Lý thuyết Electic Paradigm – Mô hình OLI
Trong quá khứ, đã có rất nhiều lý thuyết được hình thành để giải thích và đánh giá mối quan hệ giữa FDI và các khía cạnh vi mô và vĩ mô của một nền kinh tế (Dunning, 1979; Piggott & Cook, 1999). Theo Dunning (1979) có 4 lý thuyết quan trọng như sau:
Thứ nhất, lý thuyết về các tổ chức sản xuất công nghiệp, tập trung vào việc xácc định và đánh giá lợi thế nào giải thích tốt nhất mô hình đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất khi đầu tư ra nước ngoài. Các lợi thế chính được chỉ ra là: các lợi thế về quyền sở hữu, cải tiến và công nghệ, và sự khác biệt trong sản xuất (Caves, 1971).
Nhóm lý thuyết thứ hai tập trung vào việc nghiên cứu các khía cạnh về tài chính đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp. Các lý thuyết thuộc nhóm này được phân thành hai loại: (1) các lý thuyết nhấn mạnh tính không hoàn hảo của thị tường ngoại hối và thị trường vốn, và (2) các lý thuyết mở rộng lý thuyết danh mục đầu tư nhằm giải thích sự phân bố của hoạt động đầu tư nước ngoài theo yếu tố ngành và địa lý nhằm đa dạng hoá rủi ro và ổn định thu nhập (Lessard, 1979).
Nhóm lý thuyết thứ ba tập trung vào việc giải thích hoạt động sản xuất quốc tế dựa vào lý thuyết về doanh nghiệp (theory of the firm). Theo đó, điều kiện thị tường không hoàn hảo, đặt biệt trong hoạt động mua và bán các yếu tố đầu ra và đầu vào quan trọng, cũng như yếu tố lợi thế về mặt kinh tế của các hoạt động phụ thuộc lẫn nhau, đã
khiến cho một doanh nghiệp quyết định khai thác thị trường nước ngoài thông qua việc nội bộ hoá thị trường cho các yếu tố đầu ra và đầu vào đó (Coase, 1937; Macmanus, 1972).
Tuy nhiên có thể thấy mặc dù ba nhóm lý thuyết trên đã được tập trung nghiên cứu nhưng lại chỉ giải thích một khía cạnh cụ thể của FDI. Do đó, lý thuyết thứ tư – lý thuyết Electic Paradigm (OLI) – được Dunning (1979) nhận xét là lý thuyết có thể giải thích toàn diện hơn các ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô và vi mô đến FDI. Theo Dunning (1979) một công ty khi quyết định lựa chọn đầu tư ra nước ngoài sẽ xem xét 3 loại lợi thế sau: lợi thế về sở hữu (O – Ownership advantage), lợi thế về nội bộ hoá (I – Internalization advantage), và lợi thế về địa điểm (L – Location advantage).
Lợi thế về sở hữu bao gồm: quy mô doanh nghiệp, việc đa dạng hoá sản phẩm hoặc quy trình sản xuất, khả năng chuyển nhượng yếu tố lợi thế về quy mô, sức mạnh độc quyền, công nghệ tiên tiến, sản phẩm ưu việt, thương hiệu, nhãn hiệu, năng lực quản trị và năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D).
Lợi thế nội bộ hoá có liên quan trực tiếp đến lợi thế về sở hữu. Lợi thế này xuất hiện khi một công ty tin rằng mình có khả năng khai thác nộ bộ thông qua FDI thay vì
bán hàng trực tiếp hoặc thông qua cấp phép (licensing). Lợi thế này sẽ giúp doanh nghiệp tránh các chi phí giao dịch, hạn ngạch, thuê quan, và các kiểm soát về giá cả.
Lợi thế về địa điểm bao gồm các nhóm chi phí đầu vào như chi phí lao động rẻ, nguồn nguyên liệu sẵn có, hạ tầng giao thông và liên lạc, thuế suất và thuế quan, môi trường đầu tư, ổn định chính trị và cơ sở hạ tầng.
Như vậy mối quan hệ giữa ưu đãi thuế TNDN và FDI có thể được giải thích dựa vào lợi thế về địa điểm trong lý thuyết Electic Paradigm. Cụ thể, theo Hajkova và cộng sự (2007), do các quy định về thuế có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia, các quy định thuế liên quan đến phí bản quyền và cổ tức sẽ làm thay đổi (tăng hoặc giảm) lợi thuế liên quan tới quyền sở hữu. Hajkova và cộng sự (2007) cũng cho rằng liên quan đến lơi thế về địa điểm, các chính sách về thuế có thể quyết định mức độ cạnh tranh của quốc gia chủ nhà so với các quốc gia tiếp nhận đầu tư khác. Hơn nữa, liên quan tới lợi thế nội bộ hoá, thuế TNDN có thể ảnh hưởng đến mức độ mà một công ty đa quốc gia quyết định nội bộ hoá. Điều này có thể xảy ra do thuế TNDN có thể ảnh hưởng đến mức chênh lệch giữa lợi nhuận trước thuế và sau thuế của FDI. Như đã giải thích ở trên, nội bộ hoá là khi một công ty quyết định sử dụng lợi thế sở hữu của mình thay vì cấp phép các công ty ở quốc gia khác thực hiện hoạt động kinh doanh.
Lý thuyết về đầu tư của Tobin’s Q
Ngoài lý thuyết Electic Paradigm, lý thuyết về đầu tư của Tobin’s Q là một trong những lý thuyết được sử dụng phổ biến nhất để giải thích mối quan hệ giữa thuế và đầu tư. Theo Klemm và Van Parys (2012), lý thuyết này sửa giải thích ảnh hưởng tiềm năng của thuế lên FDI dựa trên trường phái tân cổ điển. Lý thuyết đầu tư tân cổ điển về tối ưu tích luỹ vốn giải thích cách mà nhu cầu vốn đầu tư phản ứng với giá tương đối của các yếu tố đầu vào (Jorgenson, 1963).
Đặt trong mối quan hệ giữa thuế và FDI, Van Parys và James (2010) chỉ ra rằng lập luận cơ bản của lý thuyết đầu tư tân cổ điển là một công ty sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư cho đến khi nào lợi ích từ việc đầu tư cân bằng với chi phí tích luỹ vốn. Nói cách khác, miễn là lợi ích hoặc giá trị hiện tại ròng của dòng tiền tương lai của công ty đó lớn hơn chi phí vốn, công ty vẫn đạt được lợi ích từ hoạt động đầu tư. Vì vậy, khi thuế ảnh hưởng đến chi phí vốn của doanh nghiệp, thuế cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ đầu tư theo nghĩa là thuế sẽ làm giảm giá trị thị trường của công ty do đó giảm mức độ khuyến khích đầu tư. Cụ thể, Romer (1996) giải thích rằng việc tăng thuế sẽ làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm từ đó làm giảm giá trị thị trường.
Một số nghiên cứu thực chứng khác có liên quan
Ngoài những lý thuyết nổi tiếng như phân tích ở trên thì có nhiều nghiên cứu thực chứng điều tra hiệu quả của ưu đãi thuế đối với khuyến khích FDI. Tuy nhiên hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số quan điểm ủng hộ cho rằng mối quan hệ giữa ưu đãi thuế TNDN và thu hút FDI là tích cực, hay nói cách khác là thuế suất thuế TNDN tác động nghịch chiều với dòng vốn đầu tư vào.
Một trong những nghiên cứu đầu tiên đánh giá ảnh hưởng của thuế, đặc biệt là thuế TNDN lên FDI là nghiên cứu của Hartman (1984). Hartman (1984) sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian (1965-1979) để đánh giá tác động của thuế lên đầu tư FDI ở Mỹ. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy khi thuế suất thuế TNDN giảm 10% sẽ dẫn đến việc FDI đầu tư vào Mỹ tăng 20,9%. Tương tự, nghiên cứu của Hines Jr (1993) đánh giá tác động của các thuế suất khác nhau lên FDI tại các bang của Mỹ và khẳng định rằng thuế suất tại từng bang có ảnh hưởng quan trọng đến FDI. Cụ thể, Hines Jr (1993) báo cáo rằng khi thuế suất thay đổi 1% sẽ dẫn đến sự chênh lệch 8% của tỷ trọng đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và tất cả các nhà đầu tư khác.
Gropp và Kostial (2000) đã nghiên cứu tác động của thuế đối với dòng vốn vào và ra ở EU, kết luận rút ra là thuế suất có tác động ngược chiều đối với dòng vốn vào và thuận chiều với dòng vốn ra. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tăng thuế suất theo luật 10 đơn vị thì dòng vốn đầu tư vào EU giảm 0,3 điểm phần trăm GDP và dòng vốn ra tăng 0,2 điểm phần trăm GDP.
Nghiên cứu phân tích độ nhạy của FDI so với sự chênh lệch về thuế suất thuế TNDN giữa 11 nước trong khối OECD từ năm 1984 đến 2000, Benassy – Quere, Fontagne L (2003) điều tra và kết luận là sự khác biệt về thuế suất thuế TNDN tác động đến mức độ huy động vốn FDI. Cụ thể, nếu quốc gia tiếp nhận đầu tư tăng thêm 1 phần trăm thuế suất so với quốc gia đi đầu tư thì dòng vốn FDI vào giảm 4,22 điểm phần trăm.
Gastanaga và cộng sự (1998) sử dụng dữ liệu của 49 nước đang phát triển trong giai đoạn từ 1970-1995 để đánh giá ảnh hưởng của thuế lên FDI và đưa ra kết luận rằng thuế suất thuế TNDN có tác động tiêu cực lên FDI. Tác giả đưa ra giải thích rằng lúc này địa điểm đầu tư đã trở thành một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thuế suất. Khi có nhiều lựa chọn để đầu tư ra nước ngoài, không có gì ngạc nhiên khi các quyết định đầu tư lại phụ thuộc nhiều vào địa điểm có thuế suất thấp hơn. Tương tự, nghiên cứu của Demirhan và Masca (2008) sử dụng dữ liệu về 38 nước đang phát triển trong giải đoạn 2000-2004 và nghiên cứu của Azemar và Delios (2008) về các doanh nghiệp tại Nhật Bản cũng tìm ra ảnh hưởng tiêu cực của thuế suất TNDN lên FDI.
Buettner và Ruf (2007) đánh giá ảnh hưởng của thuế suất lên quyết định mở chi nhánh tại nước ngoài của các công ty đa quốc gia Đức. Các tác giả đã chỉ ra rằng khi thuế suất tăng 10%, FDI sẽ giảm 12.5%. Nghiên cứu của Hansson và Olofsdotter (2008) về 14 quốc gia thuộc liên minh châu Âu trong giai đoạn 1986-2004 đã chứng minh rằng FDI có mối quan hệ tiêu cực với mức chênh lệch thuế suất TNDN giữa nước chủ nhà và nước đầu tư. Cụ thể, khi mức chênh lệch thuế suất tăng 1%, FDI sẽ giảm 2.5-4% cho quốc gia đó.
Nghiên cứu của Economou và cộng sự (2017) đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến FDI ở 24 nước OECD và 22 nước đang phát triển từ 1980-2012. Kết quả cho thấy thuế suất thấp là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến FDI cùng với các nhân tố khác như quy mô thị trường, chi phí nhân công, các yếu tố thể chế tại các quốc gia đang phát triển. Còn đối với các quốc gia phát triển, các yếu tố như độ mở thương mại, hệ thống giáo dục, quy mô thị tường, chi phí nhân công, hình thành vốn gộp và thuế. Một nghiên cứu khác của Azemar và Dharmapala (2019) báo cáo rằng FDI từ 23 quốc gia OECD đến 113 quốc gia đang phát triển đã tăng 97% trong giai đoạn từ 2002-2012 và một trong những nguyên nhân là do các thoả thuận giảm thuế giữa các quốc gia này. Hay như nghiên cứu của Esteller-Moré và cộng sự (2020) cũng đưa ra kết quả tương tự, khi thuế suất thuế TNDN tăng 10%, lượng FDI sẽ giảm 3.4-1.9% ở các quốc gia không thuộc OECD trong năm 2004. Như vậy có thể thấy các nghiên cứu thực nghiệm chủ yếu báo cáo mối quan hệ tiêu cực giữa thuế suất thuế TNDN và FDI.
Ngoài ra, cũng có một số nghiên cứu không tìm thấy ảnh hưởng thuế TNDN lên FDI hoặc ảnh hưởng này là rất ít. Tanzi và Zee (2000) sau khi nghiên cứu các hệ thống thuế ở quốc gia đang phát triển (thường áp dụng nhiều ưu đãi thuế), các tác giả đã kết luận rằng hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư là chưa rõ ràng bởi vì
quyết định đầu tư vào một quốc gia tùy thuộc vào nhiều yếu tố, khi đó vai trò của thuế TNDN là không đáng kể. Nghiên cứu của Heady (2002) cho rằng ưu đãi thuế chỉ có tác động bổ trợ các yếu tố khác trong quyết định đầu tư, có ý nghĩa hơn với các nhà đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận, vì thuế có liên quan trực tiếp đến chi phí nguyên liệu và chi phí nhân công.
Theo khảo sát của tổ chức UNIDO (2011) về hiệu quả các các yếu tố quyết định đến đầu tư thì ổn định kinh tế - chính chị, chi phí nguyên liệu, thị trường nội địa, chi phí lao động, tính minh bạch của khung pháp lý tại quốc gia tiếp nhận đầu tư được đánh giá quan trọng hơn ưu đãi thuế. Từ đó, mở ra gợi ý là ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư không được xem như lựa chọn khôn ngoan nhất mà chính phủ cần tập trung vào môi trường thể chế và kinh tế (Tanzi và Zee, 2000). Đồng quan điểm này, các nghiên cứu của Jame (2013) về tỷ lệ dư thừa ngân sách ở các nước đang phát triển hay nghiên cứu của Hunady và Orviska (2014) về các nước EU hay nghiên cứu của Kinda (2016) về các quốc gia Châu Phi, các kết luận cho rằng nhà đầu tư vẫn đưa ra quyết định đầu tư nếu xét thấy có lợi ích, cho dù có hay không có chính sách ưu đãi thuế.
Hình 1.3: Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư