Chương 4. NHẬT KÝ CHIẾN TRƯỜNG Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945 – 1975 NHÌN TỪ ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI
4.1. Nhật ký chiến trường nhìn từ không gian văn hoá đương đại
4.1.2. Nhu cầu về sự thật và giá trị tư liệu của nhật ký chiến trường
Đầu thế kỷ XX, cùng với quá trình hiện đại hóa nền văn học, từng bước bứt ra khỏi phạm trù văn học trung đại, nền văn học Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của dòng văn học tư liệu. Trong sự nở rộ của văn học ký, nhật ký đã xuất hiện và là minh chứng khẳng định sự ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây, một “tấm căn cước” cho sự hiện diện đĩnh đạc của con người cá nhân với phẩm tính hoàn toàn mới mẻ so với phạm trù văn học trung đại. Ở thời kỳ này, bên cạnh nhật ký, thể loại du ký (dưới hình thức nhật ký) xuất hiện trên báo chí cũng là hiện tượng độc đáo trong đời sống văn học. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, văn học “bẻ lái”, vận động và phát triển trong bối cảnh lịch sử - văn hóa “bất thường” của chiến tranh, chia cắt. Dòng văn học tư liệu tiếp tục có bước phát triển mới, trong đó đặc biệt là các thể ký. Tuy nhiên, thông qua xuất bản và tham gia vào đời sống văn học thì nhật ký rất hạn chế và gần như vắng bóng. Với đặc trưng là tính cá nhân, riêng tư, nhật ký chính là kho tư liệu “mật” khổng lồ về cuộc chiến tranh vệ quốc, trên cả bình diện không gian chiến trường đến không gian sâu rộng của tâm hồn. Đó thực sự không chỉ là kho tư liệu sự kiện mà còn bao chứa những phần trọng yếu của sự vận động của nền văn hóa dân tộc. Tính riêng tư như một bảo đảm, gạt bỏ sự ảnh hưởng một cách có ý thức (trong sự tương quan với những ảnh hưởng vô thức hoặc tự nguyện mà chúng tôi đã đề cập ở trên) của tư tưởng hệ cho phép nhật ký giai đoạn này bao chứa trong mình sự phong phú, đa dạng đặc biệt đã bị gạt đi ở những thể loại văn học khác. Chúng tôi muốn đề cập đến trường hợp một số tiểu thuyết gây ra những cuộc tranh luận trong giới phê bình giai đoạn 1945 – 1975 như Những ngày bão táp (1956) của Hữu Mai; Sắp cưới (1957) của Vũ Bão; Thôn Bầu thắc mắc (1957) của Sao Mai; Mùa hoa dẻ (1957) của Văn Linh; Mười năm (1958) của Tô Hoài; Cái sân gạch (1959) của Đào Vũ;
Trên mảnh đất này (1962) của Hoàng Văn Bổn; Vào đời (1962) của Hà Minh Tuân;
Phá vây (1963) của Phù Thăng; Đống rác cũ (1963) của Nguyễn Công Hoan;… Sự phê phán quyết liệt tập trung vào những bình diện cơ bản như sự “ưu ái” với các nhân vật tiểu tư sản; biểu hiện tự nhiên chủ nghĩa trong phản ánh; không làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng cách mạng; vi phạm nguyên tắc nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình;… Những tiếng nói lạc điệu nhanh chóng được điều chỉnh bởi sức hút mạnh mẽ của tư tưởng hệ và diễn ngôn trung tâm. Nhìn lại bối cảnh ấy để thấy, nhật ký là một thể loại văn học có vị trí đặc biệt quan trọng trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.
Sau năm 1975, hòa bình lập lại, non sông quy về một mối. Đất nước bước vào giai đoạn oằn mình chống chọi với di họa chiến tranh. Sự phân rã của ý thức “quần thể chính trị” và sự trỗi dậy của con người cá nhân là đặc điểm quan trọng của bối cảnh văn hóa giai đoạn này, đặc biệt là từ thời kì đổi mới (sau năm 1986). Nhật ký giai đoạn 1945 – 1975 đã được tập hợp, xuất bản và tham gia vào đời sống văn học như một quy luật tất yếu, cùng với sự xuất hiện với vai trò ngày càng lớn của dòng văn học tư liệu. Mỗi cuốn nhật ký chiến tranh có một hoàn cảnh ra đời, một số phận riêng, nhưng tựu chung là sự đón nhận nồng nhiệt của các thế hệ bạn đọc, cả thế hệ đã đi qua cuộc chiến đến thế hệ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã im tiếng súng. Từ trường hợp Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Vương Trí Nhàn trong bài viết Nhật ký Đặng Thùy Trâm và đời sống tinh thần người Việt sau chiến tranh đã ghi nhận vấn đề này: “Với người Việt Nam thì quá trình diễn ra là ngược lại: do áp lực của hội nhập, người Việt thấy hoá ra không thể quên nổi những ngày đạn lửa; chiến tranh mãi mãi là một phần cuộc sống. Từ chỗ đẩy chiến tranh vào tấm màn sương khói của quá khứ, người ta lờ mờ cảm thấy rằng chiến tranh có mặt ngay trong cuộc sống hôm nay và chi phối cách nghĩ và cách làm việc của người ta, một sự chi phối khi công khai khi kín đáo, nhưng là trên mọi phương diện. Sau cái giai đoạn chỉ biết thu thập lấy một ít di vật của người thân và nói chung là nhìn chiến tranh trong mối quan hệ với từng gia đình từng cá nhân, nay người dân thường bắt đầu muốn nhìn chiến tranh như là yếu tố tác động lên toàn bộ cộng đồng. Một cách ngẫu nhiên, Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm bước đầu đáp ứng được yêu cầu đó. Nó là ghi chép của người trong cuộc. Nó cho người ta thấy lại không khí chiến tranh và những con người trong chiến tranh từ bên trong. Giá như xuất hiện 10 – 15 năm sau chiến tranh -
khoảng từ 1990 trở về trước, cuốn nhật ký với sự kết thúc bi thảm của nhân vật sẽ không được phép in ra, hoặc có in ra cũng không được ưu ái đến vậy. Ba mươi năm đã qua, những cách nghĩ căng cứng chỉ biết một màu lạc quan… đã khiến người ta mệt mỏi. Những cách miêu tả chiến tranh với tương đối nhiều sắc thái đen tối bắt đầu được chấp nhận” [102]. Sự xuất hiện của nhật ký chiến tranh với sự đón đợi nồng nhiệt của độc giả là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhận thức lại một giai đoạn lịch sử rất đỗi hào hùng mà cũng nhiều thương đau của dân tộc, mặt khác, quan trọng hơn là những phẩm chất thẩm mĩ đặc biệt của các tác phẩm nhật ký chiến tranh.
Nhật ký chiến trường giống như một hiện tượng tái cấu trúc kí ức chiến tranh đan xen giữa kiến tạo và hòa giải. Hiệu ứng xã hội đối với hiện tượng này chủ yếu được kiến tạo bởi màng lưới diễn ngôn của các định chế, đặc biệt là định chế truyền thông đại chúng. Nếu như trong các thể loại khác, chủ yếu người ta thấy được phẩm chất anh hùng lí tưởng của những con người cách mạng thì ở nhật ký chiến trường chiều hướng ý nghĩa được kiến tạo đa dạng, giằng co đan xen và phức tạp. Một mặt, nhật ký chiến trường tái cấu trúc lại ký ức chiến tranh, ký ức cá nhân trong sự giao hòa của ký ức tập thể. Ký ức tập thể ở đây có thể hiểu là sự chia sẻ của ký ức cá nhân với các thành viên khác trong nhóm xã hội ở một ngữ cảnh đặc thù. Bản thân sự chia sẻ cá nhân đã mang tính xã hội. Ký ức lịch sử chiến tranh hiện lên qua sự chia sẻ được kiến tạo theo cách chúng định hình bản sắc và tính liên tục theo nhóm qua cách chúng kể lại câu chuyện của nhóm và về nhóm. Do đó, quá khứ hiện lên trong ký ức cá nhân giao hòa ký ức tập thể là quá khứ được viết lại theo nhu cầu, mối quan tâm và những giá trị hiện tại, vì thế bao hàm trong đó là những bình diện đối lập: tính cá biệt của góc nhìn và tính tập thể của sự chia sẻ, chất liệu quá khứ và nhu cầu hiện tại của sự nhớ lại. Ở đây, ta có thể thấy kí ức tập thể được kiến tạo bởi định chế truyền thông đại chúng tạo nên một sự hồi vấn cho công chúng tiếp nhận nó, theo cách nhìn của Althusser, định hình bản ngã của công chúng hay trong dòng chảy lịch sử từ quá khứ. Những bộ phim phóng sự, truyền hình được phục dựng từ nhật ký chiến tranh như Đừng đốt, Mùi cỏ cháy…, những cuộc phỏng vấn trên truyền hình về những cuộc đời người có công với lịch sử… tất cả chúng không chỉ định hình cách ta nhìn về lịch sử, quá khứ mà còn là sự kiến tạo bản ngã của ta trong sự tương chiếu với hình ảnh ký ức tập thể trong cái lịch sử mà ta nhận ra mình đang thuộc về.
Nhật ký chiến tranh giai đoạn 1945 – 1975 đã khắc họa bức tranh thế giới thời chiến chân thực và sinh động. Đó là một cuộc chiến tranh mang diện mạo khác so với diện mạo đã được ghi trong sách sử. Chiến tranh trong nhật ký mang diện mạo riêng, hào hùng và cũng đầy rẫy gian khó, khổ đau. Những phạm trù ôm trùm đời sống tinh thần của cả dân tộc trong suốt một thời đạn lửa như lý tưởng, chính nghĩa,… đã không ngừng va xiết với những mất mát, đau thương và cái chết. Trong các nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký Đặng Thùy Trâm của Đặng Thùy Trâm, Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân, Nhật ký Lê Anh Xuân của Lê Anh Xuân, Nhật ký Vũ Xuân của Vũ Xuân,… đã vẽ nên những chi tiết phong phú, sống động, dù nhỏ nhưng mang nặng bản chất của gương mặt chiến tranh. So sánh với các thể loại hư cấu viết về chiến tranh giai đoạn này, đặc biệt là tiểu thuyết, chúng tôi thấy rất rõ sự khác biệt về loại hình bức tranh thế giới với thể loại nhật ký. Tiểu thuyết thời kỳ này cuốn theo dòng chủ lưu tư tưởng mô tả hiện thực chân thực, cụ thể - lịch sử trong tiến trình vận động cách mạng. Trên bình diện lý luận, đặc trưng thể loại được bàn đến trong các công trình Nguyên lý văn học (1959) của Nguyễn Lương Ngọc; Công việc của người viết tiểu thuyết (1964) của Nguyễn Đình Thi; Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (1974, 1975) của Phan Cự Đệ;
Cơ sở lý luận văn học, tập III (1970) của Trần Văn Bính, Nguyễn Xuân Nam, Hà Minh Đức;... Các công trình này đều đặc biệt đánh giá cao khả năng phản ánh hiện thực, tính khuynh hướng xã hội và xem đây như là đặc trưng nổi bật của thể loại tiểu thuyết. Ngoài ra, các tác giả cũng phân tích những đặc trưng và đòi hỏi của tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa như phản ánh cuộc sống con người trong “tính phát triển” của nó, sự hài hòa giữa hiện thực và lý tưởng, vấn đề xây dựng tính cách điển hình gắn liền với hoàn cảnh điển hình,... [159]. Định hướng lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam đã thẩm thấu trong quan niệm nghệ thuật và thực tiễn sáng tác của các tác giả tiểu thuyết giai đoạn 30 năm chiến tranh. Nhà văn Nguyễn Đình Thi, một cây bút có ảnh hưởng lớn trên nhiều bình diện của đời sống văn học trong giai đoạn đó đã khái quát: “Tiểu thuyết ngày nay không những là công cụ đắc lực để tìm hiểu và miêu tả sự thật của đời sống con người, mà nó còn phải chiến đấu để làm thay đổi được xã hội, góp phần tạo ra một cách sống mới, một tâm hồn mới cho con người” [140, tr.131]. Những tiểu thuyết thành công nhất trong giai
đoạn lịch sử đặc biệt ấy là minh chứng thuyết phục cho sự thống nhất của bối cảnh lịch sử, tư tưởng lãnh đạo của Đảng, tư duy lý luận văn học và thực tiễn sáng tác, từ Vùng mỏ (1951) của Võ Huy Tâm; Xung kích (1951) của Nguyễn Đình Thi; Con trâu của Nguyễn Văn Bổng (1955) trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đến những tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ: Đất nước đứng lên (1955) của Nguyên Ngọc; Người người lớp lớp (1954, 1955) của Trần Dần; Sống mãi với thủ đô (1960) của Nguyễn Huy Tưởng; Vỡ bờ (tập 1 xuất bản năm 1962, tập 2 xuất bản năm 1970) của Nguyễn Đình Thi; Cửa biển của Nguyên Hồng; Hòn Đất (1966) của Anh Đức; Bão biển (1969) của Chu Văn; Dấu chân người lính (1972) của Nguyễn Minh Châu; Gia đình má Bảy (1968), Mẫn và tôi (1972) của Phan Tứ; Dưới đám mây màu cánh vạc (1975) của Thu Bồn;… Dù viết về cuộc đổi đời của những con người cùng khổ trong xã hội cũ, về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng cuộc sống mới,… thì các tác phẩm đều ngập tràn một tinh thần lãng mạn, lạc quan cách mạng, gián cách đối tượng trong sự thành kính của tư duy sử thi. Nhà nghiên cứu Lã Nguyên có lý khi chỉ ra bốn vai có tính chất cổ mẫu, có gốc gác huyền thoại hợp thành trụ cột bức tranh thế giới và thế giới hình tượng mang đậm tính thị giác (nguyên tắc vẽ tranh, tạc tượng đài) của văn học Việt Nam giai đoạn 30 năm chiến tranh: “Cha anh minh”, “Mẹ Tổ quốc”, “Chúng con anh hùng” và “Kẻ thù bầy thú dữ” [100]. Sự quy phạm hóa, như thế, đã đánh mất đi những sự kiện đơn lẻ đầy giá trị, và nó đã được lưu lại trong những trang nhật ký. Với đặc trưng cốt lõi của thể loại là tính riêng tư, viết về mình và lưu lại cho mình, từ những chi tiết nhỏ nhất, cá nhân nhất, con người nhất, bạn đọc lại thấy một diện mạo chiến tranh chân thực và sinh động nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này trong phần tiếp theo của luận án. Ở đây, chúng tôi chỉ phân tích một vấn đề nhỏ để thấy khả năng và ưu thế đặc biệt của nhật ký chiến tranh. Đó là những chi tiết đặc biệt riêng tư của một chiến sĩ nữ trên chặng đường hành quân trong Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý:
“Còn em, em đang qua những ngày mệt mỏi ghê gớm của cuộc hành quân. Em bị hành kinh từ sáng sớm hôm qua, mà hôm qua là một trong những ngày hành quân dài nhất”; “Hai hôm nay đi một cách khó nhọc. Hành kinh. Người mình nặng trĩu, mình thường lấy lúc các anh nghỉ giải lao để mình đi vượt lên”;… [119, tr.60-62].
Một chi tiết riêng tư đến thế, đời thường và con người đến thế đã lột tả đầy đủ bản chất khốc liệt của cuộc chiến tranh, trên tất cả các bình diện từ cá nhân, cộng đồng
đến dân tộc và nhân loại. Người phụ nữ ấy đã khắc họa hình hài cuộc chiến đến độ chân thực và ám ảnh nhường ấy. Đó là thế giới hoàn toàn khác biệt, đầy sức sống bên cạnh thế giới nghệ thuật sử thi của văn chương hư cấu cùng thời.
So sánh với các thể loại tùy bút, bút ký giai đoạn này, bức tranh thế giới của nhật ký cũng có những đặc trưng khác biệt. Bút ký và tùy bút có chung đặc điểm là thiên về trữ tình, trên cơ sở con người và sự kiện có thật, tác giả có thể trình bày những nhận xét, liên tưởng, phát huy trí tưởng tượng phong phú. Sự khác biệt giữa hai thể loại này là mức độ, liều lượng của tính cá nhân, chủ quan, trong đó tùy bút nghiêng hẳn về hướng trữ tình, cho phép nhà văn bộc lộ tối đa cảm xúc, suy tư, nhận thức, đánh giá của mình. Xuất phát từ sự can dự của màng lọc diễn ngôn, các tác phẩm tùy bút, bút ký, ký sự,… với mục đích xuất bản cũng tự trừu xuất khỏi nó những bình diện hiện thực có tính xác thực và bị thu hút mạnh mẽ bởi diễn ngôn trung tâm. Có thể nhận thấy rõ điều này trong các tác phẩm tiêu biểu như Ký sự Cao Lạng (Nguyễn Huy Tưởng), Tháng ba ở Tây Nguyên (Nguyễn Khải), Sông Đà (Nguyễn Tuân),… Sự chi phối của diễn ngôn thời đại đã sàng lọc về cơ bản cái nhìn cá nhân, riêng tư về cuộc chiến hào hùng nhưng cũng đầy mất mát, hy sinh. Không chỉ khắc họa cuộc chiến tranh trên bình diện chiều rộng, nhật ký chiến trường giai đoạn 1945 – 1975 đã lưu lại chiều sâu tâm hồn của những người trong cuộc. Từ những dòng nhật ký chiến tranh, người đọc hôm nay được trải nghiệm những suy nghĩ chân thực của những người trong cuộc, những người hàng ngày đối diện với đạn bom và cái chết. Họ đã sống và nghĩ, những tâm trạng và suy nghĩ thật nhất, cho đất nước, cho mình, cho đồng đội và những người thân yêu ở hậu phương.
Cuộc chiến tranh vệ quốc, vì vậy được tiếp nhận đầy đủ và sâu sắc hơn rất nhiều.