Phương pháp sử dụng bài tập là một trong những phương pháp được sử dụng rộng rãi và đạt hiệu quả cao trong việc rèn luyện tư duy cho HS, giúp HS khắc sâu kiến thức. Trong dạy học Hóa học cũng như trong giảng dạy các môn học khác, ta có thể đánh giá GV đó có thành công hay không thông qua cách GV đó sử dụng bài tập có phù hợp với HS hay không. Mặt khác, ta cũng có thể đánh giá năng lực của HS thông qua cách HS giải quyết bài tập. Có thể nói, quá trình học tập là một quá trình giải một hệ thống bài tập đa dạng. Thực tế giảng dạy cho thấy, một bài giảng, một giờ lên lớp có hiệu quả, có đạt được các yêu cầu sư phạm nhằm nâng cao kết quả học tập của HS hay không phụ thuộc rất lớn vào hệ thống bài tập (bao gồm cả câu hỏi, bài toán, bài tập nhận thức …) có hệ thống, có khoa học, có biên soạn được tốt không.
1.4.1. Khái niệm
Theo nghĩa chung nhất, thuật ngữ “bài tập” dùng để chỉ một loạt hoạt động nhằm rèn luyện thể chất và tinh thần (trí tuệ).
Trong giáo dục, theo “Từ điển Tiếng Việt” do GS. Hoàng Phê chủ biên, thuật ngữ “bài tập” có nghĩa là “bài ra cho học sinh làm để vận dụng những điều đã học”.
Theo Thái Duy Tuyên “bài tập là một hệ thông tin xác định bao gồm những điều kiện và những yêu cầu được đưa ra trong quá trình dạy học, đòi hỏi người học một lời giải đáp, mà lời giải đáp này về toàn bộ hoặc từng phần không ở trạng thái có sẵn của người giải tại thời điểm mà bài tập được đặt ra”.
Về mặt lí luận dạy học Hóa học, bài tập bao gồm cả câu hỏi và bài toán mà khi hoàn thành chúng HS nắm được hay hoàn thiện một tri thức hay một kĩ năng nào đó, bằng cách trả lời miệng hay trả lời viết kèm theo thực nghiệm. Ở nước ta, sách giáo khoa và sách tham khảo hay các sách điện tử…, thuật ngữ “bài tập” được dùng theo quan niệm này. Câu hỏi – đó là những bài làm mà khi hoàn thành chúng, HS phải tiến hành một loạt hoạt động tái hiện. Hình thức sử dụng các câu hỏi đó có thể là bằng lời, bằng các phiếu học tập hay bằng máy chiếu. Nội dung câu hỏi có thể về kiến thức cơ bản, hoặc để rèn luyện kĩ năng hay về thực hành thí nghiệm. Trong các câu hỏi, GV thường yêu cầu HS phải nhớ lại nội dung các định luật, các quy tắc, định nghĩa, các khái niệm, trình bày lại một mục trong sách giáo khoa hoặc các câu hỏi mang tính chất gợi ý, nêu vấn đề câu hỏi còn mang tính chất củng cố nhằm khắc sâu kiến thức cho HS. Bài toán – đó là những bài làm mà khi hoàn thành chúng, HS phải tiến hành một loạt hoạt động sáng tạo. Hình thức sử dụng của bài toán thường được viết lên bảng hoặc được in thành các tài liệu. Thông thường, bài toán được phân thành hai loại chính, đó là bài toán định lượng và bài toán định tính.
Mục đích chính của việc sử dụng câu hỏi và bài toán mà một GV cần đạt tới đó là giúp HS nắm vững hay hoàn thiện một tri thức hoặc một kĩ năng.
Tóm lại, bài tập hóa học được xem như là một phương tiện dạy học then chốt trong quá trình dạy học Hóa học, dùng bài tập trong quá trình hình thành kiến thức, khai thác kiến thức, phát triển tư duy, hình thành kĩ năng, kĩ xảo cho người học và kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập… Như vậy, có thể xem bài tập là một “vũ
khí” sắc bén cho GV, HS trong quá trình dạy học và sử dụng bài tập là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, và nâng cao kết quả học tập cho HS.
1.4.2. Tác dụng của bài tập hóa học trong dạy và học Hóa học[29]
BTHH là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để dạy HS tập vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, sản xuất và tập nghiên cứu khoa học, biến những kiến thức đã tiếp thu được qua bài giảng thành kiến thức của chính mình. Vì chỉ có vận dụng kiến thức vào giải bài tập, HS mới nắm vững kiến thức một cách sâu sắc. Kiến thức sẽ nhớ lâu khi được vận dụng thường xuyên, như M.A.
Đanilôp nhận định: "Kiến thức sẽ được nắm vững thực sự, nếu HS có thể vận dụng thành thạo chúng vào việc hoàn thành những bài tập lý thuyết và thực hành".
BTHH là phương tiện để ôn tập, củng cố, hệ thống hóa kiến thức một cách tốt nhất, đồng thời giúp HS đào sâu, mở rộng kiến thức đã học một cách sinh động, phong phú. Bài tập hóa học còn làm chính xác hóa các khái niệm, định luật đã học.
BTHH giúp phát triển tư duy, rèn luyện trí thông minh cho HS: một số vấn đề lý thuyết cần phải đào sâu mới hiểu được trọn vẹn, một số bài toán có tính chất đặc biệt, ngoài cách giải thông thường còn có cách giải độc đáo nếu HS có tầm nhìn sắc bén. Khi GV yêu cầu HS giải bằng nhiều cách và tìm ra cách giải ngắn nhất, đó là một phương pháp rèn luyện trí thông minh cho HS.
BTHH phát huy tính tích cực, tự lực của HS và hình thành phương pháp học tập hợp lý.
BTHH còn được sử dụng như một phương tiện để nghiên cứu tài liệu mới (hình thành khái niệm, định luật), khi trang bị kiến thức mới, giúp HS tích cực, chủ động, lĩnh hội kiến thức một cách sâu sắc và bền vững.
BTHH là phương tiện để kiểm tra đánh giá kiến thức, kĩ năng của HS một cách chính xác.
BTHH có tác dụng giáo dục đạo đức, tác phong như rèn tính kiên nhẫn, trung thực, chính xác, khoa học và sáng tạo, phong cách làm việc khoa học (có tổ chức, có kế hoạch,…), nâng cao hứng thú học tập.
Trên đây là một số tác dụng của BTHH, nhưng cần phải khẳng định rằng:
Bản thân BTHH chưa có tác dụng gì cả. Không phải một BTHH hay thì luôn có tác dụng tích cực! Vấn đề phụ thuộc chủ yếu là người sử dụng, phải biết trao đúng đối tượng, phải biết cách khai thác triệt để mọi khía cạnh có thể có của bài tập, để HS tự tìm ra lời giải. Lúc đó BTHH mới thực sự có ý nghĩa, không phải chỉ dạy học để giải bài tập, mà là dạy học bằng giải bài tập.
Trong thực tế dạy học hiện nay, nhiều GV chưa nắm được vị trí của BTHH trong quá trình dạy học. Họ thường sử dụng bài tập vào đầu giờ để kiểm tra bài cũ hoặc cuối giờ học, cuối chương, cuối học kì để ôn tập và kiểm tra kiến thức. Quan niệm đó chưa thật đúng, làm giảm tác dụng của bài tập khi dạy học. GV có thể sử dụng bài tập ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào khi thấy nó có thể giúp mình thỏa mãn nhiệm vụ dạy học và mục đích dạy học. Ngược lại, GV hoàn toàn có thể không sử dụng bài tập khi điều đó không cần thiết cho công việc giảng dạy của mình. Bài tập hóa học không phải là nội dung nhưng nó chứa đựng nội dung dạy học. Bài tập phải phù hợp với nội dung dạy học, với năng lực nhận thức của HS và phải phục vụ được ý đồ của GV. Khi ra một bài tập phải xác định đúng vị trí của nó để bài tập trở thành một bộ phận hữu cơ của hệ thống kiến thức cần truyền thụ.
1.4.3. Xu hướng phát triển bài tập hóa học[18]
Trên cơ sở của định hướng xây dựng chương trình hóa học phổ thông thì xu hướng phát triển chung của BTHH trong giai đoạn hiện nay là hướng đến rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức, phát triển khả năng tư duy hóa học cho HS ở các mặt lý thuyết, thực hành và ứng dụng. Những yêu cầu cơ bản đó là:
- Loại bỏ những bài tập nghèo nàn về kiến thức hóa học, nặng về dùng thuật toán. Nội dung bài tập phải ngắn gọn, súc tích, không quá nặng về tính toán mà tập trung vào rèn luyện và phát triển các năng lực nhận thức, tư duy hóa học và hành động cho HS.
- Nội dung hóa học phải thiết thực. Loại bỏ những bài tập có nội dung lắt léo, giả định rắc rối, phức tạp, xa rời hoặc phi thực tiễn hoá học.
- BTHH cần chú ý đến việc mở rộng kiến thức hóa học và các ứng dụng của hóa học trong thực tiễn. Ta cần khai thác các nội dung về vai trò của hóa học với
các vấn đề kinh tế, xã hội môi trường và các hiện tượng tự nhiên làm cho BTHH thêm đa dạng, kích thích được sự đam mê, hứng thú học tập.
- Tăng cường sử dụng bài tập thực nghiệm, thí nghiệm hóa học trong học tập.
Nội dung kiến thức phải gắn với thực hành, thí nghiệm hóa học.
- Cần sử dụng bài tập trắc nghiệm khách quan, chuyển hóa một số dạng bài tập tự luận, tính toán định lượng sang dạng trắc nghiệm khách quan.
- Xây dựng bài tập mới để rèn luyện cho học sinh năng lực phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề có liên quan đến hoá học và sự vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
- Đa dạng hoá các loại hình bài tập như: Bài tập bằng hình vẽ, bài tập vẽ đồ thị, sơ đồ, lắp dụng cụ thí nghiệm…
- Xây dựng và tăng cường sử dụng bài tập thực nghiệm định lượng trên quan điểm không phức tạp hóa bởi các thuật toán mà chú trọng đến nội dung hóa học và các phép tính được sử dụng nhiều trong tính toán hóa học.
1.4.4. Quan hệ giữa bài tập hóa học với việc phát triển năng lực tư duy sáng tạo Trong dạy học hóa học, một trong những hoạt động làm phát triển tư duy cho học sinh là hoạt động giải bài tập. Vì vậy, người GV cần phải tạo điều kiện để thông qua hoạt động này các năng lực độc lập sáng tạo được phát triển, HS có những phẩm chất tư duy mới, thể hiện ở :
- Năng lực phát hiện vấn đề mới.
- Tìm ra hướng giải quyết mới.
- Thu được kết quả học tập mới.
Để có được những kết quả trên người GV cần ý thức được mục đích giải bài tập hóa học, không chỉ tìm ra đáp số đúng mà còn là phương tiện hiệu quả để rèn luyện tư duy hóa học cho HS. Bài tập hóa học phải phong phú và đa dạng, để giải bài tập hóa học cần phải vận dụng nhiều kiến thức cơ bản sử dụng các thao tác tư duy so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa…qua đó HS thường xuyên được rèn luyện ý thức tự giác học tập, nâng cao khả năng hiểu biết của bản thân.
Thông qua hoạt động giải bài tập sẽ giúp cho tư duy của HS được rèn luyện và phát triển thường xuyên, đúng hướng, thấy được giá trị lao động, nâng cao khả năng hiểu biết thế giới của bản thân. Từ đó góp phần hình thành nhân cách toàn diện cho mình.