CHƯƠNG 4: CHÂN DUNG NHỮNG NHÀ THƠ MỚI TIÊU BIỂU Ở
4.1. Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh)
Nguyễn Thị Kiêm (1914- 2005) quê ở Gò Công nhưng cả cuộc đời học tập, hoạt động văn hóa văn học lại gắn bó với mảnh đất Sài Gòn và lan tỏa ra tới
108
Hà Nội. Được may mắn tiếp nhận một nền tảng giáo dục mới mẻ tại trường nữ trung học ở Sài Gòn, Nguyễn Thị Kiêm đã tốt nghiệp Thành chung và đi dạy học. Song người thiếu nữ năng động tài hoa này đã không dừng lại ở đó, mà cô vừa dạy học vừa tham gia hoạt động xã hội vừa viết báo, đã có bài đăng ở các báo như Công luận, Nữ lưu, và nhất là báo Phụ nữ tân văn, tờ báo có công lớn nhất trong việc truyền thông cổ vũ cho quá trình hiện đại hóa thơ ca ở Nam Bộ.
Ngoài ra, nữ sĩ Manh Manh còn tham gia hoạt động diễn thuyết. Tính tổng cộng, nữ sĩ đã có sáu bài diễn thuyết về nhiều đề tài có liên quan đến vấn đề phụ nữ trong gia đình và xã hội, trong đó, về văn học có hai bài bàn về lối Thơ mới (1933). Từ hai bài diễn thuyết ấy, nữ sĩ đã góp phần mở ra một trào lưu Thơ mới trẻ trung và đầy sức thuyết phục với những hồn thơ đang khao khát một khoảng trời nghệ thuật rộng mở bao la.
Ngay sau khi vừa bước chân vào làng báo, làng văn, người thiếu nữ tân học mới 19 tuổi đã sớm khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn Nam Bộ, bởi “lịch sử Hội khuyến học hai mươi lăm năm trời lần đầu tiên mới có nữ sĩ đăng đàn diễn thuyết” [49,tr.260]. Thời gian ấy, báo Mai của Đào Trinh Nhất đã gọi Manh Manh là “nữ tiên phong Thơ mới ở Nam Kỳ”, báo Phụ nữ tân văn ghi nhận “hình ảnh của một chiến sĩ nhiệt tình đấu tranh cho quyền lợi của nữ giới”.
Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam từng ghi nhận về Manh Manh là một nữ sĩ “có tài và có gan” [102;tr.22] và khẳng định: “Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng là lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế” [102;tr.22]. Và, kể từ nữ sĩ Manh Manh, “Thơ mới đã bắt đầu có cơ sở, trong làng thơ người ta sốt sắng thêm!” [102;tr.22].
Năm 1932, một lần đăng đàn diễn thuyết trong chương trình cổ vũ việc thành lập Nữ lưu học hội, Nguyễn Thị Manh Manh trong bài Phụ nữ và văn học đã phát biểu rất nhiều ý kiến mới mẻ về văn chương và phụ nữ với văn chương.
Nữ sĩ đã phản đối hiện tượng người phụ nữ bị thành kiến o ép về nhiều mặt,
109
ngay cả ở lĩnh vực văn chương, nên đã lưu ý rằng: “Rất đáng chú ý ở làng văn nữ giới là sự “nam hóa” (La Mascueilnsation) nghĩa là sự đàn bà muốn hóa làm đàn ông”. Và nữ sĩ còn khẳng định: “Đàn bà muốn học theo cái cứng cỏi của đàn ông cũng chưa bớt được cái uyển chuyển của đàn bà”. Lời khẳng định càng mạnh mẽ hơn khi nữ sĩ đã cho rằng “Nếu các chị em trong nước đã cùng tôi nhận thấy cái địa vị của mình ở trong văn học tất phải muốn cho cái địa vị đó ngày càng cao”. Đây là lời dự báo cho những bước xông pha mạnh mẽ vào làng thơ của Manh Manh. Và bước đầu, Manh Manh đã ứng khẩu diễn thuyết, “định nghĩa chữ thơ, giải rõ ràng vì sao mà phải bỏ khuôn khổ cũ… Cô Nguyễn không chỉ nói về thơ ca mà thôi, cô còn đem Verlaine, Baudelaire ra để nhắc cho các ông Tân Việt nhớ một ít văn chương Pháp” (PNTV, 1933)
4.1.1. Manh Manh - Tiếng chim báo bình minh của Thơ mới Nam Bộ Năm 1933, Nguyễn Thị Kiêm đã chính mình thực hiện lời kêu gọi ấy bằng hành động của một cánh én trẻ trung báo hiệu sớm nhất mùa xuân của thơ ca Việt Nam hiện đại với bài diễn thuyết Về lối Thơ mới. Nữ sĩ mạnh dạn khẳng định hạn chế lớn nhất của các thể thơ xưa chính là “bao nhiêu cái đề hay, bao nhiêu cái ý tưởng sâu đều đã có một hạng thi sĩ tài năng thời xưa phô tả hết rồi, người đi sau vì cái vòng niêm luật ấy phải lập lại câu cũ ý xưa mà thôi”, còn thơ lục bát và song thất lục bát thì “tuy nội dung ít bị khép hơn thơ Đường luật song cái hình thức vẫn bắt ta lập lại khuôn sáo cũ” [51;tr.59].
Sau đó, vừa lý luận vừa thực hành, Nữ sĩ Manh Manh đã sáng tác lần lượt 10 bài thơ làm theo lối mới. Đó là các bài Viếng phòng vắng, Thơ gửi em Vân, Mộng du, Canh tàn, Lá rụng, Sa đà, Hai cô thiếu nữ, Bức thư gửi cho tất cả những ai ưa hay là ghét lối Thơ mới, Một bài Thơ mới gửi cho các anh ghiền:
Bà Lafugie- nhà thám hiểm và họa sĩ, Đêm khuya qua Xuân Lộc. Những bài thơ này đều mới mẻ về cảm hứng lẫn vần điệu, là sự phản ánh một hồn thơ lãng mạn mạnh bạo bước đi những bước đầu tiên bằng chính những thử nghiệm nghệ thuật để qua đó bộc lộ một cái Tôi cá nhân mạnh mẽ và đầy cá tính.
110
Tất cả 10 bài thơ đó đều được viết bằng “lối mới”, đậm nét ảnh hưởng Tây phương về câu thơ, nhịp thơ lẫn vần điệu như chính nữ sĩ khẳng định chủ kiến của mình là “làm theo lối thơ Tây”. Chẳng hạn như bài Canh tàn mà tiêu biểu là 2 khổ thơ: “… Gió đêm thoáng qua cửa/ Não dạ, dế tỉ te/ Lạnh ngắt chốn buồng the/ Em ôi, khêu chút lửa/ ...Não dạ, dế tỉ te/ Gió ru, thiết chi nữa/
Em ôi khêu chút lửa/ Rồi lại ngồi đây nghe”.
Bài thơ có 4 khổ, được tác giả giải thích cách cấu tạo bài thơ như sau: “bài này có 4 khúc mỗi khúc 4 câu mỗi câu 5 chữ… Khác là câu thứ câu thứ 2 và 4 của khúc trước đem vô khúc kế làm ra câu thứ 1 và thứ 3. Tôi ngụ ý đặt bài này theo bài Harmonie du soir của Charles Baudelaire có mấy câu lặp đi lặp lại không phải vì túng vận hay chỉ để êm tai, mà thật là vì cái dụng ý của để tả cái buồn cứ vấn vít theo mãi!!!” Hoặc như trong bài Hai cô thiếu nữ, nữ sĩ Manh Manh đã sử dụng kỹ thuật điệp: “Hai cô thiếu nữ đi ra đồng/ (Một cô ở chợ một cô ở đồng)/ Hai cô thiếu nữ đi ra đồng/ Một mảnh lụa hồng một vóc vải bông”.
Tác giả giải thích “Hai câu 1 và 3 lặp lại. Cái đề là Hai cô thiếu nữ thì bài này chỉ thuật chuyện hai cô thiếu nữ, tác giả không để mình vô trong đó; không nói cảm tưởng của mình cũng không phê bình câu chuyện, để cho mặc ý người đọc phán đoán… Mấy câu lặp lại vừa là cái giây liên lạc trong bài vừa là cái điệu riêng của bài. Nhiều người cho rằng như vậy đỡ kiếm vần và dễ làm lắm, kéo dài bao nhiêu cũng được và làm mấy chục bài cũng được... Nhưng nếu mà không khéo lặp sẽ làm nghẹt bài thơ lui không lui tới không tới…” [51;tr.67].
Ngoài ý nguyện làm mới nghệ thuật vần điệu của thơ ca, nữ sĩ Manh Manh còn mạnh mẽ khơi mào một dòng thơ mới và có cảm hứng từ cuộc sống xã hội đương thời. Nữ sĩ đã đề cập đến hai bài thơ của Hồ Văn Hảo với hai cảm hứng khác nhau là cảm hứng trữ tình tình cảm và cảm hứng trữ tình thế sự. Đó là hai bài Tự tình với trăng và Con nhà thất nghiệp.
Nữ sĩ khẳng định Tự tình dưới trăng có giọng thơ rất phù hợp với cảm hứng chính của bài, có “câu văn êm đềm mà rõ rệt” dù nữ sĩ cho là “ý tưởng của
111
bài là hơi cũ”: “Màn trời ai vén/ Để chị hằng mặt thẹn đỏ tươi tươi/ Một nụ cười/
Ra chiều xẻn lẻn…”.
Nhưng tới bài Con nhà thất nghiệp thì Manh Manh cho rằng đã rất mới vì
“chẳng phải than thân trách phận, tả cảnh hoa tàn nguyệt xế suối chảy chim ngâm, mà là một cảnh thiết thực, một cảnh khổ có thật trong đời: người thất nghiệp… Có lẽ trong thơ văn, người cu li ở trần quần vắn là một động vật không có gì lãng mạn chăng? Có lẽ cái bi kịch của một người nghèo khổ phải đi ăn trộm hụt chúng la ăn trộm, rồi anh chạy trốn, không có gì lạ đáng được để ý chăng?”. Câu hỏi của Manh Manh đã hàm ý khẳng định sự mở rộng cảm hứng của nguồn thơ trữ tình là không loại trừ nhiều bình diện khác nhau của cuộc sống con người. Đây là quan niệm thật sự rất mới mẻ.
4.1.2. Cảm hứng lãng mạn khoáng đạt và cái Tôi cá nhân đặc sắc Nói đến Thơ mới thì không thể tách rời cảm hứng lãng mạn mà dấu hiệu đặc thù của nó là các trạng thái rung động, xúc cảm, tưởng tượng, khát vọng…
Manh Manh làm thơ không nhiều nhưng thơ của nữ sĩ có đầy đủ những yếu tố đặc thù của thơ ca lãng mạn. Ta có thể tìm thấy một thoáng giây thoát khỏi thực tại nhỏ bé chật hẹp để mơ về một chân trời xa xôi đầy quyến rũ: ‘‘Rủ nhau cả hai ta phiêu bạt/ Biển đông bèo dạt/ Chim trời cánh hạc/ Phương nào gió tạt/Rủ nhau cả hai ta phiêu bạt”.
Nhưng kết thúc bài thơ vẫn man mác nỗi nhớ của kẻ lạc loài dù đi tới đâu cũng hoài niệm về cố quốc: “Rủ nhau cả hai ta phiêu bạt/ Theo đường mây ta lạc nẻo về/ Nước trời man mác tỉnh mê/ Bạn ơi, Tổ quốc, hồn quê, hướng nào”
(Sa đà).
Nỗi niềm thương nhớ về những tình cảm đã mất mát, biệt ly, đã xa xôi nhưng vẫn còn những âm vang vọng về, thường thấy trong thơ ca lãng mạn và cũng là nguồn cảm hứng của thơ Manh Manh: “Gió lọt phòng không/ Tạt hơi đông/ Lạnh như đồng/ Ngồi tơ tưởng/ Tình xưa phất phưởng/Ấm dịu cõi lòng….” (Viếng phòng vắng).
112
Từ cảnh thiên nhiên gợi lên những hoài niệm quá khứ, nữ sĩ Manh Manh từng có những vần thơ lãng mạn có sự hòa điệu giữa thiên nhiên và con người mà trong đó, mỗi ngọn cỏ, mỗi chiếc lá mùa thu cũng gợi nỗi niềm về sự phôi pha, rời rã của mối tình cũ trước sự tàn phá của thời gian: “Ôi rừng cây cỏ rũ/
Ôi !! Các/ Lá vàng tơi tả rụng !!!/ Biết bao mảnh tình vụn/ Đã thoát/ Theo thời gian cũ !.... ” (Lá rụng).
Nhưng những phút thả hồn theo nỗi sầu mất mát phôi pha, thả hồn vào sự vắng lặng của hoài niệm sâu lắng trong tâm hồn cũng không làm mất đi một cá tính độc lập và sắc sảo. Ở Manh Manh thấp thoáng bóng dáng của người đi khai phá một lĩnh vực không dễ dàng gì, nhất là ở buổi giao thời tân cựu, trong khi đó, vị trí và sự cống hiến của phụ nữ trong xã hội không phải lúc nào cũng được ủng hộ. Tuy nhiên, ta vẫn thấy một Manh Manh bản lĩnh, tự tin vào chính mình và tin vào những gì mình làm cho nền văn học dân tộc, đặc biệt là Thơ mới :
“Đất trước để yên, đất sau lo xới
Đất mới thì ít khô khan hơn đất dụng rồi Rủ nhau khai phá, cất thêm số mới
Nếu thật tình trồng cây thơm mọc nhánh đâm chồi Bây giờ thì tôi chỉ khuyên khách làng thơ
Đổi lại ai ưa Thơ mới lo tìm chỗ dở Ai ghét ráng tìm cái hay của thơ
Vậy chê khen có giá trị, hoa mới sẽ nở.”
(Bức thơ gửi cho tất cả những ai ưa hay là ghét Thơ mới) Bản thân vần điệu của bài thơ cũng đầy cá tính và còn mang một chút gì hơi ‘‘thách thức’’đối với người làm thơ khi nữ sĩ lựa những thanh trắc và những
‘tử vận’’ để xây dựng nên giọng điệu bài thơ. Đây là bài thơ của một người luôn tin rằng vấn đề khen hay chê, ghét hay thích Thơ mới thật ra không quan trọng bằng khả năng làm mới thơ ca.
Bên cạnh tâm hồn dạt dào tình cảm, Manh Manh còn là một nữ sĩ mà lương tri và sự thẳng thắn rất đáng khâm phục. Đó là một con người hiểu rất rõ
113
về khả năng của mình và hiệu quả của những gì mình đã làm là tương đối. ‘‘Tôi xin nhắc rằng chúng tôi không hề nói mình đặt ra những câu Thơ mới hoàn toàn xuất sắc bao giờ, chỉ mong rằng lối thơ mới được nhiều người để ý đến và nó có thể trở nên một lối thơ thông dụng để tả một cách thiết thực rõ ràng những tình cảm của các thi sĩ hiện thời’’. Bằng lời khẳng định khiêm tốn đó, nữ sĩ Manh Manh đã cho thấy sự cống hiến lớn lao của bà nằm ngay trong ước mơ đơn giản mà cao quý.
Đó là niềm mong mỏi của người có thiện ý muốn thổi luồng sinh khí mới vào thơ ca dân tộc, từ đó mở ra những con đường rộng lớn hơn, mênh mông hơn cho cảm xúc thăng hoa bằng những đôi cánh phóng khoáng của nghệ thuật. Và đáng trân trọng hơn nữa là trên khung trời Thơ mới bát ngát ấy, nữ sĩ muốn cho tất cả mọi người làm thơ, yêu thơ đều được bước vào thế giới nghệ thuật riêng với sự độc lập sáng tạo của chính mình. Với nữ sĩ, năng lực cá nhân là quan trọng trong sự sáng tạo nghệ thuật, cho dù người đọc có hoặc không có thiện cảm với Thơ mới. Tôn trọng cá nhân trong sáng tác chính là điều ‘‘mới’’ nhất mà nữ sĩ Manh Manh dấy lên được trong thời gian gắn bó với phong trào hiện đại hóa thơ ca ở Nam Bộ đầu thập niên 30.
Nữ sĩ Manh Manh là người tiên phong trong phong trào Thơ mới. Qua bài thơ Hai cô thiếu nữ, bằng nghệ thuật ẩn dụ, bà đã xác định hai khía cạnh vật chất và tinh thần của cuộc đời mà con người luôn tìm kiếm: ‘‘Mỗi người, tay xách một giỏ mây/ Băng đi tha thướt dưới bóng nhành cây/ Mỗi người, tay xách một giỏ mây/ Cô kia bắt cá, cô nầy hái hoa”. Hai cô thiếu nữ chính là hai nàng thơ có đủ cả món quà của cuộc đời là cái đẹp (giỏ bông) và cái thực tế (giỏ cá).
Cả hai đều là tặng vật có giá trị ngang nhau đối với cuộc đời: “ …Cô ở đồng tay đưa giỏ cá/“Bà ơi, cái ni bán được cao giá”/…Cô ở chợ tay đưa giỏ bông/ “Bà ơi thứ này bán được tiền không/ Nếu bà không bán, cho bông cháu bà”.
Đó là hai tặng vật xuất phát từ những tấm lòng yêu đời, yêu người, tặng thế nhân những gì mình có thể tìm kiếm được hoặc mình yêu thích. Và đây là lựa chọn của quần chúng, và người làm thơ hoàn toàn tôn trọng lựa chọn đó: “Bà
114
lão cười rồi lại nói vầy/ Ở đồng ai có mua chi thứ này/ Bà lão cười rồi lại nói vầy/ “Cháu nhà trông gạo, bông này quản chi”? (Hai cô thiếu nữ).
Nữ sĩ Manh Manh muốn nhấn mạnh, người cầm bút phải hiểu rằng thơ ca của một trào lưu mới mẻ tự do thì không bao giờ bị giới hạn cảm xúc, dù là cảm xúc trước cái đẹp hay cảm xúc trước cái thực. Dù đến với cảm hứng nào, thì nhà thơ đều có nhiệm vụ làm tròn sứ mệnh với cuộc sống và con người. Ngay khi công chúng chỉ chọn cảm xúc hiện thực (giỏ cá) mà không chọn cảm hứng lãng mạn (giỏ bông) thì hình ảnh người làm thơ vẫn còn đọng lại rất đẹp trong không gian thơ quen thuộc mà mới mẻ - cánh đồng có hoa, có cá, đã trở thành cánh đồng thơ. Ở đó, cái thực cũng đã trở thành nguồn cảm hứng, và thi nhân vẫn nặng tay với lòng yêu mến cái đẹp cho dù công chúng chưa thể nào chọn lựa nó:
“Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng/ Cô ở đồng hay nhẹ hẩng tấm lòng/ Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng/ Cô áo hồng mang nặng cái giỏ bông”.
Với những suy nghĩ mới mẻ và hành động thiết thực hướng về một nền Thơ mới Việt Nam, nữ sĩ Manh Manh xứng đáng là “tiếng chim báo bình minh của Thơ mới Nam Bộ”. Hồ Văn Hảo từng đánh giá về Manh Manh: “Lối thơ mới mà cô Nguyễn Thị Kiêm xướng khởi, đã chiếm một địa vị vẻ vang trong thi giới hiện thời. Tiếp theo Phụ nữ tân văn, rất nhiều báo khác như Phong Hóa, Bạn Trẻ, Nhật Tân, Sao Mai, Thanh Nghệ Tĩnh, … hết sức tán thành” [51;tr.49].
4.2. Hồ Văn Hảo
Hồ Văn Hảo (sinh ngày 14/2/1917 – chưa rõ năm mất), ông quê ở làng Tân Qui Đông, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Đầu thập niên 30 của thế kỉ XX, trên thi đàn Nam Bộ, Hồ Văn Hảo xuất hiện với tư thế của một cây bút thơ đầy đủ ‘‘lý thuyết và thực hành’’, hứa hẹn một sự đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy sự phát triển của một trào lưu thơ ca mới mẻ và đầy sức sống. Bài viết Một kỷ nguyên mới trong văn học ta (PNTV, 1934) của Hồ Văn Hảo đã thể hiện những suy nghĩ, nhận thức, tâm tình của một cây bút thơ đầy tâm huyết đối với khúc quanh lịch sử quan trọng mà mình đã và đang chứng kiến. Với một khát vọng mãnh