2.1. Hệ thống câu hỏi
Cơ sở lý luận và thực tiễn trong quản lý khai thác khoáng sản hiện nay như thế nào?
Đặc điểm địa bàn nghiên cứu như thế nào?
Thực trạng công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ra sao?
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác khoáng sản cần phải đưa ra các giải pháp gì?
2.2. Phương pháp nghiên cứu đề tài 2.2.1. Cơ sở phương pháp luận
Đề tài lấy quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng làm cơ sở phương pháp luận. Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho ta phương pháp nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong trạng thái vận động và phát triển và trong mối quan hệ biện chứng với các sự vật, hiện tượng khác.
2.2.2. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể 2.2.2.1. Phương pháp chọn địa bàn nghiên cứu
Thái Nguyên có điều kiện tự nhiên phong phú, giàu tài nguyên khoáng sản, thuận lợi cho phát triển công nghiệp khai khoáng. Trong tổng số 9 huyện, thị của tỉnh có 3 huyện có tài nguyên khoáng sản điển hình đó là: Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ.
Để chọn địa điểm nghiên cứu đại diện cho vùng nghiên cứu, các căn cứ chính là: Quy hoạch và phân vùng khoáng sản, địa giới hành chính và tiềm năng khoáng sản, các loại hình doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Qua khảo sát và tham khảo ý kiến của Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên về quy hoạch và khai thác khoáng sản, chúng tôi đã chọn 3 huyện là huyện Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ làm điểm để nghiên cứu và điều tra.
2.2.2.2. Phương pháp thu thập tài liệu
- Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp:
Thông tin thứ cấp được thu thập thông qua các nguồn tài liệu sách, báo, tạp chí chuyên ngành, các báo cáo tổng kết và hội thảo của các tổ chức kinh tế và các cơ quan nghiên cứu, các công trình nghiên cứu có liên quan, các báo cáo của địa phương, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công nghiệp, Công ty Khoáng sản…. Các tài liệu này sẽ được tổng hợp, phân loại và sắp xếp theo từng nhóm phù hợp với nội dung nghiên cứu.
- Phương pháp thu thập tài liệu sơ cấp:
Trên cơ sở đề cương nghiên cứu đã được hoàn thiện, đặc điểm địa bàn nghiên cứu và chọn địa bàn nghiên cứu, chúng tôi tiến hành thiết lập phiếu điều tra và phỏng vấn lãnh đạo các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chúng tôi khảo sát các doanh nghiệp trên ba huyện điểm nghiên cứu gồm 15 doanh nghiệp.
2.2.2.3. Phương pháp xử lý số liệu
Sử dụng phần mềm Microsoft Excel 2007. Từ các số liệu thu thập được tiến hành phân tích, tổng hợp chọn lọc các yếu tố cần thiết để tính toán các chỉ tiêu nghiên cứu.
2.2.2.4. Phương pháp phân tích số liệu
- Phương pháp phân tổ: Những thông tin thứ cấp sau khi thu thập sẽ được phân tổ theo các tiêu chí đã được xác định trước căn cứ theo phiếu điều tra thu thập thông tin tại các doanh nghiệp. Phương pháp phân tổ sẽ cho người nghiên cứu sự nhìn nhận rõ ràng để có được những kết luận chính xác nhất
đối với công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Phương pháp so sánh: Phương pháp này dùng để đối chiếu các chỉ tiêu, các hiện tượng kinh tế đã được lượng hoá cùng nội dung và tính chất tương tự như nhau thông qua tính toán các tỷ số, so sánh thông tin từ các nguồn khác nhau, so sánh theo thời gian, so sánh theo không gian để có được những nhận xét xác đáng về vấn đề nghiên cứu.
- Phương pháp chuyên khảo: Chủ yếu được dùng trong nghiên cứu toàn diện, chi tiết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có hiệu quả trên địa bàn nghiên cứu.
- Phương pháp chuyên gia: Tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia về quản lý nhà nước trong khai thác khoáng sản thông qua tài liệu nghiên cứu và ý kiến trực tiếp của họ trong đánh giá cũng như đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác khoáng sản ở địa bàn nghiên cứu.
2.3. Hệ thống các chỉ tiêu phân tích
2.3.1. Hệ thống các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế
Chỉ tiêu hiệu quả về lao động: Số lượng lao động việc làm của ngành khai thác khoáng sản; thu nhập bình quân của người lao động.
Chỉ tiêu hiệu quả về sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật: Trình độ công nghệ khai thác; Mức độ tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác.
Chỉ tiêu hiệu quả về vốn: Tổng vốn đầu tư cho ngành khai thác khoáng sản; Giá trị sản xuất; Hiệu quả đầu tư của ngành khai thác khoáng sản; Tỷ số giữa đóng góp vào GDP/tổng đầu tư.
2.3.2. Hệ thống các chỉ tiêu hiệu quả quản lý nhà nước cơ bản
- Tính phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản
- Tính phù hợp của việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản
- Tính phù hợp và số lượng giấy phép được cấp hoạt động khai thác khoáng sản.
- Tính hiệu quả kiểm tra, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản - Mức độ tận thu khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản;
- Mức độ bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản;
- Mức độ thực hiện các quy định về quản lý hành chính, trật tự và an toàn xã hội trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Chương 3