PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM HIỆN
3.6. Chống tham nhũng bằng minh bạch nhà nước và công dân
Để hiểu được sức mạnh ghê gớm của lợi ích, không thể không nhắc đến câu nói kinh điển của Mác, “khi lợi nhuận (chính là lợi ích) tới 300% thì treo cổ
nhà tư bản cũng sẵn sàng”. Để có được lợi nhuận đó, nhà tư bản còn phải đầu tư, phải chấp nhận rủi ro. Kẻ tham nhũng không hề mất vốn tốn lãi, sẽ chẳng “ngán”
bất kỳ tội hình gì, không từ bất cứ cơ hội nào, ở đâu, lĩnh vực gì để có được lợi nhuận đó.
Tham nhũng, vì vậy, một khi đã trở thành quốc nạn lũng đoạn xã hội, và như ở ta đã trở thành “hệ thống, tại tất cả mọi nơi” (lời của Jairo Acuna Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị), “đe doạ sự tồn vong của chế độ” (lời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh). Sẽ khó một biện pháp nào chống nổi, nếu không bắt đầu bằng một cuộc cải cách xã hội minh bạch hoá triệt để, xoá bỏ mọi mảnh đất mầu mỡ nảy sinh, dung dưỡng tham nhũng. Nếu không làm vậy, ta sẽ tiếp tục không lý giải được tại sao luật chống tham nhũng của ta hiện nay được Jairo Acuna Alfaro đánh giá là “tốt nhất và toàn diện nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương” nhưng thực tế vẫn không cải thiện nổi tình hình.
Đứng trên bình diện quốc tế, khái niệm tham nhũng bắt nguồn từ tiếng la tinh “corruptus”, hiểu theo nghĩa pháp luật là lợi dụng chức vụ để đạt được lợi ích vật chất và tinh thần mà mình không có quyền hưởng; hiểu theo nghĩa chính trị là xâm phạm lợi ích chung nhằm vụ lợi; theo nghĩa xã hội là kiếm lợi bằng con đường băng hoại đạo đức.
Khái niệm trên nhìn nhận tham nhũng chỉ ở hành vi (nghĩa là người tốt, người xấu đều có thể mắc, nhưng chỉ trong tình huống nào đó) và chỉ liên quan đến người chức quyền (thường dân không vi phạm). Ở hầu hết các nước tiên tiến, tham nhũng được điều chỉnh chỉ bằng vài ba điều khoản trong bộ luật hình sự, không cần đến chủ trương to tát, luật chuyên biệt như nước ta. Nhưng, trên thực tế, tham nhũng lại chưa bao giờ trở thành vấn nạn xã hội như ở ta. Tham nhũng không còn là hành vi mà biến thành lối sống trong một bộ phận không chỉ quan chức mà cả thường dân, không chỉ xảy ra ở lĩnh vực công mà ở nhiều nơi từ trường học (thậm chí học sinh lớp 1 có lỗi đã biết hối lộ tiền lớp trưởng để khỏi bị mách cô giáo), đến bệnh viện, văn hoá, khoa học, báo chí, truyền thông, tôn
giáo...).
*Chống tham nhũng bằng nguyên lý minh bạch
Kích thước tham nhũng khác nhau giữa họ và ta, không phải do bản chất dân tộc khác nhau, mà trước hết và cơ bản do nền tảng xã hội dân tộc đó sinh sống quyết định. Một xã hội không còn cơ hội cho tham nhũng khi và chỉ khi bản thân nó vận động theo nguyên lý minh bạch: Theo đó, mỗi công dân đều có quyền được biết “chính phủ đang làm gì” (lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông), thu chi những khoản nào, từ đâu và vào đâu (bởi họ trực tiếp đồng chủ nhân đất nước, nếu không khái niệm chủ nhân chỉ trên danh nghĩa, chưa nói bị lợi dụng), nhà nước phải có bổn phận công bộc (chứ không phải cai trị) đáp ứng; ngược lại mỗi công dân phải có bổn phận và trách nhiệm khai báo với nhà nước thu nhập của mình bất kể từ nguồn nào để đóng thuế và phí bảo hiểm xã hội tương ứng. Nhà nước có quyền chế tài điều đó, nếu không nhà nước không thể tồn tại để hoàn thành chức năng của dân, do dân, vì dân như nó phải có.
Nguyên lý minh bạch ở các nước tiên tiến hiện nay, được bảo đảm bằng các văn bản lập pháp, nghĩa là buộc phải thực hiện, nếu không sẽ bị chế tài. Như ở Đức, mỗi lao động làm công từ tạp vụ, nông nghiệp, đến nguyên thủ quốc gia đều có thẻ tính thuế lương; mỗi doanh nghiệp, tổ chức có ngân quỹ, đều phải báo cáo quyết toán thuế; mỗi nguồn thu khác hai loại trên đều có mẫu báo cáo thuế cho nguồn đó riêng, từ cho thuê, bán nhà, gửi tiết kiệm, kinh doanh chứng khoán, cho tặng, quyên góp, thừa kế... đến các khoản thu khác không tên. Mọi thu nhập không khai báo đều được coi bất hợp pháp.
Môi trường xã hội minh bạch như vậy cho phép xác định dễ dàng dấu hiệu đầu tiên của tham nhũng nhất thiết phải là nguồn thu bất hợp pháp, tránh được nghịch lý ở ta hiện nay, chống tham nhũng nhưng lại không phân biệt được giữa “tham nhũng, hối lộ, tiền hoa hồng, tiền bo” (lời Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trong kỳ họp quốc hội khoá XII vừa qua), hoặc trong thời đại tham nhũng mang cả tính toàn cầu hoá, mà "ta", "tây" hiểu tham nhũng khác
nhau: “có nhiều hành vi nước ngoài coi là bình thường nhưng chúng ta lại coi là tham nhũng.
Ví dụ tại Mỹ, nhiều khách sạn, nhà hàng nhân viên đều đòi tiền "bo", chi hoa hồng. Còn ở ta, nếu anh nhân viên ở loại hình dịch vụ nào đó nhận tiền của khách thì sẽ bị xử lý (Tổng Thanh tra trả lời phỏng vấn vnexpress) - chẳng khác nào vào trận mà không biết ai là ta, ai là giặc. Tiền hoa hồng, tiền bo, là một giao dịch kinh tế bình thường, tự do thoả thuận, nhà nước không được tự quyền can thiệp. Nó chỉ trở thành tham nhũng, buộc nhà nước phải can thiệp, một khi không khai báo để tính thuế (nhân viên khách sạn, nhà hàng Mỹ nếu nhận tiền bo phải cộng vào lương khai thuế thu nhập, nếu nộp lại cho nhà hàng, nhà hàng phải cộng vào doanh thu khai thuế, nếu không sẽ bị coi là tham nhũng tiền thuế), ngay cả tiền, tài sản cho biếu tặng quyên góp cũng phải tuân thủ như vậy, (đáng tiếc ở ta chưa có luật này), nhờ thế, quan chức họ không thể chuyển tài sản cho thân nhân để tránh điều tra tham nhũng.
*Công khai thu nhập công dân
Những cáo buộc tham nhũng trong vụ lại quả PCI từ Nhật, hay vụ in tiền Polymer từ Úc đang điều tra hiện nay, vẫn không khép được tội danh tham nhũng (tội danh khác thì có thể), nếu họ có hợp đồng môi giới và khai báo nguồn thu đó để nộp thuế nhà nước.
Nguyên tắc khai báo mọi nguồn thu nhập để tính thuế như ở các nước tiên tiến đòi hỏi điều kiện cần thiết đầu tiên ở ta là phải cải cách chế độ thang bậc lương hiện nay, theo chuẩn hiểu quốc tế.
Chế độ lương ở nhiều nước được áp dụng đúng khái niệm tiền lương là giá cả sức lao động, phải bù đắp được chi phí cuộc sống, nuôi gia đình, và tích lũy cho tương lai. Trong khi đó, ở ta, với đa số, tiền lương chỉ tượng trưng, thu nhập ngoài lương giữ chức năng đó. Việt Nam đang hội nhập thế giới nên không thể ngoại trừ chế độ trả lương khác họ như vậy được, cách duy nhất để theo kịp họ là xây dựng lại thang bậc lương mới bằng tổng mọi thu nhập hiện nay, bao gồm cả tiền và trị giá hiện vật (cấp đất, nhà ở, xe cộ, du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng...), trả 1 lần (tiền thưởng năm, tăng năng suất, chia lợi nhuận, cấp đất,
phân nhà...) lẫn hàng tháng (tiền lương cơ bản và phụ cấp hàng tháng, tiền ăn tại cơ quan doanh nghiệp... chỉ trừ những phụ cấp trả cho chi phí phụ trội (công tác phí, phụ cấp đắt đỏ...).
Nói cách khác, hãy chuyển hết thu nhập ngoài lương và hiện vật vào thang bảng lương - hoàn toàn khả thi không ảnh hưởng mấy đến ngân sách. Lúc đó, lương từ Chủ tịch nước, đến công chức bậc lương thấp nhất nước ta chắc chắn sẽ không thua kém đáng kể các nước cùng trình độ kinh tế. Chỉ khi đó, tiền lương mới trở thành thước đo duy nhất so sánh giá cả các loại lao động khác nhau, vừa bảo đảm công bằng, lao động thế nào lương thế ấy, vừa tạo động lực cho một thị trường nhân dụng lành mạnh không còn phải lo lót chạy chọt con đường quan lộ bổng lộc mà thực chất là tham nhũng, mặt khác qua đó, xã hội đủ minh bạch để chống nó.
Tuy nhiên, xây dựng lại thang bảng lương thuộc về lĩnh vực chính sách, khó khăn hơn nhiều các dự án kinh tế. Nó chỉ được xã hội hậu thuẫn, một khi họ nhận thấy thang bảng lương mới không ít hơn tổng lương và thu nhập ngoài lương trước kia của họ, và sẽ gặp mọi ngụy biện chống đối của bất kỳ ai thấy lợi ích mình đang yên lành bị ảnh hưởng. Đó là cái giá của mọi cải cách, thách thức bất kỳ quốc gia nào muốn vươn lên.
*Minh bạch nhà nước
Chống tham nhũng, minh bạch thu nhập công dân chỉ mới một mặt, mặt thứ 2 phải minh bạch nhà nước.
Quyết tâm nhà nước ta đã rõ, từ ban hành Luật chống tham nhũng, quy định kê khai tài sản quan chức, thành lập các ban chống tham nhũng, đến chiến lược chống tham nhũng tính tới năm 2020, (gồm 3 giai đoạn, xử lý những vụ tham nhũng lớn tới năm 2011, giám sát tài sản và bất động sản quan chức nhà nước tới năm 2016, tiếp đó củng cố kết quả), công khai các thủ tục hành chính cả nước trên trang web chính phủ sắp tới, luật tiếp cận thông tin đang thảo luận, nghị định chống rửa tiền, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã được Chủ tịch nước phê chuẩn vừa qua...
Giống như mọi loại thuốc, hiệu nghiệm lẫn phản ứng phụ, thậm gây chí tử vong, tùy cơ địa con bệnh, liều thuốc các chính sách chống tham nhũng ở ta muốn hiệu quả, trước và trên hết, phải nhằm kiến tạo một cơ thể nhà nước thực sự minh bạch; thực tiễn thế giới hiện đại đã cho thấy đó là nhà nước pháp trị với toà án độc lập, cùng một xã hội dân sự, và một nền báo chí khách quan và trung thực.
Chỉ khi đó mới có thể phát hiện được các vụ tham nhũng dù nhỏ nhất tới tận chiếc áo, quà cưới, nghỉ khách sạn.