Ứng phó với BĐKH ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Địa lý học: Tác động của biến đổi khí hậu đến sinh hoạt và sản xuất của dân cư huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang (Trang 67 - 71)

Chương 4. TÌM HIỂU NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI

4.4. Ứng phó với BĐKH ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang

Khu vực Gò Công Đông với cao trình phổ biến từ 0,8m và thấp dần theo hướng Đông Nam, ra đến biển Đông chỉ còn 0,4 - 0,6m. Có hai vùng trũng cục bộ tại xã Tân Điền và Tân Thành. Do tác động bồi lắng phù sa từ cửa Soài Rạp đưa ra, khu vực ven biển phía Bắc (Tân Trung, Tân Phước, Gia Thuận, Vàm Láng) có cao trình hơn hẳn khu vực phía Nam .Trên địa bàn còn có rất nhiều giồng cát biển hình cánh cung có cao trình phổ biến từ 0,9 - 1,1m nổi hẳn lên trên các đồng bằng chung quanh là vùng có địa hình thấp, độ cao trung bình 2m trên mực nước biển, một số nơi chỉ cao 0,5m. Do đó, các tác động từ BĐKH và nước biển dâng đang thực sự là mối đe dọa đối với hệ sinh thái cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Khi lượng nước được cung cấp ít đi thì lượng phù sa được bồi đắp hàng năm cũng sẽ giảm, nguồn lợi thuỷ sản và sinh vật phù du chắc chắn cũng giảm đi đáng kể, sự biến đổi của gió chướng, triều cường, bão, dòng hải lưu… sẽ khiến tình hình xâm nhập mặn càng trở nên phức tạp hơn, hiện tượng xói lở đường bờ cũng sẽ mạnh hơn so với hiện nay. Hậu quả của hiện tượng này sẽ là: Đa dạng sinh học suy giảm do một số hệ sinh thái rừng ngập mặn bị mất dần đi. Khi xâm nhập mặn đi vào sâu hơn và sớm hơn, thời gian canh tác hai, ba vụ trong năm cũng không còn được như trước. Nhiều loại cây trồng khác cũng sẽ giảm cả về diện tích và năng suất. Chi phí cho sản xuất lương thực sẽ tăng lên để đối phó với tình trạng nhiễm phèn, nhiễm mặn trên diện rộng.. Tình trạng ngập mặn sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm nguồn nước và cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất trong vùng.

Có thể nói, những hậu quả mà BĐKH gây ra đối với huyện Gò Công Đông là rất nghiêm trọng nhất là vùng ven biển, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng nếu không có sự ứng phó kịp thời. Trong đó, vấn đề sinh hoạt và sản xuất của người dân cần phải được quan tâm nhiều nhất vì đây là khu vực dễ bị tổn thương nhất khi BĐKH xảy ra. Việc đi tìm các giải pháp trong bối cảnh BĐKH diễn biến phức tạp như hiện nay nhằm ứng phó, chung sống thích nghi, hạn chế tối đa với những điều kiện bất lợi do BĐKH gây ra là cấp thiết. Các nhóm giải pháp có thể được áp dụng phổ biến ở các lĩnh vực cụ thể như sau:

4.4.1. Nông nghiệp

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn, chịu mặn để tránh thời kỳ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn được xem là giải pháp cấp bách.

Đối với cây lúa : nên dùng các giống lúa có khả năng thích nghi rộng cho năng suất cao, chịu hạn và chịu mặn tốt. Cùng với xây dựng lịch thời vụ né hạn tránh mặn, cần khuyến khích người dân ứng dụng nhanh những tiến bộ kỹ thuật thâm canh, chọn cơ cấu giống lúa phù hợp, đưa cây màu xuống chân ruộng, nhân rộng những mô hình sản xuất tiết kiệm nước như : luân canh trồng lúa kết hợp trồng màu hoặc chuyên canh màu... để tăng hiệu quả sản xuất. Có thể giảm diện tích lúa vụ đông xuân lại, tăng diện tích tôm và thủy hải sản nước lợ và mặn. Vùng có nguy cơ nhiễm mặn nên áp dụng hệ thống lúa - tôm, cần sử dụng giống lúa năng suất cao dưới 100 ngày, sau đó nuôi tôm.

Vùng ngọt không ngập sâu nên chuyển vụ hè thu sang thu đông với các giống lúa chất lượng cao, rồi trồng màu giá trị cao trong vụ đông xuân

Đối với cây hoa màu : Nên sử dụng gốc ghép, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác như xử lý chất điều hoà sinh trưởng, cung cấp chất dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh để tăng cường tính chống chịu của cây trồng. Áp dụng các biện pháp che phủ líp, tưới nhỏ giọt để hạn chế ảnh hưởng của khô hạn và lai tạo giống chịu nhiệt để chống chịu nhiệt độ cao. Phát triển trồng rau thuỷ canh (trồng trong dung dịch) để chủ động được mùa vụ, đất đai canh tác.

Đối với cây ăn quả: Hầu hết các loài cây ăn quả đều không thích hợp với điều kiện ngập sâu và nhiễm mặn, do vậy ngành trồng cây ăn quả sẽ gặp nhiều khó khăn do nước biển dâng. Cần sử dụng phương pháp lai tạo chọn gốc ghép để tạo ra các giống cây ăn quả có khả năng chống chịu hạn, chịu mặn như cây xoài và một số cây có múi như cam, quýt, bưởi. Hoàn thiện hợp lý các mô hình VAC, RVAC nhằm tận dụng nguồn nước ngọt từ các ao, mương trong vườn để sử dụng trong mùa khô, kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đây được xem là một biện pháp hiệu quả để đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong điều kiện BĐKH. Tuy nhiên, để ứng phó với BĐKH người nông dân cũng cần phải chú trọng các biện pháp kỹ thuật canh tác: Lên bờ bao để bảo vệ ở vùng trũng và tùy theo điều kiện địa hình mà trồng các loại cây khác nhau. Nơi dễ bị ngập thì trồng cây tương đối chịu úng như chanh gai, xoài, chuối, bưởi... Trên đất cao nên trồng các loài cây sợ nước như mít, đu đủ, na (mãng cầu ta)... Vùng thấp trũng nên trồng các loại cây chịu úng tốt như khoai nước, củ ấu, rau muống, rau nhút...

4.4.2. Lâm nghiệp

Nhằm đối phó với BĐKH gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất, cần triển khai nhiều giải pháp tích cực trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư mở rộng diện tích và bảo vệ, chăm sóc rừng phòng hộ, rừng sinh thái, khuyến khích nhân dân tích cực trồng cây chắn sóng và chắn gió, bảo vệ các tuyến đê bao, chống sạt lở.... đặc biệt là bảo vệ tuyến đê biển xung yếu ven biển Gò Công.

Nếu dải rừng ngập mặn ven biển hiện nay không được bảo vệ tốt thì dần dần sẽ bị đẩy lùi vào đất liền, diện tích sẽ bị thu hẹp. Từ đó người dân sẽ đối mặt với giông bão khắc nghiệt hơn vì không còn rừng để che chắn. Nhiệt độ gia tăng, lượng nước sụt giảm có thể gây cháy rừng, hệ sinh thái bị phá hủy.

Tăng cường trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển để hạn chế ảnh hưởng của thuỷ triều vào sâu trong đất liền, tạo môi trường sống cho các loài thủy sản nuôi trồng và là nơi để nhiều loài thủy sản tự nhiên sinh sôi nảy nở.

Tăng cường trồng mới, đồng thời cấm ngặt hiện tượng chặt phá, đào bới rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng. Để bảo vệ rừng phòng hộ bên trong, kiên quyết không cho đốn bỏ những mảng rừng chết phía ngoài làm củi, bởi khi rừng chết bị triệt hạ, xu hướng rừng chết sẽ càng tiến sâu vào đất liền khiến công tác trồng rừng tái sinh gặp khó khăn.

4.4.3. Thuỷ sản

Với diện tích mặt biển của huyện gần 12.000 kmP2P là ngư trường giàu tôm cá, nguồn lợi thủy sản phong phú cùng với hàng chục ngàn ha đất cồn, bãi bồi cửa sông thuộc các xã: Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước, Vàm Láng... có điều kiện hết sức thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy hải sản có giá trị xuất khẩu cao như: nghêu, sò huyết, tôm sú, tôm thẻ, cá chẻm...

Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên này, cần chú trọng khuyếch trương đồng bộ hai lợi thế đặc thù: nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản gắn với mở mang công nghiệp chế biến xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và an sinh xã hội, tăng nhanh nguồn hàng hóa dồi dào có giá trị cao chiếm lĩnh thị trường trong ngoài nước.

Chú trọng nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu canh tác xen canh tôm – lúa hoặc cá – lúa, nghiên cứu các giống thuỷ sản có thể phát triển lâu dài ở vùng nước lợ, tập trung các giải pháp bảo tồn và khai thác hợp lí nghêu giống và sò huyết giống ở ven biển Gò Công. Đẩy mạnh qui trình sản xuất nghêu giống bằng phương pháp nhân tạo nhằm chủ động nguồn con giống cho vùng nuôi tập trung.

- Triển khai các dự án nuôi trồng thủy sản lớn: Dự án nuôi thủy sản Bắc Gò Công, dự án nuôi tôm Nam Gò Công, Dự án qui hoạch vùng giống nhuyễn thể hai mãnh võ...

4.4.4. Nguồn nước

Cần xây dựng, mở rộng diện tích các hồ, ao chứa nước ngọt để vừa phục vụ tưới tiêu vừa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản vừa có thể phát triển du lịch.. Đầu tư nâng cấp các công trình dẫn ngọt, ngăn mặn trong dự án thuỷ lợi ngọt hóa Gò Công. Phát huy tốt mạng lưới đê bao và cống đập ngăn mặn, trữ ngọt trong nội đồng phục vụ sản xuất để tăng mùa, chuyển vụ, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng.

Thường xuyên quan trắc diễn biến và dự báo xâm nhập mặn, phát huy vai trò các cống đập đầu mối lấy nước ngọt trữ vào nội đồng như: Xuân Hòa, Vàm Giồng... phục vụ sản xuất.

Sớm tiến hành nghiên cứu dự án xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công (tuyến đê biển này dài 32km, rộng 50m tổng kinh phí dự kiến khoảng 30 nghìn tỷ đồng) tạo ra một hồ chứa nước rộng 56.000 ha có tác dụng điều tiết thủy triều dâng, trữ nước trong mùa mưa lũ, xử lý triệt để vấn đề ngập úng do triều cường và mưa lớn tại TP. Hồ Chí Minh và ngăn chặn xâm nhập mặn tại khu vực Gò Công, thoát lũ cho vùng Đồng Tháp Mười.

Ở vùng nông thôn, mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình có thể dùng những túi mềm dự trữ nước mưa, ngoài việc góp phần ứng phó BĐKH thì nước mưa cũng chính là nguồn nước ngọt đuợc sử dụng chủ yếu trong sinh hoạt của những tháng mùa khô.

4.4.5. Sinh hoạt sản xuất và đời sống của dân cư

Cần đảm bảo nguồn nước sạch cho sinh hoạt trong những tháng xâm nhập mặn kéo dài.

Nghiên cứu và thiết kế các công trình công cộng, nhà ở trong điều kiện bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn và nước biển dâng

Tăng cường nhận thức cho cộng đồng về BĐKH và chiến lược biện pháp thích ứng với BĐKH. Mỗi cá nhân phải có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn năng lượng.Cần tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến rộng rãi cho nông dân, đưa các giống cây, con mới và nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với BĐKH. Đầu tư thích đáng về vốn, cung cấp kinh phí nhiều hơn cho việc nghiên cứu và thực thi các giải pháp ứng phó với BĐKH.

Với những diễn biến hiện nay về BĐKH toàn cầu và mực nước biển dâng, đòi hỏi các ban ngành, các lĩnh vực cần nghiên cứu triển khai, phát huy và đào tạo nguồn nhân lực, quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế nhằm ứng phó để giảm thiểu những thiệt hại , bảo vệ tối đa thành quả lao động quá khứ và tiếp tục phát triển bền vững, một nhiệm vụ được coi là có ý nghĩa sống còn đối với đất nước trong những thập kỷ tới và cần nhận thức đúng mức.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Địa lý học: Tác động của biến đổi khí hậu đến sinh hoạt và sản xuất của dân cư huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)