Thực trạng hoạt động sử dụng tranh để mở rộng vốn từ ở trường mầm non Kim Chung

Một phần của tài liệu Sử dụng tranh để phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo nhỡ tại trường mầm non kim chung – đông anh – hà nội (Trang 22 - 25)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN

1.1. Cơ sở lí thuyết

1.2.2 Thực trạng hoạt động sử dụng tranh để mở rộng vốn từ ở trường mầm non Kim Chung

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực trạng hoạt động sử dụng tranh để mở rộng vốn từ cho trẻ mẫu giáo nhỡ ở trường mầm non Kim Chung. Trường mầm non Kim Chung là một trường thuộc ngoại thành Hà Nội, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Cũng giống với những trường mầm non khác, việc sử dụng tranh ảnh là phương pháp trực quan không thể thiếu trong việc phát triển vốn từ cho trẻ tại trường mầm non Kim Chung. Tuy nhiên, việc sử dụng tranh ảnh để phát triển vốn từ cho trẻ mầm non tại trường mầm non Kim Chung có những ưu và nhược điểm riêng.

Về ưu điểm, giáo viên đã biết sử dụng tranh ảnh để phát triển vốn từ cho trẻ. Việc sử dụng tranh ảnh để phát triển vốn từ cho trẻ mầm non tại trường mầm non Kim Chung không chỉ dừng lại ở việc sử dụng những loại tranh ảnh thông thường (tranh vẽ hoặc in trên giấy). Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, trường mầm non Kim Chung đã có sự đổi mới trong việc sử dụng tranh để phát triển vốn từ cho trẻ bằng việc sử dụng tranh động (tranh ảnh trên máy chiếu).

Trong những tiết học như tạo hình, âm nhạc, văn học,… giáo viên không chỉ sử dụng tranh vẽ trên giấy để kiểm tra khả năng hiểu biết của trẻ mà còn sử dụng cả tranh ảnh động trên màn hình máy chiếu để tăng thêm phần sinh động cho nội dung mà giáo viên muốn trẻ hướng tới. Tuy nhiên việc sử dụng tranh ảnh thông thường hay tranh ảnh động trên màn hình máy chiếu lại chưa phát huy hết ưu thế của mỗi loại phương tiện.

Trong các hoạt động học tập cũng như vui chơi, giáo viên chưa biết cách khai thác triệt để những lợi ích mà tranh ảnh mang lại.

Trong thời gian nghiên cứu tại trường mầm non Kim Chung, tôi đã có dịp dự một tiết học Cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học và tôi nhận thấy giáo viên đã có ý thức giải nghĩa từ khó và sửa lỗi cho trẻ. Tuy nhiên việc giải nghĩa từ cho trẻ được diễn ra một cách qua loa, sơ sài dẫn đến việc một số trẻ chưa hiểu được chính xác nghĩa của từ và trẻ dùng từ ngữ không đúng văn cảnh.

Ví dụ: Trong bài thơ Nàng tiên ốc:

“Xưa có bà già nghèo Chuyên mò cua bắt ốc Một hôm bà bắt được Một con ốc xinh xinh Vỏ nó biêng biếc xanh

Không giống như ốc khác…”

Vì chưa hiểu được ý nghĩa của từ “biêng biếc xanh” nên trẻ đã đọc câu thơ thành “Vỏ nó biên biết xanh” làm cho câu thơ trở nên vô nghĩa. Sau khi nhận thấy lỗi sai về từ ở trẻ, giáo viên đã kịp thời sửa sai cho trẻ bằng cách cho trẻ đọc chính xác lại từ đúng và giải nghĩa cho trẻ từ “biêng biếc xanh”. Tuy nhiên, giáo viên chỉ giải nghĩa cho trẻ một cách qua loa về từ biêng biếc xanh của con ốc (nghĩa là màu hơi xanh, không giống màu xanh bình thường) khiến trẻ vẫn cảm thấy mơ hồ và chưa hiểu rõ ý nghĩa chính xác của từ dẫn đến việc sử dụng từ ngữ trong giao tiếp của trẻ bị hạn chế hay trẻ sử dụng từ không đúng văn cảnh. Trong trường hợp này giáo viên nên cho trẻ quan sát bức tranh vẽ con ốc có màu xanh biêng biếc. Từ đó trẻ sẽ hiểu từ đó một cách đễ dàng, chính xác hơn và biết sử dụng từ đúngvăn cảnh.

Trong tiết học Khám phá khoa học, giáo viên đã biết cách đưa tranh ảnh vào trong hoạt động dạy học. Giáo viên cho trẻ quan sát tranh và đưa ra hệ thống câu hỏi đàm thoại cho trẻ trả lời.Tuy nhiên hệ thống câu hỏi mà giáo viên đưa ra lại theo một khuôn mẫu nhất định khiến trẻ trả lời cũng theo một khuôn mẫu.

Ví dụ: Trong chủ đề Thế giới động vật, cô cho trẻ quan sát tranh con chó và đưa ra hệ thống câu hỏi đàm thoại theo khuôn mẫu:

+ Trong bức tranh của cô có con gì? (con chó)

+ Con chó có những bộ phận gì? (đầu, mình, chân, đuôi) + Lông của con chó màu gì? (màu vàng)

Nếu chỉ đưa ra những câu hỏi như vậy thì trẻ cũng sẽ trả lời theo đúng khuôn mẫu của cô đưa ra mà không phát huy được tính sáng tạo, tìm tòi của trẻ. Vì vậy, thay vì đưa ra những câu hỏi theo khuôn mẫu cố định thì cô nên đưa ra những câu hỏi như “Con thấy con chó này như thế nào”, “Con chó này có gì đặc biệt?”. Như vậy trẻ sẽ chú ý quan sát, tìm tòi và trả lời theo mẫu câu của riêng mình. Điều này tạo cho trẻ cơ hội rèn luyện kĩ năng nói đúng và đủ các thành phần của câu.

Trong quá trình vui chơi, giáo viên cũng chưa khai thác triệt để những lợi ích từ tranh mang lại. Ở lứa tuổi mầm non thì hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi. Trẻ học mà chơi, chơi mà học. Tuy nhiên giáo viên chưa biết cách đưa tranh ảnh lồng ghép vào trong các hoạt động vui chơi để góp phần phát triển nhận thức cho trẻ nói chung và phát triển ngôn ngữ nói riêng.

Ví dụ: Trong trò chơi “Hãy kể đủ 3 thứ”, giáo viên cho trẻ kể 3 thứ thuộc cùng một nhóm đối tượng mà trẻ biết (hoa: hoa cúc, hoa đào, hoa mai; cá: chép, cá chim, cá mè,…). Khi trò chơi được triển khai liên tục như vậy thì trẻ bắt đầu cảm thấy nhàm chán, dần mất đi hứng thú và trẻ không còn muốn tham gia trò chơi nữa. Trong trường hợp này, nếu giáo viên lồng ghép tranh

ảnh vào trò chơi bằng cách cho trẻ quan sát một bức tranh với nhiều nhóm đối tượng khác nhau và yêu cầu trẻ kể đủ 3 thứ thuộc cùng một nhóm đối tượng có trong bức tranh thì sẽ tăng hứng thú tham gia ở trẻ. Bởi trẻ nhỏ rất thích quan sát tranh ảnh. Khi biết cách đổi mới trò chơi, thì hiệu quả mà trò chơi mang lại sẽ đạt được hiệu quả cao..

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, việc sử dụng tranh ảnh là một phương pháp quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, việc sử dụng tranh ảnh như thế nào cho đúng, cho đạt hiệu quả tối đa thì lại là một điều đáng để chúng ta quan tâm. Và vấn đề cấp thiết hiện nay là đề xuất những biện pháp cụ thể trong việc sử dụng tranh để phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non.

Một phần của tài liệu Sử dụng tranh để phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo nhỡ tại trường mầm non kim chung – đông anh – hà nội (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w