CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM
2.1. Thực trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Về thực trạng của tham nhũng. Có thể khái quát rằng, tình trạng tham nhũng ở nước ta là khá phổ biến, xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Ở đâu có vấn đề liên quan đến mối quan hệ về lợi ích vật chất và tinh thần thì ở đó đều xảy ra tham nhũng.
Những hành vi tham nhũng rất đa dạng, phổ biến là hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, dùng tài sản công để biếu xén, hối lộ, lừa đảo chiếm tài sản của Nhà nước, của nhân dân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho tổ chức, cá nhân để vụ lợi, thu vén quyền lợi cá nhân, lập quỹ trái phép, sử dụng ngân sách không đúng quy định để hưởng lợi. Các hành vi tham nhũng đã và đang xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và sử dụng ngân sách, thuế, ngân hàng, hải quan, xuất nhập khẩu, tư pháp, giáo đục, y tế thực hiện chính sách xã hội trong quản lý hành chính, công tác xã hội.
Về quy mô của tham nhũng. Có đủ loại, đủ mức độ tham nhũng của cá nhân, của tập thể, tham nhũng không có tổ chức và tham nhũng có tổ chức gồm nhiều đối tượng tham gia.
2.1.1. Tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục
Giáo dục là một lĩnh vực rất quan trọng vì nó liên quan đến nhiều đối tượng trong xã hội. Con người sinh ra, lớn lên đều phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện tạo cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết trước hết để duy trì cuộc sống bản thân, sau đó là cống hiến cho xã hội. Đặc biệt trong một xã hội học tập như hiện nay thì hầu hết mọi người đều liên quan đến quá trình đào tạo dưới các hình thức khác nhau có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thế nhưng tham nhũng trong giáo dục hiện đang là vấn đề tiêu cực gây bức xúc lớn trong xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, lĩnh vực giáo dục hiện đang bị thương mại hóa quá mức. Mục đích của một số người dạy là thu tiền còn người
học chỉ cốt có tấm bằng tạo điều kiện cho việc chạy chức, chạy quyền. Những hành vi tiêu cực trong giáo dục biểu hiện tập trung ở một số hoạt động như tuyển sinh, chấm thi, dạy thêm học thêm, xuất bản sách, mua sắm thiết bị và đồ dùng học tập, đổi mới chương trình học.
Những biểu hiện của tham nhũng trong giáo dục:
Trong khâu tuyển sinh.
Ngay khi vừa kết thúc cấp học là phụ huynh học sinh lại bắt đầu hành trình tìm trường điểm, trường chuyên, lớp chọn cho con em vào đầu cấp. Xu hướng này làm tăng lượng học sinh trái tuyến gây nên sự quá tải cho các trường có tiếng. Ngoài những quy định về lực học và hạnh kiểm, nhiều trường đã giải quyết các trường hợp trái tuyến bằng việc kêu gọi phụ huynh đóng góp xây dựng trường.
Trong đợt tuyển sinh năm học 2006 – 2007, một trường tiểu học ở thị xã Kon Tum đã có sáng kiến giải quyết số nhập học trái tuyến rất “công minh”.
Hiệu trưởng đã phát “phiếu đăng ký ủng hộ quỹ khuyến học khen thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2005 – 2006”, rồi nhận học sinh theo mức cam kết đóng góp từ trên xuống, nghĩa là góp càng cao thì khả năng được nhận vào trường càng lớn. Trong 46 suất tuyển sinh lớp 1 có 2 hồ sơ đóng góp 1 triệu, 42 hồ sơ đóng góp từ 400000 – 700000 đồng. Còn lại 19 hồ sơ đóng góp 300000 đồng sẽ ưu tiên theo thứ tự.
Ở bậc học cao hơn, trong khâu tuyển sinh cũng xảy ra nhiều tiêu cực.
Trước kỳ thi, thí sinh nào có nhiều tiền, trả giá cao có thể mua được đề thi; việc chạy chọt, đút lót trong khâu nhập học cũng như trong thi cử và xét tốt nghiệp trở thành bình thường. Tham nhũng còn biểu hiện dưới dạng tiết lộ đề thi, “cho”
điểm.
Do chạy theo lợi nhuận, các trường đua nhau tuyển sinh, đào tạo ồ ạt.
Nhiều trường chưa có đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đủ trình độ chuyên môn vẫn tuyển sinh một số lượng lớn sinh viên cả hệ chính quy và tại chức. Nhiều sinh viên được tuyển vào không qua thi tuyển mà được bổ sung vào danh sách do có gửi gắm của các cán bộ có chức, có quyền hoặc “quan hệ tốt” với nhà trường. Từ những vi phạm quy chế tuyển sinh đầu vào đã dẫn đến
hàng loạt tiêu cực như để lộ đề thi và đáp án, cắt xén chương trình đào tạo….Đầu vào không cao, chất lượng kém cùng với việc đào tạo không nghiêm túc, không tuân thủ đúng quy trình đào tạo đã cho ra những sản phẩm kém. Kết quả rất nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm gây ra sự lãng phí lớn về vật chất và thời gian của cả Nhà nước và nhân dân.
Trong khâu chấm thi.
Chấm thi là hoạt động quan trọng nhằm đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo. Hành vi gian lận trong thi cử, tuyển sinh, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học ngày càng tăng và nghiêm trọng hơn. Nhiều giáo viên đã lạm dụng quyền hạn của mình làm sai lệch kết quả thi, cho điểm thi không đúng thực chất để vụ lợi như nhận hối lộ của học sinh, sinh viên dưới danh nghĩa quà cáp, biếu xén mà thực chất là mua hàng bán điểm, đổi tình. Tại trường Đại học mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra trường hợp một giáo viên nhận hối lộ 10,5 triệu đồng để sửa điểm bài thi cho 11 sinh viên bị kết án 3 năm tù giam. Trong đợt chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2006 – 2007 ở Hải Phòng, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện một giáo viên cầm trên tay tờ giấy ghi những ký hiệu đánh dấu 10 bài thi. Trong một đợt thi tuyển sinh cao học của Trường Đại học Tổng hợp Huế, có 17 trường hợp thí sinh điểm rớt biến thành điểm đỗ, ở phần thi ngoại ngữ (tiếng Nga), hai người chấm đã thừa nhận cho điểm khống 30 bài thi,…..
Nhiều khi chạy theo thành tích, do mốc nối, chạy chọt mà điểm thi được nâng lên. Phúc khảo trở thành biện pháp hợp pháp hóa việc nâng điểm bài thi biến thi sinh trượt thành đỗ hoặc nâng mức xếp loại. Sau kỳ thi tốt nghiêpk THPT Năm học 2005 – 2006 tại Thành Phố Hồ Chí Minh, có 55 trường hợp xin chấm phúc khảo. Kết quả hầu hết đều được cộng thêm diểm, 11 trường hợp trượt thành đỗ, 7 trường hợp đỗ loại trung bình hoặc khá thành giỏi; đặc biệt là 3 trường hợp môn tiếng anh sau phúc khảo có sự chênh lệch điểm rất lớn. Một bài từ 2 điểm lên 9 điểm, một bài từ 3 điểm lên 9,5 điểm, một bài 2,5 được lên 9 điểm.
Những hành vi tiêu cực thậm chí đến mức độ phạm pháp của một bộ phận nhà giáo đang gây bất ổn cho xã hội, làm cho nền giáo dục Việt Nam vốn đã tụt hậu càng chậm phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dạy thêm, học thêm.
Ngày nay, việc dạy thêm, học thêm đã lan tràn, trở thành phong trào trong xã hội, từ bậc mẫu giáo đến các bậc phổ thông đều tổ chức dạy thêm, học thêm.
Về phía giáo viên đây là việc làm chính đáng giúp cải thiện thu nhập nếu họ có đủ điều kiện tổ chức dạy thêm. Mục đích dạy thêm, học thêm là giúp học sinh yếu, kém củng cố, lấp những lỗ hổng kiến thức và bồi dưỡng, mở rộng kiến thức cho học sinh giỏi.
Để thu hút được nhiều học sinh đến lớp học thêm, giáo viên “dạy thêm”
thường rút bớt chương trình chính khóa, không truyền đạt hết lượng kiến thức theo quy định. Học thêm thực chất là học tiếp chương trình chính khóa bị cắt xén và học lại kỹ hơn các nội dung đã học trên lớp.
Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan còn có nguyên nhân từ cách thi cử và đánh giá trình độ học tập. Hiện nay cách đánh giá trình độ thi cử của ta chủ yếu buộc học sinh “trả lại” những gì thầy giảng, thầy hướng dẫn. Nếu làm khác thường không được điểm tối đa.
Trong việc cung ứng thiết bị dạy học.
Sau 4 năm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng ngân sách cho mua sắm thiết bị và đồ dùng dạy học của các trường nhưng đầu tư không đem lại hiệu quả cao, thiết bị không đảm bảo đủ chất lượng, không chính xác, không được đảm bảo, lắp đặt và triển khai sử dụng gây ra lãng phí lớn.
Ngoài sự lãng phí nêu trên đã xuất hiện một số hành vi tham nhũng trong mua sắm thiết bị ở một số nơi. Đó là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi về từ trang bị, cung cấp thiết bị gây thất thoát một lượng tiền lớn đầu tư cho giáo dục.
Tại Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Nam Định đã xảy ra vụ vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến mua sắm vật tư thiết bị dạy học. Hiệu trưởng và 3 trưởng phòng đã bị khởi tố
do thông đồng với nhau do xé lẻ gói thầu, đặt mua thiết bị với giá rẻ, đội giá lên rồi mua hóa đơn khống để hợp lý hóa. Với cách làm tùy tiện, thông đồng, bật đèn xanh cho nhau giữa hiệu trưởng phòng chức năng, vụ vi phạm này đã làm thất thoát 533 triệu đồng đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị dạy học của trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang cũng có biểu hiện vi phạm gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước liên quan đến việc mua sắm thiết bị dạy học. Các trường trung học phổ thông Ỷ La, trung học phổ thông Tân Trào và THPT Tuyên Quang đã được trang bị máy chiếu hắt và máy chiếu hình không có nguồn gốc nhưng lại dán nhãn mác sản xuất tại Nhật Bản. Sau một thời gian sử dụng, nhiều máy đã bị hỏng, thậm chí một số máy không sử dụng được nữa.
Có thể thấy, tham nhũng trong giáo dục để lại hậu quả rất lớn. Khi xuất hiện tham nhũng, thì giáo dục đã không hoàn thành được vai trò quan trọng của nó là giáo dục đạo đức. Tham nhũng trong giáo dục sẽ dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh, những công dân tương lai của dân tộc.
2.1.2. Tham nhũng trong thực hiện các chính sách xã hội.
Trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, tham nhũng cũng đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Về vấn đề y đức, nhân dân phàn nàn nhiều về thái độ, tinh thần phục vụ người bệnh, ý thức trách nhiệm đối với bệnh nhân của cán bộ y tế. Tình trạng phải cho tiền cán bộ y tế đã thành phổ biến ở hầu hết các cơ sở y tế, từ thay bông băng, tiêm thuốc, tắm cho trẻ sơ sinh đến bồi dưỡng kíp mổ….
Chế độ bảo hiểm y tế là sự ưu đãi đối với các đối tựong là cán bộ, công nhân viên chức, người có công với nước,… nhưng khi ốm đau, phải khám chữa bệnh thì họ lại không được quan tâm đúng mức cả về thuốc men và thái độ phục vụ, vì phục vụ đối tượng này họ chẳng vụ lợi được gì.
Trong thực hiện chính sách xã hội, tham nhũng thể hiện ở sự móc nối, liên kết giữa một số đối tượng ngoài xã hội với một số cán bộ làm công tác chính sách xã hội của các ngành chức năng để nâng tuổi đời, nâng năm công tác, chạy dám định để được hưởng chế độ hưu trí, mất sức, thương binh các hạng, thanh niên xung phong, chất độc da can, xác nhận được hưởng chế độ thương binh, liệt
sĩ,…Điển hình như vụ làm hồ sơ giả nghĩ chế độ ở tỉnh Yên Bái với số lượng lên đến hàng nghìn người, tạo thành cơn sốt về hưu chó các “cụ ông, cụ bà” mới 30 – 40 tuổi.
Tại Bình Phước, kế hoạch xây dựng 2000 ngôi nhà tình thương cho dân nghèo với vốn đầu tư mỗi nhà trị giá 6 triệu đồng, tổng chi phí 12 tỷ đồng, nhưng thực hiện chỉ chi 3 triệu đồng/ căn nhà, giảm 50 % kinh phí so với kế họch, nên chất lượng công trình kém, nhà xây xong dân không dám vào ở, mà thanh quyết toán vẫn là 6 triệu đồng/nhà.
Trong thực hiện chương trình 135, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây nhà tình nghĩa, xóa nhà dột nát cho các đối tượng chính sách cũng có không ít những biểu hiện của tham nhũng như: xét duyệt hộ nghèo không đúng đối tượng, ăn bớt tiền xây dựng nhà cho các hộ nghèo; khai man số lượng sản phẩm, khối lượng để thanh toán trong các dự án trồng rừng, hỗ trợ các xã nghèo ở miền núi; xà xẻo tiền cứu trợ đồng bào lũ lụt, tiền xóa đói giảm nghèo, trợ giúp thương binh, gia đình chính sách,….
Một cuộc điều tra đã được tiến hành để đánh giá toàn diện các chương trình về nục tiêu giảm nghèo thông qua Chương trình 135 đã cho thấy có sự thất thoát một nguồn lực đáng kể. Đánh giá chi tiết việc chi tiêu của Chương trình 135 tại 23 tỉnh, Thanh tra Nhà nước đã phát hiện những sai sót và cố tình báo cáo sai lệch số tiền tương đương 5% tổng giá trị ủa Chương trình. Kết quả thanh tra hệ thống tài chính, các số liệu phân bổ nguồn lực và các chi tiêu cho thấy thất thoát còn lớn hơn nhiều.
Ngoài những biểu hiện tham nhũng trên, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội còn rất nhiều biểu hiện tham nhũng khác như: gian lận tuổi trong thi đấu thể thao, bán độ trong đá banh, buông lỏng quản lý công tác biểu diễn văn nghệ thuật, sử hữu trí tuệ, bản quyền tác giả và các tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, đánh bạc,…
2.1.3. Tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ.
Dư luận ngày nay bàn tán rất nhiều đến chuyện “mua quan, bán chức”,
“kinh doanh quyền lực”.
Thực tế những vụ án bị phát hiện gần đây cho thấy tính chất nghiêm trọng của hiện tượng “chạy chức, chạy quền”. Có những chức vụ từ nhỏ đến lớn đều có
giá và được quyết định bằng độ dày mỏng của chiếc phong bì. Sau khi đã ở trên cương vị lãnh đạo, quản lý, những người tiến thân bằng con đường “chạy chức, chạy quyền” thường khai thác tối đa những lợi ích kinh tế mà chức vụ có thể mang lại trong nhiệm kỳ của mình để “hoàn vốn” và có lãi.
Thực trạng này đang đặt ra hàng loạt những câu hỏi lớn: Tại sao có những người kém phẩm chất, yếu năng lực và chuyên môn vẫn được bố trí vào làm việc trong các cơ quan Đảng và Nhà nước?. Tại sao không ít cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất từ nhiều năm liền mà tổ chức Đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị không biết hoặc biết nhưng không xử lý, thậm chí vẫn đề bạt lên các chức vụ quan trọng, khi sự việc vỡ lở, báo chí phanh phui mới bị động xử lý?....
Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường thì tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hiện nay đang trở thành một vấn nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận nhân dân. Nó không chỉ liên quan đến từng cá nhân cụ thể mà còn tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, đến hiệu lực của hệ thống chính trị.
Những biểu hiện tham nhũng trong công tác cán bộ là việc một số người giữ cương vị, chức trách quyết định công tác cán bộ đã vi phạm các quy định về công tác cán bộ khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, lên lương, xếp ngạch nhằm mục đích vụ lợi. Các hành vi tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực này diễn ra phổ biến dưới dạng nhận quà biếu, của đút lót, lên lương, xếp ngạch trái quy định,.... Thông qua những thủ đoạn như vậy, không biết bao nhiêu phe cánh quyền lực, các nhóm lợi ích được hình thành trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Nguy hiểm hơn nữa là khi các tổ chức như vậy tạo thành những đường dây tham nhũng, được bảo vệ chặt chẽ từ trên xuống dưới thì rất khó đối phó từ đó dẫn đến tình trạng “tham nhũng tái sản xuất ra tham nhũng”.
Hậu quả của nó là một lớp cán bộ thiếu trách nhiệm, năng lực trình độ kém vẫn được bố trí, sử dụng ở các vị trí quan trọng dẫn đến những tác hại không nhỏ. Đây cũng chính là nguyên nhân cản trở rất lớn đối với quá trình cải cách hành chính, nhất là việc tinh giản bộ máy đảng, bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
2.1.4. Tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp.