CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUY TRÌNH KIỂM TOÁN KHOẢN MỤC CHI PHÍ TRẢ TRƯỚC DÀI HẠN TRONG KIỂM TOÁN BCTC
1.3 QUY TRÌNH KIỂM TOÁN KHOẢN MỤC CHI PHÍ TRẢ TRƯỚC DÀI HẠN
1.3.1 Lập kế hoạch kiểm toán và thiết kế chương trình kiểm toán đối với khoản mục Chi phí trả trước dài hạn
Lập kế hoạch kiểm toán là giai đoạn đầu tiên của một cuộc kiểm toán, có vai trò quan trọng, chi phối tới chất lượng và hiệu quả chung của toàn bộ cuộc kiểm toán. “Lập kế hoạch” có nghĩa là triển khai một chiến lược tổng thể và một phương pháp tiếp cận phù hợp, chi tiết về tính chất, lịch trình và phạm vi của công tác kiểm toán.
Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 300 quy định : “ Kế hoạch kiểm toán phải được lập một cách thích hợp nhằm đảm bảo bao quát hết các khía cạnh trọng yếu của cuộc kiểm toán, đảm bảo phát hiện những vấn đề tiềm ẩn và cuộc kiểm toán được hoàn thành đúng thời hạn.” Theo đó, trong giai đoạn này, KTV thực hiện một số công việc như sau:
1.3.1.1 Tìm hiểu các thông tin cơ bản của khách hàng
Bước này được thực hiện cho toàn bộ kiểm toán BCTC, trong đó có những thông tin liên quan tới từng khoản mục, đối với và chi phí trả trước dài hạncó thể tìm hiểu một số thông tin :
- Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp; những đặc thù về bộ máy quản lý (cơ cấu, việc phân quyền, phân cấp trong quản lý), tìm hiểu về hoạt động tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp trên thị trường (cách thức bán hàng, các hoạt động về quảng cáo, khuyến mại, … phục vụ cho tiêu thụ sản phẩm); những hoạt động này sẽ làm phát sinh chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Những văn bản, quy định của Nhà nước về chi phí trả trước dài hạn mà doanh nghiệp đang áp dụng.
- Những thông tin ghi trong điều lệ công ty liên quan đến hoạt động bán hàng và bộ máy quản lý của doanh nghiệp.
- Tìm hiểu kết quả kiểm toán chi phí trả trước dài hạn lần trước.
Những thông tin này có liên quan trực tiếp tới các chi phí trả trướcdài hạn, KTV có thể có nhận định xem chi phí trả trước dài hạn sẽ phát sinh ở những khâu nào và mức độ hợp lý của số tiền chi phí phát sinh so với hiệu quả của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Những hiểu biết về các tài liệu này sẽ giúp KTV giải thích bằng chứng kiểm toán về chi phí trả trước dài hạn có liên quan trong suốt cuộc kiểm toán.Việc tìm hiểu này còn nhằm mục đích khái quát toàn bộ mối quan hệ kinh tế của đơn vị được kiểm toán trong niên độ hạch toán để có thể phát hiện các nghiệp vụ có sai phạm về chi phí trả trước dài hạn tập trung ở các CSDL nào.
1.3.1.2 Thực hiện các thủ tục phân tích sơ bộ
Quy trình phân tích áp dụng trong lập kế hoạch kiểm toán chi phí trả trước dài hạn được dựa trên các thông tin tài chính và thông tin phi tài chính nhằm đánh giá hoạt động tiêu thụ và bộ máy quản lý, chỉ ra những khả năng sai sót có thể qua đó giảm được khối lượng công việc khảo sát chi tiết. Tuỳ đặc điểm riêng từng doanh nghiệp mà KTV sẽ lựa chọn sử dụng một hoặc một số những tính toán sau để phân tích:
- Thực hiện so sánh chi phí trả trước dài hạn kỳ này với các kỳ trước để xem xét biến động qua đó có được cái nhìn tổng quát về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- So sánh chi phí trả trước dài hạn giữa thực tế với kế hoạch để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
- So sánh chi phí trả trước dài hạn thực tế của đơn vị với ước tính của KTV.
- So sánh chi phí trả trước dài hạn thực tế của đơn vị với các đơn vị trong cùng ngành có cùng quy mô hoạt động hoặc với số liệu thống kê định mức cùng ngành, từ đó đánh giá khả năng quản lý chi phí của đơn vị
- Xem xét mối quan hệ giữa chi phí trả trước dài hạn với các chỉ tiêu khác trên BCTC như: Doanh thu, giá vốn, tổng tài sản, tổng chi phí hoặc mối quan hệ giữa chi phí trả trước dài hạn với thông tin phi tài chính.
1.3.1.3 Xác định mức trọng yếu, đánh giá rủi ro
Quá trình xác định tính trọng yếu đối với kiểm toán BCTC trải qua 5 bước:
- Ước lượng sơ bộ về tính trọng yếu, bước này thường được thực hiện chung cho cả cuộc kiểm toán BCTC.
- Phân bổ ước lượng ban đầu về tính trọng yếu cho từng bộ phận, từng khoản mục.
- Ước tính sai sót trong từng bộ phận.
- Ước tính sai sót kết hợp của các bộ phận.
- So sánh ước tính sai sót kết hợp ước tính với ước lượng ban đầu (hoặc đã điều chỉnh) về tính trọng yếu.
Đối với khoản mục chi phí trả trước dài hạn, sau khi bước thứ nhất trong quy trình trên được thực hiện với toàn bộ BCTC đến bước thứ hai KTV sẽ phân bổ ước lượng ban đầu về tính trọng yếu cho chi phí trả trước dài hạn.
Cơ sở phân bổ là bản chất của khoản mục, rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát
được đánh giá sơ bộ đối với chi phí trả trước dài hạn dựa vào kinh nghiệm KTV về sai sót của các khoản mục và chi phí kiểm toán cho từng khoản mục.
Tới bước thứ ba KTV sẽ chọn mẫu và dựa trên những sai sót phát hiện được trong chọn mẫu để ước tính sai sót cho khoản mục chi phí trả trước dài hạn.
Bước thứ tư và thứ năm thực hiện chung cho toàn bộ BCTC.
Ngoài ra trọng yếu và rủi ro là hai khái niệm gắn bó chặt chẽ với nhau, do đó đồng thời với việc thực hiện đánh giá và phân bổ trọng yếu, KTV cần thực hiện xác định những rủi ro đối với từng khoản mục trong đó có chi phí trả trước dài hạn.
1.3.1.4 Tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng và đánh giá rủi ro kiểm kiểm soát đối với khoản mục Chi phí trả trước dài hạn
Đối với kiểm toán chi phí trả trước dài hạn, cần tìm hiểu một số thông tin sau về hệ thống kiểm soát nội bộ:
- Môi trường kiểm soát và thủ tục kiểm soát:
+ Tìm hiểu triết lý kinh doanh, phong cách điều hành của ban quản lý: quan điểm, đường lối trong chiến lược lâu dài về hoạt động kinh doanh của đơn vị được kiểm toán cách thức điều hành quan liêu hay tỉ mỉ, chủ quan hay duy ý chí, cơ cấu tổ chức quyền lực,…
+ Cơ chế kiểm soát, kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ. Cơ chế uỷ ban kiểm tra hay kiểm toán nội bộ, kiểm toán nội bộ được tổ chức như thế nào: kiểm toán nội bộ có tổ chức kiểm tra độc lập sẽ tạo môi trường kiểm soát nội bộ ổn định hơn.
+ Thái độ, sự ủng hộ của công nhân viên trong đơn vị hoặc từ các tổ chức đối tác cũng có ảnh hưởng tới môi trường kiểm soát.
- Hệ thống kế toán:
+ Hoạt động kế toán của đơn vị được tổ chức như thế nào, theo hình thức sổ kế toán gì? Sự phát triển hệ thống kế toán quản trị đến đâu, chế độ kế toán áp dụng.
+ Những quy định của doanh nghiệp về hạch toán chi phí trả trước dài hạn: Quy định hạch toán công cụ dụng cụ, TSCĐ lâu năm…
+ Quy định về phê duyệt chứng từ, luân chuyển chứng từ. Việc hạch toán chi phí trả trước dài hạn đi từ chứng từ gốc vào các sổ nào,…
Tóm lại, dựa trên sự hiểu biết về hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ, KTV và công ty kiểm toán sẽ đánh giá ban đầu về rủi ro kiểm soát đối với cơ sở dữ liệu cho từng khoản mục, từng loại nghiệp vụ kinh tế chủ yếu khi kiểm toán chi phí trả trước dài hạn
1.3.1.5 Thiết kế chương trình kiểm toán
Thiết kế chương trình kiểm toán là bước quan trọng cuối cùng trong giai đoạn lập kế hoạch. Chương trình kiểm toán thường được thiết kế theo 3 phần:
+ Thử nghiệm kiểm soát.
+ Thủ tục phân tích.
+ Thủ tục kiểm tra chi tiết.
Chương trình kiểm toán chi phí trả tước dài hạn là chương trình kiểm toán cụ thể nằm trong chương trình kiểm toán tổng thể cả BCTC, cũng được thiết kế theo 3 phần như trên. Trong nội dung chương trình kiểm toán cũng ghi các bước công việc kiểm toán chi tiết và trình tự sử dụng các biện pháp cần thiết đồng thời có sự phối hợp với kiểm toán các khoản mục khác giữa các KTV với nhau để đạt được hiệu quả cao trong công việc.
Chương trình kiểm toán sẽ là sợi dây gắn chặt các phần việc cụ thể trong kế hoạch kiểm toán theo thời gian. Sự bố trí nhân lực và sự phối hợp giữa các bước công việc. Sau khi lập được chương trình kiểm toán KTV tiến hành thực hiện kiểm toán.