Chương 4. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG 81 TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN Á CHÂU - CHI NHÁNH HÀ NỘI
4.3. Một số khuyến nghị
4.3.1. Khuyến nghị với Chính phủ và các cơ quan Nhà nước 4.3.1.1.Chính phủ
Chính phủ cần xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán, có định hướng lâu dài nhằm tạo môi trường kinh tế ổn định. Tạo lập và hoàn
thiện môi trường pháp lý đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo, tạo điều kiện cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ.
Xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại các ngân hàng thương mại là cơ sở quan trọng trong việc xem xét, đánh giá khách hàng trên cơ sở so sánh với trung bình ngành qua đó giúp các ngân hàng thương mại có quyết định đúng đắn trong hoạt động tín dụng.
Nhà nước cần sớm ban hành quy định kiểm toán bắt buộc đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng có nguồn thông tin đáng tin cậy trong việc đưa ra quyết định cho vay hợp lý.
4.3.1.2.Kiến nghị với các cơ quan chức năng:
- Đối với Ngân hàng nhà nước: Nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin tín dụng (CIC) tại Trung tâm thông tin tín dụng của NHNN Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin cập nhật chính xác về khách hàng. Cần có những biện pháp tuyên truyền thích hợp để các NHTM nhận thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong việc cung cấp và sử dụng thông tin. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát đối với hoạt động tín dụng tại các NHTM nhằm hạn chế, phòng ngừa rủi ro tín dụng. Tạo cho cán bộ thanh tra, kiểm soát có vai trò độc lập để can thiệp và ngăn chặn các hoạt động dẫn đến không an toàn vốn.
Qui định cơ chế giám sát và quản trị rủi ro theo khung sổ tay tín dụng ở tất cả các TCTD.
- Bộ tài nguyên môi trường cần đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà để việc nhận tài sản đảm bảo của ngân hàng được an toàn và thuận lợi. Ngoài ra, Bộ tài nguyên môi trường và Bộ tư pháp cũng nên quy định và yêu cầu các cán bộ của mình tuân thủ thời gian tối đa để giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm của các NHTM, tránh việc xử lý, tác nghiệp của cán bộ thụ lý hồ sơ quá lâu như hiện nay.
- Bộ tài chính, Tổng cục thuế cần có biện pháp phù hợp về kinh tế, hành chính buộc các doanh nghiệp phải chấp hành đúng pháp lệnh về kế toán thống kê, thực hiện kiểm toán hàng năm với các doanh nghiệp nhằm giúp ngân hàng có thể xác định chính xác năng lực tài chính của các đơn vị vay vốn. Bộ tài chính cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán nợ, đòi nợ để ngân hàng dễ dàng xử lý các khoản nợ khó đòi.
4.3.2. Khuyến nghị với Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu
- Ban hành hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ nhằm hỗ trợ cho quản trị rủi ro theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Ban hành Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động Ngân hàng của TCTD. Nghiên cứu đưa vào áp dụng mô hình quản trị rủi ro phù hợp với các qui định hiện hành của Ngân hàng TMCP Á Châu
- Cần tăng cường hơn nữa việc tập huấn, đào tạo nghiệp vụ Ngân hàng cho đội ngũ cán bộ các chi nhánh nhằm nâng cao chất lượng chuyên nghiệp của từng cán bộ, nhân viên cũng như tập trung xây dựng thương hiệu Ngân hàng với mục tiêu giảm thiểu rủi ro đạo đức và rủi ro hoạt động. Đẩy mạnh công tác kiểm soát nội bộ với mục tiêu quan trọng là xây dựng được hệ thống tìm kiếm phát hiện ra những tiềm ẩn tiêu cực, bất ổn và thiếu sót trong hoạt động của Ngân hàng để đưa ra biện pháp chấn chỉnh,
- Cần đẩy nhanh và hoàn thiện quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập phần mềm để quản lý khách hàng, thống kê, nghiên cứu, lưu trữ thông tin phục vụ cho việc phân tích, đánh giá và đo lường rủi ro.Nâng cao vai trò của thông tin trong hoạt động, tăng cường hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin với các NHTM khác trong việc cung cấp thông tin cho nhau về khách hàng, nhằm giảm thiểu rủi ro.