7. Kết cấu của luận văn
3.1. Thực tiễn thực hiện các quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại tỉnh Thái Bình
Ngành Tòa án Thái Bình có 08 đơn vị cấp huyện gồm: TAND thành phố Thái Bình và TAND 07 huyện. Tổng số biên chế gồm 165 cán bộ công chức (TAND tỉnh 50 người; TAND các huyện, thành phố 105 người), trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 14 người, trung cấp 68 người, sơ cấp 77 người, về trình độ chuyên môn 100% cán bộ nghiệp vụ có trình độ đại học luật, trong đó có 16 cán bộ có trình độ Cao học Luật.
Theo báo cáo rút kinh nghiệm công tác 06 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 66 tháng cuối năm 2017, 06 tháng đầu năm 2017 TAND hai cấp tỉnh Thái Bình đã thụ lý, giải quyết được 1.785/2.301 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 77,5%, những vụ án còn lại đều trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Hệ thống TAND hai cấp tỉnh Thái Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp phù hợp nên kết quả giải quyết, xét xử các loại án đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã khắc phục cơ bản tình trạng để án quá thời hạn, chất lượng giải quyết, xét xử được nâng lên.31
Đa số các Tòa án trên địa bàn tỉnh Thái Bình rất nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự còn gặp phải một số vướng mắc, hạn chế sau:
31http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/12575921?pers_id=1751931&item_id=199312390&p_details=
1 truy cập ngày 24/7/2017
3.1.1. Vướng mặc từ thực tiễn nộp và nhận đơn khởi kiện
Do trình độ hiểu biết pháp luật còn chưa cao nên nhiều người dân khi viết đơn khởi kiện gửi đến Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp nhưng ghi là đơn khiếu nại, đơn đề nghị, đơn yêu cầu hoặc đơn trình bày. Nhiều người dân khi viết đơn khởi kiện lại gửi đến các cơ quan khác nhau như Ủy ban nhân dân, cơ quan công an, cơ quan thanh tra… yêu cầu giải quyết tranh chấp và các cơ quan này đã chuyển đơn của đương sự đến Tòa án để giải quyết theo thẩm quyền. Những trường hợp này thường không đảm bảo về hình thức và nội dung đơn không đầy đủ, do đó Tòa án phải hướng dẫn hoặc thông báo cho đương sự sửa đổi, bổ sung đơn.
Theo quy định, yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện phải được lập thành văn bản nhưng trên thực tế thực hiện tại các Tòa án thường thông báo và hướng dẫn bằng miệng cho các đương sự và yêu cầu họ sửa đổi, bổ sung ngay, điều này dẫn đến tình trạng không có căn cứ theo dõi quá trình giải quyết đơn của Thẩm phán. Tuy nhiên, cách xử lý này là phù hợp với thực tế tại địa phương. Nếu Tòa án yêu cầu đương sự đi về và ấn định một thời gian để họ sửa đơn khởi kiện rồi nộp lại thì rất khó khăn cho đương sự nhất là đối với người nghèo, người ở xa trụ sở của Tòa án hơn nữa nếu có về nhà cũng không có người hướng dẫn cũng không biết cần phải sửa đổi, viết lại đơn khởi kiện như thế nào cho đúng.
Về hình thức gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, mặc dù hoạt động gửi đơn trực tuyến bằng hình thức điện tử được đánh giá là rất ưu việt, bắt nhịp kịp thời với yêu cầu của thời đại trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay nhưng khi áp dụng tại các Tòa án trên địa bàn tỉnh Thái Bình lại đang có những vướng mắc, bất cập. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: Thực trạng chung hiện nay tại Việt Nam chỉ có các Tòa án cấp tỉnh mới thiết lập trang web, còn ở nhiều đơn vị cấp huyện chưa có điều
kiện lập cổng thông tin điện tử riêng. Thái Bình có 08 Tòa án cấp huyện nhưng chưa Tòa án nào thiết lập trang web riêng, mọi thông báo, tin tức, hoạt động đều được cập nhật trên cổng thông tin điện tử:
http//:thaibinh.toaan.gov.vn của TAND tỉnh Thái Bình. Đồng nghĩa với việc nộp đơn khởi kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử chỉ được triển khai thực hiện ở Tòa án cấp tỉnh, trong khi lượng án kiện dân sự sơ thẩm ở Tòa án cấp huyện lại chiếm đa số. Tuy nhiên, hiện nay ngay kể cả TAND tỉnh Thái Bình cũng chưa triển khai hình thức nộp đơn khởi kiện trực tuyến thì không biết đến khi nào hình thức nộp đơn này mới được triển khai đến các Tòa án cấp huyện?
Thứ hai: Thực tế hiện nay, việc triển khai các dịch vụ công nói chung qua hệ thống mạng Internet vẫn còn khá nhiều bất cập, vấn đề an ninh mạng vẫn chưa được giải quyết triệt để, hiện tượng mạng nội bộ bị “treo” khiến người nộp hồ sơ không thể truy cập để thực hiện được thao tác gửi hồ sơ;
hoặc có trường hợp người nộp hồ sơ đã gửi văn bản đến đúng địa chỉ cổng thông tin của cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng bộ phận tiếp nhận hồ sơ không thể nhận, xử lý được dữ liệu. Dẫn đến việc, văn bản được gửi đi nhưng cấp có thẩm quyền không tiếp nhận được nên không có căn cứ để giải quyết; còn người nộp hồ sơ vẫn tiếp tục chờ đợi thông tin với tâm trạng hoài nghi, bức xúc.
Đối với thủ tục nộp đơn khởi kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử, ngày đương sự gửi đơn khởi kiện đến Tòa án phải được xác định chính xác trong hoạt động tố tụng, vì đây là thời điểm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện (người tham gia tố tụng) và trách nhiệm của Thẩm phán (người tiến hành tố tụng) khi được giao nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết đơn khởi kiện. Tuy nhiên, với hạ tầng dịch vụ Internet như hiện nay thì việc nộp đơn khởi kiện trực tuyến cũng không tránh khỏi việc chịu chung ‘”số phận”
như các dịch vụ công khác, tranh cãi và khiếu nại là điều khó tránh khỏi.
3.1.2 Tòa án không thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu không đúng quy định pháp luật
Theo Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định những trường hợp sau thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện:
Thứ nhất, người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi TTDS. Theo BLTTDS năm 2015 những người được quy định tại Điều 186 và Điều 187 là những người có quyền khởi kiện VADS.
Năng lực hành vi TTDS được quy định tại Điều 69 BLTTDS năm 2015.
Thứ hai, chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
Thứ ba, sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
Thứ tư, hết thời hạn mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng.
Thứ năm, vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 26, 28, 30, 32, 34, 35, 36,
37, 38, 39, 40 BLTTDS năm 2015.
Thứ sáu, người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của BLTTDS năm 2015.
Thứ bảy, người khởi kiện rút đơn khởi kiện. Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao chụp và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.
Việc nghiên cứu thực tiễn tố tụng tại các Tòa án tỉnh Thái Bình cho thấy, ngoài các trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo những căn cứ luật định nêu trên, vẫn còn có những trường hợp đủ điều kiện mà Tòa án vẫn không nhận hồ sơ để thụ lý giải quyết và trả lại đơn nhưng không có căn cứ pháp luật. Chẳng hạn như trường hợp khởi kiện sau:
Ngày 07/02/2017, anh Nguyễn Văn T nộp đơn khởi kiện vụ án đơn phương ly hôn tại TAND huyện X. Hồ sơ khởi kiện ly hôn của anh T gồm:
đơn khởi kiện về việc ly hôn (theo mẫu), đăng ký kết hôn (bản chính), giấy chứng minh nhân dân của anh T (bản sao chứng thực), giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực), sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực). Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận đơn không đồng ý ghi sổ nhận đơn và giải thích bằng miệng rằng hồ sơ xin ly hôn của anh T chưa đầy đủ, yêu cầu về bổ sung giấy tờ tùy thân của người vợ trước khi nộp hồ sơ. Do không nhận được sự hợp tác trong việc cung cấp giấy tờ tùy thân của vợ và được sự “mách nước” của người thân, ngày15/02/2017, anh T tiếp tục nộp đơn khởi kiện ly hôn qua dịch vụ bưu chính, mặc dù nhà anh T cách TAND huyện X 01 km. Ngày 19/02/2017, anh T nhận được Thông báo nhận đơn của TAND huyện X.
Trường hợp trên cũng là một trong những trường hợp thường gặp khi trả
lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện Tòa án đã không có văn bản kèm theo giải thích rõ lý do của việc trả lại đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 192 BLTTDS năm 2015. Một số Tòa án thường đưa ra lý do như hồ sơ chưa đầy đủ (mặc dù theo quy định của pháp luật thì chỉ cần đương sự nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có) hoặc Tòa án trả lại hồ sơ và hướng dẫn các bên đương sự nộp đơn đơn phương ly hôn thay vì nộp đơn thuận tình ly hôn trong trường hợp hai bên đã thống nhất được với nhau các vấn đề về quyền nuôi con, tài sản chung sau khi ly hôn.
Những tồn tại trên có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Một là, vụ án phức tạp dẫn tới tâm lý “sợ trách nhiệm” từ công tác thụ lý, giải quyết. VVDS là một trong những loại án khó do các quan hệ pháp luật rất đa dạng và phức tạp trong khi các quy định pháp luật chưa đáp ứng được đầy đủ so với quá trình vận động trong xã hội khiến cho nhiều quan hệ pháp luật dân sự người dân khởi kiện rất mới nhưng chưa có điều luật quy định trực tiếp hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng, còn có sự chồng chéo. Giải quyết các VVDS này đòi hỏi Thẩm phán trình độ chuyên môn nhạy bén và đặc biệt phải có bản lĩnh chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình, nếu không rất dễ khiến tâm lý của người Thẩm phán không muốn thụ lý giải quyết vì tâm lý lo ngại không đủ thời gian xác minh hoặc bản án bị Tòa án cấp trên hủy, sửa ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm Thẩm phán.
Hai là, hiện nay, số lượng Thẩm phán tại các Tòa án trên địa bàn tỉnh Thái Bình còn hạn chế. Nếu Thẩm phán đã thụ lý nhiều vụ việc mà chưa giải quyết hết, công việc tồn đọng nhiều, gây áp lực lớn thì cũng không muốn thụ lý thêm vụ việc mới, không đủ thời gian để giải quyết trong khi thời hạn xét xử ngắn.
Ba là, Tòa án không ghi sổ nhận đơn mà yêu cầu sửa đổi đơn khởi kiện rồi sau đó mới đến Tòa án nộp đơn để sao cho vụ án được giải quyết nhanh
hơn vừa làm giảm thiểu tồn đọng án vừa đảm bảo chất lượng án như đối với trường hợp ly hôn đã nêu ở trên.
3.1.3. Hiện tượng Tòa án chậm thụ lý vẫn còn tồn tại
Việc nghiên cứu về việc tiếp nhận hồ sơ khởi kiện ở các Tòa án tỉnh Thái Bình cho thấy các Tòa án đã làm khá tốt về công tác này, việc tiếp nhận hồ sơ khởi kiện về căn bản được thực hiện trong thời hạn luật định. Xét từ thời điểm đương sự nộp đơn khởi kiện đến thời điểm Tòa án thụ lý vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thậm chí có những trường hợp được thực hiện rất nhanh chóng. Chẳng hạn trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thanh Tâm sinh năm 1971 và bị đơn là ông Trần Văn Long sinh năm 1965, hồ sơ khởi kiện nộp ngày 14/7/2016 và đã được Tòa án huyện Thái Thụy thụ lý ngày 22/7/2016 (Bản án số …/2016/DS- ST). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thời điểm nộp hồ sơ khởi kiện và thời điểm thụ lý của Tòa án là khá dài. Ví dụ, trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Bùi Thị Vĩnh sinh năm 1947 và bị đơn là bà Trần Thị Vượng sinh năm 1945, hồ sơ khởi kiện nộp ngày 14/8/2016 cũng tại TAND huyện Thái Thụy nhưng gần 2 tháng sau (ngày 06/10/2016) vụ việc mới được Tòa án này thụ lý.
3.1.4. Hiện tượng đương sự khởi kiện vượt quá phạm vi khởi kiện do không nắm vững pháp luật
Thực tế cho thấy đương sự trong TTDS thường thiếu hiểu biết các kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tế cần thiết, nhưng trong BLTTDS chỉ quy định Tòa án giải thích quyền và nghĩa vụ của đương sự ở tại phiên tòa mà không quy định việc giải thích quyền và nghĩa vụ trước phiên tòa. Trước phiên tòa hầu hết các đương sự phải tự tìm hiểu các quyền và nghĩa vụ của mình nên việc nhận thức có thể chưa đầy đủ. Có những trường hợp ở tại phiên tòa khi được Tòa án giải thích về quyền và nghĩa vụ họ mới được biết nhưng
đôi khi gây ra bất lợi khi họ thực hiện quyền yêu cầu, thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu của mình.
Chẳng hạn, vụ kiện đòi nợ giữa nguyên đơn là vợ chồng bà Bùi Thị Tâm (sinh năm 1958), ông Lê Công Hồng (sinh năm 1954) cùng trú tại Quốc Tuấn, Kiến Xương, Thái Bình) và bị đơn là bà Đỗ Thị Hiền (sinh năm 1973, địa chỉ:
Quốc Tuấn, Kiến Xương, Thái Bình) là một ví dụ.
Trong Đơn khởi kiện ngày 01/4/2016, bà Bùi Thị Tâm và ông Lê Công Hồng trình bày:
Do có quan hệ bạn bè nên ông bà có cho bà Đỗ Thị Hiền vay tiền. Cụ thể theo 03 giấy vay tiền sau:
Giấy vay tiền ngày 01/01/2014, cho vay 25.000.000 đồng; lãi suất 2%/01 tháng; thời hạn vay là 01 tháng.
Giấy vay tiền ngày 01/02/2014, cho vay 20.000.000 đồng; lãi suất 2%/01 tháng; thời hạn vay là 01 tháng.
Giấy vay tiền ngày 01/3/2014, cho vay 260.000.000 đồng; lãi suất 2%/01 tháng; thời hạn vay là 02 tháng.
Sau khi vay tiền, bà Hiền đã không thực hiện nghĩa vụ trả tiền gốc và lãi theo các giấy vay tiền đã ký kết. Vì vậy, bà Tâm và ông Hồng khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Hiền phải trả số tiền theo 03 giấy vay tiền là: 488.400.000 đồng; trong đó, tổng số tiền gốc là: 305.000.000 đồng; lãi là 183.400.000 đồng (tính đến ngày 01/4/2016).
Đến ngày 25/4/2016, bà Tâm và ông Hồng có Đơn đề nghị rút một phần yêu cầu khởi kiện. Theo đó, yêu cầu bà Đỗ Thị Hiền chỉ phải trả số tiền gốc 25.000.000 đồng của Giấy vay tiền ngày 01/01/2014 và 20.000.000 đồng của Giấy vay tiền ngày 01/02/2014; đối với Giấy vay tiền ngày 01/3/2014, bà
Hiền phải trả tiền gốc là 260.000.000 đồng, tiền lãi là: 260.000.000 x 1,5% x 25 tháng (tính đến ngày 01/4/2016) = 97.500.000 đồng. Tống số tiền bà Hiền phải trả là 402.500.000 đồng.
Tại phiên tòa, đồng nguyên đơn bổ sung yêu cầu, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên xử chồng bà Hiền phải liên đới chịu trách nhiệm trả tiền cho nguyên đơn.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu bổ sung của đồng nguyên đơn yêu cầu chồng bà Hiền liên đới chịu trách nhiệm dân sự vì đánh giá yêu cầu này vượt quá phạm vi yêu cầu khời kiện ban đầu.
Xét vụ việc trên, nếu nguyên đơn có sự hiểu biết pháp luật hơn và được Tòa án giải thích rõ ràng rằng nguyên đơn có quyền rút đơn khởi kiện để khởi kiện bằng vụ kiện mới trong đó bị đơn là vợ chồng bà Hiền thì có thể sẽ đảm bảo việc thanh toán nợ được nhanh chóng và thuận lợi hơn.
3.1.5. Tòa án xác định sai quan hệ pháp luật và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc thu thập chứng cứ.
Thực tiễn giải quyết các VVDS tại các Tòa án trên địa bàn tỉnh Thái Bình, hiện tượng Tòa án xác định sai quan hệ pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc thu thập chứng cứ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự dẫn đến bị Tòa án cấp trên hủy bỏ vẫn còn tồn tại. Ví dụ, vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản” giữa: Nguyên đơn ông Mai Hùng Sơn, sinh năm 1949, trú quán: Thôn Luật Trung, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; bà Mai Thị Thơm, sinh năm 1957, trú quán: Số nhà 189, phố Lê Lợi, tổ 22, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình; ông Mai Văn Sùng, sinh năm 1959, trú quán: Thôn Luật Trung, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Bị đơn bà Nguyễn Thị Nhàn, sinh năm 1962, trú quán: Thôn Luật Trung, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.