Một số đánh giá về thực tiễn thực hiện trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học: Trách nhiệm của quốc gia trong đảm bảo an toàn hạt nhân theo quy định của pháp luật quốc tế, thực tiễn thực thi ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm đối với (Trang 159 - 162)

Chương 3 PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ TRÁCH NHIỆM QUỐC GIA

4.5. Một số đánh giá về thực tiễn thực hiện trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân tại Việt Nam

Từ việc nghiên cứu hệ thống các quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về trách nhiệm quốc gia đảm bảo ATHN và thực tiễn thi hành tại Việt Nam, tác giả rút ra một số nhận xét như sau:

Thứ nhất, mặc dù là quốc gia khai thác ứng dụng hạt nhân từ rất sớm, tuy nhiên các ứng dụng hạt nhân chủ yếu của Việt Nam là trong các lĩnh vực phi năng lượng như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, nghiên cứu… với mức độ an toàn cao.

Nên vấn đề ATHN tại Việt Nam chưa thực sự được quan tâm. Vấn đề ATHN mới thực sự được quan tâm sau khi Nhà nước có chủ trương phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thứ hai, việc ban hành hệ thống văn quy phạm pháp luật và tiêu chuẩn về ATHN của Việt Nam được đánh giá là khá toàn diện. Tuy nhiên, hệ thống quy định pháp luật bản pháp luật và tiêu chuẩn ATHN của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: hệ thống tiêu chuẩn, quy định chưa đầy đủ, một số quy định chưa phù hợp với hướng dẫn của IAEA. Nguyên nhân của hạn chế này được đánh giá là do thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật và tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam hiện nay phân bố theo trách nhiệm của các Bộ, ngành mà không phân bố theo nội dung quản lý về cấp phép, thanh tra, quản lý an toàn bức xạ, ATHN, chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, ứng phó sự cố, phóng xạ môi trường, an ninh hạt nhân và bồi thường hạt nhân. Điều này dẫn tới hệ quả là một nội dung quản lý nhưng lại được điều chỉnh bởi nhiều văn bản của nhiều cơn quan khác nhau, chịu sự quản lý của nhiều cơ quan. Điều này sẽ dẫn tới khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đảm bảo ATHN. Có những nội dung được điều chỉnh ở nhiều văn bản của nhiều cơ quan khác nhau trong khi lại có những nội dung quản lý lại thiếu văn bản quy phạm.

Thêm vào đó, sự thay đổi liên tục về chính sách, chiến lược khai thác ứng dụng hạt nhân trong nước và tình hình phát triển điện hạt nhân từ các quốc gia láng giềng cũng là nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong hệ thống pháp luật và tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam. Đối với các quốc gia phát triển, điện hạt nhân không còn là thuật ngữ mới. Nhưng tại Việt Nam điện hạt nhân và vấn đề ATHN là rất mới.

Trước đây, như đã phân tích ở phần trên, ứng dụng hạt nhân của Việt Nam chủ yếu trong nghiên cứu, y tế, nông nghiệp… với nguy cơ rủi ro thấp nên vấn đề ATHN chưa thực sự được quan tâm. Vấn đề ATHN mới được quan tâm trong những năm gần đây sau khi Việt Nam có chủ trương phát triển điện hạt nhân vào năm 2010. Tuy nhiên, ngày 22/6/2016 Quốc hội ra Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tác động không nhỏ tới hoạt động cải cách, xây dựng pháp luật và tiêu chuẩn ATHN.Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng chủ trương thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017: Các văn bản quy phạm pháp luật dự định xây dựng trong năm 2017 đều có nội dung phục vụ việc thẩm định ATHN để phê duyệt địa điểm, phê duyệt báo cáo đầu tư và chuẩn bị cấp giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Dự thảo Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân giai đoạn 2016-2025 (trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thay thế cho Kế hoạch 248) phải tạm dừng lại.

Tạm dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam lại có kế hoạch xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân với trọng tâm là Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu nhằm tạo điều kiện triển khai thực hiện các nghiên cứu hiện đại, thúc đẩy ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và từng bước nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ hạt nhân quốc gia. Việc xây dựng Trung tâm sẽ nâng cao năng lực khoa học công nghệ lâu dài để tiếp thu công nghệ được chuyển giao, tiến tới sự tự chủ trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, đảm bảo cho các nhà máy này vận hành an toàn, đạt hiệu quả kinh tế. Nhưng vấn đề mấu chốt của Trung tâm là một lò phản ứng nghiên cứu mới. Đây là lò nghiên cứu thứ hai của Việt Nam, tuy nhiên đây lại là lò phản ứng đầu tiên do Việt Nam chủ trì xây dựng.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải có các văn bản quy định về an toàn ngay từ khâu lựa chọn địa điểm cũng như các giai đoạn tiếp theo của việc triển khai dự án.

Với một lò phản ứng nhỏ và khả năng khai thác hạn chế như Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt thì chỉ Viện NLNT cũng có thể bảo đảm khai thác hiệu quả các ứng dụng có thể có của lò phản ứng này. Tuy nhiên, với lò phản ứng mới công suất lớn với các khả năng khai thác sử dụng nhiều hơn thì một mình Viện NLNT khó có thể

bảo đảm trong quản lý an toàn cũng như khai thác hiệu quả các ứng dụng khi đưa vào vận hành lò phản ứng mới

Dừng chưa phát triển điện hạt nhân không đồng nghĩa với ATHN tuyệt đối.

Việt Nam vẫn phải đối mặt với nguy cơ chịu thiệt hại do mất ATHN do xu hướng phát triển mạnh mẽ các lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, từ Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân chuẩn bị xây dựng và từ nhà máy điện hạt nhân của các quốc gia láng giềng xây ngay sát biên giới Việt Nam. Sự thay đổi trong định hướng phát triển ứng dụng hạt nhân kết hợp với xu hướng phát triển điện hạt nhân của cá quốc gia láng giềng dẫn tới những xáo trộn trong việc xây dung, ban hành các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn ATHN là điều khó tránh khỏi.

Thứ ba, việc thực thi các quy định về đảm bảo ATHN tại Việt Nam trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật dành cho Cơ quan quản lý ATHN quốc gia quốc gia của Việt Nam còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong quản lý các cơ sở hạt nhân cũng như các đòi hỏi của IAEA về công tác quản lý an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân nói chung.

Nguồn nhân lực của Bộ Khoa học và Công nghệ phục vụ cho công tác quản lý về NLNT hiện thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

Nghiên cứu, tìm hiểu một cách đầy đủ, chính xác nội dung trách nhiệm quốc gia đảm bảo ATHN là một việc làm không dễ dàng đối với Việt Nam vì Việt Nam còn thiếu các chuyên gia có trình độ về ngoại ngữ, có hiểu biết và kinh nghiệm về vật lý nguyên tử và Luật quốc tế về sử dụng NLHN vì mục đích hòa bình. Trong khi đó, tất cả các điều ước quốc tế về ATHN, tài liệu hướng dẫn, tiêu chuẩn an toàn của IAEA đều được soạn thảo bằng một hoặc một số ngôn ngữ trong sáu ngôn ngữ làm việc chính thức của Liên hợp quốc là tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ả Rập. Điều này đã dẫn tới những khó khăn không nhỏ trong việc xây dựng ban hành pháp luật, tiêu chuẩn và quản lý ATHN của Việt Nam.

Cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống kỹ thuật hỗ trợ điều hành ứng phó cấp quốc gia ở Cục và tại địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân chưa được đầu tư; Các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ ứng phó sự cố và phòng thí nghiệm di động hỗ trợ điều hành ứng phó sự cố của Cơ quan quản lý ATHN quốc gia cũng chưa được xây dựng.

Hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường của Cơ quan quản lý ATHN quốc gia xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân cũng như khu vực biên giới Việt - Trung tiếp giáp với nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành của Trung Quốc và ở một số thành phố, khu công nghiệp lớn cũng chưa được thiết lập; Hệ thống quản lý các cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường quốc gia on-line và các phòng thí nghiệm liên quan hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động quản lý phóng xạ môi trường của Cơ quan quản lý ATHN quốc gia chưa được xây dựng... [38].

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học: Trách nhiệm của quốc gia trong đảm bảo an toàn hạt nhân theo quy định của pháp luật quốc tế, thực tiễn thực thi ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm đối với (Trang 159 - 162)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)