Quyền định đoạt về tài sản theo quy định của pháp luật được quy định cụ thể trong BLDS 2005. Theo đó, quyền định đoạt tài sản tại Điều 195 BLDS 2005 được quy định như sau: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó”.
Pháp luật quy định chủ sở hữu hoặc không phải chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản, tuy nhiên cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định về năng lực hành vi và các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Về năng lực hành vi: Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật
Trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về định đoạt tài sản: Trong trường hợp pháp luật có quy định về trình tự, thủ tục định đoạt thì cần phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục đó.
Chủ thể có quyền định đoạt tài sản
Pháp luật hiện hành, mà cụ thể là BLDS 2005 quy định cho cho chủ sở hữu và người không phải là chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản
Thứ nhất: Điều 197 BLDS 2005 quy định cho chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật. Như vậy, pháp luật đã trao quyền năng lớn cho chủ sở hữu khi thực hiện quyền định đoạt tài sản.
Thứ hai: Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu
Người không phải chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản sẽ có những hạn chế và trong những trường hợp nhất định.
“Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.
Người được chủ sở hữu uỷ quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu” (Điều 198 BLDS 2005)
Những hạn chế của quyền định đoạt tài sản (Điều 199 BLDS 2005) - Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do pháp luật quy định - Khi tài sản đem bán là di tích lịch sử, văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.
Trong trường hợp pháp nhân, cá nhân, chủ thể khác có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.
Ví dụ: Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hai thành viên có những hạn chế sau: “Trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 45 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
1. Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
2. Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày chào bán” ( Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2005)
1.2.2. Khái niệm quyền định đoạt của người lập di chúc
Đối với cá nhân người để lại tài sản, với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp đối với những tài sản của mình, cá nhân có quyền lập di chúc để thực hiện quyền định đoạt tài sản của bản thân. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân trong việc định
đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của họ trước khi chết.Theo quy định tại Điều 648 BLDS thì, người lập di chúc có các quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Ngoài ra, tại Điều 662 BLDS còn quy định, người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
Các quy định trong BLDS không chỉ ra khái niệm về quyền định đoạt của người lập di chúc và hầu hết trong các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan đến di chúc, chúng tôi cũng không thấy bóng dáng của các khái niệm này. Tuy nhiên, dựa trên nội hàm các quyền định đoạt của người lập di chúc thì chúng ta có thể nhận biết về khái niệm này thông qua các dấu hiệu đặc trưng như sau:
Thứ nhất, chủ thể thực hiện quyền định đoạt là người có tài sản để lại thừa kế. Nếu một người không có tài sản thuộc sở hữu riêng của họ hoặc có quyết định tiêu xài, tặng cho hết trước khi chết, không có ý định để lại cho những người còn sống khác thì cũng không thể trở thành người lập di chúc.
Thứ hai, hình thức thể hiện ý chí định đoạt là thông qua di chúc. Ý chí định đoạt của người lập di chúc phải được chuyển tải và ghi nhận thông qua những dạng vật chất nhất định, đó là di chúc. Trong những hoàn cảnh đặc biệt mà người để lại di sản không thể lập di chúc bằng văn bản do cái chết đe dọa thì có thể lập di chúc miệng. Như vậy, hình thức di chúc phổ biến nhất để chứa đựng ý chí định đoạt của người để lại di sản thừa kế là lập di chúc bằng văn bản. Di chúc được coi là hình thức của giao dịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật với các điều kiện rất chặt chẽ nhằm thể hiện chính xác và trung thực đến mức cao nhất ý chí của người lập di chúc.
Thứ ba, nội dung của quyền định đoạt bao gồm: (i) sự dịch chuyển tài sản của mình cho những người còn sống sau khi chết với rất nhiều khía cạnh đa dạng
được pháp luật ghi nhận như định đoạt về chủ thể được nhận di sản cũng như chủ thể không được quyền nhận di sản, về số lượng và loại tài sản phân định cho từng người, về mục đích của việc sử dụng di sản; về chuyển giao cả nghĩa vụ về tài sản do những người thừa kế trong phạm vi khối di sản để lại, về người quản lý và phân định di sản, về người giữ di chú, về thời hạn phân chia di sản; (ii) lựa chọn hình thức định đoạt: lập di chúc riêng hay lập di chúc chung nếu họ có quan hệ hôn nhân và cùng sở hữu chung hợp nhất đối với tài sản chung; (iii) duy trì hay chấm dứt hình thức định đoạt trong di chúc như có thể thay thế, bổ sung, hủy bỏ di chúc đã lập.
Thứ tư, nội dung quyền định đoạt không phải là tuyệt đối mà vẫn phải chịu những hạn chế theo quy định của pháp luật. Căn nguyên của sự hạn chế này là xuất phát từ góc độ truyền thống đạo đức, từ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình nên pháp luật đã quy định có những chủ thể luôn được nhận kỷ phần bắt buộc từ di sản của người chết mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc; bắt nguồn từ nguyên tắc của pháp luật là cây cối, vật nuôi không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật nên không thể là đối tượng được hưởng di sản theo di chúc; từ nguyên do để bảo vệ quyền lợi của những người vợ/chồng còn sống vốn có sự phụ thuộc lẫn nhau về tài sản nên việc phân chia tài sản có thể phải chịu sự hạn chế nếu có yêu cầu của người còn sống…
Trên cơ sở phân tích các dấu hiệu cấu thành của quyền định đoạt của người lập di chúc như trên, tác giả đi đến xây dung khái niệm về quyền định đoạt của người lập di chúc dưới các giác độ khác nhau như sau:
Theo nghĩa rộng, quyền định đoạt của người lập di chúc là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quyền của người lập di chúc trong việc dịch chuyển tài sản của mình sau khi chết cho những người còn sống
Theo nghĩa hẹp, quyền định đoạt của người lập di chúc là phạm vi các quyền năng và giới hạn các quyền năng của người lập di chúc được thực hiện để dịch chuyển tài sản của mình sau khi chết cho những người còn sống
1.2.3. Ý nghĩa pháp lý về quyền định đoạt của người lập di chúc
Trong chế định thừa kế theo di chúc thì quyền định đoạt của người lập di chúc được coi là điểm tựa trong tư duy pháp lý để nhà làm luật xây dựng các quy pháp khác liên quan đến việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống thông qua di chúc. Trong việc thiết kế các giải pháp về các nội dung như sửa chữa di chúc, phân chia di sản, công nhận quyền hưởng di sản…thì đều phải xoay quanh các đặc quyền và giới hạn các quyền của người lập di chúc để tạo nên tính thống nhất trong chế định pháp luật
Dưới giác độ thực hiện quyền thì người có tài sản để lại khi quyết định lập di chúc họ sẽ ý thức được những quyền của mình cũng như giới hạn các quyền để chuyển tài vào di chúc. Những quy định về quyền của người lập di chúc giống như kim chỉ nam cho quyết định của người có tài sản trong việc dịch chuyển tài sản cho người chết, để họ yên tâm rặng những nội dung định đoạt của họ sẽ được pháp luật công nhận và có giá trị thi hành trên thực tế. Chẳng hạn như nếu họ để lại di sản cho một tổ chức không được nhà nước thừa nhận thì chắc chắn quyền định đoạt đó sẽ vô hiệu. Hoặc những người lập di chúc là có quan hệ hôn nhân thì họ cũng có quyền lập di chúc để bảo vệ tối đa quyền lợi của người còn sống thông qua việc lựa chọn lập di chúc chung và cùng định đoạt về những tài sản chung đó.
Dưới giác độ của người hưởng di sản thừa kế, thông qua quy định về quyền định đoạt của người lập di chúc họ sẽ nhận biết được quyền của họ có bị chính người lập di chúc xâm phạm không để bảo vệ quyền lợi của mình, như họ được người lập di chúc giao cho những nghĩa vụ không hợp pháp hoặc truất quyền thừa kế của họ không đúng theo quy định của pháp luật…để có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ
Dưới giác độ thực hiện pháp luật thì các cơ quan công chứng hay ủy ban nhân dân có thẩm quyền lập di chúc sẽ có căn cứ để tư vân, thẩm định hay soạn thảo những bản di chúc thể hiện được chính xác quyền định đoạt của người lập di chúc;
nếu không đôi khi chính họ lại là người tước bỏ đi những quyền định đoạt chính đáng của người lập di chúc.
Cuối cùng, đó là các cơ quan áp dụng pháp luật, giải quyết các tranh chấp về thừa kế trên cơ sở quy định của pháp luật về quyền định đoạt của người lập di chúc sẽ đưa ra những phán quyết về tính hiệu lực của di chúc, về việc phân chia di sản thế nào cho phù hợp với quyền định đoạt của người lập di chúc và đồng thời bảo vệ đươc quyền của người hưởng di sản thừa kế.
Chương 2