Đặc điểm ngôn ngữ thơ

Một phần của tài liệu luận án thơ mới nam bộ 1932 1945 (Trang 93 - 103)

CHƯƠNG 3: HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA THƠ MỚI NAM BỘ

3.2. Đặc điểm ngôn ngữ thơ

Ngôn ngữ thơ là một phương diện đặc biệt của ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ văn chương. Do thường bị giới hạn về dung lượng nên ngôn ngữ thơ khác với ngôn ngữ văn xuôi ở sự đòi hỏi tính cô đúc, sự trợ giúp cao của các phương thức biểu đạt và các biện pháp tu từ. Vì thế, những đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ thơ chính là giàu nhịp điệu, phong phú về cách hòa âm, tiết tấu, giàu từ láy tượng thanh, tượng hình….

92

3.2.1. Ngôn ngữ giàu hình ảnh và in đậm dấu ấn địa văn hóa đất phương Nam

Ghi nhận đầu tiên khi tiếp xúc với ngôn ngữ Thơ mới Nam Bộ chính là những hình ảnh về thiên nhiên, cuộc sống, sinh hoạt, môi trường và con người đều gắn bó chặt chẽ với môi trường địa văn hóa đặc thù của vùng đất mới phương Nam.

Với thống kê ban đầu gần 200 bài thơ được sưu tầm lại từ các tài liệu, hoặc trực tiếp lấy lại từ báo chí Nam Bộ thời kỳ này, luận án đi vào khảo sát sự phản ánh những dấu ấn đặc thù vùng miền, tâm thức và địa văn hóa đất phương Nam được thể hiện qua sự lựa chọn hình ảnh và không gian trong mảng Thơ mới Nam Bộ.

Hình ảnh thiên nhiên, không gian tình cảm, không gian sinh hoạt trong Thơ mới Nam Bộ được hình thành gắn bó với không gian địa lý đặc thù của thiên nhiên – đồng bằng – sông nước.

Có khá nhiều hình ảnh trong Thơ mới Nam Bộ cho thấy một dòng thơ in đậm bản sắc địa lý đặc thù, với không gian thiên nhiên, không gian lao động, không gian sinh hoạt của vùng đồng bằng Đông Nam Bộ hay sông nước Tây Nam Bộ được đan xen khá hài hòa và nhuần nhuyễn. Nếu hình ảnh miền Đông khô nắng rất rõ ràng trong đoạn thơ: “Gió bốc khói tuôn lên cuồng bụi trắng/ Xóm mờ xa khuất dạng sau rừng tre/ Mồ hôi chảy vòng quanh đôi má nám/ Bà bán cau, bước mãi dưới trưa hè” (Bà bán cau, Huỳnh Văn Nghệ) thì cảnh sắc sông nước, ruộng vườn đồng bằng miền Tây cũng rất đậm đà trong thơ:“Trên đường đê vắng, lúa vàng bông/ Đôi bước ngươi đi, lẳng lặng đồng/ Cỏ muốn say sưa nghiêng xuống nước/

Nước mừng dưng đến ngập tràn sông” (Đường quê, Hường Hoa).

Cảnh thiên nhiên trong Thơ mới Nam Bộ gắn liền với cảnh sinh hoạt gia đình, làng xóm, hòa quyện cảnh sắc sinh hoạt của nông thôn thật gần gũi, quen thuộc và gợi cảm, dễ đi vào lòng người:“Bên cạnh chuồng trâu, cạnh ổ rơm/ Mục đồng thơ thới xới nồi cơm/ Khói xanh vẫn tỏa, đàn trâu ốm/ Sưởi khói mồm nhơi, ngây mắt dòm…” (Đêm trăng thôn quê, Lâm Huyền Lan).

Hình ảnh sinh hoạt nông thôn trong Thơ mới Nam Bộ có khi rất mới mẻ đặc sắc, đầy dấu ấn của cảm thụ cá nhân và đặc thù địa phương. Hình ảnh lao động đập

93

lúa của người nông dân dưới trăng cũng góp phần tô đậm hơn nét đẹp của ngôn ngữ thơ:“Đây có ba người đập lúa tay/ Mình trần, da sạm, láng mồ hôi/ Rào rào mưa đổ trong khuya vắng/ Từng loạt vàng rơi mặt đất dày” (Đêm trăng thôn quê, Lâm Huyền Lan).

Vẻ đẹp của ngôn ngữ trong Thơ mới Nam Bộ còn được tạo dựng bởi sự hòa quyện nhiều trạng thái tâm tình như tình gia đình, tình đôi lứa, các trạng thái tình cảm…:“Sông chiều nước lớn tràn bờ/ Cô đò dưa đám học trò sang sông/ Mỗi chiều má mỗi thêm hồng/ Mỗi chiều cô lại mơ chồng văn nhân…” (Chiều, Huỳnh Văn Nghệ).

Thiên nhiên mang màu sắc đồng bằng cũng gắn bó với khát vọng tình yêu đôi lứa tạo nên một lớp từ giàu sắc thái biểu cảm: “Lúa đang bông, lúa trông mùa hái/ Em là gái, em đợi mùa thương” (Em và cây lúa, Mộng Hồn Quyên).

Hoặc như hình ảnh con thuyền và bến đỗ vốn gắn bó với văn hóa sông nước cũng đi vào thơ một cách tự nhiên trong lời kêu gọi con người hãy trân trọng tình cảm cội nguồn và dù có đi xa bao nhiêu, lòng cũng hướng về đất nước như trong bài Bến cũ của Huỳnh Văn Nghệ: “Về đây thôi, hỡi những thuyền hy vọng/ Chở về đây những mộng đẹp xa xôi/ Lưu luyến chi chốn bến lạ quê người/ Để bến tưởng thuyền xưa đà lạc hướng!”

Dấu ấn địa văn hóa trong ngôn ngữ thơ Thơ mới Nam Bộ góp phần thể hiện sự rung cảm của người làm thơ khi họ nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, biết giao hòa tình cảm với thiên nhiên, tự nối kết mình với môi trường không gian thiên nhiên và cảnh sắc sinh hoạt chung quanh.

Hoặc nếu từ góc nhìn phê bình sinh thái, Thơ mới Nam Bộ còn có sự trung dung nhẹ nhàng giữa phản ứng với truyền thống coi con người là trung tâm, xem nhẹ và phủ nhận thiên nhiên, là điều mà thơ ca trữ tình lãng mạn đã tránh được.

Trong cảm hứng trữ tình thiên nhiên, từ những đặc trưng địa lý, địa hình vùng miền, Thơ mới Nam Bộ từ "những nét khắc họa vật lý, đã khắc họa được thêm cả lãnh địa tinh thần trong mối giao cảm gắn bó với tự nhiên. Bầu trời, mặt đất, con đường, hay ánh trăng thanh đều trở thành không gian sinh thái của Thơ mới” [20;tr.38]. Từ

94

đó, góp phần tạo nên một hệ thống ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, mang đậm dấu ấn đặc thù vùng đất mới phương Nam.

Thơ mới Nam Bộ còn thể hiện cách nhìn đặc thù của con người phương Nam đối với cảnh vật đất phương Nam, thể hiện qua sự mới mẻ của hệ thống hình ảnh về thiên nhiên cụ thể, tươi mới và sinh động với các sắc màu tình cảm mới mẻ, đúng với tinh thần tự do, mở rộng chứ không còn chịu áp lực của các hình ảnh ước lệ như xưa:“Bên bờ sông vắng gió, giăng mờ/ Nguyệt lạnh, tay che nửa mặt hoa/

Phân nửa sáng soi, phân nửa giấu/ Mình trần, gái nõn tắm trăng khuya…” (Đêm trăng thôn quê, Lâm H. Lan).

Hệ thống ngôn ngữ giàu hình ảnh in đậm dấu ấn bản sắc của địa lý và sinh thái như núi non, sông nước ruộng đồng, làng xóm ... đã góp phần hình tượng hóa bức tranh thiên nhiên Nam Bộ đã mới mẻ hơn so với cách khắc họa thiên nhiên trong thơ ca cổ điển. Chính nền tảng địa văn hóa và tâm thức khát khao cái mới của con người vùng đất mới đã làm nên thành tựu đáng trân trọng này.

3.2.2. Ngôn ngữ thơ và sự lưu giữ nét truyền thống

Đặc điểm này được thể hiện qua sự hiện diện của lớp từ Hán Việt, hay của những quan niệm, những hình tượng mang lý tưởng thẩm mỹ của một thời kỳ văn hóa, lịch sử đã qua còn phảng phất trong ngôn ngữ thơ. Trong văn học hiện đại Việt Nam, ta còn thấy lại sự hiện diện của phong cách này trong hoài niệm về những hình tượng “Vang bóng một thời” của những nho gia trí thức tài hoa trong văn Nguyễn Tuân, hay hình ảnh những tráng sĩ bi hùng trong thơ Quang Dũng.

Riêng với Thơ mới Nam Bộ, nét cổ điển đã hiện diện một cách nhẹ nhàng trong ngôn ngữ thơ của một số tác giả không chuyên từng cộng tác với trang thơ trên các báo như Việt Châu, Mộng Hồn Quyên, Tường Lang... Nhưng ấn tượng và thành công nhất trong việc sử dụng phong cách cổ điển mà không hề làm lạc mất hồn Thơ mới chính là các cây bút thơ nổi tiếng đất phương Nam như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Huỳnh Văn Nghệ....

Trong thơ của các cây bút tài hoa này, lớp từ Hán Việt được sử dụng vững vàng có thể làm tăng tính trang trọng của tư tưởng được giải bày. Bài thơ Tết quê

95

người của Huỳnh văn Nghệ ra đời trong tình cảnh người Việt yêu nước phải sống đời tha hương, chưa biết ngày nào mới được trở về trực tiếp góp phần vào cuộc kháng chiến toàn dân đang đi tới hồi quyết liệt thì lớp từ Hán Việt như lữ thứ, chinh phu, tha hương, đoạn trường càng làm tăng vẻ u sầu nhưng trang trọng của tâm hồn người yêu nước: “Đêm hôm nay nơi tha hương lữ thứ/ Khách chinh phu dừng bước lại bên đường/ Ngắm sao mờ phía chân trời xứ sở/ Nhớ quê hương trong một khúc đoạn trường”.

Trong thơ Huỳnh Văn Nghệ, hình tượng gươm, kiếm, bút, yên ngựa, nhung bào, chiến mã, chinh phu, chinh phụ... được sử dụng phổ biến trong nhiều trường hợp, nhất là khi ông muốn xác định một cách trịnh trọng quan niệm thiêng liêng về sứ mệnh nghệ thuật của nhà thơ: “Tôi là người lăn lóc trên đường trần,/ Không phân biệt lúc mài gươm, múa bút./ Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực/ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi/ Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi/ Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác/ Trên lưng ngựa múa gươm vừa ca hát/ Lòng ta say chiến trận đến thành thơ”. Hoặc để thể hiện một lời trao truyền thiêng liêng giữa các thế hệ về quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” thì việc sử dụng lớp từ Hán Việt đậm màu sắc cổ điển, trang trọng là phù hợp nhất. Nó là lời khẳng định của người thuộc tầng lớp trí thức, có cốt cách của người nghệ sĩ- chiến sĩ. Huỳnh Văn Nghệ có tất cả những nhân tố đó nên thơ ông in đậm dấu ấn của một cảm thức nghệ thuật đặc biệt của người phương Nam “Từ độ mang guơm đi mở cõi”: “Càng hát ca gươm càng bén hăng lên/ Nợ kiếm cung nghiên bút biết sao đền” (Bên bờ sông xanh).

Âm hưởng của không gian chiến tranh “khói lam tuyền mờ mịt thức mây”

trong thơ xưa cũng đã gắn bó với việc miêu tả cuộc đời gió bụi gian nguy của “cánh phượng hoàng”, là cách hình dung đẹp về hình tượng người hào kiệt thời chiến hôm nay:“Bốn phương lửa khói tung mù mịt/ Rừng ngại ngùng cho cánh phượng hoàng” (Nhớ rừng). Phong cách cổ điển của đoạn thơ trên đã chứa đựng nét phác họa lẫm liệt về hình tượng người chiến sĩ- tráng sĩ, mà hành động bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong đều thấm đẫm khí phách của hào kiệt đất Đồng Nai.

96

Với Mộng Tuyết, lớp từ Hán Việt cũng có khi làm tăng tính bền vững trong giá trị của hình tượng thơ. Từ một cảm xúc yêu đương phong kín của người phụ nữ chốn khuê phòng, cho tới những u hoài về những tình cảnh đau thương của dân tộc, của xã hội, với sự hỗ trợ của phong cách ngôn ngữ cổ điển, Mộng Tuyết đã có những bài như Dương liễu tân thanh, Tương tư lá đỏ, Dưới cờ, Đợi gió, Chữ thập hồng, Chiếc lá thị thành... khắc họa thành công diện mạo tâm hồn của kiểu nhân vật trữ tình còn phảng phất nét chân dung của người khuê môn ngày cũ. Chẳng hạn như một tâm trạng kẻ thanh xuân vừa đằm thắm phía sau cánh cửa phòng khuê lại vừa lãng mạn khao khát những chân trời cao rộng của yêu đương và khám phá chân trời mới: “Cánh gấm buồm ai buông trắng tinh/ Phơi nền trinh bạch giữa trời xanh/

Cắm sào bến cũ buồn lơ lửng/ Chờ mộng muôn phương mộng viễn trình...” (Đợi gió).

Hay nỗi khắc khoải rất sâu về thời cuộc của một tâm hồn nữ nhi với những vẻ đẹp tinh tế đã đau lòng trước cảnh đất nước bị chiến tranh giày xéo cũng được tô đậm nhờ lớp từ phảng phất hơi hướng cổ điển trong bài Chiếc lá thị thành: “Đất nước từ khi dấy lửa binh/ Hôi tanh vẩn đục bụi kinh thành/ Thơm tho đâu nữa làn son phấn/ Mấy độ hoa quỳnh khép ý trinh”.

Với việc sử dụng lớp từ Hán Việt đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp với chủ đề tác phẩm, Thơ mới Nam Bộ đã có thêm những vần thơ vừa trang trọng với vẻ đẹp cổ điển vừa mang lại sắc thái biểu cảm đúng mực không đi ngược lại tính hiện đại của cảm hứng trữ tình mà nhà thơ chọn lựa.

Một đặc điểm khác dễ nhận thấy trong Thơ mới Nam Bộ là sử dụng bút pháp miêu tả ước lệ tượng trưng của lối thơ cổ điển ngự trị bao đời . Khi nói về những cô thiếu nữ xinh tươi, Đông Hồ đã mượn những hình ảnh quen thuộc trong thơ cũ:

“Tóc buông thấp thoáng vẻ băng cơ”(Chải đầu); “Bóng liễu bay ngang trước láng láng giềng”(Biếng tựa).

Hoặc: “Gió mưa nghĩ ngại cành bồ liễu Sương nắng lo cho chất phấn hồng”

(Nhớ)

97

Tuy đã đổi mới quan niệm thơ khi nhận thấy sự suy tàn của nền Hán học nhưng trong quá trình sáng tác, các nhà Thơ mới Nam Bộ vẫn chưa thoát khỏi sự níu kéo của hệ thống từ ngữ mang tính quy ước trong văn chương cổ điển. Cách miêu tả này một mặt đem đến sắc thái trang nghiêm, cổ kính, mặt khác, lại tạo được dấu ấn riêng cho Thơ mới Nam Bộ.

3.2.3. Ngôn ngữ bình dân, đại chúng như một chỉ dấu đặc trưng của Thơ mới Nam Bộ

Âm hưởng bình dân, đại chúng là một nét nổi bật khác trong ngôn ngữ Thơ mới Nam Bộ. Âm hưởng này được thể hiện qua những lớp từ đời thường, từ có gốc là khẩu ngữ, phương ngữ, thành ngữ dân gian..., thường xuất hiện trong lời ăn tiếng nói của người Nam Bộ.

Với trình độ nghệ thuật riêng, các nhà Thơ mới Nam Bộ đã có những chọn lọc, xử lý đúng mức đối với kho ngôn ngữ dân gian để từ đó chọn lọc ra những hoa trái tươi đẹp cho ngôn ngữ thơ của riêng mình. Lời nói chuyện của người yêu nhau, giữa người thân, những lời tâm tình, lời ước hẹn, cảnh vật thiên nhiên, lời đối đáp về vấn đề xã hội, hoặc những cảnh tượng đau lòng... đều được nâng từ ngôn ngữ bình dân thành lời thơ cũng là một phương diện đặc biệt trong nghệ thuật ngôn từ Thơ mới Nam Bộ.

Đối với những bài thơ có cảm hứng trữ tình công dân, ngôn ngữ đời thường với các thành ngữ quen thuộc cũng có nhiều cơ hội xuất hiện. Chẳng hạn, trong chùm thơ Mười khúc đoạn trường viết về nạn đói 1945 của Mộng Tuyết, ngôn ngữ đại chúng vẫn là phương tiện chính để chia sẻ những biến cố thương đau cùng đồng bào hoạn nạn: “Nạn đất tai trời đành đã vậy/ Nhưng mà chị ngã hãy còn em/ Có rồi nhưng cũng chưa là đủ/ Sẻ cháo nhường cơm thêm lại thêm” (Sẻ cháo nhường cơm).

Nhiều bài bài thơ hay không phải nhờ cấu tứ, cảm xúc mà sức mạnh của nó nằm trong sự bình dị, gần gũi toát ra từ ngôn ngữ đại chúng, dễ chạm vào lòng người trước những vấn đề trọng đại của lịch sử, xã hội, dân tộc một cách tự nhiên

98

như những lời chia sẻ. Lời chia sẻ ấy càng hữu hiệu hơn khi nó được nâng lên một bước về nghệ thuật vần điệu và nhạc tính vốn là một bản chất của thơ ca.

Trong những bài thơ có cảm hứng trữ tình xã hội như Đứa trẻ khốn nạn tự thuật của Thụy An, Con nhà thất nghiệp của Hồ Văn Hảo, Tại sao? Tại ai của Tế Xuyên, Tiếng khóc bên đường của Thúy Rư, Dưới nắng trưa của Ngọc Lê, Cảnh xuân Nam kỳ của Dĩ Hòa..., ngôn ngữ đại chúng là phương tiện tốt nhất để các tác giả Thơ mới Nam Bộ thể hiện cảm xúc trước các cảnh đời đau khổ, ngang trái phần nhiều thuộc tầng lớp thấp của xã hội giao thời như thân phận người nông dân bị vây hãm bởi hủ tục ngày tết: “Bốn ngày mừng tuổi quỳ, quíu lạy,/ Mấy bữa chơi xuân, nấu, nấu, xào/ Dâu rễ đi về khăn áo rộn/ Lớp quà, lớp biếu sạch hồ bao…”. (Đứa trẻ khốn nạn tự thuật, Thụy An).

Có khi là đứa trẻ mồ côi kể lại thân thế bất hạnh, hẩm hiu của mình trước cuộc đời đen bạc: “Tôi là đứa trẻ mồ côi/ Mất cha mất mẹ năm lên mười/ Được ông hàng xóm thương nuôi nấng/ Cho đến năm tôi lên mười hai/ Thì ông bị mất việc đương làm/ Bà đã chết sớm, con một đàn/ Bữa đói bữa no lần hồi mãi”(Đứa trẻ khốn nạn tự thuật, Thụy An).

Hay thảm cảnh: “Tại sao em đói? Em ơi!/ Tại cơm, tại gạo trên đời thiếu chi/ Vựa lúa đầy, đổ đi đâu hết?/ Mà lắm người chết đói khắp nơi!” (Tại sao? Tại ai?, Tế Xuyên). Hoặc với tình cảnh người lao động nghèo thành thị:“Ngoài, vẫn mưa xào xạc/ Trong, đứa bé ho ran/ Ngọn đèn tàn/Hết dầu nên lu lạt” (Con nhà thất nghiệp, Hồ Văn Hảo).

Thậm chí là lời đối thoại giữa hai mẹ con trong một câu chuyện buồn và cảm động cũng tô đậm thêm cảm hứng trữ tình xã hội: “Bắt được con trốn học/ Đang đuổi chim giữa đồng/ Mẹ bẻ cành gọi đến/ Đánh mấy lằn đỏ lưng/... Con không dám đến trường/ Thầy giáo cũng không thương/ Những trò nghèo áo rách/ Xấu hổ và sợ đau/ Không tiền may áo mới/ Nên con đành trốn học/ Để chờ ngày mẹ giàu...” (Trốn học, Huỳnh Văn Nghệ).

Những lời thơ trên đậm màu sắc khẩu ngữ, và dường như còn là khẩu ngữ

“thô” nữa, nhưng điều đó không làm mất đi chất thơ đậm đà trong lời nói hồn nhiên

Một phần của tài liệu luận án thơ mới nam bộ 1932 1945 (Trang 93 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)