Chương 3 THỰC TIỄN VẬN DỤNG VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN
3.2. Các kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Dân sự năm
Quyền định đoạt của người lập di chúc có thể nói là một trong những quyền đặc biệt nhất của pháp luật thừa kế nói riêng cũng như pháp luật dân sự nói chung.
Bởi quyền chỉ được thực hiện khi chủ thể quyền chết. Pháp luật đã ghi nhận và bảo hộ quyền định đoạt của người lập di chúc. Trong BLDS đã quy định khá đầy đủ và toàn diện quyền định đoạt của người lập di chúc, và đảm bảo cho quyền định đoạt của người để lại di chúc thực hiện một cách triệt để nhất. Tuy nhiên thực tế cho thấy pháp luật vẫn còn nhiều quy định chung chung về những nội dung trong quyền định đoạt của người lập di chúc, nhiều quyền năng trong quyền định đoạt của người lập di chúc vẫn chưa được quy định.
Qua quá trình nghiên cứu, thu thập thông tin về đề tài “quyền định đoạt của người lập di chúc” cũng như tham khảo thêm một số BLDS của các quốc gia khác trên thế giới và đối chiếu với tình hình xã hội trong nước học viên xin mạnh dạn đưa ra một số ý kiến sau:
Thứ nhất, về việc truất quyền thừa kế pháp luật cần có những quy định cụ thể để tránh tình trạng nhận thức không đúng về quyền này. Truất quyền thừa kế là một quyền cực kỳ quan trọng của người lập di chúc, ảnh hưởng đến việc được hưởng
hay không được hưởng di sản của người thừa kế. Bởi vì tầm quan trọng của quyền truất quyền thừa kế, pháp luật dân sự nên có những quy định cụ thể, chính thức ngay tại BLDS, có thể quy định một điều luật về truất quyền thừa kế. Cụ thể cần quy định một điều luật với nội dung là:
“1. Truất quyền thừa kế là việc không cho người thừa kế hưởng bất kỳ một khoản di sản nào;
2. Chỉ có người để lại di sản mới có quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế thông qua di chúc. Việc truất quyền thừa kế phải được ghi rõ trong di chúc với nội dung rõ ràng.”
Thứ hai, về điều kiện hưởng di sản cho người thừa kế. Trong thực tế người lập di chúc với tư cách là người chủ sở hữu của tài sản thì chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản của mình theo ý chí của mình. Vì thế trong thực tế thì ngoài việc giao nghĩa vụ tài sản cho người thừa kế, người lập di chúc còn có thể giao cho người thừa kế những điều kiện nhất định khác chứ không chỉ là nghĩa vụ tài sản (di chúc có điều kiện) miễn rằng điều kiện đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Đó hoàn toàn là một công việc không liên quan đến tài sản, một nhiệm vụ bình thường trong đời sống…miễn rằng sự kiện đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Vì thế pháp luật cần chính thức hoá quyền năng này của người lập di chúc.
Thứ ba, về di tặng. Trong BLDS chỉ nêu một điều luật về việc di tặng và nguyên tắc không áp dụng thanh toán nghĩa vụ tài sản đối với di sản dùng để di tặng. Mà không hề nêu đến vấn đề sau:
Việc di tặng cũng phải đáp ứng hài hoà được quyền lợi, lợi ích hợp pháp của những người thừa kế khác. VD: ông E có 2 con chung là C, D (chưa thành niên) với bà B, để lại di sản là 100 triệu, và có khoản nợ bồi thường ngoài hợp đồng là 30 triệu đồng. Ông E viết di chúc di tặng cho anh C 50 triệu, giao cho anh C quản lý phần di thờ cúng là 20 triệu, định đoạt cho anh D 30 triệu. Theo nội dung thì có vẻ tất cả quyền lợi của người thừa kế đều được đảm bảo nhưng thực chất phần 30 triệu của anh D phải dùng để thực hiện nghĩa vụ tài sản, như vậy anh D thực chất chỉ có 0 đồng.
Như vậy pháp luật cần đưa ra những quy phạm cụ thể nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa những người được di tặng và những người thừa kế nhằm bảo đảm được tổng thể tất cả quyền và lợi ích của những người đó.
Thứ tư, về hình thức của sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc. Trong BLDS của chúng ta hiện nay chưa có quy định cụ thể, chính thức về hình thức của sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc mà trong thực tế thì việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc xảy ra khá nhiều. Vì thế để tránh sự áp dụng tuỳ tiện thì pháp luật cần phải đưa ra những cụ thể, chính thức.
Thứ năm, về di chúc chung vợ chồng. Pháp luật quy định cho vợ chồng có quyền lập di chúc chung, và có quyền sửa đổi bổ sung bất cứ lúc nào nhưng sau khi một người chết, người vợ hoặc chồng còn lại chỉ có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc trong phạm vi di sản của mình. Nhưng trong quá trình tham khảo thực tế thì thấy pháp luật quy định chỉ mới như thế thì chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Bởi sau khi người vợ hoặc chồng chết trước, thì cũng sẽ có bao nhiêu biến cố, xảy ra bao nhiêu sự việc trong đời sống mà liên quan đến nội dung di chúc hay việc thừa kế. Có thể sự việc đó là có người thừa kế mất, có phần di sản đã không còn, phát hiện thêm nghĩa vụ tài sản của hai người…Đó là những hiện tượng mà hoàn toàn có thể xảy ra sau khi người vợ hoặc người chồng mất mà người kia vẫn còn sống. Như vậy, có thể sẽ dẫn đến phần di chúc của người vợ hoặc người chồng mất trước bị vô hiệu vì những sự kiện trên.
Khi người vợ và người chồng đã lập di chúc chung thì cũng đã chứng tỏ họ đã tin tưởng, yêu thương nhau đến nhường nào. Họ muốn san sẻ cho nhau tất cả mọi việc, tất cả mọi gánh nặng cuộc sống. Đó là một tình nghĩa vợ chồng chung thuỷ mà bất kỳ ai cũng phải tôn trọng. Chính vì thế họ mới muốn lập di chúc chung trước khi chết. Nhưng sau khi xảy ra các sự kiện trên thì việc lập di chúc chung của họ có thể là vô ích vì người còn sống còn lại không thể sửa lại phần di chúc đó, mà chỉ được sửa đổi trong phạm vi di sản đó. Để tránh sự việc đó xảy ra thì pháp luật nên quy định thêm một khoản 3 ở Điều 664 với nội dung là:
“3. Sau khi người vợ hoặc chồng mất trước mà có sự kiện xảy ra làm một phần nội dung di chúc không thể thực hiện được thì người chồng hoặc người vợ còn lại có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế phần nội dung đó.
Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế phải thể hiện ý chí trước công chứng viên.”
Ngoài ra, nếu sau khi một người vợ hoặc chồng mất mà di chúc bị thất lạc, bị phá huỷ rồi thì có được lập lại hay không thì pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể.
Thứ sáu, về quyền chỉ định người thừa kế thay thế. Về vấn đề chúng tôi đồng ý với quan điểm của TS. Phùng Trung Tập. Quyền chỉ định đó người thừa kế thay thế cũng là một trong những nội dung của quyền tự định đoạt của người lập di chúc.
Mà từ trước đến nay pháp luật luôn luôn bảo hộ quyền định đoạt của người lập di chúc trừ trường hợp sự định đoạt đó trái quy định với pháp luật, trái với đạo đức xã hội. Như vậy, pháp luật cũng cần có quy định cụ thểm, chính thức về quyền chỉ định người thừa kế khác thay thế, có thể như thêm một khoản tại Điều 648 với nội dung là: “Chỉ định người thừa kế thay thế trong trường hợp người chỉ định thừa kế ban đầu không được hưởng hoặc từ chối hưởng di sản”.
Thứ bảy, pháp luật chưa quy định cụ thể quyền chọn thời điểm chia thừa kế, địa điểm chia thừa kế. Thời điểm chia thời kế, địa điểm chia thừa kế không những có ý nghĩa quan trọng với những người thừa kế mà còn quan trọng với người để lại di sản nữa. Không một người chết nào muốn những người thừa kế của mình lại chia di sản trong ngày mình mất, trong nơi mà gắn bó suốt cuộc để rồi giờ đây những người thân thiết nhất của mình lại “tranh đấu” nhau ở nơi ấy…Bất cứ một pháp luật nào thì cũng có nguyên tắc “trong cái lý phải có cái tình”, tuy một người đã chết nhưng chết chưa chắc đã hết. Ý nguyện của người lập di chúc vẫn được tôn trọng thông qua di chúc. Vì vậy cần quy định thêm “quyền chọn thời điểm chia thừa kế và địa điểm chia thừa kế”. Chọn ở đây phải được hiểu cho phép chia thừa kế ở một thời điểm nào đây, tại một địa điểm nào đó hoặc không cho phép chia thừa kế ở một thời điểm, địa điểm nào đó. Và quan trọng nhất là thời điểm chia thừa kế, địa điểm chia thừa kế luôn phải phù hợp với thời điểm mở thừa kế, địa điểm mở thừa kế.
Thứ tám, về di sản thờ cúng, di tặng là quyền sử dụng đất. Di tặng là nhà ở và quyền sử dụng đất ở, thì về nguyên tắc cũng được dùng để thanh toán các khoản nợ của người chết để lại, phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc cho những người được hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 669 BLDS, còn lại để cho người được hưởng di tặng. Tuy nhiên, do pháp luật không định tính di sản dùng để di tặng, cho nên người lập di chúc có quyền định đoạt nhà ở và quyền sử dụng đất ở thuộc quyền sở hữu của mình cho người được chỉ định trong di chúc hưởng di tặng. Về bản chất của di tặng chỉ có nghĩa là hàm ơn, dùng để làm kỉ niệm... Nhưng điều 671 BLDS năm 2005 đã quy định về di tặng không nằm trong bản chất truyền thống này. Vì vậy, khi chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất liên quan đến di tặng, Tòa án các cấp gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính bởi vậy, chúng tôi kiến nghị là nếu trong di chúc, người để lại di sản đã định đoạt để một ngôi nhà, một mảnh đất hay một tài sản cụ thể dưới dạng vật chất nào đó thì pháp luật cần ghi nhận và tôn trọng nội dung định đoạt này. Bởi lẽ, di sản dùng vào thờ cúng hay di tặng là những tài sản gắn với yếu tố tâm linh và tình thân nên đặc điểm
“đặc định” phải được duy trì và bảo tồn. Nếu giải pháp của nhà làm luật xác định phần di sản dùng cho thờ cúng và di tặng là nhà hay quyền sử dụng đất theo tỷ lệ trên tổng di sản để khẳng định phần hợp pháp thì có thể dẫn đến tình trạng nhà và đất đó bị bán đi để quy đổi về giá trị. Điều này vô hình chung đã xâm phạm đến ý chí, đến quyền định đoạt của người lập di chúc và ý nghĩa của di sản dùng vào thờ cúng và di tặng bị mất đi hay suy giảm đáng kể.