CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ VÀ BIỆN LUẬN
4.7. Kiểm tra huyết thống của chuột mẹ mang thai hộ và chuột con sinh ra
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu sử dụng chuột cái khỏe mạnh giao phối với chuột đực bất thụ, điều này dẫn đến trong ống dẫn trứng của chuột cái nhận phôi không có tinh trùng, do đó không có sự hình thành phôi thai của bản thân chuột nhận phôi. Từ đó nhóm nghiên cứu có thể dễ dàng kết luận toàn bộ chuột con sinh ra sẽ khác nhau về mặt huyết thống với chuột nhận phôi. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng các phôi được vi tiêm plasmid mang gen egfp để chuyển phôi và chuột mẹ nhận phôi là chuột không mang gen egfp, do đó chuột con sinh ra phát sáng huỳnh quang dưới ánh sáng kích thích (hình 4.12 và bảng 4.4) được xem là sự thành công của quá trình tạo chuột mẹ mang thai hộ, chuyển phôi.
Toàn bộ chuột con sinh ra được nhóm nghiên cứu kiểm tra biểu hiện huỳnh quang dưới kính hiển vi soi nổi có gắn huỳnh quang (hình 4.12) với bước sóng 530- 550 nm [56] và ghi nhận thấy sự phát sáng màu xanh lục với sự biểu hiện của protein egfp như hình bên dưới.
Hình 4.12. Hệ thống kính hiển vi soi nổi có gắn huỳnh quang được sử dụng cho việc kiểm tra sự biểu hiện phát sáng huỳnh quang của chuột con
Hình 4.13. Chuột phát sáng huỳnh quang của protein egfp.
A1, B1, C1: ánh sáng trắng. A2, B2, C2: ánh sáng kích thích có bước sóng 530 – 550 nm. Trong đó cặp đôi A1, A2 chuột bên trái là chuột không mang gen, chuột bên phải mang gen biểu hiện huỳnh quang egfp. B1, B2: Chuột không mang gen biểu hiện huỳnh quang egfp. C1, C2: Chuột mang gen biểu hiện huỳnh quang egfp
Nhằm chứng minh việc tạo thành công chuột mẹ mang thai hộ, chúng tôi đã chuyển phôi bằng phương pháp tiếp cận vị trí chuyển phôi thông qua ống dẫn trứng.
Dựa vào bảng 4.4 cho thấy trong 14 lần chuyển phôi đều cho 14 chuột mẹ mang thai hộ thành công với tỉ lệ 100%, trong đó ở lô đối chứng đối với phôi không vi tiêm, chúng tôi thu nhận được tỉ lệ chuyển phôi là 71,83% và ở thí nghiệm sử dụng phôi vi tiêm DNA chúng tôi thu nhận được tỉ lệ chuyển phôi là 65,69%. Mặc dù rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh egfp không gây hại cho tế bào và được xem là một dấu hiệu nhận biết việc chuyển gen vào phôi hay tế bào, tuy nhiên Mohamed S.
Hassanane và cộng sự năm 2017 [42] chứng minh rằng việc chuyển gen ngoại lại vào tế bào làm giảm khả năng phân chia thành 2 tế bào, điều này lí giải vì sao kết quả chuyển phôi ở lô đối chứng không vi tiêm egfp vào hợp tử giai đoạn hai tiền nhân lại có kết quả chuyển phôi và mang thai cao hơn lô thí nghiệm. Về việc chuyển phôi thì Masahito Ikawa và cộng sự trong nghiên cứu của họ đã sử dụng 12
chuột mang thai hộ, và ghi nhận được 9 chuột mang thai chiếm tỉ lệ 75%. Pablo Gonza´lez-Jara năm 2017 chuyển phôi giai đoạn 2 tế bào vào ống dẫn trứng trong tổng số 391 con chuột được chuyển phôi có 333 chuột mang thai đạt tỉ lệ thành công 85,2% và trong tổng số 5029 phôi được chuyển có 1824 phôi được chuyển thành công chiếm tỉ lệ thành công là 36,26% [28]. Như vậy các kết quả trên của chúng tôi đã chứng minh việc tạo chuột mẹ mang thai hộ nhằm phục vụ các nghiên cứu tạo chuột chuyển gen và chuyển phôi từ vị trí ống dẫn trứng là điều cần thiết [57]. Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận được 2/134 chuột con sinh ra phát sáng huỳnh quang, đạt tỉ lệ 1,49% là kết quả khiêm tốn so với các nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, để tạo ra động vật biến đổi di truyền, tùy theo mục đích sử dụng mà chuột được chọn lựa phù hợp. Các nghiên cứu liên quan đến việc tạo ra chuột biến đổi gen sử dụng chuột thuần chủng, trong khi đó vì điều kiện không cho phép, ở Việt Nam chưa có chuột thuần chủng để nghiên cứu mà chủ yếu là chuột nhắt trắng có sự biến đổi về bộ gen (chuột không thuần chủng), điều này lí giải tại sao tỉ lệ tạo chuột phát sáng huỳnh quang có kết quả thấp. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của chúng tôi trong việc tạo thành công mô hình chuột mang thai hộ góp phần cho thấy tiềm năng rất lớn trong việc thực hiện các nghiên cứu liên quan đến việc tạo chuột chuyển gen bằng phương pháp Crispr/cas 9 mà thế giới đang đẩy mạnh nghiên cứu nhằm đưa các nghiên cứu của Việt Nam tiến đến gần hơn với các nghiên cứu trên thế giới.