Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG
1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển cộng đồng trong giảm nghèo bền vững đối với người DTTS
1.4.1. Các chính sách có liên quan
Giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng, lâu dài mà các chính sách chính là các công cụ để Nhà nước sử dụng tác động lên đối tượng nhămg giải quyết vấn đề nghèo đói, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, tạo sự phát triển bền vững.
Các chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành và có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Việc phát triển cộng đồng phải dựa trên tiền đề những chính sách có sẵn và sử dụng ngân sách cho công tác giảm nghèo và sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn lực địa phương để hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống, nếu không có các chính sách thì phát triển cộng đồng sẽ không có cơ sở pháp lý và tiền đề để thực hiện.
1.4.2. Đặc điểm cộng đồng
Người dân tộc thiểu số nghèo hầu hết đều ở khu vực miền núi, giao thông đi lại khó khăn. Với vị trí địa lý không thuận lợi như vậy, người dân dễ bị cô lập với bên ngoài, khó tiếp cận được các nguồn lực để phát triển như: tín
dụng, khoa học kỹ thuật, công nghệ… gây ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động phát triển cộng đồng. Cùng với kinh tế thì yếu tố văn hóa có vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo. Cơ sở thực hiện các hoạt động phát triển cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo chính là truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, đùm bọc của người dân. Tính cố kết thôn bản tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động sự hỗ trợ của cộng đồng vào công tác xóa đói giảm nghèo, cũng như huy động nguồn lực trợ giúp về tài chính, con người… Tuy nhiên, tính bảo thủ giữa các thôn bản làm cản trở phát triển cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo. Những phong tục, tập quán lâu đời có vai trò nhất định trong các hoạt động, sinh hoạt của cộng đồng. Các phong tục, tập quán tiên tiến, văn minh tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo. Ngược lại, các hủ tục lạc hậu lại làm cho phát triển cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo hoạt động một cách khó khăn.
Người dân tộc thiểu số chưa nắm được những chính sách hỗ trợ mà bản thân họ được hưởng, năng lực sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; phạm vi và mức độ giao tiếp còn hẹp; tâm lý mặc cảm, tự ti do hoàn cảnh cuộc sống không bằng mặt bằng chung của cộng đồng. Từ đó dẫn đến việc người nghèo đặc biệt là người dân tộc thiểu số nghèo ngại giao tiếp và tham gia vào các hoạt động tập thể. Bên cạnh đó cũng có một bộ phận vẫn còn tâm lý buông xuôi, ỷ lại vào Nhà nước, không thực sự có ý chí vươn lên thoát nghèo. Phần lớn họ không dám đấu tranh, không dám bộc lộ bản thân, ngại thay đổi, không mạnh dạn tham gia đề xuất ý kiến, cho rằng lời nói của mình không có trọng lượng, không được chấp nhận.
1.4.3. Năng lực của tác viên cộng đồng
Tác viên cộng đồng là người tìm hiểu nhu cầu của người dân tộc thiểu số nghèo, hỗ trợ cộng đồng lập kế hoạch, kết nối nguồn lực, đại diện và bênh
vực quyền lợi chính đáng của họ. Do đó phẩm chất, thái độ làm việc, kiến thức, kỹ năng của tác viên cộng đồng sẽ ảnh hưởng tới quá trình tương tác và kết quả phát triển cộng đồng trong việc giảm nghèo bền vững.
Để tạo lòng tin với người dân và thu hút họ tham gia tích cực vào tiến trình phát triển cộng đồng đòi hỏi tác viên cộng đồng phải trung thực, có tính kiên trì, nhẫn nại, khiêm tốn để lắng nghe, đón nhận trân trọng ý kiến từ người dân, khách quan, vô tư trong việc giải quyết khó khăn trong cộng đồng và làm tốt vai trò kiên kết nhóm. Tác viên cộng đồng cần có thái độ đúng mực, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tích cực học hỏi và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tôn trọng và hòa đồng khi làm việc.Tác viên cộng đồng cần xây dựng cho bản thân lối sống đạo đức phù hợp với các giá trị chuẩn mực của xã hội. Ngoài ra tác viên cần xây dựng cho mình tinh thần lạc quan về cuộc sống và tin tưởng con người. Có hiểu biết về chính mình, dễ dàng chấp nhận người khác và thích nghi tốt. Họ là một trong những nhân tố chính tác động đến phát triển cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo.
Kết luận chương 1
Nội dung của chương 1 trình bày lý luận về phát triển cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo. Các khái niệm liên quan đến đối tượng đang nghiên cứu của đề tài được làm rõ trong chương này, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo cũng như các hoạt động của phát triển cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo. Một trong những nội dung chính được đề cập trong chương là quan niệm về phát triển cộng đồng, hoạt động của phát triển cộng đồng, mục đích của phát triển cộng đồng hướng đến, tiến trình của PTCĐ. Đồng thời, chương này cũng đề cập các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển cộng đồng trong xóa đói giảm nghèo đối với người dân tộc thiểu số.
Trong chương 1 học viên trình bày một số phương pháp chính thường được sử dụng trong phát triển cộng đồng, đó là phương pháp phát triẻn cộng đồng dựa vào nội lực - ABCD và phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân - PRA. Tại chương 1 các chính sách của nhà nước mà người nghèo đang được thụ hưởng tại địa phương đã được giới thiệu.
Các tri thức được trình bày trong chương 1 tạo cơ sở lý luận cho học viên phân tích đánh giá thực trạng phát triển cộng đồng trong giảm nghèo bền vững đối với người dân tộc thiểu số tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh