Thực tiễn vận dụng các quy định pháp luật về quyền định đoạt của người lập di chúc

Một phần của tài liệu Quyền định đoạt của người lập di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 51 - 68)

Chương 3 THỰC TIỄN VẬN DỤNG VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN

3.1. Thực tiễn vận dụng các quy định pháp luật về quyền định đoạt của người lập di chúc

3.1.1. Thực tiễn áp dụng pháp luật định đoạt tài sản vào việc thờ cúng trong những năm qua

Thờ cúng tổ tiên là một nếp sống văn hóa lâu đời của dân ta, thể hiện lòng tôn kính đối với người đã chết, cũng như để giáo dục thế hệ sau nhớ công ơn của thế hệ trước. Xuất phát từ ý nghĩa này, trải qua các thời kỳ của đất nước, cũng như ngày nay, việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng luôn được người để lại di sản quan tâm dành một phần trong khối di sản của mình để dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên di sản dùng vào việc thờ cúng theo ý nguyện của người để lại di chúc không thực hiện được, dẫn đến tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng xảy ra ngày càng nhiều. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì ngày nay, khi xã hội phát triển, giá trị của các vật chất cũng ngày càng tăng cao, cho nên người ta luôn muốn tranh giành quyền lợi về vật chất cho mình bất chấp cả những giá trị đạo đức. Trước đây, có những trường hợp người chết để lại hàng ngàn mét vuông đất mà chỉ cho một người thừa kế quản lý và sử dụng nhưng những người đồng thừa kế khác không hề tranh chấp, đòi hỏi gì vì khi ấy giá trị không đáng kể.

Tuy nhiên, khi mỗi mét vuông đất trị giá hàng chục triệu đồng thì xuất hiện tranh chấp giữa những người thừa kế với người đang quản lý và sử dụng diện tích đất đó là điều tất yếu.

Mặc dù chưa có được số liệu thống kê về số vụ việc dân sự liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng, số vụ việc tranh chấp liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng ngày càng đa dạng, tính chất phức tạp và gay gắt, các tranh chấp không ngừng tăng, do vậy, đòi hỏi

cơ quan thụ lý giải quyết phải hết sức linh động, vận động khôn khéo các quy định của pháp luật nhằm giải quyết hợp lý các vụ việc. Ngoài ra cần có sự sửa đổi, bổ sung về các quy định liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng để tạo một hành lang pháp lý tốt hơn cho các chủ thể tham gia cũng như chủ thể thực hiện trong lĩnh vực này.

Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng. Trong luận văn này, chúng tôi nêu một số vụ án tiêu biểu để phân tích, đánh giá nhằm tìm hiểu và đưa ra một số phương án giải quyết đối với loại tranh chấp này. Nội dung vụ việc như sau:

Vợ chồng cụ Minh và cụ Hiền có 7 người con chung gồm các ông bà: Tín (trú tại Trung Quốc), Vân (trú tại Mỹ), Liêm (trú tại Pháp), Nhơn (trú tại Úc), Hoàng (chết, không có vợ con), Trí và Miêng. Cụ Minh và cụ Hiền có con nuôi là bà Chu.

Sinh thời, cụ Minh và cụ Hiền tạo lập được nhiều nhà đất tại tỉnh K G. Trước năm 1973, hai cụ đã phân chia một số nhà đất cho các con. Năm 1974 ông Trí bán căn nhà 39 Lê Lợi (do cụ Minh và cụ Hiền cho) và về chung sống cùng hai cụ tại căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương, tỉnh K G.

Tháng 5/1973 cụ Minh chết không để lại di chúc.

Ngày 31/12/1974, cụ Hiền lập tờ “Tổng kết tài sản, cũng là chúc ngôn tổng quát” và “Tờ cho đứt đất thổ cư và phố trệt” phân chia tài sản và được các con của cụ Minh và cụ Hiền đồng ý, có xác nhận của chính quyền nơi cụ Hiền sinh sống.

Trong các văn bản nêu trên, cụ Hiền thể hiện ý chí để lại ngôi nhà số 3 Nguyễn Tri Phương làm di sản “ngày nay cũng như ngày mai và vĩnh viễn được để lập hương hỏa”, căn nhà và phần đất này được xem như “bất khả xử phân”.

Ngày 27/5/1978, cụ Hiền lập giấy hiến cho Nhà nước 12 căn nhà và hai thửa đất, trong đó có nhà đất mà cụ Minh và cụ Hiền đã phân chia cho các con chung của hai cụ. Các con của cụ Hiền không phản đối về việc này.

Tài sản của cụ Minh và cụ Hiền còn lại căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương, trên diện tích đất 483,53m2. Năm 1980, cụ Hiền chết; ông Trí trực tiếp quản lý toàn

bộ di sản của cụ Minh và cụ Hiền. Ông Miêng khởi kiện ra Tòa án yêu cầu được chia căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương.

Ông Trí không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của ông Miêng vì căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương là di sản dùng để thờ cúng. Bà Chu không yêu cầu chia thừa kế.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm xử chia thừa kế với căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm: Tòa án phúc thẩm xử bác yêu cầu chia thừa kề căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương của ông Miêng.

Sau khi xét xử phúc thẩm ông Miêng có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định số 34/KNDS ngày 16/9/1997, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã nhận định:

Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xác định căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương là di sản chưa chia của cụ Hiền. Trước khi chết, cụ Hiền đã lập di chúc để căn nhà trên làm “nhà hương hỏa bất khả xử phân”, hơn nữa trong số các con của cụ Hiền thì chỉ có ông Miêng có yêu cầu chia thừa kế, còn 6 người khác không đồng ý chia thừa kế mà để căn nhà làm nơi thờ cúng. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã bác yêu cầu chia thừa kế của ông Miêng đối với phần nhà đất thuộc di sản của cụ Hiền là có căn cứ, phù hợp với ý chí của cụ Hiền.

Tuy nhiên, tại di chúc ngày 31/12/1974, cụ Hiền không giao cho ai quản lý căn nhà để thờ cúng.

Trong thực tế chỉ có ông Miêng và ông Trí có yêu cầu quản lý căn nhà, còn những người khác hiện đang ở nước ngoài, hơn nữa căn nhà đang tranh chấp có hai phần riêng biệt, phần trước có diện tích 195m2 nhà trên 372,3m2 đất, phần phía sau 111,19m2 nhà trên 111,19m2 đất có điều kiện để giao cho mỗi người quản lý một phần. Mặt khác, hiện tại ông Miêng không có nhà ở và có yêu cầu quản lý phần phía sau căn nhà. Vì vậy, cần giao cho ông Trí, ông Miêng mỗi người quản lý một phần căn nhà để thờ cúng (ông Trí quản lý phần phía trước căn nhà, ông Miêng quản lý

phần phía sau căn nhà). Như vậy, giải quyết vụ án mới hợp tình, hợp lý, phù hợp thực tế.

Tại kết luận số 28 /KL-DS ngày 24/1/1998, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xét xử giám đốc thẩm, giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 242/DSPT ngày 28/11/1995 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Quyết định số 01/UBTP-DS ngày 29-2-1998 Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã quyết định: tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự về thừa kế nhà đất có nguyên đơn là ông Miêng và bị đơn là ông Trí cho đến khi có quy định mới về các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 mà có người Việt Nam định cử ở nước ngoài tham gia.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hủy bản án dân sự sơ thẩm số 12/DSST ngày 25/7/1995 của Tòa án nhân dân tỉnh K G và hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh K G xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.

Việc ông Miêng khởi kiện yêu cầu được chia thừa kế di sản của cụ Minh và cụ hiền là căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương, nhưng ông Miêng cũng thừa nhận là căn nhà nêu trên cụ Hiền đã lập di chúc để lại làm di sản thờ cúng và di chúc của cụ Hiền được các con chung của cụ Minh và cụ Hiền đồng ý. Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế với căn nhà nếu trên là trái quy định của pháp luật về thừa kế. Tòa án cấp phúc thẩm đã bác yêu cầu đòi chia thừa kế của ông Miêng là có căn cứ, đúng pháp luật.

BLDS sử dụng thuật ngữ di sản để “thờ cúng” chỉ trong hai điều luật là Điều 648, khoản 3 về “quyền của người lập di chúc” mà chúng ta đã biết ở trên và Điều 670 BLDS 2005 (tương ứng với điều 673 BLDS 1995) về “di sản dùng vào việc thờ cúng”. Cả hai điều này nằm trong phần thừa kế theo di chúc. Tương tự như vậy, trong Pháp lệnh thừa kế đã dành cả một điều cho chế định này (Điều 21) và điều luật này năm trong phần thừa kế theo di chúc. Với quy định như vừa

nêu, chúng ta có thể suy luận rằng, đối với nhà lập pháp, di sản để thờ cúng “gắn liền” với di chúc; di sản dùng cho việc thờ cúng là một nội dung của di chúc.

Theo quy định này, chúng tôi thấy rằng, trong nội dung vụ việc nêu ở trên, người lập di chúc không sử dụng thuật ngữ rõ ràng. Cụ thể, ngày 31/12/1974, cụ Hiền lập tờ “Tổng kết tài sản, cũng là chúc ngôn tổng quát” và “Tờ cho đứt đất thổ cư và phố trệt” phân chia tài sản và được các con của cụ Minh và cụ Hiền đồng ý, có xác nhận của chính quyền nơi cụ Hiền sinh sống. Trong các văn bản vừa nêu, cụ Hiền thể hiện ý chí để lại căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương là “ngày nay cũng như ngày mai và vĩnh viễn được để lập hương hỏa”, căn nhà và phần đất này được xem như bất khả xử phân”. Đây có là trường hợp di chúc dành một phần di sản vào việc thờ cúng không ? Ông Miêng khởi kiện yêu cầu được chia thừa kế căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương nhưng ông Trí không đồng ý vì cho rằng căn nhà này là “di sản để thờ cúng” Tòa sơ thẩm “chấp nhận yêu cầu của ông Miêng được chia thừa kế căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương theo pháp luật”. Như vậy, Tòa sơ thẩm dường như không coi đây là di sản dùng cho việc thờ cúng. Tuy nhiên, theo hội đồng thẩm phán: “Ông Miêng khởi kiện yêu cầu được chia thừa kế di sản của cụ Minh và cụ Hiền là căn nhà số 3 Nguyễn Tri Phương, nhưng ông Miêng cũng thừa nhận rằng căn nhà nếu trên cụ Hiền đã lập di chúc để lại làm di sản thờ cúng và di chúc của cụ Hiền được các con chung của cụ Minh và cụ Hiền đồng ý. Cho nên, việc Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế đối với căn nhà nêu trên là trái quy định của pháp luật về thừa kế. Tòa án cấp phúc thẩm đã bác yêu cầu đòi chia thừa kế của ông Miêng là có căn cứ, đúng pháp luật. Trong trường hợp, nếu ông Miêng thay đổi yêu cầu xin được quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng, thì Tòa án phải giải quyết theo quy định tại Điều 670 BLDS 2005.

Trong vụ việc này, do người để lại di sản thể hiện ý chí không thực sự rõ ràng và di chúc cũng không xác định rõ khối di sản dùng vào việc thờ cúng cho nên đã xảy ra tranh chấp và trong thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp tương tự, do đó Tòa án rất khó giải quyết vì khó xác định là di sản dùng vào việc thờ cúng hay là di sản thường.

Theo quy định tại Điều 670, việc để lại di sản thờ cúng luôn và chỉ gắn với việc thừa kế theo di chúc. Trong điều luật đã chỉ rõ “một phần di sản” dùng vào việc thờ cúng có nghĩa là một phần di sản này cũng là một phần tài sản và đã là tài sản thì có thể là động sản hay bất động sản. Như vậy, nếu như di chúc của người để lại thừa kế chỉ rõ những tài sản nào sẽ dùng vào việc thờ cúng thì những tài sản đó là di sản thờ cúng theo di chúc. Trong thực tế di sản thờ cúng thường là những tài sản như một gian nhà để bàn thờ trong cấu trúc của một ngôi nhà, có thể vừa là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình, phần trước của bàn thờ (hoặc tủ thờ) kê một bộ bàn ghế vừa để tiếp khách vừa xem tivi, nhưng chắc chắn gian nhà này phải ở vị trí trung tâm, trang trọng nhất của ngôi nhà (đối với những ngôi nhà xây theo chiều ngang), còn đối với những nhà có chiều ngang hẹp (còn gọi là nhà ống) thì phòng để thờ cúng thường là phòng ở tầng cao nhất của ngôi nhà, nếu gia đình nào có điều kiện thì xây hẳn một nhà thờ riêng cùng diện tích vườn trên có một số cây ăn trái vừa là để lấy hoa quả để thờ cúng vừa để ăn nếu dư thì có thể bán, trong các tỉnh phía nam thì phần di sản dùng để thờ cúng còn có thể là một phần đất ruộng nhưng lại là nơi có các ngôi mộ của tổ tiên ông bà, cha mẹ khi mất thường được gọi là đất thổ mộ. Theo các quy định của Luật đất đai năm 2003 thì không tồn tại loại đất nghĩa địa thuộc quyền sử dụng cá nhân nhưng trong thực tế do diện tích đất rộng nên các gia đình ở miền Nam hiện nay vẫn thường chôn ông bà, cha mẹ khi mất trên phần đất ruộng của gia đình.

Cùng với thời gian và sự phát triển của kinh tế xã hội các quan hệ giao lưu kinh tế phát triển đa dạng nên khái niệm về tài sản theo quy định tại Điều 163 BLDS 2005 đã mở rộng hơn so với quy định tại Điều 172 BLDS 1995, bao gồm cả những tài sản sẽ có trong tương lai nên di sản thừa kế của một người cũng sẽ bao gồm cả những tài sản sẽ có trong tương lai. Từ đó, di sản dùng vào việc thờ cúng cũng có thể là "một phần tài sản" sẽ có trong tương lai nhưng cần phải hiểu là tài sản sẽ có này là ở khả năng chắc chắn có trong tương lai. Ví dụ: khoản tiền gửi tiết kiệm thì phần lãi ở đây chắc chắn là tài sản sẽ có trong tương lai, nếu một người lập di chúc trong đó có dành 20.000.000 đồng đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng làm di

sản thờ cúng thì số lãi + 20.000.000 đồng tiền gửi tiết kiệm sẽ là di sản thờ cúng.

Nhưng nếu một người dành 1000 cổ phiếu thì cổ tức, giá chênh lệch của cổ phiếu có thể coi là di sản thờ cúng không? Chủ sở hữu cổ phiếu là cổ đông của công ty - là chủ công ty, công ty nào cũng muốn làm ăn có lãi, cổ đông nào cũng muốn giá cổ phiếu của mình chênh lệch với mệnh giá, giá mua nhưng sự mong muốn trên đây chỉ là sự kỳ vọng, nói cách khác cổ tức hay phần chênh lệch giá không được coi là tài sản sẽ có trong tương lai bởi vì sự kỳ vọng không phải là căn cứ khẳng định chắc chắn sẽ có mà luôn tồn tại song hành hai khả năng có thể có hoặc có thể không, nghĩa là cổ tức hay giá chênh lệch cổ phiếu phụ thuộc vào kết quả kinh doanh và nhiều yếu tố khác trên thị trường, không ai khẳng định chắc chắn hoạt động của doanh nghiệp luôn có lãi để chia cổ tức, không có căn cứ nào để khẳng định luôn luôn có sự chênh lệch giữa giá cổ phiếu trên thị trường với mệnh giá hoặc giá mua vào. Như vậy, trường hợp này chỉ có thể xác định di sản thờ cúng là 1000 cổ phiếu, còn phần cổ tức, chênh lệch giá cổ phiếu không thể gọi là di sản thờ cúng vì không thoả mãn điều kiện để xác định là tài sản sẽ có trong tương lai.

Nhưng nếu nhà làm luật lại quy định rằng di sản thờ cúng bao gồm cả những

tài sản có thể sinh lời” như quy định tại Điều thứ 394 Bộ dân luật Bắc kỳ và Điều thứ 400 Bộ dân luật Trung kỳ (Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ Luật) thì lại có đủ căn cứ xác định phần cổ tức, phần chênh lệch giữa mệnh giá và giá cổ phiếu trên thị trường cũng thuộc về di sản thờ cúng.

Trong khi nghiên cứu về di sản thờ cúng có một vấn đề đặt ra nữa, đó là trong trường hợp những tài sản vẫn dùng cho việc thờ cúng hàng ngày nhưng lại không được thể hiện trong di chúc, không được người để lại thừa kế định đoạt trong di chúc thì có được coi là di sản thờ cúng không.

Điều 670 BLDS 2005 không quy định trực tiếp một căn cứ nào để chấm dứt sự tồn tại của di sản thờ cúng. Nhưng xem xét điều luật cho thấy nhà làm luật đã xác định một căn cứ chấm dứt số phận pháp lý của di sản thờ cúng, thể hiện ở nội dung khi những người thừa kế theo di chúc chết thì di sản thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp

Một phần của tài liệu Quyền định đoạt của người lập di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 51 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)