Chương 2: THỰC TRẠNG XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở XÃ NINH NHẤT, THÀNH PHỐ NINH BÌNH
2.2. Hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở xã Ninh Nhất
2.2.2. Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa
Thời gian qua, Phòng Văn hóa Thông tin thành phố thường xuyên phối hợp với UBND xã, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn xã
Ninh Nhất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tương tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác giả đã thực hiện khảo sát ý kiến của 200 người dân đang sinh sống trên địa bàn xã Ninh Nhất. Khi được hỏi về “Nhận xét của anh chị về sự cần thiết của công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở xã Ninh Nhất?”.
Biểu đồ 2.1. Đánh giá sự cần thiết của tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng đời sống văn hóa
Nguồn: Theo điều tra của tác giả.
Kết quả điều tra cho thấy rằng: Có 47% cho rằng công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa là rất cần thiết; 27,5% cho là cần thiết; 19% cho thấy công tác tuyên truyền có tác động bình thường tới nhận thức của nhân dân và chỉ có 6,5% số người dân được hỏi cho rằng hoạt động tuyên truyền là không cần thiết. Qua số liệu điều tra cho thấy vẫn còn một bộ phận người dân có những nhận thức chưa đúng về công tác tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa nên mới cho rằng công tác tuyên truyền là không cần thiết. Chính vì vậy mà trong thời gian tới để nâng cao công tác tuyên truyền
cần chú ý đến các hình thức mang lại hiệu quả cao hơn và có tác động trực tiếp đến những bộ phận người dân này.
Để có những đánh giá khách quan vể chất lượng công tác tuyên truyền, vận động xây dựng ĐSVH của chính quyền các cấp tại xã Ninh Nhất, tác giả đã đưa nội dung câu hỏi: Sau một thời gian triển khai cuộc vận động anh chị có đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở xã Ninh Nhất? vào nội dung bảng hỏi để lấy ý kiến đóng góp của người dân. Kết quả như sau: Có 43% ý kiến cho rằng những nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH đã được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân; 40% cho rằng chỉ thực hiện tuyên truyền ở một bộ phận người dân và 17% có ý kiến khác.
Biểu đồ 2.2. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa
Nguồn: Theo điều tra của tác giả.
Khi được hỏi về thực trạng công tác tuyên truyền liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa tại địa bàn thì bà Đinh Thị Lan, người dân thôn Bình Khê cho biết:
Chúng tôi rất phấn khởi khi Đảng và nhà nước quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa tại xã Ninh Nhất, những hoạt động này đã gắn trực tiếp với quyền lợi được hưởng thụ về nhu cầu tinh thần, văn hóa thể thao của người dân trong thôn.
Tuy nhiên công tác tuyên truyền có những thời điểm chưa được thực hiện thường xuyên, chỉ tập trung ở một số khu dân cư gần thành phố, có dân trí cao. Còn tại những thôn thưa dân cư hơn như thôn Bình Khế thì ít khi thấy cán bộ xuống tận nơi để tuyên truyền phổ biến cho nhân dân… [PL 2; tr.119].
Có thể thấy rằng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về xây dựng ĐSVH là hoạt động cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa. Chính vì vậy, ngay từ khi phát động, BCĐ đã rất quan tâm và nhanh chóng triển khai hoạt động tuyên truyền, cổ động. Tuy hiên trong quá trình triển khai do địa bàn rộng và cán bộ chuyên trách lại thiếu nên nhiều nơi, nhiều lúc chưa được thực hiện kịp thời. Để làm tốt hoạt động này cần có phương án triển khai cụ thể, rõ ràng nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Các thành viên BCĐ xác định không thể thực hiện đơn lẻ mà cần có sự phối kết hợp với các ban ngành liên quan. Và hình thức tuyên truyền phải mang tính mới, sáng tạo, nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn trong đời sống của người dân. Đặc biệt để nội dung tuyên truyền có sự tác động mạnh mẽ tới người dân, các cán bộ cần sử dụng các dụng cụ trực quan.