THỰC HÀNH ĐIÊU KHẮC RĂNG BẰNG THẠCH CAO

Một phần của tài liệu Kỹ thuật trồng răng DLT 002 giai phau rang 10 11 (1) (Trang 75 - 102)

Mục tiêu:

1. Chuẩn bị được khối hộp chữ nhật đúng yêu cầu về kích thước, các mặt, các cạnh, góc.

2. Điêu khắc được các răng đúng tỷ lệ kích thước, đúng quy định, đúng hình dáng và các chi tiết giải phẫu của từng răng.

3. Điêu khắc răng đúng và đẹp theo phương pháp gọt bớt.

_______________________________________________________________

1.Giới thiệu

Điêu khắc răng thạch cao là một phần quan trọng về kỹ năng trong thực tập giải phẫu răng. Kỹ năng này giúp sinh viên cụ thể hoá những chi tiết đã được học trong giờ lý thuyết hoặc đã được vẽ trong thực hành. Khi đã tự tay điêu khắc một răng, sinh viên sẽ ghi nhớ rất lâu hình ảnh đại thể và những chi tiết giải phẫu của răng, sẽ phân biệt và định danh chính xác răng đó trong labo cũng như trên lâm sàng. Đây cũng là một kỹ năng cơ bản làm nền tảng cho sinh viên học tập và thực tập những môn nha khoa khác, đặc biệt là chữa răng và phục hình răng.

Thông qua việc điêu khắc răng, học sinh rèn luyện được tính tỉ mỉ, chính xác, kiên trì và thái độ khoa học, đó là những đức tính và thái độ cần thiết cho việc học tập cũng như hành nghề RHM trong tương lai. Điêu khắc răng bằng thạch cao trong thực hành giải phẫu răng sử dụng phương pháp gọt bớt. Từ khối chữ nhật có kích thước tương ứng đã được chuẩn bị trước, răng sẽ được điêu khắc lần lượt để tạo hình các mặt ngoài (hay trong) và mặt gần (hay xa), sau đó được điêu khắc tỉ mỉ để thành từng răng có đặc điểm giải phẫu đặc trưng.

Cần lưu ý là muốn điêu khắc một răng chính xác và đẹp, phải hoàn thành thật tốt từng giai đoạn một, không được làm sang giai đoạn kế tiếp khi chưa hoàn thành xong giai đoạn trước vì những sai sót trong giai đoạn trước rất khó hoặc không thể bù đắp hay sửa chữa khi đã sang giai đoạn sau. Răng thạch cao điêu khắc thường được quy định có kích thước gấp đôi so với răng thật. Kích thước này đủ lớn để có thể thực hiện những chi tiết giải phẫu tỉ mỉ, giúp sinh viên dễ hình dung các chi tiết điển hình của răng mà không làm gãy vỡ thạch cao.

2.Tạo khối hộp chữ nhật:

2.1. Mở đầu:

Chuẩn bị khối hộp chữ nhật bằng thạch cao đúng yêu cầu là giai đoạn đầu của việc điêu khắc tất cả các răng theo phương pháp gọt bớt. Khối hộp chữ nhật sau khi hoàn thành có kích thước tương ứng với chiều cao toàn bộ của răng, chiều ngoài trong và chiều gần xa tối đa của răng sẽ điêu khắc. Khối chữ nhật cần thoả mãn những yêu cầu sau: Đúng kích thước, các góc vuông, các cạnh thẳng, các mặt phẳng và nhẵn.

2.2. Các bước thực hiện:

2.2.1 Dụng cụ - Vật liệu:

Bút chì, thước kẻ, eke, bay và chén trộn thạch cao, dao điêu khắc thạch cao, giấy bìa cứng hoặc tấm phim X quang, giấy nhám mịn số 400-800, bát trộn thạch cao, tấm trải nilon 40 x 50 cm (để giữ sạch nơi làm việc).

2.2.2 Tạo khuôn để đổ khối thạch cao:

Khuôn đổ thạch cao được làm bằng giấy bìa cứng hay tấm phim X quang, có kích thước lớn hơn kích thước của răng tương ứng khoảng 5 mm.

Ví dụ: Để được hình khối chữ nhật 50 x 20 x 20 mm

Cắt theo đường chấm chấm, gập khuôn và cố định lại để có được một hộp chữ nhật.

Trộn thạch cao và đổ mẫu khối hộp muốn đạt được các tính chất tối ưu về độ bền, độ giãn nở và thời gian đông thích hợp cho hỗn hợp bột thạch cao và nước, cần tuân thủ những yêu cầu về tỷ lệ nước và bột thạch cao.

Thông thường các nhà sản xuất đề nghị đong nước theo dung tích (ml) và bột bằng khối lượng (g). Thực tế, người sử dụng ít khi đo lường tỷ lệ nước và bột chính xác mà thêm từ từ bột

thạch cao vào nước cho đến khi có được độ đặc cần thiết nhất định.

Đong một lượng nước có thể tích bằng 2/3 khối thạch cao, đổ vào chén trộn. Dùng bay trộn khô đưa dần dần bột thạch cao vào nước trong khoảng thời gian 30 giây đến 90 giây, bằng động tác gõ nhẹ vào bay sao cho thạch cao thấm đều nước đến khi thấy một lượng thạch cao không ngấm nước trên bề mặt, vừa rắc thạch cao vừa rung chén. Kỹ thuật này cho phép những bọt khí bị lẫn vào trong bột có thể thoát ra ngoài và thạch cao có thể ngấm nước tốt hơn. Trộn thạch cao và nước bằng một bay trộn kim loại, tốc độ trộn khoảng hai vòng mỗi giây và trộn trong khoảng 30 giây đến một phút.

Lưu ý cần trộn thạch cao đủ mức vì các tính chất cơ học và thời gian đông của thạch cao bị ảnh hưởng bởi sự trộn. Cần trộn thạch cao theo một chiều nhất định để tránh trộn lẫn thêm các bọt khí vào trong lòng khối hỗn hợp.

Sau khi trộn, sử dụng máy rung để làm thoát các bọt khí hình thành trong quá trình trộn. Máy rung còn được sử dụng trong quá trình đưa thạch vào khuôn vì nó giúp thạch cao lan chảy vào các chi tiết cũng như loại thêm các bọt khí còn sót (trong thực tế, nếu không có máy rung có thể thay thế bằng động tác gõ chén cao su và khuôn lên bàn). Thạch cao đã trộn được đưa từng lượng nhỏ vào khuôn bằng bay trộn, sử dụng máy rung hay gõ khuôn lên bàn để hỗn hợp lan chảy đều. Cần lưu ý để hỗn hợp lan chảy theo chiều ngang để tránh tạo bọt khí trong lòng khối vật liệu. Sau khi khuôn được đổ đầy thạch cao, cần giữ yên trong khoảng 30 đến 45 phút tùy trường hợp cụ thể để vật liệu đông đặc hoàn toàn, gỡ khuôn quá sớm có thể làm gãy vỡ những chi tiết. Một dấu hiệu cho thấy thạch cao bắt đầu đông là khối vật liệu nóng lên do phản ứng toả nhiệt của thạch cao. Chỉ nên gỡ khuôn khi khối thạch cao đã nguội trở lại.

2.2.3 Điêu khắc khối hộp chữ nhật:

Khối hộp chữ nhật được điêu khắc bằng phương pháp gọt bớt bằng dao gọt (dao điêu khắc) thạch cao. Sau khi gỡ khối thạch cao ra khỏi khuôn, chọn một mặt phẳng nhẵn nhất làm mặt chuẩn, thường là mặt phẳng tương ứng với đáy khuôn.

Dùng dao điêu khắc loại bỏ hết những vùng lồi cho đến khi mặt này thật phẳng, kiểm tra độ phẳng bằng cách dùng cạnh của thước dẹp rà khắp bề mặt cho đến khi không còn khe sáng lọt qua giữa thước và bề mặt.

Sau đó, tiếp tục gọt mặt phẳng kế tiếp để tạo thành với mặt phẳng chuẩn một góc nhị diện vuông.

Gọt tiếp mặt phẳng còn lại kế với mặt phẳng chuẩn. Lúc này cần lưu ý kích thước của khối thạch cao.

Kiểm tra góc vuông giữa các mặt: bằng cách sử dụng thước, một cạnh của góc vuông áp vào mặt đứng của khối thạch cao, cạnh còn lại áp vào mặt bàn, cũng là mặt chứa mặt chuẩn thứ nhất của khối thạch cao, di chuyển thước dọc theo suốt mặt cần kiểm tra và ghi nhận các vùng cần gọt bớt.

Từ ba mặt, xác định kích thước chính xác của khối chữ nhật (cũng là kích thước tương ứng của răng sẽ điêu khắc, đã được đề cập ở trên), lần lượt hoàn tất từng mặt, kể cả hai đáy của khối hộp chữ nhật cho đến khi đạt được yêu cầu cần thiết đối với khối này.

Sau khi kiểm tra về kích thước, các góc vuông và độ phẳng của các mặt, khối chữ nhật được hoàn tất bằng cách làm nhẵn và đánh bóng bằng giấy nhám mịn và bột trực. Một số điểm cần chú ý về kỹ thuật:

Thời gian từ lúc đưa thạch cao vào khuôn cho đến khi hoàn tất cần hạn chế, không nên quá 2 phút. Thạch cao dư trong chén trộn phải được vét sạch và chờ thạch cao đông cứng, lấy bỏ thạch cao trong chén mới được rửa, chén trộn dưới vòi nước (đế tránh làm tắc ống thoát nước).

2.2.4 Thạch cao đông cứng qua hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ lúc trộn đến khi tỏa nhiệt khoảng 15 phút, có thể lấy khuôn ra.

Giai đoạn 2: Từ lúc tỏa nhiệt đến khi nguội hẳn khoảng 30 phút (khối thạch cao đông cứng hoàn toàn và hết nóng).

Có thể lấy khối thạch cao ra khỏi khuôn sau khi khối thạch cao còn nóng (sau khoảng 15 phút) nhưng tốt nhất là sau khi khối thạch cao nguội hẳn. Sử dụng dao điêu khắc: Cầm dao điêu khắc giống như cầm các loại dao thông thường, cần có điểm tựa bằng ngón cái hay ngón trỏ giúp kiểm soát được lực nhấn và hướng dao. Chú ý lưỡi tác dụng là đường thẳng, hướng dao nghiêng 45˚ (hay 135˚) so với mặt phẳng cần điêu khắc. Động tác kẻo hoặc nạy để lấy bỏ dần từng lớp mỏng thạch cao (tránh động tác xắn mạnh) và cần thực hiện đều tay.

Chú ý tại các góc tam diện, xoay dao điêu khắc một cách cẩn thận để bảo toàn các góc này. Trong quá trình điêu khắc, luôn kiểm tra theo đúng những mục tiêu đã đề ra (đúng kích thước, góc vuông, cạnh thẳng, bề mặt phẳng). Đánh bóng khối chữ nhật bằng giấy nhám mịn số 400-800 trên một nền phẳng, cứng với động tác xoay nhẹ nhàng, chú ý giữ đúng kích thước định trước.

3.Điêu khắc răng thạch cao:

3.1. Mở đầu:

Để điêu khắc một răng thạch cao, cần chuẩn bị khối hộp chữ nhật có kích thước phù hợp với răng cần điêu khắc. Ngoài các dụng cụ đã được đề cập trong chuẩn bị khối chữ nhật, một số dụng cụ thường được sử dụng như: Dao điêu khắc thạch cao, dao sáp số 3 và số 7 để điêu khắc những chi tiết nhỏ.

Các bước thực hiện:

Các răng nói chung sẽ được điêu khắc qua một số bước tổng quát giống nhau, lấy ví dụ trên răng cửa giữa trên phải, gồm các bước cơ bản như sau:

Trên khối chữ nhật đã được chuẩn bị, xác định các mặt ngoài, trong, gần, xa và phía chức năng cũng như phía chóp của răng tương lai (hình 6-8b (l)).Vẽ nét răng khi nhìn từ phía ngoài trên mặt của khối chữ nhật được xác định là mặt ngoài của răng (hình 6-8b (2), (3)). Đánh dấu những điểm lồi tối đa gần và xa của răng khi nhìn từ phía ngoài vào các mặt của khối chữ nhật được xác định là mặt gần và mặt xa của răng tương lai (hình 6-8b (3)).

Lần lượt điêu khắc bằng cách gọt bớt mặt gần và mặt xa theo đường viền mặt ngoài đã được vẽ. Lưu ý không được gọt những vùng đánh dấu (vùng này có chứa điểm lồi tối đa gần và xa) để đảm bảo kích thước gần xa của răng. Đối với các răng có mặt nhai hoặc có nhiều chân, thường không tách chân và cũng không cố gắng tạo hình mặt nhai trong giai đoạn này (hình 6-8b (4), (5)). Sau khi gọt mặt gần và mặt xa, kiểm tra các góc nhị diện tạo giữa các mặt ngoài, trong với các mặt bên có vuông không bằng cách dùng thước áp một cạnh vào các mặt bên và cạnh còn lại áp sát bàn cũng là mặt phẳng chứa mặt đối diện với mặt ngoài (mặt trong), gọt bớt những phần còn dư. Giữa phần chân răng và thân răng của mặt gần cũng như mặt xa có ranh giới lúc này là ít đường thẳng. Kết thúc giai đoạn này, hai phía của khối chữ nhật sẽ có từ dạng của đường viền răng khi nhìn từ phía ngoài hoặc phía trong. Vẽ nét mặt gần trên mặt sẽ là mặt gần của răng tương lai, (lúc này là ít mặt phẳng uốn lượn do đã được gọt theo đường viền răng khi nhìn từ phía ngoài). Đánh dấu các vùng chứa điểm lồi tối đa ngoài và trong lên mặt ngoài mặt trong (hình 6-8b (6), (7)). Gọt các mặt ngoài và trong theo đường vẽ nét mặt bên gần (không được gọt đến những vùng chứa điểm lồi tối đa ngoài và trong). Ranh giới giữa chân răng và thân răng ở mặt ngoài và trong cũng là những đường thẳng hình 6-8b(8), (9). Thường giai đoạn tách chân ở các răng nhiều chân được thực hiện đồng li (đối với răng cối nhỏ 1 trên, răng cối lớn trên) hay sau giai đoạn này (đối với

răng cối lớn dưới). Đối với các răng trước, rìa cắn hay đỉnh múi răng nanh thường được chừa lại độ dày từ 3-4mm, đối với các răng sau cũng chưa tạo mặt nhai ở giai đoạn này.

Sau khi hoàn tất giai đoạn trên, chúng ta có một khối thạch cao có hình vuông. Khối này được gọi là khối răng vuông (khối blocking out). Trên khối này, điểm lồi tối đa của mặt cũng như đường ranh giới giữa thân răng và chân răng (đường cổ răng) là những đường thẳng, thiết diện cắt ngang có hình tứ giác (hình 6-8b(9)).

Từ khối này, các răng sẽ được điêu khắc tỉ mỉ theo phương pháp thích cho từng răng để tạo sự liên tục cho đường cổ răng cũng như tạo hình dáng chính xác đặc trưng của từng răng. Nhìn chung, gồm các việc như sau:

- Đánh dấu vị trí của điểm lồi tối đa ngoài, trong, gần và xa trên bốn mặt tương ứng của răng. Tôn trọng các vùng lồi tối đa này trong quá trình điêu khắc tiếp theo.

- Làm tròn các cạnh nhị diện của khối thạch cao (thân răng và chân răng) có được dạng tổng quát đúng đường viền răng khi nhìn từ phía cắn (hay rìa nhai) và đúng thiết diện thân răng và chân răng. Đối chiếu với hình vẽ và răng mẫu để điêu khắc cho đúng hình dáng và chi tiết của răng, chú ý các chi tiết ở thân răng (bao gồm mặt nhai) và chân răng. Điêu khắc đường cổ răng liên tục từ mặt ngoài hay trong qua mặt bên. Điêu khắc các chi tiết giải phẫu trên từng mặt răng, sử dụng dao sáp số 3 hoặc số 7. Kiểm tra lại các các kích thước. Hoàn tất các chi tiết giải phẫu và đánh bóng.

Trong phần hình minh hoạ, các chú thích hướng dẫn từng bước để điêu khắc răng sẽ được kèm theo trong một số răng điển hình sau:

Cho các răng trước: Răng cửa giữa trên phải (hình 6-8b).

Cho các răng cối nhỏ: Răng cối nhỏ 1 trên phải (hình 6- 13b).

Cho các răng cối lớn: Răng cối lớn 1 trên phải (hình 6-13b), răng cối lớn 1dưới phải hình 6-20b. Hình 6-8b đến 6-20b: Các bước điêu khắc răng thạch cao của 14 răng vĩnh viễn:

7 răng thuộc nửa cung hàm trên và 7 răng thuộc nửa cung hàm dưới bên phải (không điêu khắc các răng khôn).

Trong thực hành giải phẫu răng, điêu khắc răng là một loại thực hành nhiều tính đặc trưng của nghề nghiệp, vừa để học tập được tốt hình thái học răng, vừa có tác dụng rất lớn đối với việc giáo dục các đức tính cần thiết của một kỹ thuật viên, điều dưỡng viên nha khoa sau này. Điêu khắc được răng đúng, đẹp cũng giúp người học hiểu biết thêm đặc trưng nghề nghiệp, bước đầu xây dựng lòng yêu nghề cho sinh viên.

1. Điêu khắc thạch cao hình khối chữ nhật hoặc hình trụ tương ứng với kích thước răng.

2. Định hướng răng theo năm phía: Ngoài (N), trong (T), gần (G), xa (X) và cắn trên khối thạch cao chữ nhật. Trên mặt ngoài, đánh dấu chiều cao thân răng và kích thước gần xa cổ răng.

3. Trên mặt ngoài của khối thạch cao, vẽ đường viền ngoài (vẽ nét) theo giải phẫu mô tả răng vĩnh viễn (Phần thứ ba/nhóm răng cửa (răng cửa trên) và hình mẫu của răng (hình 6- l), xác định đúng vị trí của các điểm lồi tối đa gần và xa, vẽ đường cổ răng mặt ngoài. Đánh dấu (X) ghi nhận những vùng (đường thẳng) chứa điểm lồi tối đa gần và xa trên các mặt bên, những vùng này không được chạm đến trong quá trình điêu khắc nhằm duy trì kích thước gần xa thân răng.

4. Gọt mặt gần.

5. Gọt mặt xa.

6. Trên mặt gần của khối thạch cao, xác định tại chiều cao thân răng, vị trí và kích thước ngoài trong cổ răng (và độ uốn).

7. Vẽ các đường viền (vẽ nét) của răng khi nhìn từ phía gần, xác định đúng vị trí của các điểm lồi tối đa ngoài và trong. Đánh dấu (X) ghi nhận những vùng (đường thẳng) chứa

điểm lồi tối đa ngoài và trong trên các mặt ngoài và trong (những vùng này không được chạm đến trong quá trình điêu khắc nhằm duy trì kích thước ngoài trong thân răng).

8. Gọt mặt ngoài.

9. Gọt mặt trong. Chứa bờ cắn răng cửa dày khoảng 2mm.

Đây là chín bước hoàn tất đường viền khối của răng.

10. Gọt tròn các cạnh nhị diện của khối thạch cao (thân răng và chân răng) để có được dạng tổng quát đúng đường viền răng khi nhìn từ phía cắn và đúng thiết diện chân răng (chú ý so sánh với răng mẫu).

11. Điêu khắc đường cổ răng liên tục từ mặt ngoài hay trong qua mặt bên.

12. Điêu khắc mặt ngoài (chú ý các rãnh), mặt trong (chú ý hõm dưới).

13. Hoàn tất chi tiết giải phẫu và đánh bóng.

14. Kiểm tra tại các kích thước.

Một phần của tài liệu Kỹ thuật trồng răng DLT 002 giai phau rang 10 11 (1) (Trang 75 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(102 trang)
w