CHƯƠNG 6: CÁC NGHIỆP VỤ TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
6.2 Nghiệp vụ niêm yết chứng khoán
6.2.1 Khái niệm và mục tiêu niêm yết chứng khoán
Niêm yết chứng khoán là hình thức ghi danh chứng khoán vào danh mục các chứng khoán đủ tiêu chuẩn giao dịch tại SGDCK. Niêm yết thường bao gồm việc yết tên công ty, yết chứng khoán và yết giá chứng khoán trên bảng giá chính thức của SGDCK.
Chỉ những chứng khoán đáp đủ các điều kiện nhất định về chất lượng, tính chất…thì mới được phép niêm yết tại SGDCK. Những chứng khoán chưa đủ điều kiện niêm yết thì được niêm yết và giao dịch trên thị trường OTC
Mục tiêu:
- Bảo vệ nhà đầu tư: SGDCK và công ty phát hành chứng khoán có nghĩa vụ đảm bảo cho nhà đầu tư có được sự hiểu biết đúng và đủ về lịch sử hình thành và tình hình hoạt động của công ty
- Thiết lập một quan hệ hợp đồng giữa SGDCK và công ty phát hành chứng khoán về nghĩa vụ thông báo công khai, đều đặn và nhanh chóng cho thị trường biết về những yếu tố có liên quan đến giá cổ phiếu
- Đảm bảo cho mọi hoạt động của SGDCK đạt được các yêu cầu có tính nguyên tắc: công khai, trung thực, công bằng và an toàn
- Giúp cho SGDCK gia tăng số lượng chứng khoán cung ứng, đáp ứng nhu cầu đầu tư của công chúng, làm cho thị trường hoạt động liên tục, phát triển vững chắc
6.2.2 Các hình thức niêm yết chứng khoán 6.2.2.1 Niêm yết lần đầu
Là việc cho phép chứng khoán của một công ty được đăng ký niêm yết lần đầu tiên trên SGDCK, sau khi công ty đó đã thỏa mãn các yêu cầu về công khai thông tin và tiêu chuẩn niêm yết
6.2.2.2 Niêm yết thay đổi
Là việc thay đổi các nội dung niêm yết như: tên, số lượng loại, mệnh giá, tổng giá trị chứng khoán được niêm yết
6.2.2.3 Niêm yết bổ sung
Là việc niêm yết tiếp những chứng khoán phát hành bổ sung nhằm mục đích tăng vốn hay vì các mục đích khác như sáp nhập, chi trả cổ tức, thực hiện các trái quyền, chuyển đổi các trái phiếu chuyển đổi
6.2.2.4 Niêm yết lại
Là việc cho phép một công ty phát hành được tiếp tục niêm yết trở lại các chứng khoán trước đây đã bị hủy bỏ việc niêm yết vì các lý do không đáp ứng được các tiêu chuẩn duy trì niêm yết
6.2.2.5 Niêm yết chéo
Là hình thức chứng khoán công ty vừa được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước vừa được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán nước ngoài
6.2.3 Điều kiện niêm yết chứng khoán
Để tạo sự ổn định của thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, điều kiện niêm yết phải bao gồm các điều kiện sau
* Điều kiện định lượng:
- Thời gian hoạt động liên tục và tối thiểu của công ty: công ty niêm yết phải có một nền tảng kinh doanh đầy đủ và thời gian hoạt động liên tục trong một số năm nhất định tính đến thời điểm xin niêm yết để khẳng định sự tồn tại, vị thế hiện có và triển vọng phát triển trong tương lai
- Quy mô vốn: vốn đóng góp, vốn đăng ký, vốn cổ phần của công ty, tài sản, giá trị thị trường, số cổ phiếu…phải đủ lớn để tạo ra sức lưu chuyển tối thiểu cho các chứng khoán
- Khả năng sinh lợi phải đủ lớn để đảm bảo thực lực, hiệu quả hoạt động và uy tín tài chính của công ty niêm yết
- Quyền sở hữu trong công ty thể hiện qua cơ cấu sở hữu cổ phần: số lượng và tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ bởi các cổ đông tối thiểu và các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập và cổ đông công chúng…phải đủ rộng để đảm bảo công ty được niêm yết là công ty cổ phần đại chúng thực sự chứ không phải chỉ giới hạn ở một số người
- Tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần phải thấp hơn mức quy định
- Tổng thị giá toàn bộ cổ phiếu trên thị trường phải đủ lớn để khẳng định uy tín, vị thế và sức cầu cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường
* Điều kiện về định tính
- Lợi ích mang lại đối với quốc gia
- Vị trí và sự ổn định tương đối của công ty trong ngành - Triển vọng của công ty
- Phương án khả thi và sử dụng vốn phát hành - Ý kiến của kiểm toán viên về các báo cáo tài chính - Tổ chức công khai thông tin
- Cơ cấu hoạt động của công ty - Mẫu chứng chỉ chứng khoán
- Khả năng chuyển nhượng cổ phiếu nêu trong điều lệ công ty 6.2.3.1 Điều kiện niêm yết tại SGDCK TP. Hồ Chí Minh ( HoSE)
* Điều kiện niêm yết cổ phiếu
a) Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 80 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán. Căn cứ vào tình hình phát triển thị trường, mức vốn có thể được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng hoặc giảm trong phạm vi tối đa 30% sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ;
b) Hoạt động kinh doanh hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi và không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký niêm yết;
c) Không có các khoản nợ quá hạn chưa được dự phòng theo quy định của pháp luật; công khai mọi khoản nợ đối với công ty của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, cổ đông lớn và những người có liên quan;
d) Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ
đ) Cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ;
e) Có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 14/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán’
* Điều kiện niêm yết trái phiếu
a) Là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn , doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 80 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán
b) Hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước
c) Có ít nhất một trăm người sở hữu trái phiếu của cùng một đợt phát hành
d) Có hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu phù hợp với quy định tại quy chế niêm yết chứng khoán của SGDCK
6.2.3.2 Điều kiện niêm yết tại SGDCK Hà Nội ( HNX)
* Điều kiện niêm yết cổ phiếu
a) Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 10 tỷ trở lên tính theo giá trị sổ sách
b) Hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước
c) Cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ
d) Cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ;
đ) Có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định
* Điều kiện niêm yết trái phiếu doanh nghiệp
- Là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 10 tỷ trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán
- Các trái phiếu của một đợt phát hành có cùng ngày đáo hạn - Có hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu hợp lệ theo quy định 6.2.4 Quy trình niêm yết chứng khoán
Bước 1: Thông qua việc niêm yết chứng khoán Bước 2: Kiểm toán báo cáo tài chính
Bước 3: Lựa chọn tổ chức tư vấn Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký niêm yết
Bước 5: Hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch với SGDCK 6.2.5 Những thuận lợi và bất lợi khi niêm yết chứng khoán
* Thuận lợi:
- Công ty sẽ dễ dàng huy động được khối lượng vốn lớn với chi phí thấp hơn
- Công chúng đầu tư tin tưởng hơn vào công ty niêm yết và tính thanh khoản của chứng khoán tăng
- Độ tín nhiệm của công ty niêm yết sẽ được nâng cao trên thị trường, do đó, công ty dễ vay vốn NH và khả năng ký kết hợp đồng thuận lợi hơn
- Tính thanh khoản của chứng khoán được niêm yết sẽ tăng lên. Việc giao dịch chuyển nhượng, cầm cố thuận lợi hơn đối với người sở hữu chứng khoán niêm yết. Trong một số trường hợp công ty niêm yết còn được ưu đãi về thuế
* Khó khăn:
- Công ty có chứng khoán niêm yết phải tuân thủ chế độ báo cáo, công bố thông tin chặt chẽ hơn
- Dễ bị lũng đoạn, thâu tóm, sáp nhập, quyền sở hữu dễ bị pha loãng
- Giá cổ phiếu bị tác động mạnh của thị trường. Do đó, khi giá cổ phiếu giảm sẽ ảnh hưởng đến uy tín công ty