Bài 8 THỰC HÀNH ĐIÊU KHẮC RĂNG BẰNG THẠCH CAO
2. Tạo khối hộp chữ nhật
2.1. Mở đầu:
Chuẩn bị khối hộp chữ nhật bằng thạch cao đúng yêu cầu là giai đoạn đầu của việc điêu khắc tất cả các răng theo phương pháp gọt bớt. Khối hộp chữ nhật sau khi hoàn thành có kích thước tương ứng với chiều cao toàn bộ của răng, chiều ngoài trong và chiều gần xa tối đa của răng sẽ điêu khắc. Khối chữ nhật cần thoả mãn những yêu cầu sau: Đúng kích thước, các góc vuông, các cạnh thẳng, các mặt phẳng và nhẵn.
2.2. Các bước thực hiện:
2.2.1 Dụng cụ - Vật liệu:
Bút chì, thước kẻ, eke, bay và chén trộn thạch cao, dao điêu khắc thạch cao, giấy bìa cứng hoặc tấm phim X quang, giấy nhám mịn số 400-800, bát trộn thạch cao, tấm trải nilon 40 x 50 cm (để giữ sạch nơi làm việc).
2.2.2 Tạo khuôn để đổ khối thạch cao:
Khuôn đổ thạch cao được làm bằng giấy bìa cứng hay tấm phim X quang, có kích thước lớn hơn kích thước của răng tương ứng khoảng 5 mm.
Ví dụ: Để được hình khối chữ nhật 50 x 20 x 20 mm
Cắt theo đường chấm chấm, gập khuôn và cố định lại để có được một hộp chữ nhật.
Trộn thạch cao và đổ mẫu khối hộp muốn đạt được các tính chất tối ưu về độ bền, độ giãn nở và thời gian đông thích hợp cho hỗn hợp bột thạch cao và nước, cần tuân thủ những yêu cầu về tỷ lệ nước và bột thạch cao.
Thông thường các nhà sản xuất đề nghị đong nước theo dung tích (ml) và bột bằng khối lượng (g). Thực tế, người sử dụng ít khi đo lường tỷ lệ nước và bột chính xác mà thêm từ từ bột thạch cao vào nước cho đến khi có được độ đặc cần thiết nhất định.
Đong một lượng nước có thể tích bằng 2/3 khối thạch cao, đổ vào chén trộn. Dùng bay trộn khô đưa dần dần bột thạch cao vào nước trong khoảng thời gian 30 giây đến 90 giây, bằng động tác gõ nhẹ vào bay sao cho thạch cao thấm đều nước đến khi thấy một lượng thạch cao không ngấm nước trên bề mặt, vừa rắc thạch cao vừa rung chén. Kỹ thuật này cho phép những bọt khí bị lẫn vào trong bột có thể thoát ra ngoài và thạch cao có thể ngấm nước tốt hơn. Trộn thạch cao và nước bằng một bay trộn kim loại, tốc độ trộn khoảng hai vòng mỗi giây và trộn trong khoảng 30 giây đến một phút.
Lưu ý cần trộn thạch cao đủ mức vì các tính chất cơ học và thời gian đông của thạch cao bị ảnh hưởng bởi sự trộn. Cần trộn thạch cao theo một chiều nhất định để tránh trộn lẫn thêm các bọt khí vào trong lòng khối hỗn hợp.
Sau khi trộn, sử dụng máy rung để làm thoát các bọt khí hình thành trong quá trình trộn.
Máy rung còn được sử dụng trong quá trình đưa thạch vào khuôn vì nó giúp thạch cao lan chảy vào các chi tiết cũng như loại thêm các bọt khí còn sót (trong thực tế, nếu không có máy rung có thể thay thế bằng động tác gõ chén cao su và khuôn lên bàn). Thạch cao đã trộn được đưa từng lượng nhỏ vào khuôn bằng bay trộn, sử dụng máy rung hay gõ khuôn lên bàn để hỗn hợp lan chảy đều. Cần lưu ý để hỗn hợp lan chảy theo chiều ngang để tránh tạo bọt khí trong lòng khối vật liệu. Sau khi khuôn được đổ đầy thạch cao, cần giữ yên trong khoảng 30 đến 45 phút tùy trường hợp cụ thể để vật liệu đông đặc hoàn toàn, gỡ khuôn quá sớm có thể làm gãy vỡ những chi tiết. Một dấu hiệu cho thấy thạch cao bắt đầu đông là khối vật liệu nóng lên do phản ứng toả nhiệt của thạch cao. Chỉ nên gỡ khuôn khi khối thạch cao đã nguội trở lại.
2.2.3 Điêu khắc khối hộp chữ nhật:
Khối hộp chữ nhật được điêu khắc bằng phương pháp gọt bớt bằng dao gọt (dao điêu khắc) thạch cao. Sau khi gỡ khối thạch cao ra khỏi khuôn, chọn một mặt phẳng nhẵn nhất làm mặt chuẩn, thường là mặt phẳng tương ứng với đáy khuôn.
Dùng dao điêu khắc loại bỏ hết những vùng lồi cho đến khi mặt này thật phẳng, kiểm tra độ phẳng bằng cách dùng cạnh của thước dẹp rà khắp bề mặt cho đến khi không còn khe sáng lọt qua giữa thước và bề mặt.
Sau đó, tiếp tục gọt mặt phẳng kế tiếp để tạo thành với mặt phẳng chuẩn một góc nhị diện vuông.
Gọt tiếp mặt phẳng còn lại kế với mặt phẳng chuẩn. Lúc này cần lưu ý kích thước của khối thạch cao.
Kiểm tra góc vuông giữa các mặt: bằng cách sử dụng thước, một cạnh của góc vuông áp vào mặt đứng của khối thạch cao, cạnh còn lại áp vào mặt bàn, cũng là mặt chứa mặt chuẩn thứ nhất của khối thạch cao, di chuyển thước dọc theo suốt mặt cần kiểm tra và ghi nhận các vùng cần gọt bớt.
Từ ba mặt, xác định kích thước chính xác của khối chữ nhật (cũng là kích thước tương ứng của răng sẽ điêu khắc, đã được đề cập ở trên), lần lượt hoàn tất từng mặt, kể cả hai đáy của khối hộp chữ nhật cho đến khi đạt được yêu cầu cần thiết đối với khối này.
Sau khi kiểm tra về kích thước, các góc vuông và độ phẳng của các mặt, khối chữ nhật được hoàn tất bằng cách làm nhẵn và đánh bóng bằng giấy nhám mịn và bột trực. Một số điểm cần chú ý về kỹ thuật:
Thời gian từ lúc đưa thạch cao vào khuôn cho đến khi hoàn tất cần hạn chế, không nên quá 2 phút. Thạch cao dư trong chén trộn phải được vét sạch và chờ thạch cao đông cứng, lấy bỏ thạch cao trong chén mới được rửa, chén trộn dưới vòi nước (đế tránh làm tắc ống thoát nước).
2.2.4 Thạch cao đông cứng qua hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ lúc trộn đến khi tỏa nhiệt khoảng 15 phút, có thể lấy khuôn ra.
Giai đoạn 2: Từ lúc tỏa nhiệt đến khi nguội hẳn khoảng 30 phút (khối thạch cao đông cứng hoàn toàn và hết nóng).
Có thể lấy khối thạch cao ra khỏi khuôn sau khi khối thạch cao còn nóng (sau khoảng 15 phút) nhưng tốt nhất là sau khi khối thạch cao nguội hẳn. Sử dụng dao điêu khắc: Cầm dao điêu khắc giống như cầm các loại dao thông thường, cần có điểm tựa bằng ngón cái hay ngón trỏ giúp kiểm soát được lực nhấn và hướng dao. Chú ý lưỡi tác dụng là đường thẳng, hướng dao nghiêng 45˚ (hay 135˚) so với mặt phẳng cần điêu khắc. Động tác kẻo hoặc nạy để lấy bỏ dần từng lớp mỏng thạch cao (tránh động tác xắn mạnh) và cần thực hiện đều tay.
Chú ý tại các góc tam diện, xoay dao điêu khắc một cách cẩn thận để bảo toàn các góc này.
Trong quá trình điêu khắc, luôn kiểm tra theo đúng những mục tiêu đã đề ra (đúng kích thước, góc vuông, cạnh thẳng, bề mặt phẳng). Đánh bóng khối chữ nhật bằng giấy nhám mịn số 400-800 trên một nền phẳng, cứng với động tác xoay nhẹ nhàng, chú ý giữ đúng kích thước định trước.