1.2.1. Khái niệm pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Toà án
Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích, định hướng của Nhà nước. Theo Điều 2 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014: “Toà án là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp. Toà án có nhiệm vụ bảo vệ công lí, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Tòa án là cơ quan tư pháp thuộc hệ thống bộ máy Nhà nước có chức năng xét xử các vụ án dân sự, hình sự, hành chính, lao động, thương mại và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật. Hệ thống Tòa án Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột, các vấn đề phát sinh trong đời sống, ổn định công bằng xã hội. Tòa án là cơ quan tài phán cuối cùng có quyền quyết định, quyền phán xét định tội, định khung hình phạt, mức hình phạt của tội phạm, phân xử vấn đề tranh chấp về quyền lợi tài sản của nguyên đơn, bị đơn,…
Một đất nước được hình thành để đảm bảo trật tự, ổn định đời sống và phát triển các vấn đề nền tảng của xã hội thì không thể thiếu được hệ thống Toà án nhân dân. Ở nước ta, Bộ luật Tố tụng dân sự là cơ sở pháp lý quy định các thủ tục được áp dụng để giải quyết các tranh chấp KD, TM tại Tòa án. Bên cạnh Bộ luật Tố tụng dân sự, tùy vào vụ việc cụ thể để sử dụng kết hợp nhiều ngành luật khác có nội dung chặt chẽ với nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ
18
chức tín dụng,…và các hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định, Thông tư,…
Như vậy, Pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành về các phương thức giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh do Tòa án thực hiện.
1.2.2. Nội dung pháp luật điều chỉnh đối với hoạt động giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Toà án
Pháp luật về hoạt động giải quyết tranh chấp KD, TM tại Tòa án bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, những quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Toà án
Nguyên tắc là tư tưởng, định hướng, nền tảng cơ bản, chủ đạo để các cá nhân, cơ quan, tổ chức tuân thủ. Dựa trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng nên 23 nguyên tắc cơ bản để giải quyết các tranh chấp KD, TM một cách có hiệu quả nhất. Bao gồm: Nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự; Nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; Nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự; Nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự; Nguyên tắc trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự; Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự; Nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự; Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể; Nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai; Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự; Nguyên tắc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm;
Nguyên tắc giám đốc việc xét xử; Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án; Nguyên tắc tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự; Nguyên
19
tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự; Nguyên tắc trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án; Nguyên tắc việc tham gia tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử; Nguyên tắc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự (Điều 3 đến Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Thứ hai, những quy định về thẩm quyền của Toà án các cấp
Ở nước ta, hệ thống Tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính. Để đảm bảo hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân (TAND) đạt hiệu quả và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, đòi hỏi việc xác định thẩm quyền phải thật chính xác, khoa học. Khi xác định thẩm quyền để giải quyết vụ án KD, TM, Tòa án phải xem xét đến yếu tố chủ thể trong quan hệ pháp luật và Tòa án sẽ chỉ giải quyết trong nội dung mà nguyên đơn khởi kiện trong đơn khởi kiện. Thẩm quyền giải quyết các vụ án KD, TM phải tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự bao gồm:
Thẩm quyền theo vụ việc của Tòa án, thẩm quyền theo cấp Tòa án, thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn và thẩm quyền theo lãnh thổ.
Thứ ba, những quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Toà án
BLTTDS năm 2015 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục được áp dụng để giải quyết các tranh chấp KD, TM từ giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án đến giải quyết vụ án theo hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Ngoài ra còn có các thủ tục đặc biệt như giám đốc thẩm, tái thẩm. Đối với thủ tục sơ thẩm, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay không có quy định riêng về giải quyết tranh chấp KD, TM theo thủ tục sơ thẩm mà Tòa án cấp sơ thẩm sẽ áp dụng các quy định giải quyết vụ án dân sự nói chung. Đối với thủ tục phúc thẩm, xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Bao gồm các bước như thụ lý và chuẩn bị xét xử và tổ chức phiên tòa xét xử phúc thẩm. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là hai thủ tục đặc biệt. Giám đốc thẩm là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 326 BLTTDS năm 2015 (Điều 325 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Khác
20
với phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, tại phiên tòa giám đốc thẩm, sự có mặt của các đương sự là không bắt buộc. Tái thẩm là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án và các đương sự không biết được khi ra bản án, quyết định đó (Điều 351 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Đối với thủ tục tái thẩm, trình tự, thủ tục tái thẩm được thực hiện như trình tự, thủ tục giám đốc thẩm.
21
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết bằng các phương thức đa dạng như: thương lượng, hòa giải, hòa giải thương mại, Trọng tài thương mại và Tòa án. Mỗi phương thức đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng biệt. Nhưng tâm lý của người dân Việt Nam nói chung và các cá nhân, tổ chức KD, TM nói riêng thường tin vào quyền lực của Tòa án, tin vào các phán quyết bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước kết hợp cùng những ưu điểm nổi trội của việc giải quyết các tranh chấp bằng Tòa án, nên phương thức giải quyết tại Tòa án chiếm phần lớn, luôn được ưu tiên lựa chọn.
Dựa trên cơ sở pháp luật tố tụng dân sự kết hợp cùng pháp luật nội dung liên quan đã quy định rõ các vấn đề về nguyên tắc giải quyết, thẩm quyền của Tòa án và trình tự, thủ tục giải quyết góp phần tạo điều kiện cho việc xét xử trở nên thuận lợi, nhanh chóng, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể…
Nội dung lý thuyết Chương I là cơ sở quan trọng để làm sáng tỏ thực trạng quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp KD, TM tại Tòa án và nghiên cứu chi tiết thực tiễn thi hành tại Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh.