Chương 1. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Về thể loại văn học và vấn đề xác lập đặc trưng thể loại nhật ký
1.2.1. Về thể loại văn học
Thể loại văn học là một trong những vấn đề cơ bản, nền móng của lý luận văn học, được đặc biệt quan tâm nghiên cứu suốt từ đầu thế kỷ XX đến nay với những đóng góp quan trọng của M. Bakhtin. Bakhtin luôn dành cho vấn đề thể loại sự quan tâm thích đáng, đồng thời khẳng định “thể loại chứ không phải phương pháp hoặc trường phái sáng tác là những nhân vật chính của tấn kịch lịch sử văn học”
[11, tr.7]. Ông cho rằng: “Thể loại là hình thức điển hình của toàn bộ tác phẩm, của toàn bộ sự biểu hiện nghệ thuật. [...]. Thể loại văn học phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững trong sự phát triển văn học. Thể loại thể hiện ký ức sáng tạo trong quá trình phát triển” [11, tr.150]. Theo các tác giả cuốn Lí luận văn học tập 2: “Thể loại tác phẩm văn học là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm, trong đó ứng với một loại nội dung nhất định có một loại hình thức nhất định, tạo cho tác phẩm một hình thức tồn tại chỉnh thể. Trong thể loại tác phẩm văn học, bao giờ cũng có sự thống nhất, quy định lẫn nhau của các loại đề tài, chủ đề, cảm hứng, hình thức nhân vật, hình thức kết cấu và hình thức lời văn” [125, tr.200].
Cuốn Từ điển thuật ngữ văn học cũng khẳng định thể loại văn học là “dạng thức của tác phẩm văn học, được hình thành và tồn tại tương đối ổn định trong quá trình phát triển lịch sử của văn học, thể hiện sự giống nhau về cách thức tổ chức tác phẩm, về đặc điểm của các loại hiện tượng đời sống được miêu tả và về tính chất của mối quan hệ giữa nhà văn đối với các hiện tượng đời sống ấy” [51, tr.299]. Như vậy,
mặc dù các tài liệu trên nhấn mạnh vào các đặc điểm khác nhau của thể loại văn học, nhưng đều có điểm chung khẳng định thể loại là hệ thống những nguyên tắc mang tính loại hình. Mỗi thể loại bao giờ cũng có một cấu trúc tương đối ổn định và vững chắc, làm thành bộ khung bất biến của thể loại, có vai trò chi phối việc tổ chức các văn bản cụ thể, có ảnh hưởng quan trọng đến sáng tạo và tiếp nhận các tác phẩm văn học cụ thể. Cấu trúc ấy là sự khái quát hóa các thông tin thành một hệ thống các đơn vị, quy tắc nhất định gọi là mã thể loại. Thể loại tồn tại trong không gian ký hiệu quyển như một mã hoạch định biên độ, chi phối quá trình kiến tạo bức tranh thế giới, quá trình tái cấu trúc, phiên dịch, diễn giải trong tiếp nhận. Không một tác phẩm nào có thể tồn tại ngoài hình thức thể loại của nó.
Không chỉ là nhân vật trung tâm của tấn kịch lịch sử văn học, thể loại còn là một hiện tượng loại hình của quá trình giao tiếp thẩm mỹ. Văn học là một hình thức giao tiếp đặc biệt, giao tiếp liên chủ thể. Trong đó, mỗi tác phẩm là một sự kiện giao tiếp giữa chủ thể với thế giới qua hệ thống kí hiệu. Abrams khi xem xét mối quan hệ giữa văn học với thế giới, tác giả, người đọc đã đề chỉ ra những khuynh hướng lý luận tồn tại trong lịch sử: “tác phẩm với thế giới: thuyết bắt chước, sau này là phản ánh; tác phẩm với người đọc: thuyết giáo huấn, sau này là tiếp nhận; tác phẩm với tác giả: thuyết biểu hiện; tác phẩm với chính nó: thuyết khách quan, sau này là cấu trúc, kí hiệu, ngôn ngữ, văn bản” [127, tr.49]. Với những thành tựu của ngôn ngữ học, thông diễn học, mỹ học tiếp nhận,... vấn đề văn học là một hình thức giao tiếp đã được thống nhất trong lý luận văn học hiện đại, mặc dù cách tiếp cận những nội dung cụ thể của mô hình này còn rất phức tạp. Mô hình giao tiếp phổ biến được Jakobson đề xuất bao gồm 6 thành phần: người phát, người nhận, thông tin (văn bản), mã (ngôn ngữ), ngữ cảnh và sự tiếp xúc, theo cơ chế: “người phát diễn đạt thông tin nhờ sự trợ giúp của ngôn ngữ và có tính đến ngữ cảnh, anh ta chuyển thông tin ấy cho người nhận thông qua kênh tiếp xúc” [81, tr.147]. Trường phái ký hiệu học văn hóa Tartu – Moskva mà đại diện là Iu.M. Lotman xác lập quan điểm mô tả các quá trình ký hiệu học theo hướng chỉnh thể, khẳng định chỉ khi nào được bao bọc trong một ký hiệu quyển, ký hiệu mới hoạt động. Với hệ thống này, giao tiếp là quá trình phiên dịch liên tục, quá trình lập mã và giải mã. Văn bản do đó là một cấu trúc đa tầng bậc. Lotman cho rằng, các chức năng ấy thể hiện rõ nét qua 5 quá trình: giao tiếp giữa người phát và người nhận; giao tiếp giữa cử tọa và truyền thống văn hóa; giao tiếp của người đọc
với chính bản thân mình; giao tiếp giữa người đọc với văn bản; giao tiếp giữa văn bản với ngữ cảnh văn hóa [81, tr.147-148]. Quan niệm của ký hiệu học văn hóa đã vượt lên mô hình giao tiếp khởi đi từ F. de Saussure đến các nhà hình thức chủ nghĩa, rằng văn bản chứa đựng ý nghĩa sẵn có, được chuyển từ người phát đến người nhận với sự chính xác tối đa: “Các công trình nghiên cứu văn bản văn hóa cho phép rút ra thêm một chức năng nữa của các hệ thống ngôn ngữ và, ứng với nó, các văn bản. Ngoài chức năng giao tiếp, văn bản còn có chức năng tạo nghĩa, do nó hoạt động không giống như một bao bì đựng nghĩa thụ động, mà như một cỗ máy sinh nghĩa” [81, tr.161]. Đây là những vấn đề quan trọng, nền tảng để xem xét văn học như là một quá trình với những tương quan giao tiếp đồng thời và hết sức phong phú, phức tạp, cản trở mọi sự quy chiếu giản đơn.
Bakhtin trong công trình Vấn đề thể loại lời nói đã đặt vấn đề nghiên cứu đời sống của lời nói, xem phát ngôn như đơn vị thực tế của giao tiếp lời nói. Bakhtin cho rằng, cấu trúc của phát ngôn có ba đặc điểm: có ranh giới rõ rệt; tính hoàn kết đặc biệt của phát ngôn; tính đối thoại nội tại. Chính tính chỉnh thể hoàn kết đặc biệt của phát ngôn đảm bảo cho sự hồi đáp ở phát ngôn tiếp theo. Những tư tưởng về thể loại lời nói của Bakhtin đã gặp gỡ ký hiệu học văn hóa khi xem văn bản là đối tượng nghiên cứu trung tâm. Với tính hoàn kết đặc biệt của tác phẩm văn học, ngôn ngữ tự nhiên được sử dụng trong tác phẩm như là chất liệu ký hiệu và mang những phẩm chất mới. Bakhtin đã phân định giữa các thể lời nói nguyên sinh (ngôn ngữ tự nhiên, đơn giản) với lời nói thứ sinh (ngôn ngữ nghệ thuật, phức tạp). Theo đó,
“trong quá trình hình thành, chúng hấp thụ và nhào nặn lại các thể rất khác nhau của loại lời nói nguyên sinh (đơn giản) vốn được ra đời trong những điều kiện giao tiếp trực tiếp bằng lời. Khi đã trở thành một bộ phận của các thể loại lời nói phức tạp, các thể loại lời nói nguyên sinh tự biến đổi trong đó và có một đặc điểm đặc biệt:
chúng đánh mất mối quan hệ trực tiếp với thực tại hiện thực và những phát ngôn lạ trong thực tế, chẳng hạn, lời thoại của đối thoại sinh hoạt và thư tín trong tiểu thuyết, trong khi giữ lại hình thức và ý nghĩa sinh hoạt trên bề mặt của nội dung tiểu thuyết, chúng chỉ có thể nhập vào thực tại hiện thực qua tiểu thuyết trong tính chỉnh thể của nó, tức nhập vào thực tại như một sự kiện của đời sống văn học, nghệ thuật, chứ không phải sự kiện của đời sống thường nhật. Tiểu thuyết trong chỉnh thể của nó là một phát ngôn giống như lời đối đáp trong đối thoại sinh hoạt hoặc một lá thư
của cá nhân (nó cùng có chung một bản chất với chúng), nhưng khác với chúng, đây là phát ngôn thứ sinh (phức tạp)” [99, tr.11-12]. Chính bởi sự thu hút, biến đổi các thể loại lời nói nguyên sinh trong tổng thể cấu trúc của lời nói thứ sinh – lời nói mang tính quan niệm, tư tưởng hệ, giao tiếp trong văn học đồng thời tồn tại hai kênh: kênh ngôn ngữ và kênh hình tượng, ngôn ngữ tự nhiên phục vụ ngôn ngữ hình tượng. V.I. Chiupa đã diễn giải và khẳng định bản chất giao tiếp của thể loại văn học. Ông cho rằng, mỗi thể loại có một loại chiến lược giao tiếp đặc biệt.
Những chiến lược này chính là cơ sở để tạo ra mã nghệ thuật riêng của thể loại.
Thực chất, thể loại là một sự quy ước song phương về giao tiếp, nó có nhiệm vụ kết nối chủ thể lời và người tiếp nhận thông tin. Ở phương diện này, thể loại cũng giống như ngôn ngữ siêu ngôn ngữ học. Nói khác đi, thể loại là một loại hình giao tiếp đặc biệt, nó quy định đến mã nghệ thuật riêng có của thể loại đó [29].
Mỗi thể loại luôn là một chỉnh thể hoàn kết, với sự tham gia của ba yếu tố: nội dung chủ đề, phong cách và tổ chức kết cấu. Đây là một “cấu trúc ba chiều” nối kết người phát ngôn, người sáng tạo với độc giả, người tiếp nhận. Trong quá trình tiếp nhận, độc giả cụ thể hóa, tái diễn giải hệ thống ký hiệu trong tác phẩm không thể không căn cứ trên những đặc trưng thể loại. Các quy ước lịch sử riêng của thể loại mà người đọc giả định là văn bản thuộc thể loại ấy, cho phép anh ta lựa chọn và giới hạn, trong số các chỉ dẫn được văn bản cung cấp, những chỉ dẫn mà việc đọc của anh ta sẽ hiện thực hóa. Thể loại, như là mã văn chương, tổng thể chuẩn mực, quy tắc của trò chơi, cho người đọc biết cách anh ta sẽ phải tiếp cận văn bản, và như vậy là nó bảo đảm sự thông hiểu văn bản. Sáng tạo và tiếp nhận văn học, như thế, luôn bao hàm xu hướng cách tân thể loại, vừa có xu hướng duy trì nó. Chính bởi vậy: “Mọi tác phẩm cách tân đều được xây dựng bằng chất liệu truyền thống. Nếu văn bản không lưu giữ trong ký ức những cấu trúc truyền thống, thì sự cách tân của nó sẽ không được tiếp nhận” [81, tr.346]. Sự cách tân đảm bảo những thể nghiệm sáng tạo, mã hóa những tầng bậc ý nghĩa, tư tưởng nghệ thuật của tác giả, đồng thời sự duy trì hình thức thể loại giúp cho việc thông điệp và ý nghĩa của văn bản được thông hiểu trong quá trình tiếp nhận. Lotman cho rằng: “Chính việc trúng hay không trúng ở sự chờ đợi của độc giả đối với văn bản sẽ được cảm nhận như là sự xúc động thẩm mỹ. Nếu sự chờ đợi trúng cả trăm phần trăm, thì các câu thơ sẽ gây cảm giác về một bài thơ kém cỏi, buồn tẻ; nếu sự chờ đợi sai trăm phần trăm (thông tin mới không dựa trên
thông tin đã có), thì các câu thơ sẽ gây cảm giác, đó không phải là bài thơ” [81, tr.19]. Như vậy, việc xem thể loại như một hệ mã chi phối quá trình sáng tạo và tiếp nhận, hay là quá trình giao tiếp ký hiệu học văn học là tiền đề để xem những đặc trưng của nhật ký như một thể loại văn học. Đây vừa là căn cứ để xem xét các đặc trưng nghệ thuật của nhật ký với tư cách một thể loại văn học, đồng thời xác định những điểm đặc sắc, riêng có so với các thể loại văn học khác.