Chương 2 NỘI DUNG QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT CỦA NGƯỜI LẬP DI CHÚC
2.1. Các quyền định đoạt của người lập di chúc
Thông thường, một người luôn mong muốn sau khi chết, tài sản của mình sẽ được dịch chuyển cho những người gần gũi, thân thiết và tin tưởng yêu quý nhất. Mong muốn này thường được thể hiện trong di chúc mà họ đã lập trước khi chết. Ngay cả khi người để lại di sản không có di chúc, di sản của họ được dịch chuyển cho những người thừa kế theo hàng, điều kiện và trình tự thừa kế mà pháp luật đã quy định thì chúng ta vẫn có thể nói rằng việc dịch chuyển tài sản đó đã hoàn toàn đúng với ý muốn của người để lại di sản bởi việc quy định về thừa kế theo pháp luật được xem như là sự phỏng đoán của pháp luật về ý chí của người để lại di sản.
Vì thế, người được chỉ định trong di chúc thường là những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, họ là vợ hoặc chồng của người để lại di sản được xác định theo quan hệ hôn nhân; là con, cha, mẹ, anh chị em ruột của người để lại di sản được xác định theo quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, khi pháp luật đã cho phép người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế thì những người thừa kế được xác định trong di chúc không chỉ là những người nằm trong phạm vi nói trên. Họ là những ai, trong hay ngoài diện thừa kế theo pháp luật đều có thể được, miễn đó là ý chí thực sự tự nguyện của người lập di chúc. Vì vậy, người
lập di chúc có quyền chỉ định bất kỳ người nào, kể cả cơ quan tổ chức làm người thừa kế để hưởng di sản theo di chúc của mình.
2.1.2. Quyền truất quyền hưởng di sản của những người thừa kế theo pháp luật
Trong trường hợp di sản được chia theo luật thì những người đã được pháp luật xác định là người thừa kế của người để lại di sản sẽ được hưởng di sản đó. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, thừa kế theo pháp luật chỉ là sự dự liệu để dịch chuyển di sản trong những trường hợp không thể dịch chuyển di sản theo ý chí của người để lại di sản được. Do vậy, có những người thừa kế dù đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện và có quyền hưởng di sản theo pháp luật nhưng quyền hưởng di sản đó sẽ bị mất nếu họ bị người để lại di sản truất quyền thừa kế.
Tôn trọng ý chí của người để lại di sản, pháp luật thừa kế của nước ta cho phép người lập di chúc phế truất quyền hưởng di sản của những người thừa kế theo pháp luật. Mặt khác, để bảo vệ quyền lợi chính đáng và thiết yếu cho một số người thừa kế theo pháp luật, BLDS đã hạn chế việc truất quyền của người lập di chúc đối với những người này .
Có quan điểm cho rằng người lập di chúc không cho người thừa kế nào hưởng di sản theo di chúc thì người đó là người bị truất quyền. Theo quan điểm này, thì có hai cách truất khác nhau:
Truất quyền hưởng di sản được nói rõ: Là việc người lập di chúc tuyên bố một cách minh bạch trong di chúc rằng một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật không có quyền hưởng di sản.
Truất quyền hưởng di sản không được nói rõ: Là việc người lập di chúc chỉ định một hoặc nhiều người để hưởng toàn bộ di sản nhưng lại không nói gì đến những người thừa kế theo pháp luật không được chỉ định. Khi đó người thừa kế không được chỉ định trở thành người bị truất quyền hưởng di sản không được nói rõ.
Người có quan điểm trên còn nói rằng người bị truất quyền hưởng di sản không mất tư cách người thừa kế mà họ còn được do luật định.
Chúng tôi cho rằng, chỉ coi một người thừa kế theo pháp luật bị truất quyền hưởng di sản nếu trong di chúc, người lập di chúc đã nói rõ là truất quyền hưởng di sản của họ. Theo khoản 1 Điều 648 BLDS 2005 thì người lập di chúc có quyền
“truất quyền hưởng di sản của người thừa kế”. Quy định này cho chúng ta thấy, người bị truất quyền bao giờ cũng là người thừa kế theo luật (người có quyền hưởng di sản thừa kế theo luật) và vì thế, khi họ bị truất quyền thừa kế thì đương nhiên họ không phải là người thừa kế theo luật của người lập di chúc nữa. Nói cách khác, người thừa kế đã bị truất quyền hưởng di sản sẽ mất tư cách người thừa kế mà họ có được so luật định.
Khác với người thừa kế bị truất quyền hưởng di sản, người thừa kế theo pháp luật nhưng không được chỉ định trong di chúc là những người không được hưởng di sản theo di chúc nhưng họ không bị mất tư cách người thừa kế mà họ có được do luật định.
Như trên đã nói, tình trạng của người thừa kế đã bị truất quyền hưởng di sản với người thừa kế không được chỉ định trong di chúc là hoàn toàn khác nhau. Để có được sự thống nhất quan điểm khi áp dụng các quy định của pháp luật, chúng tôi xin nêu và giải quyết hai vấn đề sau:
- Người thừa kế bị truất quyền hưởng di sản
Đây là trường hợp người thừa kế theo pháp luật bị người để lại thừa kế nói rõ trong di chúc về việc truất quyền hưởng di sản của họ.
Trong trường hợp này di chúc bị vô hiệu toàn bộ ( nghĩa là việc truất quyền hưởng di sản cũng vô hiệu) thì tư cách người thừa kế theo luật của những người nói trên không ảnh hưởng. Tuy nhiên trong trường hợp di chúc có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của việc truất quyền hưởng di sản thì tư cách người thừa kế theo luật của họ đương nhiên bị mất. Vì vậy, trong trường hợp này, nếu có phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực sẽ được chia theo luật thì người đó vẫn không được hưởng.
- Người thừa kế không được hưởng di sản theo di chúc
Là người thừa kế theo luật của người lập di chúc nhưng không được người lập di chúc chỉ định hưởng di sản
Trong những trường hợp người để lại di sản lập di chúc trong đó xác định người thừa kế theo di chúc của mình thì những người thừa kế theo pháp luật nào không có tên sẽ là người không được hưởng di sản theo di chúc. Ngoài ra, cũng có trường hợp, người lập di chúc đã định đoạt hết tài sản thì những người thừa kế theo pháp luật không được nguời lập di chúc định đoạt cho phần tài sản nào ( dù có tên trong di chúc) cũng là người không được hưởng di sản theo di chúc. Nói tóm lại, người thừa kế không được hưởng di sản theo di chúc là người có quyền hưởng di sản của người chết để lại theo quy định của pháp luật nhưng thực tế họ không được hưởng bởi di sản không còn vì người lập di chíc đã định đoạt hét cho người khác.
Vì vậy, nếu có một phần di sản nào đó được chia theo pháp luật thì họ sẽ được hưởng vì họ vẫn là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản.
2.1.3. Quyền phân định tài sản cho từng người thừa kế
Thực hiện việc phân định tài sản trong di chúc chính là việc người để lại tài sản thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Khi người để lại tài sản lập di chúc đã xác định người hưởng di sản thì dù không xác định mỗi người thừa kế được hưởng bao nhiêu di sản cũng đã bao hàm cả việc phân chia di sản. Tuy nhiên, theo luật định, người lập di chúc có quyền phân chia một cách cụ thể cho người thừa kế nào hưởng phần di sản là bao nhiêu hoặc hưởng di sản là hiện vật gì. Vì vậy, quyền phân định di sản của người lập di chúc được xem xét dưới ba góc độ và qua từng góc độ đó, việc phân chi di sản theo di chúc được tiến hành cho phù hợp với ý nguyện của người để lại di sản.
Phân định tổng quát: là trường hợp người lập di chúc không xác định rõ phần di sản mà từng người thừa kế được hưởng. Theo góc độ này nếu trong di chúc chỉ có một người thừa kế thì toàn bộ si sản sẽ thuộc về người đó. Nếu di chúc chỉ định nhiều người thừa kế thì di sản được chia đều cho người có tên trong di chúc.
Nếu những người này có sự thỏa thuận về việc hưởng di sản thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo sự thỏa thuận đó.
Phân định theo tỉ lệ: Là trường hợp trong di chúc đã nói rõ mỗi người thừa kế được hưởng một phần di sản theo một tỉ lệ nhất định so với tổng giá trị di sản. Vì vậy, khi phân chia di sản theo di chúc thì mỗi người thừa kế được hưởng phần di sản theo tỉ lệ đã được xác định trên tổng giá trị di sản đang còn vào thời điểm phân chia. Nếu có phân di sản không còn do người thừa kế đã sử dụng hết hoặc đã định đoạt thì vẫn tính vào tổng giá trị khối di sản và người thừa kế nào đã sử dụng, định đoạt phần di sản đó sẽ bị khấu trừ khi nhận di sản. Khi phân chia di sản, muốn xác định được tỉ lệ mà người thừa kế được hưởng là bao nhiêu, phải thực hiện việc định giá từng loại tài sản để xác định cụ thể giá trị của toàn bộ khối di sản.
Phân định cụ thể: Là trường hợp người để lại di sản đã xác định rõ trong di chúc người thừa kế nào được hưởng di sản là hiện vật gì. Vì vậy, khi di sản được phân chia, các thừa kế được nhận hiện vật theo sự xác định trong di chúc “ kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường” ( Điều 648 BLDS 2005).
2.1.4. Quyền giao nghĩa vụ về tài sản cho người thừa kế
Nghĩa vụ được xét đến trong mục này là những nghĩa vụ về tài sản.
Theo sự chỉ định trong di chúc, người thừa kế phải thực hiện một công việc vì lợi ích vật chất của người khác mà đáng lẽ khi còn sống, người để lại di sản phải thực hiện việc trả nợ, bồi thường thiệt hại...Tuy nhiên, người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản.
Cũng giống như việc phân định tài sản, việc phân định nghĩa vụ cũng được hiểu ba góc độ sau đây:
Trong trường hợp người để lại di sản có để lại một nghĩa vụ về tài sản nhưng trong di chúc không nói rõ người thừa kế nào phải thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định của pháp luật, ai hưởng thừa kế người đó phải thực hiện. Tuy nhiên, người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại trong phạm vi di sản thừa kế. Do đó, nếu di chúc chỉ xác định một người thừa kế thì người thừa kế đó phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong phạm vi di sản.
Nếu có nhiều người thừa kế theo di chúc thì tất cả những người đó phải thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, trước khi chia di sản phải dùng di sản đó thực hiện các nghĩa vụ mà người chết để lại. Trong trường hợp di sản đã chia thì mỗi một người thừa kế phải thực hiện một phần nghĩa vụ tương ứng phần di ản mà mình đã nhận.
- Trong trường hợp người để lại thừa kế đã xác định rõ tỉ lệ nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện thì mỗi người phải thực hiện phần đó trong phạm vi di sản mà mình được hưởng. Phần nghĩa vụ vượt quá số di sản người này được hưởng sẽ chia đều cho những người thừa kế tương ứng với phần di sản mà họ đã nhận.
Nếu người lập di chúc đã giao nghĩa vụ cụ thể cho người thừa kế thì riêng người được giao nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó. Tất nhiên, nếu có phần nghĩa vụ vượt quá số di sản mà người đó được hưởng thì những người thừa kế khác phải thực hiện tương ứng với phần di sản mà họ được hưởng.
2.1.5. Quyền dành một phần di sản để di tặng
Di tặng là việc người để lại di sản dành một phần trong số di sản để tặng cho người khác thông qua việc thể hiện ý nguyện trong một di chúc.
Về nguyên tắc, hiệu lực của việc di tặng được xác định theo hiệu lực của di chúc. Nghĩa là việc di tặng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết và dĩ nhiên là người được di tặng phải còn sống vào thời điểm đó. Mặt khác, người nhận tài sản di tặng được coi là một bên trong hợp đồng tặng cho (dù hợp đồng đó chỉ được thực hiện sau khi người tặng cho đã chết) nên họ được hưởng di sản mà không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.
Nếu so sánh việc di tặng được quy định trong BLDS của nước ta với việc
“sinh thời tặng dữ” trong Bộ Dân luật Bắc Kỳ 1931, chúng ta thấy, Bộ Dân luật Bắc kỳ coi “ sinh thời tặng dữ” là một hợp đồng ( khế ước) nên cần phải có sự chấp thuận của người thụ tặng. Nhưng di tặng trong BLDS chỉ là một hành vi dân sự đơn phương nên không cần sự chấp thuận nói trên thì di chúc vẫn được coi là hợp pháp.
Nó chỉ thất hiệu, nếu sau khi người lập di chúc chết mà người được di tặng lại từ chối quyền thụ tặng.
Mặt khác, theo quy định trong Bộ Dân luật Bắc kỳ thì việc tặng dữ có thể được thực hiện ngay cả khi người tặng còn sống, nếu đối tượng của tặng dữ là một động sản. Nếu đối tượng của tặng dữ là một bất động sản thì việc tặng dữ chỉ được thực hiện khi người tặng đã chết. Đây mới thực chất là việc di tặng. Trong BLDS của nước ta việc di tặng nói chung chỉ thực hiện sau khi người di tặng đã chết. Như vậy, những gì mà người chết lúc còn sống đã cho người khác và người khác đã nhận thì đó là đối tượng của một hợp đồng tặng cho. Từ đó, chỉ được coi là di tặng nếu phần tài sản đó được người để lại di sản di tặng cho người khác nhưng mới chỉ xác định trong di chúc, và vì vậy đối tượng của di tặng có thể là một bất động sản, nhưng cũng có thể là một động sản.
Người được hưởng di sản theo di tặng với người được hưởng di sản theo thừa kế có sự khác nhau về quyền và nghĩa vụ. Vì vậy, khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 có áp dụng với người được di tặng hay không cũng là vấn đề cần xem xét.
Theo chúng tôi, dù người được di tặng không phải là người thừa kế nhưng về bản chất, người được tặng là người được hưởng một phần di sản theo di chúc. Vì vậy, người đó sẽ bị tước quyền hưởng di tặng nếu có những hành vi được quy định tại điều luật nói trên.
2.1.6. Quyền được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng
Con người Việt Nam có truyền thống coi việc thờ phụng tổ tiên là bổn phận hết sức thiêng liêng và hệ trọng của con, cháu. Khi một gia đình có kinh tế khá giả bao giờ người ta cũng quan tâm thi hành bổn phận ấy bằng cách dành ra một số tài sản để lo việc phụng sự. Các tài sản này có thể bao gồm nhiều loại với tên gọi khác nhau, nhưng chung quy đó là các “di sản dùng vào việc thờ cúng” mà các Bộ Dân luật cũ gọi là “hương hỏa”.
Đây là vấn đề đã có từ lâu trong tục lệ và pháp luật Việt Nam. Việc dành ra một số tài sản của gia đình để lo việc cúng giỗ ông bà tổ tiên là một tập quán đã ăn sâu vào nếp sống cổ truyền của dân tộc ta, cho nên từ các Bộ cổ luật xa xưa đến các Bộ dân luật bắc kỳ 1931, Bộ dân luật Trung 1936 đều quy định hết sức tỉ mỉ và chặt chẽ về “của thừa kế phụng - tự”, trong đó có vấn đề “hương hỏa”. Phải nói rằng,