Chương 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI PHỤ NỮ BỊ BẠO LỰC GIA ĐÌNH TẠI THÀNH PHỐ YÊN BÁI
2.2. Thực trạng công tác xã hội đối với phụ nữ bị bạo lực gia đình tại Yên Bái
Ở bất kỳ giai đoạn nào, gia đình đều giữ vai trò là nền tảng của xã hội, là một trong những nhân tố quyết định sự hưng thịnh của một Quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, nhiều gia đình cộng lại thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Chính vì vậy, gia đình và công tác gia đình luôn là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước ta.Đảng ta khẳng định “Gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”. Gia đình là môi trường quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của mỗi cá nhân, là nơi bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tỉnh Yên Bái hiện nay có 203.948 hộ gia đình. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực gia đình, với sự cố gắng chung của các cấp, các ngành công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngành văn hóa thông tin du lịch đã
tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác gia đình trên địa bàn tỉnh như: Kế hoạch hành động thực hiện
“Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Kế hoạch Phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”;
Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11). Tổ chức các giải thể thao gia đình toàn tỉnh và tham gia giải thể thao gia đình toàn quốc đạt nhiều thành tích cao.
Thực hiện Bình đẳng giới đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc của xã hội. Công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng và nhân rộng mô hình câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình phát triển bền vững" được quan tâm chú trọng. Các quy ước, hương ước làng, thôn, bản, tổ dân phố được thường xuyên rà soát và bổ sung thêm nội dung về bình đẳng giới. Xây dựng đường dây nóng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 253 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Các mô hình này đã phát huy được hiệu quả và làm giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, tăng cường sự hiểu biết pháp luật về gia đình trong nhân dân. Trong thực hiện Đề án "Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình", đã hướng dẫn cơ sở tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua cuộc họp thôn, làng, bản, tổ dân phố để phổ biến tuyên truyền những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp trong gia đình, gìn giữ, phát huy bảo tồn văn hoá dân tộc; những vấn đề như: “Thời gian cha mẹ dành cho con cái”, khoảng cách cha mẹ với con cái; làm thế nào để sách, báo trở thành món ăn tinh thần
giúp ích cho trẻ; lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ; hướng dẫn con cái ứng xử với tiền bạc, trang bị kiến thức cho thanh niên trước hôn nhân; nguyên nhân và hệ lụy của việc ly hôn trong gia đình trẻ hiện nay; lối sống đạo đức của giới trẻ ngày nay; quan hệ mẹ chồng, nàng dâu, làm thế nào để trở nên tốt đẹp, phổ biến, nhân rộng mô hình gương gia đình tiêu biểu, mẫu mực trong phát triển kinh tế, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan...
Công tác phối hợp giữa Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ngành, đoàn thể để triển khai thực hiện công tác gia đình luôn được thực hiện chặt chẽ: Phối hợp với Hội nông dân tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao trong gia đình nông dân, trong xây dựng câu lạc bộ “Đàn ông xây tổ ấm”; Phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh niên về “Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên về trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”. Phối hợp với Hội Phụ nữ trong thực hiện Đề án 343 "Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" gắn việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng phong trào gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Phối hợp trong việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền cung cấp các kiến thức, kỹ năng, giáo dục các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình; quyền, nghĩa vụ của gia đình;
kỹ năng sống, tổ chức cuộc sống gia đình; Mối quan hệ, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép nội dung giáo dục về gia đình với giáo dục về bình đẳng giới, dân số, sức khỏe sinh sản, xóa đói giảm nghèo nhằm tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đời sống gia đình. Phối hợp trong chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới”; truyên truyền vận động nhân dân đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần
xây dựng hình ảnh người phụ nữ Yên Bái có lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và Lễ hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Công tác phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững đã phát huy được sức mạnh. Đến nay 253 mô hình câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì, thường xuyên hoạt động đã mang lại hiệu quả, số vụ BLGĐ hàng năm giảm rõ rệt, năm 2010 có 750 vụ BLGĐ thì năm 2016 giảm còn 250 vụ; các mô hình câu lạc bộ như: câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, CLB phụ nữ với pháp luật, CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, CLB Đàn ông xây tổ ấm…đã hoạt động rât tích cực và hiệu quả đã góp phần củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững cũng đã góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2011 toàn tỉnh có 132.203/188.665 hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hoá (bằng 70%);
năm 2015 có 143.778/199.678 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá (bằng 72%); đến năm 2016 đã có 148.987/203.948 hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hoá (bằng 73%).
Hiện nay, 90% các huyện đã xây dựng đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình, có 270 điểm sơ cứu, lánh nạn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình ở các trạm y tế xã, thị trấn, 1580 địa chỉ tin cậy ở thôn, bản, tổ dân phố tư vấn cho nạn nhân bị BLGĐ. Hệ thống đường dây nóng, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng luôn phối hợp tốt với tổ hòa giải, tổ an ninh, tổ tự quản ở cơ sở làm tốt công tác hòa giải các vụ BLGĐ xảy ra ở khu dân cư, hỗ trợ nạn nhân và người có hành vi BLGĐ có những kiến thức về hôn nhân, gia đình, kỹ năng nhìn nhận giải quyết các vấn đề của gia đình, kỹ năng làm chủ bản thân…, giúp các thành viên gia
đình hiểu rõ về vị trí, vai trò của gia đình, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc thực hiện các mô hình nhằm phòng chống bạo lực gia đình cũng đã được đưa vào hoạt động và triển khai trên hầu khắp các huyện. Tiêu biểu có mô hình “Hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bạo lực gia đình và những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình” được triển khai tại xã Quang Minh huyện Văn Yên đã đem lại hiệu quả tốt. Từ tháng 7 năm 2012, Thôn Khe Ván và Khe Tăng xã Quang Minh được trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) lực chọn tham gia thực hiện dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bạo lực gia đình và những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình”. Xã Quang Minh đã thành lập Ban Điều hành dự án, mạng lưới tình nguyện viên và thành lập câu lạc bộ “chia sẻ” gồm 30 hội viên. Câu lạc bộ là mái nhà chung, là địa chỉ tin cậy để chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình tại xã Quang Minh tìm đến chia sẻ, cần giúp đỡ để lên tiếng đấu tranh, giải thoát cho bản thân khỏi bạo hành nhiều năm. Tại các buổi sinh hoạt định kỳ, hội viên CLB “Chia sẻ” được tiếp cận các kiến thức bổ ích về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Cũng tại đây, chị em được tham gia thảo luận tập thể về những hành vi bạo lực gia đình, quyền, nghĩa vụ của nạn nhân khi bị bạo hành, kỹ năng hòa giải, cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan, cách phát triển kinh tế gia đình và hướng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình. Cùng với đó, cán bộ hội phụ nữ thường xuyên gần gũi, động viên, chia sẻ với chị em phụ nữ bị BLGĐ, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa hội viên với tổ chức hội để chị em có thể trải lòng mình, cùng giúp nhau gỡ rối các mâu thuẫn gia đình. Bên cạnh thành lập CLB, Trung Tâm Sudecom đã kết hợp với hội phụ nữ xã Quang Minh tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ trong ban điều hành xã, cán bộ nòng cốt các thôn, nội dung tập huấn đã trang bị kiến thức cơ bản về giới, luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo
lực gia đình, kỹ năng truyền thông tư vấn làm việc với nạn nhân của bạo lực gia đình, chống kỳ thị với người có HIV/AIDS. Với kiến thức được trang bị, các báo cáo viên, tình nguyện viên của Ban điều hành dự án đã thường xuyên tư vấn hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại Thôn Khe Ván và Khe Tăng, đồng thời mở rộng thêm 4 thôn không nằm trong dự án.
Từ tháng 7/2012 đến nay, mạng lưới tình nguyên viên đã tư vấn trên 90 trường hợp với trên 100 lượt người, cấp thuốc cho 45 nạn nhân bị bạo lực gia đình. Do làm tốt công tác truyền thông tư vấn, tình trạng bạo lực gia đình tại hai thôn Khe Tăng và Khe Ván và các thôn khác trên địa bàn xã Quang Minh đã giảm, một số trường hợp trước kia thường xuyên có hành vi bạo lực, đến nay đã giảm từ 60 đến 70%. Một số trường hợp có nguy cơ dẫn đến ly hôn, sau khi được cán bộ Ban điều hành và tình nguyện viên đến tư vấn hòa giải nay đã trở về đoàn tụ như trường hợp của vợ chồng anh Nông Đình P, chị Lý Thị B, Vũ Thị C. Số nạn nhân bị BLGĐ có nhu cầu xin được tư vấn tăng từ 6% lên 10%.
Các hoạt động chăm sóc y tế cho nạn nhân đã kịp thời, đúng đối tượng, giúp cho nạn nhân ổn định sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần sau những lần bị bạo lực. Người dân trên địa bàn xã Quang Minh nhất là Nam giới ở hai thôn Khe Ván và Khe Tăng đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng ứng xử, giao tiếp trong gia đình, hiểu thêm về pháp luật, đồng thời ý thức được việc gìn giữ hạnh phúc là điều quan trọng của mỗi tổ ấm gia đình để tránh tình trạng “xô bát đổ mâm”. Anh Hoàng Xuân Chuyên - Thôn Khe Tăng xã Quang Minh tâm sự:
Trước đây do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên nhiều lúc việc bé xé ra to, vợ chồng xô sát đánh nhau là chuyện bình thường. Có khi đánh vợ đánh con xong thì mình lại phải chăm sóc cũng rất mất việc, vừa không có người làm vừa ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Nay được đi tập huấn, mình biết rằng đánh vợ là vi phạm pháp luật nên mỗi lần nóng nảy mình cố ghìm lại cơn nóng, bởi nóng quá hóa dại, giận quá mất khôn.
Song song với công tác tập huấn, tuyên truyền, tư vấn, thực hiện chương trình hỗ trợ mô hình chăn nuôi cho các nạn nhân bị BLGĐ và những người có nguy cơ bị BLGĐ, Trung tâm Sudecom đã hỗ trợ 20 mô hình chăn nuôi gà Ri lai thả vườn cho 20 gia đình ở xã Quang Minh. Do được sự hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi tại các buổi tập huấn nên những gia đình được dự án hỗ trợ đã áp dụng thành công những kiến thức được học vào thực tế chăn nuôi. Đến nay, các con giống đều khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, là cơ hội để chị em là nạn nhân của BLGĐ có cuộc sống khó khăn vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: Cùng với sự hoạt động tích cực của Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM), chuyển biến rõ nhất trong công tác phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn xã Quang Minh là nhận thức, trách nhiệm từ các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể địa phương và nhân dân đã thay đổi. Nếu trước kia, trên địa bàn xã xảy ra BLGĐ, hàng xóm, chính quyền địa phương thờ ơ coi như không phải việc của mình, thì nay đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, tổ hòa giải ở các thôn được xem là địa chỉ tin cậy, tham gia tháo gỡ, tư vấn về mặt pháp lý, giúp chị em bị bạo hành có các giải pháp tốt nhất trong giải quyết xung đột gia đình.