CHƯƠNG 3: HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA THƠ MỚI NAM BỘ
3.1. Đặc điểm về thể thơ
Tìm hiểu thể thơ trên các phương diện như, quy định về số câu, chữ, vần, thanh… thì có thể hiểu rằng, "thể là một kiểu mẫu của văn bản hình thành trong quá trình phát triển của sự giao tiếp bằng lời tương đối ổn định, trở thành quy ước chung, tồn tại trong ký ức của mọi người như là một mô hình cấu tạo văn bản, một
75
thứ siêu ngôn ngữ vừa để biểu đạt vừa để định hướng cho sự tiếp thu biểu đạt”
[37;tr.210]. Như vậy, bản thân thể thơ đã hàm chứa trong nó rất nhiều vấn đề về tính lịch sử của tư duy nghệ thuật, thẩm mỹ thể hiện qua một tác phẩm văn chương.
Qua việc khảo sát Thơ mới Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy về phương diện thể thơ rất đa dạng. Các nhà thơ Nam Bộ không chỉ kế thừa các thể thơ truyền thống mà còn sáng tạo ra những thể thơ tự do, mỗi câu đều có vần, nhưng số chữ trong từng câu không hạn định, mỗi câu thơ dài ngắn khác nhau để bộc lộ tư tưởng tình cảm của mình.
3.1.1. Thơ mới Nam Bộ và mối quan hệ chặt chẽ với các thể thơ truyền thống
Sự hiện diện khá tự nhiên của các thể thơ truyền thống trong quá trình hiện đại hóa thơ ở Nam Bộ là điều cần ghi nhận đầu tiên về đặc điểm của tư duy nghệ thuật phương Nam trên bình diện nhạc tính, với những giới hạn ổn định về câu chữ và thanh điệu của câu thơ. Trong tổng thư mục gần 200 bài Thơ mới được tuyển chọn từ nhiều nguồn như báo chí, sách in,… chúng tôi thấy số bài thuộc thể truyền thống và có liên quan đến thể thơ truyền thống chiếm một số lượng đáng kể.
Lục bát là một thể thơ đa dạng về chức năng, từ chức năng trữ tình, đến cung cấp thông tin, thông báo,… Sự phong phú về chức năng của thơ lục bát được phát sinh từ một thể thơ bản địa có tính đại chúng, tính dân tộc, với sự hoàn hảo về âm luật và giàu nhạc tính, dễ đi vào tình cảm con người. Trong số 165 bài Thơ mới ở Nam Bộ, có 24 bài được sáng tác theo thể thơ lục bát, chiếm 14,5% số tác phẩm được khảo sát (xem bảng phụ lục1).
Song thất lục bát là hình thức phối hợp giữa lục bát với câu thơ bảy chữ.
Đây cũng là một thể thơ truyền thống Việt Nam mà chức năng nguyên thủy của nó là dùng để viết các khúc ngâm, cũng là một thể thơ đa năng, vừa có thể sử dụng vào mục đích tự sự, vừa có thể mang chức năng trữ tình để bộc bạch, giải bày nỗi niềm tâm sự nhờ sự tương tác của lợi thế nhịp điệu và vần điệu. Với 165 bài Thơ mới ở Nam Bộ được khảo sát, có 05 bài được sáng tác theo thể thơ song thất lục bát,
76
chiếm 3% (xem bảng phụ lục 2). Dù thể thơ này chiếm tỉ lệ không nhiều trong sáng tác của những nhà Thơ mới đất phương Nam, nhưng nó cũng là dấu ấn của sự kế thừa truyền thống trên bước đường hiện đại hóa thơ ca.
Việc sáng tác thơ bằng thể lục bát và song thất lục bát của những nhà Thơ mới Nam Bộ, bên cạnh cách sử dụng chân phương còn có cách sử dụng biến thể.
Trong những năm đầu của thập niên 30, nữ sĩ Manh Manh là người đã xông xáo, tiên phong trong việc cải cách câu thơ thoát ra khỏi nạn “bị đẹt” do sức ép của thể cách truyền thống, nhất là ảnh hưởng thơ Trung Hoa. Tuy nhiên, thơ lục bát dường như đã in sâu vào tâm thức nghệ thuật của nữ sĩ, và phối hợp với hai câu thất đã được biến thành thơ tự do một cách rất nhuần nhuyễn: “Trời xanh xanh nước cũng xanh xanh/ Nước xanh xanh trời cũng xanh xanh/ Bao la thế giới một vành/ Nơi nào cũng bến, để dành riêng ai ???” (Sa đà, Manh Manh) [50;tr.246].
Cũng có tác giả mạnh dạn với cách đảo câu sáu tám lên trên hai câu bảy bảy làm tăng tính biểu cảm của bài thơ trước thực trạng xã hội bất công, trái với luật tự nhiên:
“Tại sao em đói? Em ơi!
Tại cơm, tại gạo trên đời thiếu chi Vựa lúa đầy, đổ đi đâu hết?
Mà lắm người chết đói khắp nơi!....
Hỏi có thể ngồi bền, giữ vững
Của mồ hôi quần chúng mãi không?
Phương trời, kìa trận cuồng phong !!!”
(Tế Xuyên, TGTV, 1937).
Hoặc có tác giả sử dụng thể lục bát phối hợp với thơ tự do có câu không giới hạn số chữ đã thể hiện dấu vết của âm hưởng điệu hò Nam Bộ một cách thoải mái như : “Từ buổi em đang lứa/ Từ buổi lúa đang bông/ Em ơi!/ Lúa đang bông lúa trong mùa hái/ Em là gái, em đợi mùa thương/ Em đang đợi một tấm chồng/ Như bông lúa đợi liềm cong, hết rồi!!” (Mộng Hồn Quyên, NKTB, 1944).
Câu lục bát với đặc tính dễ nối thêm về độ dài, cho phép những tác giả Thơ mới Nam Bộ thoải mái thể hiện những cảm nhận về cảnh sắc thiên nhiên êm ả bát
77
ngát, hoặc mở rộng về không gian, thời gian của cuộc sống, của cảnh vật đậm đà sắc thái đồng bằng Nam Bộ. Chẳng hạn các bài thơ Nhớ quê hương của Trần Hồng, Nhớ quê của Việt Châu, Chiều đồng quê của Tịnh Đế, Về quê nhà của Trần Văn Nghĩa, Chiều của Huỳnh Văn Nghệ: “Chim về đáp nhẹ trên ngàn/ Trâu về dưới đám bụi vàng xa xa/ Sông chiều nước lớn tràn bờ…”.
Thể thơ lục bát kết hợp với phong cách ngôn ngữ của thơ cổ điển đã tạo nên những hình ảnh đẹp, đậm đà tính dân tộc như trong bài Nhớ quê của Việt Châu:
“Chiều nay ánh nhạt phồn hoa Một vài du tử theo tà áo bay Lòng quê sực tỉnh chiều nay
Một vài tà áo khôn khuây được lòng!”
Song song với sự kế thừa yếu tố truyền thống, thể thơ lục bát trong Thơ mới Nam Bộ đã có sự đổi mới trong cấu trúc của bài thơ. Các nhà thơ vẫn tiếp tục sáng tác dòng lục và dòng bát đi liền nhau, nhưng trong bài thơ lại được chia thành nhiều khổ, đó là cái mới trong việc sáng tác thơ theo thể lục bát. Bài thơ “Tạ áng hương xuân” của Đông Hồ là một minh chứng:
Tạ áng hương xuân
Lời xuân thăm hỏi ân cần,
Gió xuân đưa áng hương xuân nồng nàn, Tạ lòng bạn cũ muôn vàn,
Nàng xuân thi sĩ còn dan díu tình.
Ngàn Tô cây cỏ xanh xanh
Hồ Đông sông nước loanh quanh tháng ngày.
Gió mưa bao độ đổi thay,
Nhạn hồng thưa vắng nước mây hững hờ.
(Đông Hồ)
Với ưu điểm tuyệt đối là đậm đà tính đại chúng, tính dân tộc, sự ổn định và hoàn hảo về âm luật nên thơ lục bát và song thất lục bát dễ lột tả được nhạc tính cao
78
trong tiếng Việt, góp phần tạo dựng nhạc tính của câu thơ. Cả hai thể thơ truyền thống này đều được sử dụng một cách tự nhiên nhưng hữu hiệu đối với những bài Thơ mới có cảm hứng thiên nhiên, tình cảm, trữ tình thế sự như: Gởi bạn văn chương của Lư Khê, Thời gian tiếng gió của Trúc Lệ , Tiếng chuông chùa của Nguyễn Khải, Làng tôi tôi nhớ của Yến Lan, Đây cánh hoa lòng của Thanh Tú, Nhớ quê của Việt Châu, Thu đi của Kỳ Linh, Gặp nhau của Nguyễn Hữu Trí, Quên của Kim Dzung, Tại sao, tại ai của Tế Xuyên....
Thơ lục bát và song thất lục bát dù không phải là thể thơ chiếm số nhiều trong Thơ mới Nam Bộ, thế nhưng đã có nhiều câu in dấu ấn của sự chăm chút và tâm hồn của một cộng đồng người phương Nam yêu thơ, biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Họ đã vận dụng khá hiệu quả những giá trị ấy trong tiến trình đổi mới thơ mà vẫn yêu quí trân trọng và lưu giữ những dấu vết, nhịp điệu và âm hưởng của hồn thơ dân tộc.
Hiện tượng sử dụng các thể thơ truyền thống để dịch thơ Tây phương, đặc biệt là thơ lãng mạn Pháp cũng là một hiện tượng đáng lưu tâm trong Thơ mới Nam Bộ. Từ cuối thập niên 20 cho đến giữa thập niên 40, có một số bài thơ dịch hoặc phỏng dịch từ thơ ca Pháp sang thơ lục bát hoặc song thất lục bát đăng trên báo chí Nam Bộ như các bài: Tặng hương hồn mỹ nhân uổng tử, Mùa thu và chim én, Nguồn nước, thơ của Theophile Gautier, Mùa hè (Bích Thủy dịch thơ Theophile Gautier). Các bài này trên đăng trên báo Thanh niên tân tiến năm 1929.
Sang thập niên 30 thì có thêm các bài thơ dịch hoặc phỏng dịch khác tiếp tục xuất hiện trên báo Thế giới tân văn 1937 như: Lệ không tan (dịch thơ Nhật), Một thương (Vũ Văn Định dịch thơ Lamartine) , Ta yêu (Lê Uy dịch thơ Pháp). Đầu thập niên 40 vẫn còn một số bài: Đợi một lời (dịch thơ Pháp), Ái tình (Thứ Tiên dịch thơ V Hugo), Hận tình một thuở (Dzã hạc dịch thơ Anvers, NKTB, 1944) Viếng mồ con gái (thơ Victor Hugo, Mã Sanh Long dịch). Những bài thơ này đều được trên tờ báo Nam kì tuần báo năm 1944.
Sử dụng niêm luật, thanh điệu của thể lục bát và song thất lục bát để dịch thơ nước ngoài ra tiếng Việt, các dịch giả đã cho thấy sự tương giao giữa cảm hứng trữ
79
tình nơi các dân tộc là không có rào chắn biên giới dù là họ ở các nền văn hóa khác nhau. Và thơ lục bát còn chuyển tải được một cách khá dễ dàng thứ tình yêu nồng nàn say đắm hơn của cảm xúc Tây phương. Thơ lục bát và song thất lục bát đều chuyển tải được những trạng thái khác nhau của cảm xúc dạt dào của tình yêu, của lòng yêu mến thanh xuân và cái đẹp, có cả ngọt ngào lẫn ngậm ngùi: “Biết bao duyên thắm, tình nồng/ Ngạt ngào hương khắp vườn hồng cỏ cây/ Mỏi mòn từng mảnh lá bay/ Trong vòng xuân sắc mạng rày yểu vong” (Thơ Ronsard, Bích Thủy dịch, báo TNTT, 1929). Ngoài ra, các dịch giả thơ nước ngoài đều không e ngại với việc sử dụng các thể lục bát và song thất lục bát thuần túy hoặc họ linh hoạt biến thể một cách tự nhiên từ vốn liếng nghệ thuật truyền thống.
Sự sử dụng thể lục bát và song thất lục bát để dịch thơ, làm thơ với cảm hứng mới cũng đã hé mở một góc thú vị trong quan niệm về hiện đại hóa của người làm thơ đất phương Nam. Không chỉ là loại bỏ những yếu tố rõ ràng có thể “làm đẹt”
hồn thơ (như cách nói của nữ sĩ Manh Manh), mà quan trọng hơn nữa là họ còn biết bảo tồn và làm mới những hình thức truyền thống để chuyển tải những cung bậc cảm xúc của tâm hồn hiện đại. Thể thơ này có một sức mạnh nghệ thuật vững bền và đầy sức thuyết phục, đã từng làm hài lòng cả hai dòng văn học cổ điển và bình dân. Vì vậy, thơ phương Nam trong quá trình hiện đại hóa không thể xa rời thể thơ đa năng này cũng là điều dễ hiểu.
3.1.2. Thể thơ tự do - sự phóng khoáng của tư duy thể loại
Các thể thơ hiện đại được sử dụng trong Thơ mới Nam Bộ bao gồm các thể thơ tự do có câu 3, 4, 5, 6, 7, 8 hoặc hỗn hợp nhiều câu thơ từ ngắn vài chữ đến dài chín, mười chữ.
Thơ năm chữ: Đây là thể thơ được các nhà Thơ mới Nam Bộ sử dụng mức độ không nhiều. Theo chúng tôi thống kê chỉ có 06/ 165 bài, chiếm tỉ lệ 3,6%
(xem bảng phụ lục 3). Ở thể thơ này, các nhà thơ Nam Bộ sử dụng không giống như thể thơ ngũ ngôn bát cú trong thơ cũ. Vì thế, nó không bị gò bó về vần, niêm và đối nhau, không hạn chế về số câu, chia thành nhiều khổ, mỗi khổ có bốn câu hoặc nhiều hơn, được gieo theo vần hỗn hợp (kết hợp nhiều vần bằng hay nhiều vần trắc) làm cho câu thơ khi nhẹ nhàng khi mạnh mẽ, phù hợp cho việc diễn tả
80
nhiều tâm trạng khác nhau. Chẳng hạn như bài thơ “Mây về đâu” của Đông Hồ sáng tác theo thể năm chữ gieo vần hỗn hợp, làm cho nhịp điệu câu thơ réo rắt, lên bổng xuống trầm, phù hợp để diễn tả tình cảm sâu lắng, chung thủy của người con trai dành cho người con gái: “Vô định đời mây nổi/ Về đâu, bay mãi mãi./ Yên lặng với thời gian,/ Ngàn non còn trở lại./ Đứng mong một ngày kia,/ Làn mây bay trở về”.
Với các cây bút thơ chuyên nghiệp, thể thơ năm chữ thường được họ vận dụng để bộc lộ nỗi niềm. Đông Hồ tỏ ra khá thành thạo với thể thơ này: “Đôi lứa cũng xa nhau/ Tuổi xuân còn mãi đâu/ Biệt ly này mới biết/ Chi xiết nỗi thương đau”(Tuổi xuân). Hoặc trong bài Bức tranh xuân của Mộng Tuyết: “Náo nức tin xuân đến/ Năm tàn, dám nghỉ kim/ May nhanh chiếc áo tết/ Hớn hở mặc chàng xem”. Lư Khê cũng góp phần làm phong phú hơn cho thể thơ này với bài Hãi hùng đầy thú vị:“Má em cũng màu hoa/ Sắc hồng ngó mặn mà/ Mắt liếc trông lóng lánh/ Nhoẻn cười, răng ngọc ngà”. Hơn một lần, Huỳnh Văn Nghệ sử dụng những câu thơ năm chữ để chuyển tải liên tục mạch cảm xúc trước mẩu ký ức vọng về của một thời thơ ấu vừa cơ cực của đứa trẻ nhà nghèo, lại vừa ngọt ngào trong tình thương của mẹ: “Mắc cỡ và sợ đau/ Không tiền may đồ mới/ Nên con đành trốn học/ Để chờ ngày mẹ giàu” (Trốn học).
Thông qua một số bài thơ đã dẫn, cho thấy, thơ năm chữ đã ít nhiều thể hiện được các trạng thái, cung bậc cảm xúc của người làm thơ trước một ngữ cảnh nhất định. Đặc biệt, sự phối hợp một cách tự nhiên giữa câu thơ năm chữ với các câu thơ dài ngắn khác nhau còn đem lại vần điệu phóng khoáng cho thơ Mộng Tuyết, qua đó bộc lộ khát vọng tự do đang trào dậy trong lòng: “Mấy vần thơ đợi gió/ Lòng xuân thắm đỏ/ Lòng thuyền nho nhỏ/ Đợi nước triều lên/ Triều đã lên rồi, trăng cũng lên/ Trăng lên rồi đó, gió chưa lên” (Đợi gió).
Tuy không nhiều, nhưng thể thơ năm chữ tỏ ra khá thích nghi với những đòi hỏi biểu cảm tự do, là điều kiện hàng đầu của Thơ mới Việt Nam trong thời đoạn ấy chứ không riêng gì Thơ mới Nam Bộ. Nhiều bài thơ năm chữ chỉn chu về vần điệu, chuyển tải tốt các trạng thái tâm hồn con người với nhiều nguồn cảm hứng khác nhau qua các cây bút thơ Nam Bộ như Manh Manh, Lư Khê, Đông Hồ, Mộng
81
Tuyết, Hồ Văn Hảo, Huỳnh Văn Nghệ... Ở ngoài miền Bắc có Nguyễn Nhược Pháp với bài Đi chùa Hương, Lưu Trọng Lư với bài Còn chi nữa và Nguyễn Bính với bài Thoi tơ.... đã chinh phục được tình cảm của người yêu Thơ mới qua nhiều thế hệ.
Thơ bảy chữ theo phong cách phương Tây khá phổ biến trong Thơ mới Nam Bộ, các nhà thơ nổi tiếng lẫn các nhà thơ quần chúng đều ưa dùng. Theo thống kê của chúng tôi, trong số 165 bài Thơ mới Nam Bộ, có đến 62 bài thơ thể bảy chữ, chiếm 37.7% (xem bảng phụ lục 4). Tiêu biểu nhất, có thể kể đến những bài thơ:
Khóc Linh Phượng, Mua áo, Giấc mộng tình, Giấc mộng thiên thai, Xuân lạc lối về, Chinh chiến, Lệ chiến, Cô gái xuân, Bốn cái hôn, Cái hôn lần đầu, Tết còn trinh trắng, Đợi mùa xuân lớn....của Đông Hồ; Mười bài tương tư, Làm cô gái Huế, Em trả thù, Em bị cười, Dương liễu tân thanh, Mười khúc đoạn trường, Chiếc lá thị thành...của Mộng Tuyết; Buổi ấy, Nhủ nhau, Nhớ lại buổi nào, Vô tình của Lư Khê;
Bà bán cau, Thanh niên, Nhớ Bắc, Tha hương, Thú tội, Cờ của Huỳnh Văn Nghệ;
Gió bấc, Tình không, Tiếng nhạc bên lầu, Bị đày, Giang hồ (trong tập Thơ ý ) của Hồ Văn Hảo,...
Ngoài ra, các cây bút không chuyên cũng có nhiều bài thơ bảy chữ khá hay được đăng tải trên các báo lúc bấy giờ như: Thơ bên giếng của Đỗ Huy Nhiệm;
Đêm trăng chơi thuyền của Nguyễn Hữu Trí; Thuyền câu, Em trách của Huỳnh Văn Ngạn; Bao giờ mới của Lê Đằng; Đường quê của Hường Hoa; Đêm trăng thôn quê của Lâm H, Lan; Chiếc nhẫn huyền đen của Du Dương; Thôn nữ thăm đồng của Phạm Chi Lang; Dưới nắng trưa của Ngọc Lê; Tiếng khóc bên đường của Thúy Rư;
Cảnh xuân Nam kỳ của Dĩ Hòa....
Trong những bài trên, thơ bảy chữ theo phong cách phương Tây đã được các nhà thơ sử dụng một cách tự nhiên, tuôn chảy thành thục cũng như thơ lục bát đã đi ra từ câu ca dao vậy. Thơ bảy chữ được sử dụng trong việc chuyển tải khá nhiều sắc thái cảm xúc như trữ tình tình cảm, trữ tình xã hội... Từ những cảm xúc trữ tình tình yêu ngọt ngào, tinh tế mà cũng không kém phần táo bạo chịu ảnh hưởng của sự cổ vũ cái Tôi cá nhân: