CHƯƠNG 3: HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA THƠ MỚI NAM BỘ
3.3. Đặc điểm giọng điệu thơ
Giọng điệu là một trong những phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm văn chương và là yếu tố tạo nên dấu ấn phong cách của nhà thơ. Trong thơ trữ tình, “giọng là một cấu trúc tổng hợp giữa âm điệu, từ ngữ và ý nghĩa diễn đạt, đồng thời là hiệu quả cảm nhận và khu biệt ý người nhận do cấu trúc thơ đưa lại. Nếu giọng thơ khi có khả năng khu biệt với các giọng khác thì cũng có nghĩa là một phong cách được định hình, ổn định và không thay đổi được” [37;tr.88].
3.3.1. Giọng điệu trữ tình biểu cảm trực tiếp
Giọng trữ tình thể hiện qua lớp từ biểu cảm, thể hiện tình cảm, tâm trạng và dòng chảy sinh động của nhịp điệu tâm hồn từ trạng thái này sang trạng thái khác trong lớp lớp cảm xúc nối nhau trong tác phẩm thơ trữ tình. Giọng trữ tình thường được chuyển tải qua hệ thống tín hiệu đặc thù hoặc qua lớp từ có giá trị biểu cảm nhờ các biện pháp tu từ, chúng được nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật.
Giọng biểu cảm trữ tình xuất hiện trong nhiều chủ đề như tình yêu thiên nhiên đất nước, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa, tình đồng bào, tình người nhân đạo. Và, giọng biểu cảm trong Thơ mới Nam Bộ còn được biểu hiện khá sắc bén trong thơ trữ tình xã hội.
Về căn bản, giọng biểu cảm trữ tình hiện diện qua một số biện pháp tu từ như ẩn dụ, phóng đại, hoặc với lớp từ cảm thán, dấu cảm đi kèm với ngôn ngữ thơ
102
và được sử dụng trong hầu hết các chủ đề thơ trữ tình, từ thiên nhiên, con người tới các vấn đề xã hội.
Những câu thơ miêu tả thiên nhiên với các dấu chấm tu từ đặc biệt, bộc lộ được tâm tình của con người trước cảnh. Đó là trạng thái ngạc nhiên, thán phục sự kỳ vĩ của dòng sông cuồn cuộn chảy mà sự lớn lao của nó không thể ước lượng bằng mắt thường, mà phải được đo bằng chiều kích vũ trụ mới đúng tầm của nó:
“Cửu Long kìa! Tám rồng đâu nữa? một là đây!/ Sóng nổi cuồn cuộn, bờ bến mịt mù, rộng thấy!/ Đầu từ núi bắc, chân tận biển nam, dài thay!” (Ở Mỹ Tho, trên bờ Cửu Long Giang cảm tác, Không rõ tác giả, PNTV, 1931).
Hoặc giọng biểu cảm được thể hiện bằng việc sử dụng các dấu chấm cảm để chỉ trạng thái náo nức của cảm thức cá nhân tự do trong việc thiết lập một vũ trụ riêng của tâm hồn mình và muốn khẳng định quyền tự do: “Trời xanh xanh nước cũng xanh xanh/ Nước xanh xanh trời cũng xanh xanh/ Bao la thế giới một vành/
Nơi nào cũng bến, để dành riêng ai ???” (Sa đà, Manh Manh).
Trong bài Thơ bên giếng, Đỗ Huy Nhiệm cũng sử dụng giọng điệu biểu cảm trực tiếp để bộc lộ nỗi niềm riêng :“Mây trắng chất đầy phương mộng đẹp/ Tầng cao ai cản được đường chim?”.
Giọng biểu cảm còn được thể hiện qua những phép lặp từ để thể hiện cảm xúc tự hào trước nhiều cảnh đẹp thơ mộng của quê hương liên tiếp dàn trải trong các chiều kích rộng, sâu và dài của không gian và thời gian, làm nên một bức tranh đẹp đặc thù của ruộng đồng sông nước phương Nam: “Đây mái nhà tranh khói nhạt bay,/ Kìa giòng sông vắng, nụ vàng phai./ Nước dưng lên đến bông lúa cao,/ Chầm chậm hoàng hôn, chầm chậm dài….” (Đường quê, Hường Hoa, ĐATV, 1940).
Với thơ trữ tình tình yêu, giọng biểu cảm thể hiện những trạng thái tâm hồn của người đang yêu. Hạnh phúc của đôi lứa yêu nhau có khi thật đơn sơ, nhưng giọng biểu cảm đã làm cho những lời thủ thỉ trong tình yêu được chắp cánh thành lời thơ bay bổng: “Nghe lời em hớn hở/ Bỏ cả sự ưu tư/ Lau lệ em nhoẻn nụ/ Anh nói phải ghi! - Ừ!/ Anh đền vật gì đó?/ Em hết buồn rồi, anh !/ Nói mau em được rõ?/ Đền em cái hôn tình!” (Hãi hùng, Lư Khê).
103
Giọng biểu cảm còn được thể hiện qua tâm trạng náo nức với những câu hỏi liên tiếp dồn dập của những hồn thơ muốn xây dựng một nền thơ ca của sự tỉnh thức thành thơ ca của hành động:
“Vậy bao giờ hỡi nàng thơ ta mến Nàng sẽ ban cho một tiếng ta mong?
Vậy bao giờ ngày vui xuân mới đến Thức tỉnh ta ra khỏi giấc mơ mòng”
(Bao giờ mới, Lê Đằng)
Sự phong phú của các cảm hứng trữ tình đã dẫn đến sự phong phú của giọng biểu cảm ở những sắc thái khác nhau. Bên cạnh sự trào dâng những cảm xúc sôi nổi ngọt ngào của tình yêu, của khát vọng tự do, của tâm huyết nghệ thuật.., giọng biểu cảm còn hiện diện trong những bài thơ có cảm hứng trữ tình xã hội thường quan tâm đến những cảnh trạng đau lòng của những cảnh đời nghèo khó, bất hạnh như một số bài thơ: Con nhà thất nghiệp, Tình thâm của Hồ Văn Hảo, Tại sao, Tại ai của Tế Xuyên, Dưới nắng trưa của Ngọc Lê, Tiếng khóc bên đường của Thúy Rư….
Giọng biểu cảm trong những bài thơ có cảm hứng trữ tình xã hội thường được sử dụng để thể hiện tâm trạng day dứt, băn khoăn, bức xúc trước những cảnh bất công xã hội thành những câu hỏi dồn dập: “Tại sao em đói? Em ơi!/ Tại cơm, tại gạo trên đời thiếu chi/ Vựa lúa đầy, đổ đi đâu hết?/ Mà lắm người chết đói khắp nơi!” (Tại sao, tại ai?, Tế Xuyên). Hoặc để đánh thức thái độ vô tâm, thờ ơ của người sống trong đầy đủ, ấm no mà không mảy may quan tâm tới những mối quan hệ xã hội mà trong đó mình là một thành viên hưởng lợi nhiều nhất như bài Dưới nắng trưa của Ngọc Lê:“Em ạ, sống trong đời trưởng giả/ Là nhờ xã hội, hạng dân cùng/ Đời em sung sướng, giàu sang thế/ Có biết cho người khổ cực không ?” Tác giả đã phối hợp hình thức đối thoại giả định và câu hỏi tu từ đã thể hiện nỗi bất bình sâu sắc trước thực tại bất công trong xã hội.
Giọng biểu cảm còn mang tính chia sẻ, đồng cảm với những cảnh trạng thương tâm của tầng lớp người nghèo khó, chìm đắm trong thảm cảnh cô đơn, lạc
104
loài giữa lòng xã hội đông đúc mà thờ ơ, vô tình:“Bà ngồi giữa đống bùn dính máu/
Hai tay khô run rẩy ôm đầu/ Hay quờ quạng kiếm hình đứa cháu/ Nhưng mà, ôi còn biết tìm đâu!”(Tiếng khóc bên đường, Thúy Rư).
Với cảm hứng trữ tình công dân, giọng biểu cảm trong Thơ mới Nam Bộ cũng được “mảnh đất màu mỡ” khơi dậy, phát huy những khả năng tích cực tiềm ẩn của nó. Giọng trữ tình công dân thể hiện qua lớp từ biểu cảm, thể hiện cảm xúc, tâm trạng, lớp từ này ngày càng mới mẻ hơn khi nó không ngừng được bổ sung và được làm phong phú lên từ kho ngôn ngữ đời thường được nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật.
3.3.2. Giọng điệu kêu gọi, cổ vũ
Do được ra đời và phát triển trong một hoàn cành lịch sử xã hội đặc biệt, Thơ mới Nam Bộ bên cạnh sứ mệnh nghệ thuật, nó còn góp phần vào những nhiệm vụ của xã hội và lịch sử đang đặt ra trên một vùng đất phải đối mặt với nhiều vấn đề như tương lai dân tộc, xây dựng con người Việt Nam cho tương lai xa và cho cuộc kháng chiến chống thực dân phía trước. Vì vậy, tuy không chiếm ưu thế như giọng trữ tình, nhưng giọng kêu gọi, cổ vũ cũng đã xuất hiện nhiều ở những bài Thơ mới có cảm hứng trữ tình thế sự, trữ tình công dân, cảm hứng dân tộc, đất nước, lý tưởng, niềm tin... qua một số bài thơ tiêu biểu: Chiếc lá thị thành của Mộng Tuyết;
Lá thư rừng, Việt Nam, Cờ, Bến cũ của Huỳnh Văn Nghệ; Thanh niên của Hồ Văn Hảo….
Những lời kêu gọi thanh niên hướng tới tương lai dân tộc xuất hiện trong Thơ mới Nam Bộ dưới những sắc thái tình cảm ở các mức độ khác nhau, từ kêu gọi trên lý tưởng chung chung như: “Từng lớp học nghiêm trang và lặng lẽ/ Những đầu xanh ôm ấp mộng hiên ngang/ Và trên đường ai nhịp bước ca vang/ Dường khúc điệp khải hoàn muôn chiến sĩ!”(Thanh niên, Hồ Văn Hảo) đến kêu gọi tinh thần tìm về phục vụ dân tộc của người Việt Nam còn tha hương trên đất khách:“Về đây thôi hỡi những thuyền hy vọng/ Chở về đây những mộng đẹp xa xôi/ Lưu luyến chi bến lạ chốn quê người/ Để bến tưởng thuyền xưa đà lạc hướng”(Bến cũ, Huỳnh Văn Nghệ).
105
Nếu ở hai đoạn thơ trên, giọng kêu gọi thiên về tình cảm, thì với những bài Thơ mới viết về phong trào kháng chiến sau 1945, trong giọng kêu gọi còn thêm tính xác tín niềm tin và ý chí. Thơ của Huỳnh Văn Nghệ trong nửa sau thập niên 40 thường gắn liền với giọng điệu này: “Và mỗi sáng trỏ gươm về hướng ấy/ Thề lấy lại thủ đô và thành thị/ Máu xâm lăng phải tràn ngập giang sơn/ Để nghìn thu dân Việt nhẹ căm hờn” (Lá thư rừng, Huỳnh Văn Nghệ).
Hoặc trong bài Việt Nam, Huỳnh Văn Nghệ viết: “Mẫu thân ôi! Ôi Việt Nam hùng vĩ/ Quân sài lang đã dở ngón bạo tàn/ Mẹ cứ tin nơi bầy con trung hiếu/ Ngày mai đây diệt chúng cứu giang sơn”.
Chiếu theo cách hiểu,“giọng là một cấu trúc tổng hợp giữa âm điệu, từ ngữ và ý nghĩa diễn đạt, đồng thời là hiệu quả cảm nhận và khu biệt ý người nhận do cấu trúc thơ đưa lại” [37;tr.88] thì nhiều tác phẩm Thơ mới Nam Bộ cũng đã có giọng riêng của mình. Với nhưng cây bút thơ nổi tiếng như Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Mộng Hồn Quyên,... giọng thơ của họ đã có “khả năng khu biệt với các giọng khác”. Và cũng có nghĩa như “một phong cách được định hình, ổn định và không thay đổi được”.
Tiểu kết:
Vai trò của thể thơ chính là xác định những cung bậc và những âm điệu có khả năng tạo nên nhạc tính cho từng bài thơ, và theo nhà nghiên cứu Tynyanov thì,
“chức năng của thơ trong một hệ thống văn học nhất định được thực hiện bởi yếu tố hình thức của âm luật” [112, 136]. Về phương diện này, Thơ mới Nam Bộ đã góp phần vào việc thúc đẩy “sự tiến hóa của hình thức kéo theo sự biến đổi chức năng”
đối với thơ ca Việt Nam khi đi vào giai đoạn phải đổi thay cùng xã hội và lịch sử.
Nếu chức năng thơ của ngôn ngữ theo nhà nghiên cứu Jacobson là “sự định hướng của ngôn ngữ vào chính bản thân nó, làm tăng tính tượng hình, tượng thanh, khiến các kí hiệu có thể được cảm giác một cách dễ dàng; chức năng thơ là sự khai phá chính tiềm năng của phương tiện giao tiếp là kí hiệu’’ [113;tr.134], thì Thơ mới Nam Bộ đã bước đầu đạt được sự giao tiếp cảm xúc với người đọc bằng ngôn ngữ nghệ thuật chuyển tải qua thơ trữ tình, những trạng thái của tình yêu đôi lứa, của
106
tình gia đình, tình người; hoặc các xúc cảm trước cảnh vật, con người... Mặt khác, nghệ thuật biểu hiện của thơ cổ điển truyền thống đã dần nhường chỗ cho những lớp từ vừa mới mẻ vừa gần gũi đậm chất vùng miền, những thể thơ tự do với số chữ số câu với sự điều tiết của vần nhịp tự do và phóng khoáng.
Trong Thơ mới Nam Bộ, ta cũng thường thấy sự hòa quyện của các giọng điệu thơ. Chẳng hạn như, phong cách biểu cảm thường đi đôi với thái độ xác tín, thể hiện sự gặp gỡ của của hai kiểu tư duy trực cảm và tư duy lý tính xuất hiện trong những bài Thơ mới nói về những vấn đề xã hội hay vấn đề thời cuộc đã hiện diện trong mảng thơ này.
Và nếu quan niệm như Tynyanov rằng,“cá tính văn học, cá tính tác giả, nhân vật... vào những thời điểm khác nhau sẽ định hướng ngôn ngữ văn học và từ đó thâm nhập đời sống” [113; tr.140] thì ta thấy, các cây bút Thơ mới Nam Bộ đã ít nhiều khẳng định được nét riêng của từng người và đã đóng góp vào tổng thể thành tựu của một mảng thơ ca giàu màu sắc đặc thù về đất nước và con người Việt Nam.
Những nhà Thơ mới Nam Bộ với sự sáng tạo của mình, không chỉ khẳng định giá trị thơ ca vùng đất mới mà còn góp phần không nhỏ để tạo nên tạo nên lâu đài tráng lệ của Thơ mới dân tộc nói chung.