CHƯƠNG 4: PHÂN TÍCH KHẢ NĂNG THANH KHOẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN SÀI GÒN THƯƠNG TÍN
4.3 Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín
4.3.1 Mô hình nghiên cứu và giả thuyết
Vodova (2011) đã nghiên cứu một cách đầy đủ các yếu tố nội tại ngân hàng và vĩ mô trong nền kinh tế để xem xét sự tác động lên khả năng thanh khoản của các NHTM tại Cộng hòa Séc. Bài nghiên cứu dựa vào mô hình nghiên cứu của Vodova (2011) đồng thời thu thập ữ liệu trên các báo cáo tài chính Sacombank trong thời gian từ 2008 - 2018 cùng các số liệu vĩ mô trong tình hình chính trị kinh tế xã hội Việt Nam trong cùng thời gian 2008 - 2018 để nghiên cứu sự tác động của các yếu tố lên khả năng thanh khoản tại Sacombank để từ đó nêu ra các giải pháp nhằm nâng cao khả năng thanh khoản tại Sacombank.
4.3.1.1 Mô hình nghiên cứu
Kế thừa nghiên cứu của Vodova (2011), mô hình nghiên cứu được viết dưới dạng như sau:
(1) (2) (3) (4) Trong đó: L1 và L2 đại diện cho khả năng thanh khoản tốt; L3, L4 đại diện cho khả năng thanh khoản kém.
CAP: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản NPL: Tỷ lệ nợ xấu
ROE: Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu
IRM: Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động ngắn hạn GDP: Tốc độ tăng trưởng kinh tế
INF: Tỷ lệ lạm phát α: hằng số
β’: hệ số này thể hiện mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập lên biến phụ thuộc.
εt: sai số
4.3.1.2 Giả thuyết nghiên cứu - Biến phụ thuộc:
+ Tỷ số trạng thái tiền mặt (L1): Được đo lường bằng tỷ lệ tài sản thanh khoản trên tổng tài sản. Tỷ số này cao cho thấy khả năng đáp ứng thanh khoản rất tốt. Tài sản thanh khoản bao gồm: Tiền mặt, vàng bạc, đá quý; tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước; tiền, vàng gửi tại các TCTD khác và cho vay các TCTD khác trên báo cáo tài chính.
+ Tỷ số cơ cấu tiền gửi (L2): Được đo lường bằng tỷ lệ tài sản thanh khoản trên tiền gửi của khách hàng. Tỷ số này càng cao cho biết khả năng thanh khoản càng tốt, đồng thời cho biết độ nhạy cảm khi lựa chọn nguồn cung thanh khoản.
Nếu tỷ số L2 lớn hơn hoặc bằng 100%, cho thấy ngân hàng đáp ứng đầy đủ để trang trải chi phí vốn, thanh khoản càng cao, nếu L2 nhỏ hơn 100%, cho thấy ngân hàng nhạy cảm với việc rút tiền của khách hàng, gặp khó khăn khi vấn đề thanh khoản xảy ra khi đó thanh khoản kém. Tiền gửi của khách hàng là giá trị mục tiền gửi của khách hàng trên báo cáo tài chính.
+ Tỷ số năng lực cho vay (L3): Được đo lường bằng tổng dư nợ trên tổng tài sản, tỷ số này thể hiện bao nhiêu phần trăm tài sản sử dụng để đáp ứng các khoản tín dụng. Tỷ số này càng cao, khả năng thanh khoản càng thấp. Tổng dư nợ là giá trị của mục cho vay khách hàng trên báo cáo tài chính.
+ Tỷ số tổng dư nợ trên tiền gửi của khách hàng (L4): Được đo lường bằng tổng dư nợ trên tiền gửi của khách hàng, tỷ số này cho thấy các khoản cho vay chiếm bao nhiêu phần trăm trong tiền gửi của khách hàng. Tỷ số này càng cao, khả năng thanh khoản càng thấp.
Biến độc lập:
+ Vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (CAP): Được đo lường bằng vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của ngân hàng. Nghiên cứu kỳ vọng biến CAP có tác động cùng chiều với các chỉ số thanh khoản nghĩa là khi CAP càng lớn, khả năng thanh khoản càng cao.
Giả thuyết H1: CAP tỷ lệ thuận với tỷ số L1, L2 và tỷ lệ nghịch với tỷ số L3,
L4.
+ Tỷ lệ nợ xấu (NPL): Được đo lường là tổng dư nợ nhóm 3,4,5 chia tổng dư nợ. Kỳ vọng NPL tác động ngược chiều với các chỉ số thanh khoản, khi một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thì khả năng ngân hàng đối mặt với rủi ro thanh khoản càng lớn.
Giả thuyết H2: NPL tỷ lệ nghịch với tỷ số L1, L2 và tỷ lệ thuận với tỷ số L3, L4.
+ Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE): Được đo lường bằng lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu. Nghiên cứu kỳ vọng ROE tỷ lệ nghịch với khả năng thanh khoản nghĩa là khi lợi nhuận cao, khi đó rủi ro càng cao trong đó có rủi ro thanh khoản, vì vậy khả năng thanh khoản sẽ kém.
Giả thuyết H3: ROE tỷ lệ nghịch với tỷ số L1, L2 và tỷ lệ thuận với tỷ số L3, L4.
+ Chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động ngắn hạn (IRM): Được đo lường bằng trung bình lãi suất cho vay ngắn hạn trừ đi trung bình lãi suất huy động ngắn hạn. Nghiên cứu kỳ vọng IRM tỷ lệ nghịch với khả năng thanh khoản, khi khoảng chênh lệch lãi suất càng lớn, lợi nhuận ngân hàng càng cao khi đó ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro thanh khoản.
Giả thuyết H4: IRM tỷ lệ nghịch với tỷ số L1, L2 và tỷ lệ thuận với tỷ số L3, L4.
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP): Được lấy từ số liệu vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu kỳ vọng GDP tỷ lệ nghịch với khả năng thanh khoản nghĩa là khi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao có nghĩa là nền kinh tế đang phát triển, khi đó ngân hàng sẽ tập trung đầu tư phát triển để đạt lợi nhuận cao, tài sản mà ngân hàng đang nắm giữ có suất sinh lợi cao nhưng tính thanh khoản thấp, ngân hàng không thể chuyển đổi các tài sản thành tiền mặt để đáp ứng vấn đề thanh khoản kịp thời được, do vậy khả năng thanh khoản của ngân hàng thấp.
Giả thuyết H5: GDP tỷ lệ nghịch với tỷ số L1, L2 và tỷ lệ thuận với tỷ số L3, L4.
+ Tỷ lệ lạm phát (INF): Được xác định là chỉ số giá tiêu dùng CPI hàng năm.
Kỳ vọng biến INF tỷ lệ thuận với các tỷ số thanh khoản, khi tỷ lệ lạm phát tăng, ngân hàng khó khăn trong việc cho vay, ngân hàng cho vay ít hơn, phân bổ nguồn lực kém hiệu quả hơn mà chủ yếu tập trung đầu tư tài sản có tính thanh khoản cao hơn.
Giả thuyết H6: INF tỷ lệ thuận với tỷ số L1, L2 và tỷ lệ nghịch với tỷ sổ L3, L4.