành nông – lâm nghiệp.
Năm 2013, được sự quan tâm của tỉnh và UBND huyện Lộc Bình, thị trấn Na Dương đã xây dựng và xét duyệt quy hoạch chung xây dựng thị trấn Na Dương. Trong đó định hướng quy hoạch phát triển thị trấn là đô thị công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp than và điện. Là đô thị công nghiệp phát triển khá ổn định, cho đến nay thực trạng đô thị đã có nhiều chuyển biến lớn ở cả kiến trúc, cảnh quan và không gian đô thị. Các khu nhà ở xây dụng và phát triển đa dạng với kiểu nhà mặt phố 2 – 3 tầng, cạnh đó là nhà liền kề, nhà ở dạng vườn.
Trong tương lai, xu thế phát triển đô thị là tạo được một diện mạo mới hài hòa của một đô thị công nghiệp mà vẫn giữ được cảnh quan xanh hiện đại với những điểm nhấn là không gian cây xanh, quảng trường (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình).
* Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng - Cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Giao thông: Giao thông được ví như là huyết mạch cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, hệ thống giao thông của thị trấn Na Dương đã hình thành tương đối hoàn chỉnh với quốc lộ 4B, tuyến đường sắt chuyên dụng (chở than), đường tỉnh lộ 237 Na Dương – Xuân Dương, và hệ thống đường đi vào các khu hầm mỏ, đường nội bộ.
Đường quốc lộ 4B đi qua địa phận của thị trấn (hướng đi từ thành phố Lạng Sơn đến Tiên Yên – Quảng Ninh) có chiều dài 4 km, hiện đã được tu bổ và trải nhựa với mặt cắt đường là 18 m (lòng đường 9 m, vỉa hè 4,5 x 2).
Đường sắt chuyên dụng để chở đá vôi đi Lạng Sơn và cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Na Dương. Đoạn qua thị trấn dài 3 km, trong đó có hai điểm có 4 làn đường giúp cho việc tránh tàu được thuận tiện.
Đường tỉnh lộ Na Dương – Xuân Dương, đoạn đi qua địa bàn thị trấn dài 2 km, rộng 6 m. Đường rất khó đi lại vào mùa mưa. Trong kỳ quy hoạch cần mở rộng và cải tạo con đường này.
Đường giao thông nội bộ: Rất nhiều đoạn được bê tông hóa rộng từ 1,5 – 3 m và các khu dân cư của mỏ than, một số đoạn còn là đường cấp phối, đường đất. Ngoài ra, có một đoạn đường nhựa nối từ QL 4B vào nhà máy nhiệt điện, nền đường rộng 9 m, đã được bê tông hóa.
Thủy lợi: Hồ Nà Cáy ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt và làm mát cho nhà máy nhiệt điện thì nó cũng cung cấp nước tưới cho 147 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đập Nà Cáy được xây dựng đã lâu, hiện tại công trình đang xuống cấp cần được duy tu và nâng cấp. Các tuyến mương tưới tiêu cho các xứ đồng bị rò rỉ, hư hỏng chưa đáp ứng cho việc tưới tiêu. Do vậy, hoàn thiện đập Nà Cáy, nâng cấp các tuyến mương Nà Cáy – Na Dương phố 1, Nà Cáy – Khòn Toòng hiện có… và từng bước bê tông hóa hoàn chỉnh hệ thống kênh mương.
Bưu chính viễn thông: Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 1 bưu điện văn hóa cung cấp các ấn phẩm báo trí, sách báo khoa học kỹ thuật; gần 1.000 máy điện thoại cố định; hơn 2.000 thuê bao di động; hệ thống sóng truyền hình, truyền thanh của thị trấn và 1 trạm thu phát truyền hình của mỏ. Với hệ thống thông tin này về cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc cho Na Dương.
Hệ thống điện sinh hoạt: Nguồn điện cung cấp cho thị trấn Na Dương hiện nay do nguồn điện của mạng lưới quốc gia cung cấp thông qua trạm 35/6 KV mỏ Na Dương với công suất 2 x 2400 KVA đã đến 16/16 khu, thôn. Phần lớn phụ tải điện phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư dẫn đến làng xóm.
- Cơ sở hạ tầng xã hội
Giáo dục – đào tạo: Tổng diện tích đất dành cho các trường học của thị trấn là 5,60 ha gồm:
Trường cấp III Mỏ Na Dương có diện tích 14.880 m2 khu 9 gồm 12 phòng học và 1 dãy nhà nội trú gồm 16 phòng; trường Trung học cơ sở Thị trấn có diện tích 5.460 m2 tại thôn Khòn Toòng gồm 11 phòng cấp 4, 2 phòng tập thể giáo viên, 1 phòng thí nghiệm; trường Tiểu học Mỏ Na Dương có diện tích 7.985 m2 tại khu 6 gồm 12 phòng học, 1 phòng thí nghiệm, 1 thư viện và 8 phòng tập thể cấp 4 và trường Tiểu học Thị trấn có diện tích 16.964 m2 gồm
10 phòng học và 02 trường Mầm non (trường Mầm non Thị trấn và trường Mầm non Mỏ Na Dương) có diện tích 12.245 m2.
Nhìn chung, hạ tầng giáo dục trên địa bàn thị trấn đã được đầu tư khá khang trang, đã đáp ứng nhu cầu học tập cho con em trên địa bàn thị trấn.
Trong tương lai cần thường xuyên cải tạo, đầu tư thêm trang thiết bị dạy và học mới.
Y tế: Y tế là công tác quan trọng bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Công tác y tế của thị trấn được quan tâm đặc biệt. Năm 2001 thị trấn đã cho xây dựng trạm xá mới trên diện tích 0,02 ha, có 10 phòng, 5 giường bệnh cùng với công trình phụ và khu vệ sinh. Trước đó, trên địa bàn có trạm y tế mỏ nằm trên diện tích 0,02 ha, có cơ sở vật chất tương đối tốt và có vườn thuốc nam rộng. Trạm y tế thị trấn và trạm y tế mỏ thường xuyên kết hợp với nhau trong công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Nhìn chung, công tác y tế trên địa bàn thị trấn đã được thực hiện khá tốt. Trong tương lai, để giảm tải hơn nữa cho các bệnh viện tuyến trên cũng như đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn cần thường xuyên đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế.
Văn hóa – Thể thao
+ Về văn hóa: UBND huyện Lộc Bình đã phê duyệt và cấp kinh phí cho thị trấn Na Dương thực hiện xây nhà văn hóa. Hiện nay 13/16 thôn bản, khu phố trên địa bàn thị trấn đã có nhà văn hóa với diện tích 0,11 ha. Nhìn chung, diện tích các nhà văn hóa còn hạn chế, trong tương lai cần mở rộng các nhà văn hóa hiện tại và mở mới 03 nhà văn hóa mới cho các khu 4, khu 7 và khu 8.
Nhìn chung, phong trào văn hóa văn nghệ của thị trấn diễn ra sôi động, phát huy được bản sắc dân tộc. Thị trấn Na Dương thực hiện công tác vận động xây dựng khu dân cư – thôn xóm văn hóa đã tạo dựng phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu phố, thôn bản văn hóa.
+ Về thể dục – thể thao: Thị trấn có 2 sân bóng, một tại khu 4 (của Công ty than Na Dương) có diện tích 0,61 ha và một tại thôn Sơn Hà diện tích 0,80 ha với tổng diện tích đất là 1,14 ha. Hoạt động thể dục thể thao phát triển rộng khắp trên địa bàn thị trấn, đặc biệt ở các cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị trường học. Nhiều giải bóng đá, cầu lông, bóng chuyền,… được tổ chức hàng