Cơ sở xác định trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học: Trách nhiệm của quốc gia trong đảm bảo an toàn hạt nhân theo quy định của pháp luật quốc tế, thực tiễn thực thi ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm đối với (Trang 59 - 63)

Chương 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

2.3. Cơ sở xác định trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân

2.3.1. Cơ sở pháp lý quốc tế xác định trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân

2.3.1.1. Cơ sở xác định trách nhiệm quốc gia trong việc áp dụng mọi biện pháp ngăn ngừa tai nạn hạt nhân và giảm thiểu thiệt hại hạt nhân trong mọi giai đoạn của hoạt động hạt nhân từ chuẩn bị xây dựng cơ sở hạt nhân, toàn bộ quá trình vận hành và tháo dỡ cơ sở hạt nhân.

Cơ sở pháp lý quốc tế xác định trách nhiệm quốc gia áp dụng mọi biện pháp ngăn ngừa tai nạn hạt nhân và giảm thiểu thiệt hại hạt nhân trong mọi giai đoạn của hoạt động hạt nhân từ chuẩn bị xây dựng cơ sở hạt nhân, toàn bộ quá trình vận hành và tháo dỡ cơ sở hạt nhân bao gồm các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và một số văn kiện quốc tế khác bao gồm:

Các điều ước quốc tế xác định trách nhiệm quốc gia áp dụng mọi biện pháp ngăn ngừa tai nạn hạt nhân trong mọi giai đoạn của hoạt động hạt nhân từ chuẩn bị

xây dựng cơ sở hạt nhân, toàn bộ quá trình vận hành và tháo dỡ cơ sở hạt nhân:

Công ước về ATHN được thông qua năm 1994 và bắt đầu có hiệu lực năm 1996;

Công ước chung về an toàn trong quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và an toàn trong quản lý chất thải phóng xạ được thông qua năm 1997 và bắt đầu có hiệu lực năm 2011; Công ước ngăn chặn ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác năm 1972 và Bản Phụ lục năm 1978; Hiệp ước Nam cực năm 1959 quy định cấm mọi vụ nổ hạt nhân hoặc thải chất thải phóng xạ tại Nam cực; Hiệp ước về khu vực phi hạt nhân vùng Đông Nam Á năm 1995; Hiệp ước Thành lập cộng đồng nguyên tử châu Âu (EURATOM)... Và các điều ước quốc tế nhằm giảm thiểu thiệt hại hạt nhân: Công ước về thông báo sớm tai nạn hạt nhân được thông qua và có hiệu lực năm 1986; Công ước về trợ giúp lẫn nhau trong trường hợp có tai nạn hạt nhân hoặc sự cố phóng xạ được thông qua năm 1986 và bắt đầu có hiệu lực năm 1987;...Bên cạnh các điều ước quốc tế đa phương, còn có các điều ước quốc tế song phương giữa các quốc gia về vấn đề an toàn hạt nhân như:Hiệp định về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Ấn Độ (1986), Hiệp định về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Hàn Quốc (1996), Hiệp định về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Trung Quốc (2000), Hiệp định về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Achentina (2001), Hiệp định về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Nga (2002), Hiệp định về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Pháp (2009), Hiệp định về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Nhật Bản (2011) và Hiệp định về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (2013)…..

- Các tập quán quốc tế trong lĩnh vực NLHN: Tập quán quốc tế trong lĩnh vực NLHN là những quy tắc xử sự hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần và được hầu hết các quốc gia thừa nhận là luật. Theo đó, trong lĩnh vực NLHN có hai tập quán quốc tế được thừa nhận rộng rãi đó là:

Nguyên tắc ATHN và nguyên tắc chỉ sử dụng NLHN vì mục đích hòa bình. Hai tập quán này được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận và áp dụng rộng rãi cho dù các quốc gia đó có là thành viên của các điều ước quốc tế về hạt nhân hay không.

- Các văn kiện quốc tế khác như: Các nghị quyết, tuyên bố của IAEA và Liên hợp quốc, các bộ quy tắc ứng xử và các tiêu chuẩn ATHN của IAEA. Mặc dù những văn kiện này mang tính chất khuyến nghị, nhưng những văn kiện này vẫn đóng vai trò quan trọng. Các quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn an toàn của IAEA là phương tiện đáng tin cậy, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong việc đảm bảo thực hiện các điều ước quốc tế và tập quán quốc tế trong đảm bảo ATHN. Trong đó, các quy tắc cơ bản về bảo vệ và an toàn được coi là cơ sở cho các yêu cầu về an toàn.

Các yêu cầu về an toàn là một bộ các yêu cầu cần đáp ứng để đảm bảo cho sự bảo vệ con người và môi trường, cả hiện tại và trong tương lai. Các hướng dẫn về an toàn cung cấp các hướng dẫn và khuyến cáo về việc làm thế nào để tuân thủ theo các yêu cầu về an toàn, chỉ ra một sự thống nhất quốc tế về điều cần thiết là phải có các biện pháp đã được khuyến nghị (hoặc các biện pháp thay thế tương đương). Các hướng dẫn an toàn đưa ra những kinh nghiệm quốc tế và nó phản ánh những kinh nghiệm tốt nhất trong vận hành năng lượng nguyên tử, giúp người sử dụng đạt được mức độ an toàn cao nhất [80, tr. 12].

2.3.1.2. Cơ sở xác pháp luật quốc tế xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại hạt nhân của quốc gia do không đảm bảo an toàn hạt nhân

Cho đến nay luật quốc tế chưa hề có một điều ước quốc tế chung nào pháp điển hóa các quy định thuộc chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ủy ban pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc đã ban hành các bản dự thảo về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật quốc tế. Mặc dù các bản Dự thảo này không có giá trị pháp lý bắt buộc nhưng kể từ khi được công bố, bản Dự thảo đã trở thành một nguồn tài liệu được tham khảo, trích dẫn phổ biến bởi các học giả, thậm chí bởi các cơ quan trọng tài, tòa án quốc tế trong quá trình giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia. Cụ thể:

Năm 1996, Ủy ban đã thông qua lần thứ nhất bản Dự thảo các quy định về trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia đối với các hành vi trái pháp luật quốc tế. Bản Dự thảo này bao gồm ba phần: phần thứ nhất bao gồm các quy định về hành vi trái pháp luật quốc tế của quốc gia; phần thứ hai bao gồm các quy định về nội dung trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia; phần thứ ba đề cập đến vấn đề giải quyết các tranh

chấp trong giải thích và áp dụng các quy định của Dự thảo. Tuy nhiên, bản Dự thảo cũng bị đánh giá là còn nhiều thiếu sót, bất cập, gây tranh cãi, đặc biệt ở ba vấn đề: thứ nhất, Dự thảo còn nhiều quy định được thiết kế dài dòng, phức tạp, quá thiên về tính lý thuyết, đặc biệt là các quy định liên quan đến khái niệm "quốc gia bị hại"; thứ hai, việc Dự thảo sử dụng khái niệm "tội ác quốc tế" và sự phân biệt giữa những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế thông thường với những hành vi vi phạm bị coi là "tội ác quốc tế"; thứ ba, vấn đề đưa các quy định về giải quyết tranh chấp vào trong Dự thảo.

Năm 2000, Ủy ban pháp luật quốc tế đã thông qua bản Dự thảo thứ hai, giải quyết được hầu hết những hạn chế ở bản Dự thảo lần thứ nhất. Ngày 12/12/2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số GA.Res 56/83 đưa bản Dự thảo thành Phụ lục của Nghị quyết. Nghị quyết của Đại hội đồng cũng yêu cầu sự quan tâm, phản hồi của các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đối với nội dung bản dự thảo, đồng thời để ngỏ khả năng triệu tập một hội nghị quốc tế chính thức ký kết một điều ước quốc tế về trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia trên cơ sở bản Dự thảo của Ủy ban pháp luật quốc tế.

Cho đến nay, bản Dự thảo các quy định về trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia đối với các hành vi trái pháp luật quốc tế vẫn tiếp tục nhận được những phản hồi từ các quốc gia và việc chuyển hoá nó thành một điều ước quốc tế có giá trị pháp lý bắt buộc vẫn chưa trở thành hiện thực.

Như vậy, có thể thấy, các quy định thuộc chế định trách nhiệm pháp lý quốc tế hiện còn rất hạn chế về số lượng và nằm rải rác trong một vài điều ước quốc tế chuyên biệt. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia trong hoạt động hạt nhân chủ yếu hướng tới mục đích bồi thường về mặt vật chất hoặc tinh thần, được đặt ra do những hoạt động hạt nhân. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực hạt nhân được điều chỉnh trực tiếp trong một số điều ước chuyên biệt như: Công ước Viên năm 1963 về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân, Công ước Paris năm 1960 về trách nhiệm của bên thứ ba trong lĩnh vực NLHN, Công ước Bồi thường bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân (CSC)…

Để quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần xác định được cơ sở pháp lý mà trên cơ sở đó khẳng định tính trái luật trong

việc thực hiện trách nhiệm quốc gia đảm bảo ATHN. Các cơ sở này chính là các cơ sở xác định trách nhiệm quốc gia áp dụng mọi biện pháp ngăn ngừa tai nạn hạt nhân và giảm thiểu thiệt hại hạt nhân trong mọi giai đoạn của hoạt động hạt nhân từ chuẩn bị xây dựng cơ sở hạt nhân ở phần trên.

2.3.2. Cơ sở pháp luật quốc gia xác định trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân

Cơ sở pháp lý quốc gia xác định trách nhiệm quốc gia đảm bảo ATHN là hệ thống văn bản pháp lý quốc gia về NLHN, về ATHN, các tiêu chuẩn an toàn và các văn bản pháp lý khác có liên quan. Các văn bản này xác định rõ chủ sở hữu các vật liệu hạt nhân, cơ quan điều hành cấp nhà nước, xác định các tiêu chuẩn ATHN, quy trình, điều kiện cấp phép, thanh tra, xử lý vi phạm…

Luật quốc tế và luật quốc gia là hai hệ thống pháp luật độc lập có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong lĩnh vực NLHN, các quy phạm pháp luật quốc gia về hạt nhân góp phần phản ánh, thực hiện nội dung các quy phạm pháp luật quốc tế.

Mỗi quốc gia thành viên, trong khuôn khổ luật pháp quốc gia của mình, phải áp dụng các biện pháp pháp lý, hành chính và các bước cần thiết khác để thực hiện các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế về hạt nhân của mình (Điều 4 Công ước ATHN).

Mỗi quốc gia phải thiết lập và duy trì khung pháp lý để quản lý việc đảm bảo an toàn của các công trình hạt nhân (Điều 4 Công ước ATHN).

Để thực hiện trách nhiệm quốc gia đảm bảo ATHN, ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn trong các điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên và các tiêu chuẩn do chính quốc gia ban hành, các quốc gia còn phải nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn theo các tài liệu hướng dẫn của IAEA, đưa các tiêu chuẩn ATHN của quốc gia tiến tới gần các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Bằng cách tận dụng được các kinh nghiệm về đảm bảo ATHN của các quốc gia đi trước. Chỉ khi áp dụng các tiêu chuẩn của IAEA các quốc gia mới có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của IAEA.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học: Trách nhiệm của quốc gia trong đảm bảo an toàn hạt nhân theo quy định của pháp luật quốc tế, thực tiễn thực thi ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm đối với (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)