2.3. QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC THIẾU NHI TIÊU BIỂU
2.3.2. Biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác của một số nhà văn viết cho thiếu nhi tiêu biểu
2.3.2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác của Phạm Hổ
- Sự trưởng thành của con người và ý nghĩa đích thực của cuộc sống chủ yếu là ở tình bạn chân chính; vì thế mà trong sáng tác văn học dành cho tuổi thơ của ông, ta thấy Phạm Hổ đặc biệt chú ý đến tình bạn trong đời sống con người. Trong gần hai mươi tập thơ viết cho các em, đã có sáu tập ông viết về tình bạn: Chú bò tìm bạn, Bạn trong vườn, Những người bạn im lặng, Những người bạn nhỏ, Ai kêu đấy?, Bạn nào thích nhảy.
Những người bạn trong thơ ông là những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu. Ông gọi đó là Những người bạn nhỏ mà các em vẫn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày như chó, mèo, gà, vịt, ngan, ngỗng, bê, bò, chim, cá... Mỗi bài thơ là một câu chuyện nhỏ xinh, một tiếng cười hóm hỉnh, sảng khoái. Thế giới các con vật hiện lên ngộ nghĩnh, đáng yêu như thế giới của các em bé đầy tưởng tượng, nhầm lẫn và thắc mắc.
Chú bò tìm bạn là một bài thơ thể hiện rất rõ phong cách dịu dàng, đằm thắm, duyên dáng mà cũng rất hóm hỉnh, rất có "nghề" trong nắm bắt tâm lí trẻ thơ của Phạm Hổ. Tác phẩm hấp dẫn nguời đọc trước hết ở sự hồn nhiên, rất thơ ngây của nhân vật; đồng thời thể hiện tình bạn chung thuỷ, sự khát khao được sống trong tình bạn của trẻ em:
Mặt trời rúc bụi tre Buổi chiều về nghe mát Bò ra sông uống nước Thấy bóng mình, ngỡ ai Bò chào: "Kìa anh bạn Lại gặp anh ở đây!"
Nước đang nằm nhìn mây
Nghe bò cười nhoẻn miệng Bóng bò chợt tan biến Bò tưởng bạn đi đâu Cứ ngoái trước nhìn sau
"Ậm ò" tìm gọi mãi...
Tình bạn cũng là đề tài chủ đạo trong mảng truyện đồng thoại của ông. Bê và sáo là bức tranh của xóm làng Việt Nam. Bức tranh quen thuộc như theo một đề tài dân gian. Và chủ đề cũng không mới. Nhưng truyện vẫn hấp dẫn vì những quan sát tỉ mỉ, vì tình cảm tế nhị và giọng văn giản dị, giàu cảm xúc. Bê và sáo là đôi bạn thông minh, thân thiết, lo lắng cho nhau đề phòng và chống lại kẻ ác. Những ai từng quen với thú vật, từng nuôi thú vật có thể thấy rõ tâm tính loài vật không giản đơn tí nào. Và thấy tác giả đã bỏ ra nhiều công phu mới viết được những trang giàu quan sát và nhiều tình cảm này.
Thơ thiếu nhi của Phạm Hổ cũng là thế giới cỏ cây, hoa lá đầy hoa thơm, quả ngọt và ngập tràn sắc màu cuộc sống góp phần mở lối để các em đến với thế giới thiên nhiên kì thú, như một khu vườn bách thảo đầy hương sắc. Nhà thơ không chỉ giới thiệu cho các em biết về đặc tính, công dụng của mỗi loài cây, quả mà còn muốn gợi cho các em lòng yêu cuộc sống, yêu bạn bè, yêu đất nước và biết ơn người lao động.
Một thế giới khác cũng mang đậm tài năng và phong cách Phạm Hổ là những người bạn đồ vật. Đó chính là những người bạn im lặng khiêm tốn và tốt bụng. Qua cái nhìn hóm hỉnh của ông, những đồ vật vô tri bỗng trở nên có hồn và sống động. Đó là tất cả những người bạn lặng lẽ quanh ta, khiêm nhường đóng góp một phần nhỏ bé để làm sạch, làm đẹp cho cuộc sống. Và tất cả đều là bầu bạn của thế giới trẻ thơ. Phạm Hổ thường nói: Người sáng tác cho thiếu nhi phải có tâm hồn thơ trẻ, phải hiểu trẻ, biết cách thâm nhập vào cuộc sống trẻ thơ. Nhà văn luôn mong muốn giúp các em sống đẹp hơn, tốt hơn. Mượn thế giới cỏ cây, các con vật, đồ vật, Phạm Hổ đã khéo léo gửi đến các em một thông điệp thật giản dị mà vô cùng sâu sắc: Tình bạn thật cần cho cuộc sống của con người, hãy sống với nhau bằng tình thương và lòng nhân ái, bé sẽ có nhiều bạn tốt và nhiều niềm vui.
- Mỗi nhân vật là một "thiên thần nhỏ" góp phần chuyển tải thông điệp "vì trẻ thơ" của người viết. Những sáng tác của Phạm Hổ thường nhằm tới cái đích giáo dục nhẹ nhàng, giản dị mà sâu sắc, thâm thuý. Với ông, làm thơ, viết văn cho lứa tuổi giàu bản năng nhưng lại không thể viết một cách bản năng, dễ dãi. Ngoài lòng nhiệt tình, say mê, còn đòi hỏi phải nắm được đặc điểm tâm lí lứa tuổi để viết cho phù hợp. Đi tìm cách thể hiện phù hợp với tâm hồn trẻ thơ, Phạm Hổ không những giúp các em hiểu thêm những cái hay, cái đẹp xung quanh mình mà còn giới thiệu cho các em những điều lạ lùng, thú vị luôn luôn bất ngờ xảy ra trong cuộc sống.
Tóm lại, đọc thơ, truyện và kịch viết cho trẻ em của Phạm Hổ, người ta ta dễ dàng nhận ra hai đặc
điểm nổi bật ở con người của tác giả:
- Lòng yêu trẻ, yêu con người và cuộc sống thật đôn hậu và trong sáng;
- Sức làm việc bền bỉ, trí tưởng tượng dồi dào và phong phú.
Chính hai điểm mạnh này đã giúp Phạm Hổ luôn luôn tìm tòi và sáng tạo cho đối tượng trẻ thơ.
2.3.2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài
30
Đọc truyện thiếu nhi của Tô Hoài, người ta dễ nhận ra quan niệm giàu tính nhân văn của người viết: Con người, nhất là tuổi trẻ, sẽ trưởng thành lên từ chính những sai lầm, vấp ngã của họ.
Ông thường sử dụng những mẩu chuyện với lời văn dí dỏm, với ngôn ngữ đối thoại sinh động, với sự việc cụ thể, và nhất là với hình ảnh những con vật quen thuộc để khêu gợi những suy nghĩ đơn giản nhưng thấm thía về những vấn đề đặt ra trong sinh hoạt hằng ngày của các em.
Trong kịch Con mèo lười, tác giả đã dựng nên cảnh nhộn nhịp của những con vật đang náo nức chuẩn bị theo chủ đi vỡ nương, thông qua đó tác giả phê phán nhẹ nhàng một chú mèo... lười.
Chú ta đã từng phát biểu một cách thật thà, không chút ngượng ngùng: "Chẳng may tớ phải sinh làm giống mèo mũi đỏ, tớ không biết bắt chuột, tớ chỉ biết ăn vụng". Bao giờ chú cũng có đủ lí lẽ để bào chữa cho tính lười của mình. Hơn nữa, chú lại còn "âm mưu" lôi kéo các bạn bê con ngây thơ, các chú ỉn thật thà cũng lười như mình. Nhưng nhờ có tình thương yêu, đoàn kết của tập thể, nên chú mèo đã tự giác sửa dần khuyết điểm. Quá trình sửa chữa khuyết điểm của chú mèo phát triển một cách tự nhiên.
Trong Võ sĩ bọ ngựa, các em được gặp một chú bọ ngựa có những nét rất giống với các cậu bé "choai choai" mới lớn, hiếu động và hiếu thắng, không lượng nổi sức mình. Bọ Ngựa sống cùng với mẹ trên một cây hoa hồng, mẹ đi kiếm ăn, sai Bọ Ngựa ở nhà trông nhà, nhưng khi mẹ vừa đi khuất, cậu ta đã tụt ngay xuống đất để tìm hiểu thế giới xung quanh. Tình cờ Bọ Ngựa gặp Châu Chấu Ma và Gián ống là hai kẻ nhút nhát nhất đời. Thấy Bọ Ngựa giáp trụ đầy mình nên cả Châu Chấu Ma và Gián ống đều tôn xưng Bọ Ngựa là đại ca và cầu xin được che chở. Bọ Ngựa bỗng thấy mình là nhân vật quan trọng, cậu ta lập tức tìm cho mình một cái tên mới thật oai là "Võ sĩ đại mã"
và muốn cùng với hai đệ tử "dạy cho thiên hạ một bài học". Nhưng chưa dạy nổi ai thì Bọ Ngựa đã nhận được một cái tát của bà Bọ Muỗm và được thử sức mạnh của ông Cồ Cộ. Bọ Ngựa đã hiểu ra một chân lí đơn giản mà hết sức sâu sắc: Hễ cậy mình khoẻ để bắt nạt kẻ yếu thì sẽ bị người khoẻ hơn trừng trị lại. Cậu ta chừa được thói ngông cuồng và trở thành đứa con ngoan ngoãn, khiêm tốn.
Câu chuyện nhắc nhở các em hãy biết sống khiêm tốn và biết quan tâm giúp đỡ mọi người.
Lí tưởng sống tốt đẹp là thước đo chân giá trị của cuộc sống con người. Trong truyện viết cho thiếu nhi, Tô Hoài đã nắm được đặc điểm tâm sinh lí của trẻ ở các lứa tuổi khác nhau. Bài học về sự phấn đấu để đạt được mục đích cao cả, tốt đẹp nhất của cuộc đời vì thế cũng không hoàn toàn giống nhau ở tất cả mọi đối tượng tiếp nhận. Cụ thể là:
- Ở lứa tuổi trưởng thành, các em đã có khả năng mở rộng tầm suy nghĩ của mình, muốn tỏ ra có bản lĩnh độc lập trong đời sống, những vấn đề lớn của xã hội đã dần dần mở ra trước mắt các em, do đó tác phẩm phải là phương tiện giáo dục lí tưởng cho các em. Tô Hoài đã thông qua những gương chiến đấu dũng cảm để nói với các em về lí tưởng, về đạo đức cách mạng. Tô Hoài đã khêu gợi đúng lòng mong ước có một cuộc sống anh hùng ở các em.
- Còn các em nhỏ, do chưa có khả năng nhìn được bản chất của sự vật, thường chỉ nhìn sự vật qua các biểu hiện bên ngoài, suy nghĩ của các em cũng chưa thoát khỏi môi trường quen thuộc xung quanh, cho nên khi sáng tác, nhà văn đã thông qua những chi tiết cụ thể, dễ hiểu để giáo dục các em. Thế giới quen thuộc của các em bao giờ cũng là cây cỏ, hoa lá, chim muông, mỗi thứ qua cách nhìn của các em đều có một tâm hồn, đều có thể san sẻ mọi nỗi buồn vui. Trong nhiều sáng tác, Tô Hoài đã dựng lên rất thành công thế giới quen thuộc này, nhằm mở rộng tri thức và làm phong phú trí tưởng tượng của các em. Đó là thế giới của những chú chích bông, chú mèo, chị ỉn, anh sáo sậu...
mỗi "người" mỗi vẻ, ngộ nghĩnh và quen thuộc biết mấy! Nắm được yêu cầu giáo dục và chọn được
hình thức miêu tả thích hợp với đặc điểm tâm sinh lí của mỗi lứa tuổi, đó là một ưu điểm lớn của Tô Hoài.
2.3.2.3. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm Võ Quảng
Quê hương và tuổi thơ là hai nguồn dưỡng chất quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Thơ văn Võ Quảng có nội dung phong phú, nghệ thuật đặc sắc. Ông thường kể chuyện về quê hương hoặc viết về những gì gần gũi với cuộc sống trẻ thơ. Ông có lối viết dí dỏm, hóm hỉnh, giàu nhạc điệu, không lẫn với bất cứ ai. Đọc Quê nội của Võ Quảng, mỗi người đều được "trở lại với tuổi thơ" của mình với những trò chơi tinh nghich, những "thói xấu" rất trẻ con khó tránh khỏi, nhưng tất cả "đều có cùng khao khát muốn làm việc tốt, muốn được khẳng định về nhân cách, muốn vươn lên (làm được) những việc quá sức mình, muốn nhanh chóng thành người lớn, muốn được giao những việc quan trọng" (Phong Lê. tài liệu 1; tr.345).
Thiên nhiên là người thầy đầu tiên và suốt đời của tất cả chúng ta. Xuất phát từ quan niệm này, Võ Quảng đã xây dựng một hệ thống nhân vật đồng thoại phong phú, đa dạng, rất ngộ nghĩnh, đậm tâm lí, tính cách trẻ thơ nên rất gần gũi với thiếu nhi.
Nhà thơ Ngô Quân Miện đã có nhận xét: "Trong thơ Võ Quảng có một mảng vườn bách thú và bách thảo mà những em bé nào có cái may mắn được vào đều say mê và yêu thích". Quả đúng là như thế. Vườn thơ của Võ Quảng khá giàu có về các loài chim thú và cây cỏ. Trước hết, ta gặp ở trong thơ ông một xã hội chim, thú rất đông vui và sinh động. Gần gũi nhất với người là mèo, gà, vịt, chó, trâu, bò, lợn... Xa hơn là những con chim trời như chào mào, chim khuyên, cò, vạc, quạ, vàng anh, bói cá, bồ chao, bách thanh, vẹt...; có cả những con vật ở rừng như thỏ, nai, cáo, voi..., và cả những con vật ở dưới nước như bồ nông, chẫu chàng, ếch nhái... Tất cả họp lại thành một xã hội chim, thú rất đông vui, đầy những tiếng hót, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh... ríu rít, inh ỏi như thế giới trẻ thơ đầy ắp tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát, thật nhộn nhịp và đáng yêu. Võ Quảng đã thổi vào trong những loài vật ấy một tâm linh để chúng hiện lên có sinh khí, có hoạt động như con người. Bạn đọc thú vị khi gặp trong thơ ông một con trâu mộng "trợn tròn đôi mắt - nó cứ nhìn nhìn - coi bộ không tin - những người lạ mặt" (Con trâu mộng); một chú chó vàng tinh nghịch thấy cái gì cũng sủa, cũng chọc vào, đến nỗi chọc cả vào tổ ong, để ong đốt cho sưng vều cả mặt (Một chú chó vàng);
những con vịt háu ăn cứ kéo nhau xếp hàng xung quanh chuồng lợn mà kêu: "Mau chia cám! Mau chia cám!"; hoặc một chú bê con hiếu động đi tìm mẹ. Chú ta đi qua vườn ớt, đi tới vườn cà, vấp phải cái cọc, ngã lăn kềnh ra, kêu gọi mẹ nhưng mẹ chưa tới thì bê con đã Thấy cái hoa nở, liền quên hết mọi chuyện, kê mũi lên hít hít. Hình ảnh chú bê gợi cho ta liên tưởng tới những em bé hay khóc, hay vòi, hay hờn dỗi, nhưng cũng dễ quên, khóc đấy, nhưng lại cười ngay đấy. Võ Quảng viết về các con vật như viết về chính những cảm xúc, những suy nghĩ của tuổi thơ mình. Và bạn đọc thơ ông như cũng được gặp lại chính tuổi thơ của mình ở đó...
Nhân vật phải giàu tính giáo dục để góp phần hình thành đạo đức, nhân cách trẻ em.
Trong quan niệm của Võ Quảng, "văn học cho thiếu nhi còn đặt ra vấn đề chính yếu thứ hai, đó là vấn đề giáo dục: Giáo dục cái hay cái đẹp cho thiếu nhi. Người viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học thiếu nhi là hai anh em sinh đôi". Theo ông, tác phẩm văn học viết cho các em phải là một công trình sư phạm. Người viết cần cân nhắc nên nói cái gì, nói như thế nào để có lợi cho tâm hồn các em mà không ảnh hưởng đến sự thể hiện nghệ thuật.
Võ Quảng cũng cho rằng, không thể nói với các em những lời răn dạy, công thức khô khan, mà văn học thiếu nhi cần mang nhiều tính chất vui tươi, hồn nhiên, dí dỏm; sức tưởng tượng có thể mở ra bay bổng tung hoành: "Một quyển sách tốt có lúc mở cho các em thấy một ước mơ tốt đẹp, ước mơ đó các em đeo đuổi mãi cho đến khi khôn lớn" (Võ Quảng. Một số ý nghĩ chung quanh vấn đề sách viết cho thiếu nhi). Với quan niệm như vậy, Võ Quảng đã sáng tác những bài thơ không chỉ giúp các em phát hiện ra cái đẹp xung quanh, cái đẹp của thiên nhiên, mà còn giúp các em hiểu sở dĩ có được cái đẹp ấy chính là nhờ bàn tay lao động, nhờ công sức của con người.
Võ Quảng là người có trách nhiệm cao đối với bạn đọc nhỏ tuổi. Dụng ý giáo dục thường dễ bắt gặp trong nhiều bài thơ của ông. Nhà văn hướng các em vào những việc làm tốt như chăm học, chăm làm, tuổi nhỏ làm việc nhỏ... Nhưng đó không phải là những lời giáo huấn khô khan, gò ép, thô thiển mà ông luôn khéo léo gài lồng ý nghĩa giáo dục trong những hình ảnh đẹp, trong cách nói nhẹ nhàng. Đó là ý nghĩa triết lí và bài học giáo dục được rút ra từ việc dậy sớm (Ai dậy sớm); bài học về tình đoàn kết, về sức mạnh của tập thể (Phải chung màu lại, Những chiếc áo ấm); một quan niệm sống và cống hiến hết mình cho niềm vui, hạnh phúc và sự tốt đẹp của cộng đồng (Anh Đom Đóm); bài học về cái giá phải trả cho những người không biết tự thân vận động, chỉ sống dựa, sống bám người khác (Bài học tốt) hoặc hậu quả của việc chỉ sống bằng dự định suông mà không bắt tay biến dự định thành hiện thực (Anh Cút lủi). Đó cúng là triết lí cảm động về sức mạnh của tình bạn chân chất, chung thuỷ, ít nhiều mang tính lí tưởng của hai nhân vật in đậm hình bóng tuổi thơ của tác giả là Cục và Cù Lao trong Quê nội, Tảng sáng v.v...
Chính vì những lí do trên, giáo sư Phong Lê đã rất tinh tế khi cho rằng: "Thơ Võ Quảng ít nói điều gì cao xa, to tát, trừu tượng. Ông chỉ nói những chuyện nhỏ nhẹ, bình thường, với giọng khiêm nhường, nhiều khi vui, hóm, ngộ nghĩnh. Nhưng thơ ông, mặc dù vậy, hay chính vì vậy, lại rất giàu ý vị giáo dục. Đó là chỗ, theo tôi thực sự là thành đạt trong thơ cho lứa tuổi thơ của Võ Quảng".
HƯỚNG DẪN HỌC TẬP CHƯƠNG 2
I. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Xác định được khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người; mô tả được những biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học thiếu nhi và sự vận động của quan niệm nghệ thuật về con người qua các giai đoạn văn học. Qua đó, người học có thể vận dụng lí thuyết để xác định, phân tích quan niệm nghệ thuật về con người trong các tác phẩm văn học thiếu nhi tiêu biểu.
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH
1. Cho biết đánh giá của anh (chị) về ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học.
2. Quan niệm nghệ thuật có khác gì với quan niệm khoa học, triết học, xã hội học về con người?
3. Đọc truyện sau đây và cho biết quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả:
CHÓ SÓI VÀ CHÓ NHÀ
Con chó sói gầy guộc đi đến một làng nọ thì gặp con chó nhà béo ụ. Chó sói hỏi chó nhà:
- Cậu thử nói cho mình biết là cậu thường kiếm ăn ở đâu được không?
Chó nhà trả lời: