Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG
1.2. Thực tiễn hoạt động Khuyến công của Việt Nam
1.2.6. Kinh nghiệm trong hoạt động Khuyến công một số địa phương
1.2.6.4. Kinh nghiệm hoạt động Khuyến công của tỉnh Quảng Ninh
Những năm qua, với các hình thức hoạt động phong phú đa dạng, Khuyến công Quảng Ninh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Một trong những nguyên nhân thành công ấy là được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và các Sở, Ban, Ngành. Trung tâm Khuyến công & tư vấn PTCN Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn tỉnh, xây dựng chương trình Khuyến công theo đúng chủ trương, đảm bảo tiến độ và phù hợp với mô hình đề án Khuyến công theo đặc thù kinh tế của từng huyện, thị xã, thành phố.
Trong thời gian qua, công tác Khuyến công đã triển khai và thực hiện được 177 đề án Khuyến công, với số kinh phí hỗ trợ 8.945 triệu đồng, và đã
thu hút được 159.437 triệu đồng đầu tư từ các chủ đề án với hiệu quả 1 đồng kinh phí Khuyến công, thu hút 18 đồng vốn đầu tư.
Mức hỗ trợ bình quân 50,5 triệu đồng/đề án, đã đào tạo nghề cho 470 lao động nông thôn, đặc biệt là các huyện miền núi như huyện Tiên Yên, Hải Hà 30 học viên được đào tạo qua nhiều lớp khởi sự doanh nghiệp và 200 học viên được đào tạo nâng cao năng lực quản lý; tổ chức 8 đoàn tham quan học tập khảo sát trong nước cho 235 lượt người tham gia, 5 đoàn tham quan học tập khảo sát nước ngoài cho 115 lượt người; xây dựng 8 mô hình trình diễn kỹ thuật;
hỗ trợ 110 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm, triển khai hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin... theo 07 nội dung các tiểu chương trình của Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.
Điều đáng nói là, trong những năm qua các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ mở rộng đổi mới thiết bị máy móc, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Năm 2013, Trung tâm Khuyến công & Tư vấn PTCN Quảng Ninh tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ và thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương về hoạt động khuyến công, theo đó Trung tâm sẽ phối hợp với các huyện thị thực hiện 36 đề án với tổng kinh phí đầu tư lên đến 25.826,6 triệu đồng, trong đó kinh phí Khuyến công hỗ trợ 2.460 triệu đồng.
Nội dung hỗ trợ tập trung chủ yếu là hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ máy móc thiết bị đưa vào sản xuất; Tập huấn phổ biến, hướng dẫn văn bản pháp
luật, kiến thức nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và tuyên truyền về hoạt động khuyến công.
Các mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng chuyển giao công nghệ được duy trì phát triển, đã tiết kiệm chi phí đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường, hỗ trợ tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập, khảo sát và tạo điều kiện để các cơ sở liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề.
Ngoài ra công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn cũng luôn được chú trọng, năm 2013 Trung tâm Khuyến công & Tư vấn PTCN phối hợp với phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tiên Yên tổ chức đào tạo nghề May dân dụng cho 40 lao động nông thôn.
Hoạt động đào tạo nghề, du nhập nghề mới cho lao động nông thôn từng bước gắn kết với doanh nghiệp, điều này không chỉ tạo ra nguồn lao động tại chỗ cho địa phương, tạo được nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định trật tự xã hội, mà còn góp phần lớn vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Mặc dù nguồn kinh phí Khuyến công hỗ trợ cho mỗi đề án còn chưa tương xứng với giá trị đầu tư của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, nhất là trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm công tác Khuyến công trực tiếp tại các huyện thị còn mỏng, song vượt qua những khó khăn trên, toàn bộ Lãnh đạo và nhân viên Trung tâm Khuyến công & Tư vấn PTCN Quảng Ninh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung hướng về cơ sở, bám sát tình hình phát triển của địa phương, tìm ra những biện pháp thiết thực nhất để hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp, các cơ sở, góp phần thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển đi lên.
Trung tâm Khuyến công & tư vấn PTCN đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện đề án Khuyến công năm 2013 tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhìn
chung, các đề án đã được triển khai theo đúng tiến độ, đúng nội dung đề án được duyệt, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đang tích cực đẩy nhanh tiến độ để đề án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động.
Đánh giá về kết quả thực hiện tiến độ của chủ đề án Khuyến công Các chủ đề án đa số là các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm công nghiệp nông thôn, do đó chủ đề án đã chủ động trong việc mua sắm thiết bị máy móc đưa vào hoạt động sản xuất để sớm tạo ra sản phẩm cung ứng cho thị trường.