Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ
1.2. Các công trình nghiên cứu ở Việt Nam
Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu về nhượng quyền thương mại được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: đề tài nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo, sách tham khảo, luận văn, luận án, các bài tạp chí, bài tham luận tại hội thảo khoa học và tiêu biểu là các công trình sau đây:
Ở cấp độ các bài viết, nghiên cứu:
+ Một số công trình nghiên cứu đề cập khái niệm về nhượng quyền thương mại từ khía cạnh kinh tế với những so sánh giữa nhượng quyền thương mại với một số hoạt động thương mại khác như bài viết của tác giả Phạm Thị Thu Hà với tên gọi: “Nhượng quyền thương mại với doanh nghiệp Việt Nam”, đăng trên Tờ tin của Hội Sở hữu công nghiệp số 47 - 2005; từ khía cạnh pháp lý như “Hoàn thiện khung pháp lý về nhượng quyền thương mại” (Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 8/2007). Nhìn nhận
hoạt động nhượng quyền thương mại đơn thuần dưới góc độ thương mại và coi nhượng quyền thương mại là một bí quyết kinh doanh, tác giả Lý Quý Trung có bài viết với tên gọi: “Franchise - Bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh” (Nxb Trẻ, Hà Nội, 2005).
+ Dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, tác giả Nguyễn Thanh Tú với bài viết “Nhượng quyền thương mại dưới góc độ Luật Cạnh tranh” (tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 03/2007). Bên nhượng quyền thường buộc bên nhận quyền phải chấp nhận những hạn chế cạnh tranh nhất định như giới hạn về địa điểm kinh doanh, nghĩa vụ không cạnh tranh với bên nhượng quyền, hạn chế về giá, về khách hàng, buộc bên nhận quyền phải mua các nguyên vật liệu đầu vào từ bên nhượng quyền hay bên thứ ba được chỉ định… Ngược lại, bên nhận quyền có thể buộc bên nhượng quyền phải chuyển giao quyền thương mại độc quyền cho mình. Những quy định hạn chế cạnh tranh như vậy trong nhượng quyền thương mại trong một chừng mực nhất định có thể bị lạm dụng bởi các bên, nhất là bởi bên nhượng quyền, và có thể vi phạm pháp luật cạnh tranh. Ở Mỹ và Liên minh Châu Âu cho đến nay đã có nhiều tranh chấp liên quan đến nhượng quyền thương mại trên cơ sở pháp luật cạnh tranh. Mặc dù pháp luật về nhượng quyền thương mại ở các quốc gia này đã phát triển và luôn được hoàn thiện, nhưng các bên có liên quan vẫn sử dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh để chống lại những hành vi hạn chế cạnh tranh trong nhượng quyền thương mại, chống lại hành vi lạm quyền của bên nhượng quyền và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cạnh tranh thậm chí vẫn ban hành các quy định về việc áp dụng pháp luật cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại.
Qua bài viết, tác giả đã giới thiệu một cách khái quát quan điểm xử lý hành vi cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại ở Mỹ và EU thông qua các quy phạm pháp luật thực định và một số án lệ điển hình.
Tuy nhiên, bài viết này mới đề cập đến một khía cạnh nhỏ về mối liên hệ giữa hoạt động nhượng quyền thương mại với pháp luật điều chỉnh thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đồng thời bài viết mới đưa ra những thông tin về quan điểm giải quyết các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong pháp luật của Liên minh Châu Âu và Mỹ mà chưa phân tích đề cập đến pháp luật điều chỉnh hành vi cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.
+ Tác giả Bùi Ngọc Cường với bài viết „„Các điều khoản độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại‟‟ (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7/2007) đã nhận diện và đặt ra câu hỏi liệu có các điều khoản độc quyền trong trong hợp đồng nhượng quyền thương mại hay không.
+ Bài viết “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại” của ThS. Nguyễn Hồng Vân (2011) được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử [39] đã chỉ ra các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong nhượng quyền có thể tồn tại dưới các dạng như thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh, thỏa thuận phân phối và cung ứng độc quyền, thỏa thuận mua bán cả gói, thỏa thuận giá bán lại, thỏa thuận kiểm soát số lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, bài viết cũng đã đưa ra kinh nghiệm giải quyết của Liên minh Châu Âu thông qua một số bản án điển hình của Tòa án Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, dưới khía cạnh pháp luật Việt Nam, bài viết chưa đề cập, chưa phân tích cụ thể về thực trạng điều chỉnh các hành vi này ở Việt Nam.
+ Bài viết “Điều khoản bảo mật thông tin và điều khoản cấm cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại” của TS. Hoàng Thị Thanh Thủy (Tạp chí Luật học số 02/2011) đã đề cập đến thỏa thuận về cấm cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại, theo đó, bài viết đã nhận diện điều khoản cấm cạnh tranh trong các giai đoạn khác nhau của hợp đồng như trong thời gian thực hiện hợp đồng và sau khi chấm dứt hợp
đồng. Theo tác giả bài viết, các điều khoản cấm cạnh tranh trong thời gian thực hiện hợp đồng được thể hiện dưới dạng thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa/dịch vụ thuộc sự điều chỉnh của K2 và 6 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2005 và khẳng định các thỏa thuận này có thể được miễn trừ theo quy định tại Điều 10, các điều khoản miễn trừ của Luật Cạnh tranh 2005. Sau khi chấm dứt hợp đồng, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thường thể hiện dưới dạng bên nhận quyền cam kết không thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh hoặc hợp tác nào đối với các đối thủ cạnh tranh của bên nhượng quyền trong một thời gian từ 1-2 năm kể từ này chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại. Thông qua bài viết, tác giả chỉ ra sự tác động của các thỏa thuận này đối với môi trường cạnh tranh và quan điểm giải quyết trong pháp luật EU và Cộng hòa Liên bang Đức.
Theo đó, tác giả cho biết, theo pháp luật của EU, tính hợp pháp của các thỏa thuận loại này được xác định trên ba tiêu chí: (1) Thời hạn hiệu lực của các điều khoản cấm cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng; (2) hạn chế về lãnh thổ; (3) Nghĩa vụ đền bù, cụ thể, một thỏa thuận cạnh tranh loại này sẽ không được coi là hợp pháp nếu nó không đảm bảo nguyên tắc
“tương xứng và phù hợp”.
+ Bài viết Mối quan hệ giữa pháp luật nhượng quyền thương mại và cạnh tranh của tác giả Ngô Thị Thu Hà, Hoàng Văn Thành đăng trên Tạp chí Tài chính số 2/2014 đã khẳng định, hoạt động nhượng quyền dưới khía cạnh pháp luật cạnh tranh chủ yếu liên quan tới các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đối với quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền có thể tồn tại nhưng ít phổ biến, còn các quy định về tập trung kinh tế trong pháp luật cạnh tranh hầu như không có mối quan hệ với pháp luật về nhượng quyền thương mại. Tác giả cho rằng, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại chỉ xảy ra giữa bên nhượng quyền với bên nhận quyền và thường tồn tại dưới các
hành vi như: thoả thuận liên quan đến duy trì tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống nhượng quyền, thoả thuận liên quan tới giá của sản phẩm, thoả thuận phân chia thị trường. Tác giả cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc áp dụng pháp luật cạnh tranh vào quan hệ nhượng quyền, do các quy định của pháp luật cạnh tranh hiện nay chưa thực sự phù hợp với bản chất của quan hệ nhượng quyền và cần phải có quy định hướng dẫn chi tiết cụ thể.
Tuy nhiên, bài viết mới chỉ đề cập tới nhu cầu cần thiết phải hoàn thiện pháp luật cạnh tranh nhằm điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại, mà chưa đi sâu nghiên cứu về hướng hoàn thiện pháp luật để giải quyết những bất cập của pháp luật điều chỉnh hành vi cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam hiện nay.
Nhìn chung, các bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc nhận diện các hành vi hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại và tìm hiểu kinh nghiệm giải quyết và xử lý các hành vi này thông qua một số vụ án điển hình ở Châu Âu và Mỹ. Điểm nổi bật của các bài viết này là đều có chung đánh giá việc áp dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện nay vào việc kiểm soát hành vi cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại là khó khả thi và chưa thực sự phù hợp với bản chất của quan hệ nhượng quyền. Tuy nhiên, do bị giới hạn trong khuôn khổ các bài viết đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành nên các công trình đã được công bố này chưa có điều kiện nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện, đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động nhượng quyền và pháp luật cạnh tranh, cũng như chưa phân tích thực trạng pháp luật Việt Nam và thực tiễn thực thi pháp luật hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.
- Ở cấp độ luận án Tiến sỹ, đã có hai luận án Tiến sỹ điển hỉnh nghiên cứu về hoạt động nhượng quyền thương mại của các tác giả Vũ Đặng Hải Yến và Nguyễn Bá Bình: (1) Tác giả Vũ Đặng Hải Yến với đề tài
“Những vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật điều chỉnh nhượng quyền thương mại ở Việt Nam” (Đại học Luật Hà Nội - 2009). Nội dung luận án nghiên cứu một cách tổng thể về pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại, luận án đã chỉ ra những đặc điểm mang tính bản chất của hoạt động nhượng quyền và nhận diện hoạt động nhượng quyền thương mại dưới các góc độ khác nhau như dưới góc độ một hoạt động thương mại đơn thuần, dưới góc độ sở hữu trí tuệ và dưới góc độ cạnh tranh. Về mối quan hệ giữa hoạt động nhượng quyền thương mại dưới góc độ cạnh tranh, luận án đã khẳng định sự tồn tại tất yếu khách quan của hành vi hạn chế cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại, trên cơ sở đó đã nhận diện các hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền. Tuy nhiên, luận án chưa đi sâu phân tích và nghiên cứu các hành vi ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh trong quan hệ nhượng quyền thương mại, vì vậy, mới chỉ đưa ra các giải pháp mang tính định hướng trong việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền dưới góc độ pháp luật cạnh tranh mà chưa chỉ ra các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại; (2) Luận án Tiến sỹ “The Role and Influence of Vietnam‟s Franchise Law on the Development of Franchising: a Multiple Case Study” của tác giả Nguyễn Bá Bình (University of New South Wales, Australia) đã có công trình nghiên cứu khá toàn diện về vai trò của pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại đối với quá trình phát triển hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam. Thông qua việc nghiên cứu các thương vụ nhượng quyền cụ thể, Luận án đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng to lớn đến quá trình phát triển nhượng quyền thương mại ở Việt Nam như các yếu tố về văn hóa, xã hội và điều kiện kinh tế của Việt Nam; những lĩnh vực nhượng quyền phù hợp với điều kiện Việt Nam và cuối cùng, Luận án đã khái quát hóa và có nghiên cứu toàn diện về thực trạng pháp luật nhượng quyền thương mại nói chung ở Việt
Nam hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp và phương hướng hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Như vậy, Luận án của tác giả Nguyễn Bá Bình mặc dù đã giải quyết được rất nhiều vấn đề nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của pháp luật nhượng quyền thương mại tại Việt Nam những cũng không tập trung nghiên cứu về pháp luật hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại.