Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
1.2 Dịch vụ kiểm toán độc lập ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
1.2.1 Tổng quan về dịch vụ kiểm toán độc lập của một số nước trên thế giới
Hoạt động dịch vụ kiểm toán ở các nước kinh tế thị trường phát triển đã hình thành và hoạt động hàng trăm năm. Hệ thống tổ chức các loại hình kiểm toán cũng phát triển đồng bộ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường. Mô hình chung về KTĐL của các nước trên thế giới như sau:
1.2.1.1 Mô hình, tổ chức dịch vụ kiểm toán độc lập trên thế giới
Mô hình, tổ chức bộ máy KTĐL là tổ chức của các KTV chuyên nghiệp để thực hiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác có liên quan.
Một tổ chức KTĐL phải thực hiện các nghĩa vụ và quyền lợi như các tổ chức kinh doanh khác, hơn nữa kinh doanh dịch vụ kiểm toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có giá trị tư vấn pháp lý cao nên phải có KTV đủ điều kiện hành nghề. Do đó, chỉ có những người có giấy phép hành nghề kiểm toán theo qui định của pháp luật mới được phép tham gia thành lập tổ chức các đơn vị kinh doanh dịch vụ này. Do qui mô và phạm vi hoạt động của các tổ chức kiểm toán rất khác nhau, có thể là những văn phòng kiểm toán chỉ có một KTV và hoạt động ở một địa phương, có thể có mạng lưới các DNKT rất lớn hoạt động trên phạm vi toàn cầu, nên có thể chia thành các nhóm sau:
- Văn phòng kiểm toán địa phương: một hay một vài Kế toán viên công chứng có thể thiết lập văn phòng để phục vụ cho khách hàng có nhu cầu kiểm toán và tư vấn kế toán, thuế và các tư vấn khác ở một địa phương (Ở Việt Nam chưa cho phép một KTV được kinh doanh dịch vụ kiểm toán nên loại hình văn phòng này còn khá lạ).
20
- Doanh nghiệp kiểm toán: Các tổ chức KTĐL được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp (thường gọi là các công ty hoặc hãng kiểm toán). Những DNKT toán lớn có thể thành lập các chi nhánh hoặc văn phòng kiểm toán tại các khu vực, các địa phương…
- Tổ chức kiểm toán quốc tế: Các Tổ chức kiểm toán quốc tế phát triển mạng lưới rộng khắp, trước hết để phục vụ khách hàng đa quốc gia: Khách hàng đi đến đâu thì Tổ chức cũng vươn đến đó để phục vụ. Phát triển mạng lưới rộng khắp cũng là con đường mở rộng quy mô kinh doanh, cũng nhằm mục tiêu lợi nhuận, thứ hạng và danh tiếng trên trường quốc tế.
Hiện nay có thể tổng kết được 3 mô hình chính mà các DNKT đang áp dụng, đó là Mô hình Công ty mạng lưới (Networks), Mô hình Hiệp hội (Associations), và Mô hình Liên kết (Alliances, Organisations). Mỗi Tổ chức kiểm toán quốc tế có chính sách thành viên khác nhau tùy thuộc vào mô hình hoạt động của các Tổ chức, cụ thể như sau:
+ Mô hình Công ty mạng lưới
Công ty mạng lưới: Là công ty hoặc pháp nhân thuộc cùng một mạng lưới;
Mạng lưới: Là sự liên kết giữa các tổ chức để: (i) Hướng tới sự hợp tác;
và (ii) Hướng tới sự chia sẻ lợi ích, hợp đồng kiểm toán, hoặc cùng được sở hữu, kiểm soát hoặc quản lý chung, có chung các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng, chiến lược kinh doanh chung, sử dụng chung thương hiệu, hoặc cùng chung một phần đáng kể nguồn lực chuyên môn.
Big 4, bao gồm PwC, Deloitte, E&Y và KPMG là điển hình cho mô hình công ty mạng lưới. Ngoài ra một số Tổ chức đã có thành viên ở Việt Nam như Grant Thornton, BDO International, RSM, Crowe Horwath, UHY
21
International, PKF International … cũng hoạt động dưới Mô hình công ty mạng lưới.
Đặc điểm của mô hình công ty mạng lưới là tên của các thành viên gắn với thương hiệu của Tổ chức kiểm toán quốc tế. Ví dụ như Deloitte Việt Nam, E&Y Việt Nam,... Các thành viên trong cùng mạng lưới đều được sử dụng logo và hình ảnh của hãng trong các hoạt động marketing của mình. Đồng thời, các thành viên cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Tổ chức kiểm toán quốc tế mà mình là một thành viên trong mạng lưới.
+ Mô hình Hiệp hội các công ty
Mô hình Hiệp hội rất phổ biến trong các Tổ chức kiểm toán quốc tế theo đó các công ty kế toán, kiểm toán có uy tín tại các quốc gia khác nhau tập hợp nhau lại tuy nhiên không hướng đến sở hữu chung, hoặc quản lý công ty mà độc lập trong mô hình này. Đại diện cho mô hình này có Kreston International, MGI, IGAF Worldwide, … Dưới dạng một Hiệp hội, các thành viên chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ đạt theo chuẩn của Tổ chức kiểm toán quốc tế, phát triển và giữ uy tín của Hiệp hội. Các thành viên cũng có sự gắn kết chặt chẽ với nhau và được sự hỗ trợ đáng kể từ Hiệp hội quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chung thường nhiên, hội nghị toàn cầu hay hội nghị vùng, cũng như thông qua việc trao đổi nhân viên giữa các hãng. Thông thường các thành viên vẫn giữ nguyên tên cũ của mình và quảng bá hình ảnh với tư cách là thành viên của Hiệp hội. Ở Việt Nam nhiều DNKT tham gia là thành viên của Tổ chức kiểm toán quốc tế hoạt động theo Mô hình Hiệp hội.
Lợi thế của Mô hình này là thành viên vẫn hoạt động độc lập và ít chịu sự ảnh hưởng từ rủi ro hay sự sụp đổ của các thành viên khác, cho dù uy tín ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Thành viên vẫn được sử dụng logo và hình ảnh của Tổ chức kiểm toán quốc tế là Hiệp hội khi quảng bá hình ảnh của mình với tư
22
cách là thành viên chính thức, và cung cấp dịch vụ toàn cầu thông qua các thành viên khác của Hiệp hội.
+ Mô hình Liên kết
Mô hình Liên kết ít thấy hơn trong các Tổ chức kiểm toán quốc tế. Vì thực chất mô hình này là sự liên kết của rất nhiều loại hình các công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như kiểm toán, tư vấn kế toán, tư vấn luật, tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn kinh doanh.... Trong mô hình này, mối liên hệ giữa các thành viên yếu hơn so với mô hình công ty mạng lưới và mô hình hiệp hội do các thành viên hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ kế toán và kiểm toán. Thành viên đầy đủ của Tổ chức hoạt động theo mô hình liên kết cũng được phép sử dụng logo và hình ảnh của Tổ chức trong hoạt động quảng bá của mình. Thành viên không được mang tên của Tổ chức quốc tế.
1.2.1.2 Tổ chức (hội) nghề nghiệp về kiểm toán
- Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) là tổ chức phi Chính phủ của các tổ chức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán trên toàn thế giới. Được thành lập từ tháng 10 năm 1977, đến nay IFAC đã có 167 tổ chức thành viên của 127 nước trên thế giới.
Mục tiêu hoạt động của IFAC đã được xác định trong điều lệ IFAC là:
để phục vụ lợi ích công chúng, IFAC tiếp tục củng cố nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trên phạm vi toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế thế giới thông qua việc ban hành và thúc đẩy sự tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy sự hòa hợp quốc tế và trình bày quan điểm đối với những vấn đề thuộc lợi ích công chúng khi thích hợp.
IFAC được tổ chức hoạt động với các Ủy ban chuyên môn, trong đó Ủy ban quốc tế về chuẩn mực kiểm toán và dịch vụ bảo đảm (International
23
Auditing and Assurance Standards Board – IAASB) có trách nhiệm thúc đẩy sự thống nhất của dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ liên quan trên toàn cầu. Ủy ban này xây dựng và ban hành các chuẩn mực kiểm toán, thúc đẩy quá trình thừa nhận, áp dụng và hội tụ chuẩn mực kiểm toán trên toàn cầu.
Ngoài ra ở từng khu vực, cũng có tổ chức nghề nghiệp kế toán kiểm toán như Liên đoàn kế toán các nước ASEAN (AFA); Hiệp hội Kế toán Châu Á Thái Bình Dương (CAPA)....
Các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ra đời để liên kết, bảo về quyền lợi của hội viên cũng như nâng cao sự chấp hành các nghĩa vụ, tuân thủ pháp luật, chuẩn mực của hội viên.
- Tổ chức nghề nghiệp kiểm toán ở một số quốc gia trên thế giới
Tổ chức nghề nghiệp của các KTV và kế toán viên được thành lập ở nhiều nước trên thế giới. Có những nước chỉ có một tổ chức nghề nghiệp duy nhất đại diện cho nước đó nhưng cũng có nước có một số tổ chức nghề nghiệp.
Ở Hoa Kỳ, có Hiệp hội kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (American Institute of Certified Public Accounants – AICPA)
Ở Anh quốc, có Hội Kế toán công chứng Anh (the Association of Chartered Certified Accountants) và Hiệp hội Giám định viên kế toán Anh &
xứ Wales (Institute of Chartered Accountants in England and Wales – ICAEW)
Ở Australia có Hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia – CPAA) và Viện Kế toán Australia (The Institute of Chartered Accountants in Australia – ICAA)
Ở Pháp có Liên đoàn quốc gia các chuyên viên kế toán Pháp
24
(Compagnie Nationale de Commissaires aux Comptes – CNCC).
Ở Việt Nam có Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).
Các tổ chức nghề nghiệp này phần lớn được hình thành trên cơ sở tham gia tự nguyện của các thành viên sau khi đạt tới những tiêu chuẩn nghề nghiệp nhất định. Những tổ chức này hầu hết là tổ chức thành viên của IFAC và hoạt động theo định hướng chung của IFAC, thực hiện các nghĩa vụ thành viên do IFAC đề ra. Ở mỗi nước, các tổ chức nghề nghiệp này là nhân tố quan trọng để phát triển nghề nghiệp kế toán nói chung và kiểm toán nói riêng. Đồng thời thực hiện chức năng quản lý chất lượng hoạt động kiểm toán, ban hành các chuẩn mực kiểm toán, tổ chức đào tạo và cập nhật kiến thức cho các KTV, tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ KTV…
Các Hội nghề nghiệp này thực hiện trách nhiệm đào tạo, xác nhận năng lực, cung cấp thông tin và quản lý đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cho những người hành nghề này. Một số hội nghề nghiệp khác có được các chức năng, nhiệm vụ nhiều hơn theo luật định như: như ACCA, CPA Úc…. có một số chức năng nhiệm vụ như:
- Nghiên cứu, soạn thảo, ban hành và công bố các Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
Ban hành các tài liệu hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán;
- Tổ chức các khoá đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ KTV trên cơ sở tài liệu do Hội yêu cầu, biên soạn cho các đối tượng sau khi đạt kỳ thi và có đủ 3-5 năm kinh nghiệm thực tế mới được là Hội viên chính thức của Hội;
- Tổ chức cập nhật kiến thức mới hàng năm cho Hội viên; Cung cấp thông tin nghề nghiệp và tư vấn chuyên môn cho Hội viên; Kiểm soát chất
25
lượng cung cấp dịch vụ của Hội viên; Quản lý đạo đức nghề nghiệp và xử lý các sai phạm của Hội viên.
Ở hầu hết các nước hội viên của các Hội nghề nghiệp quốc tế muốn hành nghề phải tham dự kỳ thi hoặc đào tạo theo dạng tín chỉ để lấy chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán và bắt buộc phải là Hội viên của Hội nghề nghiệp của nước đó.
1.2.2 Quản lý nhà nước về dịch vụ kiểm toán độc lập ở một số nước trên thế giới
- Ở Trung Quốc
Việc thành lập công ty kiểm toán phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Để thành lập công ty hợp danh kiểm toán cần đáp ứng các điều kiện:
+ Có tối thiểu 2 CPA làm việc toàn bộ thời gian cho công ty kiểm toán.
+ Phải có hợp đồng bằng văn bản, tên gọi công ty và trụ sở cố định.
Điều kiện thành lập công ty kiểm toán TNHH:
+ Có tối thiểu 5 CPA.
+ Có số lượng nhân viên nhất định làm việc toàn thời gian, có vốn đăng ký tối thiểu là 300.000 nhân dân tệ, phải có tên gọi và trụ sở cố định.
Một CPA phải gia nhập là hội viên của Học viện Kế toán viên công chứng Trung Quốc. Đây là tổ chức nghề nghiệp của các CPA, là tổ chức cấp quốc gia. Tại các tỉnh, khu tự trị hoặc thành phố trực thuộc Trung ương có các tổ chức Hiệp hội ở địa phương là hội thành viên của hội trung ương. Học viện kế toán viên công chứng Trung Quốc được quy định tại một chương riêng trong Luật Kế toán viên công chứng của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Trung Hoa về một số nhiệm vụ của Học viện góp phần quản lý hoạt động KTĐL.
26
Học Viện Kế toán viên công chứng Trung Quốc có nhiệm vụ:
+ Xây dựng các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định áp dụng đối với các CPA để báo cáo Bộ Tài chính thông qua.
+ Hỗ trợ các CPA tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình hành nghề;
+ Tổ chức các cuộc sát hạch trình độ và thanh tra hoạt động hành nghề của CPA.
- Ở Singapore
Việc cấp phép thành lập doanh nghiệp nói chung và DNKT do Cơ quan quản lý KTV và doanh nghiệp (Accounting and Coporate Regulatory Authority – ACRA) thực hiện. ACRA là cơ quan của Nhà nước thuộc Bộ Tài chính. ACRA cũng thực hiện quản lý việc hành nghề của KTV dưới sự hỗ trợ của Uỷ ban Giám sát các kế toán viên công chứng.
+ Vốn góp tối thiểu phải lớn hơn 50.000 đô la Singapore;
+ 2/3 số lượng thành viên góp vốn phải là CPA, nếu công ty có 1 hoặc 2 thành viên góp vốn thì người đó phải là CPA.
+ Các CPA nắm giữ tối thiểu 2/3 vốn doanh nghiệp.
CPA phải bắt buộc cho những người là thành viên của Hiệp hội Kế toán viên công chứng Singapore.
- Ở Thái Lan
Bộ Thương mại chịu trách nhiệm về cấp giấy phép thành lập DNKT.
Việc thành lập DNKT tuân thủ những quy định chung của Bộ Luật thương mại và dân sự Thái Lan. Để được cung cấp dịch vụ kiểm toán, doanh nghiệp sau khi thành lập sẽ đăng ký với Liên đoàn kế toán chuyên nghiệp (FAP) trong
27 vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập.
Công ty kiểm toán được thành lập theo 3 hình thức:
+ Công ty hợp danh thông thường + Công ty hợp danh hữu hạn + Công ty TNHH.
+ Công ty TNHH kiểm toán phải có tối thiểu 3 thành viên góp vốn và công ty hợp danh phải có ít nhất 2 thành viên góp vốn.
- Ở Nhật Bản
Công ty kiểm toán phải được đăng ký bởi Ủy ban Dịch vụ Tài chính (thuộc Chính phủ Nhật). Trong vòng 2 tuần kể từ ngày thành lập hoặc thay đổi điều lệ công ty, công ty kiểm toán phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập hoặc thay đổi của mình.
+ Để thành lập một công ty kiểm toán phải có ít nhất là năm CPA là thành viên góp vốn của công ty kiểm toán này và phải cùng nhau quy định Điều lệ công ty;
+ Các điều khoản về thành lập công ty phải nêu lên ít nhất những nội dung về mục đích hoạt động; tên của công ty kiểm toán; địa chỉ trụ sở chính;
tên và địa chỉ các chủ phần hùn; những vấn đề về góp vốn của các thành viên góp vốn và việc hành nghề;
CPA và công ty kiểm toán bắt buộc phải là hội viên của Viện Kế toán viên công chứng Nhật Bản. Viện kế toán viên công chứng Nhật Bản là một đơn vị pháp nhân do các CPA tổ chức trên quy mô toàn quốc. Mục đích của Viện là duy trì tư cách của các CPA, thực hiện công việc hành chính liên quan đến định hướng, thông tin liên lạc, giám sát các hội viên của mình nhằm cải thiện và xúc tiến việc hành nghề và việc đăng ký hành nghề của các CPA.
28
Tổ chức nghề nghiệp của KTV (Viện Kế toán viên công chứng Nhật Bản) được quy định riêng một chương trong Luật kế toán viên công chứng Nhật Bản về một số nội dung như: mục đích hoạt động, chức năng nhiệm vụ, điều lệ hoạt động, đăng ký hành nghề.
Viện Kế toán viên công chứng Nhật Bản có nhiệm vụ:
+ Tổ chức đào tạo hành nghề cho CPA;
+ Cấp và thu hồi giấy đăng ký hành nghề cho kế toán viên công chứng;
+ Cập nhật kiến thức về chuyên môn cho kế toán viên công chứng;
1.2.3 Kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam
So với các nước trên thế giới và khu vực, Việt nam bước vào xây dựng kinh tế thị trường muộn hơn. Quá trình xây dựng và quản lý nền kinh tế thị trường ở Việt Nam cũng chính là quá trình xây dựng cơ chế vầ chính sách quản lý trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể. KTĐL là một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam đặc biệt là trong thực tế quản lý. Do đó việc dựa vào kinh nghiệm phát triển của các nước đi trước có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Từ kinh nghiệm và thực tiễn hoạt động, quản lý của KTĐL một số nước trên thế giới có thể rút ra một số kinh nghiệm định hương phát triển của KTĐL ở Việt Nam, gồm:
Thứ nhất, DNKT Việt Nam không nên đứng đơn lẻ để hoạt động kinh doanh. Cần tham gia liên kết với nhau, đặc biệt là liên kết vào các mô hình của các DNKT lớn trên thế giới theo các mô hình công ty mạng lưới, mô hình hiệp hội của các công ty. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tiến gần đến chất lượng, sự chuyên nghiệp như các tổ chức kiểm toán trên thế giới.