CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 4.1. THỰC TRẠNG KCN VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN CÁC KCN TỈNH BẮC NINH
4.5.3. Kiểm định sự khác biệt về sự hài lòng của cộng đồng dân cư giữa các nhóm nhân khẩu học
Nhằm mục đích xác định sự khác biệt về sự HLCDDC giữa các nhóm nhân khẩu học như giữa Nam và Nữ; giữa các KCN khác nhau, giữa các nhóm có thời gian cư trú khác nhau, nghiên cứu thực hiện kiểm định sự khác biệt thông qua 2 phương pháp:
- Kiểm định Independent Sample T-Test: áp dụng kiểm định sự khác biệt trung bình với trường hợp biến định tính có 2 giá trị.
- Kiểm định ANOVA: áp dụng kiểm định sự khác biệt trung bình của biến định tính có 3 nhóm trở lên.
Bảng 4.9: Kết quả kiểm định sự khác biệt về sự hài lòng của cộng đồng dân cư giữa các nhóm nhân khẩu học
Các biến nhân khẩu học N Trung bình Độ lệch chuẩn p
Giới tính Nam 235 3.48 1.11 0.371
Nữ 285 3.57 1.07
Thời gian
cư trú Dưới 10 năm 133 3.87 1.06 0.000
Từ 10 - 30 năm 215 3.52 1.08
Trên 30 năm 172 3.28 1.07
KCN Quế Võ 149 3.72 1.05 0.035
Tiên Sơn 141 3.39 1.09
Yên Phong 125 3.41 1.07
Thuận Thành 105 3.60 1.14
Nguồn: Kết quả xử lý số liệu từ SPSS 23 Từ bảng 4.9 cho thấy:
(1) Với nhóm nhân khẩu học giới tính: Kết quả cho thấy không có sự khác biệt rõ ràng về trung bình mức độ HLCDDC đối với sự phát triển của KCN giữa nhóm Nam và Nữ (p>0.05).
(2) Với nhóm nhân khẩu học thời gian cư trú: Kết quả cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về trung bình mức độ HLCDDC đối với sự phát triển của KCN giữa các nhóm đối tượng có thời gian cư trú khác nhau (p<0.05). Trong đó nhóm đối tượng có thời gian cư trú càng lớn thì có mức độ hài lòng càng nhỏ: Dưới 10 năm (3.87), từ 10-30 năm (3.52), trên 30 năm (3.28).
(3) Với nhóm nhân khẩu học KCN: Kết quả cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về trung bình mức độ HLCDDC đối với sự phát triển của KCN giữa những nhóm đối tượng sống ở các KCN khác nhau (p<0.05). Trong đó nhóm đối tượng nghiên cứu sống ở KCN Quế Võ có mức độ hài lòng cao nhất (3.72), thứ hai là KCN Thuận Thành, và cuối cùng thấp nhất là KCN Yên Phong (3.41), và KCN Tiên Sơn (3.39).
4.6.THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả phân tích hồi qui tại Bảng 4.8 cho thấy: Với mức ý nghĩa 5% (Sig< 0,05) các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, H6 được chấp nhận tại mức ý nghĩa 5% (độ tin cậy 95%), cả 6 nhân tố khảo sát TNVL – Thu nhập và việc làm; HTTI – Cơ sở Hạ tầng và
dịch vụ tiện ích; MTSK – Môi trường và sức khỏe; DDNO – Đất đai nhà ở; VHXH – Văn hóa và xã hội; CQDP – Chính quyền địa phương đều có ý nghĩa thống kê, tác động đến Sự HLCDDC sống quanh các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (HLCDDC).
Trong đó, mô hình hồi quy cho ta thấy: nhân tố Môi trường và sức khỏe có ảnh hưởng mạnh nhất đến sự HLCDDC, với hệ số Beta đã chuẩn hóa là 0,269. Tiếp theo là hai nhân tố Cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích (β = 0,243), nhân tố Thu nhập và việc làm (β = 0,224) và sau đó là các nhân tố Đất đai nhà ở (β = 0,170), Văn hóa xã hội (β = 0,167), Chính quyền địa phương (β =0,165) có ảnh hưởng ít hơn. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, Nhân tố “Môi trường và sức khỏe” có tác động mạnh nhất đến cảm nhận Sự HLCDDC. Điều này có nghĩa nếu như môi trường và sức khỏe được cải thiện thì sẽ gia tăng mức độ hài lòng của cộng đồng dân cư. Thực tế tại địa bàn Bắc Ninh, trước đây khi mới có KCN điều người dân và chính quyền địa phương tập trung quan tâm có thể là vấn đề cơ sở vật chất và kinh tế, nhưng khi các DN đã hoạt động lâu dài, những tác động đến sức khỏe từ vấn đề về đất, nước, không khí, tiếng ồn, nước thải, chất thải… từ các KCN mới biểu hiện rõ nét, nhận thức của CQĐP, của cộng đồng dân cư càng cao hơn, nên họ quan tâm chú trọng đến vấn đề môi trường và sức khỏe hơn. Vì thế, đối với mẫu khảo sát trong nghiên cứu này đã cho thấy tác động của nhân tố “Môi trường và sức khỏe” mạnh hơn các nhân tố khác như “Cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích” và “Thu nhập việc làm”. Kết quả này đồng nhất với nhiều quan điểm của các chuyên gia khi nghiên cứu thực hiện phỏng vấn họ. Hầu hết đều cho rằng nhân tố môi trường và sức khỏe hiện nay đang là nhân tố cực kỳ quan trọng tác động đến cảm nhận hài lòng của người dân sống gần các KCN. Kết quả này cũng đồng nhất với những nghiên cứu của Bernard, J. (2015); Bùi Văn Trịnh & Nguyễn Quốc Nghi (2013); Thương, N. T. T., &
Anh, B. N. H. (2018), Lưu Thị Thảo (2018); Yamsrual 7cộng sự (2019) cho rằng: Nhân tố môi trường có tác động đến Sự HLCDDC, kết quả này khác biệt với nghiên cứu của Đinh Phi Hổ & Võ Thanh Sơn (2010) khi nghiên cứu này cho thấy nhân tố Môi trường không có ý nghĩa thống kê, còn nhân tố Sức khỏe và Giáo dục lại có ý nghĩa thống kê khi tác động đến Sự hài lòng.
Thứ hai, Nhân tố tác động mạnh thứ hai đến “Sự hài lòng” đó là “Cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích”. Điều này cho thấy cảm nhận những thay đổi từ khi có KCN hoạt động trên địa bàn, người dân sẽ được hưởng những lợi ích từ CSHT và các dịch vụ tiện ích đi kèm. Việc đầu tư thay đổi CSHT sẽ khiến cho cảnh quan của địa phương trở nên hiện
đại khang trang hơn, tiến bộ hơn, từ đó người dân sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận, mở mang kiến thức, tìm được nhiều cơ hội phát triển kinh tế bản thân và gia đình, từ đó nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống… gia tăng sự hài lòng. Đây chính là những tác động lan tỏa tích cực mà người dân kỳ vọng từ KCN.
Kết quả nghiên cứu đồng nhất với kết luận trong nghiên cứu của Filkins, Allen &
Cordes (2000); Theodori, G. L. (2001); Dutta-Bergman, M. J. (2005) về Sự HLCDDC đối với CSHT tiện ích của địa phương nói chung, và kết luận trong nghiên cứu của Yamsrual & cộng sự (2019); Đinh Phi Hổ & Võ Thanh Sơn (2010); Lưu Thị Thảo (2018).
Các KCN Bắc Ninh được quy hoạch nằm dọc theo các tuyến Quốc lộ 1, cho nên việc gắn kết hệ thống CSHT trong và ngoài hàng rào KCN về giao thông đã thông suốt hơn rất nhiều. Hệ thống điện, cấp nước sạch, mạng lưới viễn thông, kỹ thuật số… của tỉnh thường xuyên được rà soát, điều chỉnh, chú trọng đầu tư hơn, đồng bộ, hiện đại.
Các khu đô thị mới được hình thành nhiều hơn, kèm theo đó công trình CSHT xã hội đã đưa mạng lưới đô thị của tỉnh ngày càng mở rộng và phát triển. Ở các KCN có dự án đã đi vào hoạt động thì các dịch vụ tiện ích đi kèm trong và ngoài KCN như Ngân hàng, Hải quan, bảo hiểm...đã được hình thành. Ngoài ra, CSHT xã hội được đầu tư theo tiến độ hoạt động các KCN như: Trường học, bệnh viện, nhà ở, khu xử lý rác thải, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, VHTT… (Nguyễn Mạnh Hùng, 2016).
Tuy nhiên, qua rà soát các KCN còn bộc lộ những hạn chế, bất cập từ công tác quy hoạch, trình tự, thủ tục đến triển khai thực hiện như giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, công tác bảo vệ môi trường, các quy định của pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan tới KCN còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai thực hiện đầu tư một số dự án hạ tầng, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh. Một số KCN phải điều chỉnh nhiều lần, như KCN Quế Võ mở rộng, KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (điều chỉnh 3 lần trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018). Việc xây dựng CSHT KCN chưa được giám sát chặt chẽ do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, dẫn tới chủ đầu tư xây dựng KCN không tuân thủ quy hoạch hoặc chậm thực hiện các hạng mục hỗ trợ như hệ thống xử lý nước thải, chất thải, cây xanh, bãi đỗ xe. Chẳng hạn như KCN Hanaka (chậm triển khai trạm xử lý nước thải), KCN Quế Võ, Tiên Sơn
(chậm triển khai các ô đất trồng cây xanh)… Ngoài ra, việc xây dựng quy hoạch chi tiết từng KCN với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người LĐ chưa thực sự được chú trọng; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào còn chưa đồng bộ ảnh hưởng đến sự phát triển của các KCN cũng như tính bền vững trong phát triển KCN, như việc triển khai đường 278 qua KCN Quế Võ, đường 285B qua KCN Quế Võ III, KCN Yên Phong II, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành qua KCN Thuận Thành III… còn chậm.
Hơn nữa nhiều hạng mục đầu tư vượt khỏi không gian của tỉnh, song thiếu sự phối hợp giữa các địa phương cũng làm giảm hiệu quả và tính động bộ (đường Vành đai 4).
Một số KCN được lập và phê duyệt quy hoạch trên cơ sở các Luật, quy chuẩn cũ (được phê duyệt mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất thấp như KCN Yên Phong, KCN Tiên Sơn…) không còn phù hợp với tính chất, những ngành nghề thu hút vào KCN hiện nay (Thái Uyên, 2023).
Thứ ba, Nhân tố tác động mạnh thứ ba đến “Sự hài lòng” đó là “Thu nhập và việc làm. Điều này cho thấy việc phát triển KCN trên địa bàn mà tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, cơ cấu việc làm đa dạng hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân thì sẽ gia tăng mức độ hài lòng của họ đối với sự phát triển của KCN.
Thực tế cho thấy các KCN trên địa bàn Bắc Ninh đã và đang tạo ra lợi ích lan tỏa về thu nhập và việc làm cho rất nhiều LĐ (LĐ), trong đó có LĐ nữ. Theo Nguyễn Đức Long (2022): “Năm 2021, các KCN Bắc Ninh sử dụng trên 337.000 LĐ, tăng thêm 1,7%
so với 2020; trong đó LĐ địa phương chiếm 25,4%, LĐ nước ngoài chiếm 2,14%, LĐ nữ chiếm 56,1%. TNBQ của người LĐ trong các KCN Bắc Ninh là 8,75tr/người/tháng”.
Kết luận từ nghiên cứu này cũng đồng nhất với các nghiên cứu của Đinh Phi Hổ & Võ Thanh Sơn (2010); Lưu Thị Thảo (2018); Thương, N. T. T., & Anh, B. N. H., (2018);
Bùi Văn Trịnh & Nguyễn Quốc Nghi (2013).
Thứ tư, Còn lại trong mô hình ba nhân tố tác động yếu hơn, mức độ tác động gần như nhau đến sự HLCDDC bao gồm: Đất đai nhà ở; VHXH; CQĐP. Khi có KCN, cuộc sống của người dân sẽ bị tác động do sự xáo trộn về đất đai, sự luân chuyển LĐ, chuyên gia ra vào địa phương… đều ảnh hưởng đến cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân.
Nếu như các chính sách về đất đai nhà ở phù hợp, môi trường VHXH địa phương có sự thay đổi tích cực, hoạt động của bộ máy CQĐP công khai minh bạch và hiệu quả
thì sẽ làm gia tăng mức độ HLCDDC. Tuy nhiên theo mẫu khảo sát thì tác động của các nhân tố này đến HLCDDC khá là nhỏ. Kết luận “Đất đai nhà ở” tác động đến “Sự hài lòng” tương đồng với nghiên cứu của Lưu Thị Thảo (2018); Thương, N. T. T., & Anh, B. N. H. (2018); và Trương Vũ Văn An (2015), nhưng trong nghiên cứu của Đinh Phi Hổ (2010) tác động này không có ý nghĩa thống kê. Kết luận “Văn hóa và xã hội” tác động đến “Sự hài lòng” tương đồng với kết quả của Đinh Phi Hổ (2010), Bùi Văn Trịnh (2013), Trương Vũ Văn An (2015). Kết luận “Chính quyền địa phương” tác động đến
“Sự hài lòng” tương đồng với kết quả của Appleton, S., & Song, L. (2008); Theodori, G. L. (2001); Bernard, J. (2015); Yamsrual, S. &cộng sự (2019); Đinh Phi Hổ & Võ Thanh Sơn (2010); Lưu Thị Thảo (2018).
Theo Phạm Hoài Anh (2023) chỉ ra rằng: “Trên thực tế tại Bắc Ninh, hệ thống VBPL đất đai có nhiều văn bản chưa được ban hành đồng bộ, đặc biệt, tiến độ thực hiện các công việc của cơ quan thi hành còn chậm trễ như trong hoạt động giao đất dân dịch vụ; hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đạt thấp. Ngoài ra việc quản lý và sử dụng đất ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đã khiến công tác quản lý nhà nước về đất đai gặp nhiều khó khăn, hiện tượng tranh chấp, khiếu kiện… vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải quán triệt các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý để đất đai, nhằm tạo ra nền tảng của sự phát triển”.
Mặt khác, việc quan tâm đến môi trường xã hội, hoạt động văn hóa cộng đồng ở trong và ngoài các KCN vẫn chưa được quan tâm chú trọng. Bắc Ninh có 16 KCN tập trung với tổng diện tích 6.398ha và khoảng 340 nghìn công nhân. Tính đến thời điểm tháng 12/2022, chưa có KCN nào xây dựng thiết chế VH - TT cho công nhân, NLĐ.
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch thiết chế VH -TT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2022 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp: Năm 2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 401/KH-UBND về “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân LĐ trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” với mục tiêu đến năm 2020, xây dựng 4 công trình Nhà VH - TT tại các KCN Tiên Sơn, Đại Đồng - Hoàn Sơn, VSIP, Thuận Thành. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1127/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu thiết chế VH - TT của công nhân tại KCN Yên Phong. Nhưng đến cuối năm 2022 các dự án kể trên đều chưa được triển khai. Hiện nay, trong các KCN cũng đã có một số DN lớn tự đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ đời
sống văn hóa, tinh thần cho công nhân LĐ với tổng số 15 sân bóng đá, 5 nhà văn hóa như công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam, Samsung Display Việt Nam (KCN Yên Phong); công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Quế Võ I)... Một số DN tận dụng nhà xưởng, kho chứa hàng, nhà ăn... để làm nhà văn hóa, phòng đọc sách, thư viện cho công nhân.
Chính bởi thiếu CSHT VH - TT nên các DN muốn tổ chức các hoạt động cho NLĐ đều gặp khó khăn trong công tác thuê, mượn địa điểm. Từ đó phải tổ chức ngoài trời, tận dụng giao thông nội bộ, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất ATGT và an ninh trật tự. Chính vì điều này các DN đã ngại tổ chức hoạt động sinh hoạt chung cho NLĐ, chỉ tập trung cho hoạt động SXKD. Bên cạnh đó, hệ thống CSHT VH - TT ở các khu dân cư, khu nhà trọ công nhân bên ngoài KCN cũng còn nhiều hạn chế. Thực trạng trên cho thấy, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân NLĐ trong các DN còn nhiều khó khăn, các điều kiện giải trí, vui chơi thư giãn của họ rất nghèo nàn, đơn điệu và tẻ nhạt...
Ngoài ra, thông qua kiểm định sự khác biệt về sự HLCDDC đối với sự phát triển của KCN với các nhóm biến nhân khẩu học: Giới tính (Nam và Nữ); Thời gian cư trú (Dưới 10 năm; Từ 10 - 30 năm; Trên 30 năm); KCN (Quế Võ; Tiên Sơn; Yên Phong;
Thuận Thành) cho thấy:
Thứ nhất, không có sự khác biệt về sự HLCDDC nhóm Nam với nhóm Nữ. Như vậy giới tính khác nhau thì sự cảm nhận hài lòng về phát triển của các KCN trên địa bàn Bắc Ninh không khác nhau.
Thứ hai, có sự khác biệt về sự HLCDDC giữa các nhóm có thời gian cư trú trên địa bàn các KCN ở Bắc Ninh, cụ thể: “thời gian cư trú lâu hơn thì sự hài lòng ít hơn.
Điều này có thể hiểu cư dân sinh sống càng lâu, tuổi càng cao thì càng cảm thấy cuộc sống ở gần các KCN ít lý tưởng hơn, họ cảm nhận được sự thay đổi, sự tác động của KCN đối với môi trường sống (không khí, nguồn nước, tiếng ồn, sinh hoạt cộng đồng…).
Thứ ba, có sự khác biệt về cảm nhận sự HLCDDC giữa cộng đồng người dân ở các KCN khác nhau, cụ thể: “cư dân sống ở KCN Quế Võ có mức độ hài lòng cao nhất, thứ hai là KCN Thuận Thành, sau đó là KCN Yên Phong, cuối cùng hài lòng thấp nhất là cư dân sống ở KCN Tiên Sơn”. Thực tế này đang phản ánh một vấn đề các KCN hoạt động lâu năm như KCN Yên Phong, KCN Tiên Sơn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến cộng đồng dân cư không hài lòng hơn các địa phương khác như: công tác xử lý liên quan đến
đất đai, công tác xử lý môi trường xung quanh KCN chưa hiệu quả… Ví dụ trong năm 2021, theo Báo Bắc Ninh (2022): “thành phố Từ Sơn tiếp nhận 63 vụ việc kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, từ đầu năm đến nay tiếp nhận thêm 6 đơn thư khiếu nại về đất đai. Điều này cho thấy, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất đai ở Từ Sơn thực sự bức xúc. Đến thời điểm này vẫn còn tồn đọng nhiều vụ việc vi phạm đất đai phức tạp, khó giải quyết. Nguyên nhân do kỳ quy hoạch sử dụng đất 2010-2020 đã hết, kỳ quy hoạch 2021-2030 mới được triển khai nên việc thực hiện các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế bị chậm. Việc lập hồ sơ xử lý các vụ việc vi phạm chưa đúng theo quy định. Chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện giao đất dân cư dịch vụ của cấp có thẩm quyền không đồng nhất, mỗi địa phương thực hiện không giống nhau nên khó khăn trong công tác giao đất dân cư dịch vụ. Vấn đề thứ hai là nhiều DN chưa thực hiện triệt để công tác xử lý nước thải trước khi xả ra cộng đồng. Điển hình ở KCN Tiên Sơn, dọc tuyến kênh T11 là nơi dẫn nước tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho toàn bộ xã Tri Phương (Tiên Du, Bắc Ninh) thì nay đã trở thành dòng kênh “chết” bởi nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực, kéo dài nhiều năm chưa được xử lý.