Chi trả dịch vụ môi trường rừng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả giữ nước của rừng phục vụ chi trả dịch vụ môi trường đối với hồ thủy điện ở việt nam (Trang 32 - 35)

1.3. Tình hình nghiên cứu trong nước

1.3.3. Chi trả dịch vụ môi trường rừng

Đến năm 2004, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã công nhận vai trò quan trọng của rừng trong việc hạn chế xói mòn, điều tiết nguồn nước, hấp thụ carbon, điều hòa tiểu khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và vẻ đẹp cảnh quan…

Ngày 10/4/2008, Chính phủ ra Quyết định số 380/QĐ-TTg về Chính sách thí điểm chi trả DVMTR. Nội dung chủ yếu của Quyết định này là quy định nghĩa vụ của những tổ chức và cá nhân sử dụng DVMTR phải chi trả giá trị dịch vụ đó cho các chủ rừng.

Kết quả bước đầu cho thấy chính sách này đã đi vào cuộc sống tại hai tỉnh thí điểm là Sơn La và Lâm Đồng, được các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ và người dân tham gia bảo vệ rừng với tư cách là người cung ứng dịch vụ chấp nhận, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã được nâng lên rõ rệt, rừng đã được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm pháp luật về rừng đã giảm đáng kể.

Người dân địa phương hai tỉnh thí điểm đón nhận chính sách mới này với lòng nhiệt tình và mong muốn Chính phủ sớm ban hành chính sách

chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng trong phạm vi toàn quốc.

Ngày 24/9/2010, Chính phủ đã ra ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ- CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để áp dụng trong phạm vi cả nước. Chính sách này không chỉ mở rộng về địa bàn áp dụng mà còn tăng thêm số loại dịch vụ môi trường gồm: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất;

hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch. Sau khi triển khai, chính sách chi trả DVMTR đã mang đến nguồn tài chính mới ngoài ngân sách ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng [2].

Mặc dù được xã hội hưởng ứng tích cực nhưng vẫn còn nhiều tranh luận về các yếu tố kỹ thuật của Chính sách chi trả DVMTR, trong đó có khung giá trị dịch vụ môi trường rừng, mức chi trả và mức chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hệ số hiệu chỉnh, diện tích rừng và số lượng các đối tượng chi trả và được chi trả dịch vụ môi trường rừng v.v... Nghị định 147/2016/NĐ-CP “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng”

ngày 02 tháng 11 năm 2016 được chính phủ ban hành nhằm khắc phục các hạn chế về DVMTR, cụ thể là điều chỉnh tăng tiền chi trả của cơ sở sản xuất nước sạch và các nhà máy thuỷ điện theo mét khối nước và kWh, các mức chi trả vượt quá ngân sách nhà nước để giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh điều tiết, quy định chi phí quản lý và vận hành quỹ, chi trả cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng [3]. Việc điều chỉnh này giúp hoàn thiện các bất cập và hạn chế của Nghị định 99, thống nhất hệ thống pháp luật, mang lại tác động tích cực đến các bên được trả và chi trả DVMTR. Luật

lâm nghiệp số 16/2017/QH14 quy định riêng “Mục 4: Dịch vụ môi trường rừng” đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 15 tháng 11 năm 2017.

Chính sách chi trả DVMTR được triển khai trên cả nước từ năm 2011, đã thu được nhiều thành quả to lớn, góp phần quản lý, bảo vệ hơn 5,875 triệu ha rừng, thúc đẩy xã hội hóa nghề rừng, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước.

Tổng nguồn thu DVMTR đến hết năm 2016 là 6.510,6 tỷ từ 3 nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ. Trong đó, phần lớn nguồn thu là từ các cơ sở sản xuất thủy điện (97.04%), nguồn thu từ cơ sở sản xuất nước sách chiếm 2.73%, nguồn thu từ du lịch chiếm 0.23% (Phạm Hồng Lượng, 2017) [12].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả giữ nước của rừng phục vụ chi trả dịch vụ môi trường đối với hồ thủy điện ở việt nam (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w