Đây là yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến sự thỏa mãn của nhân viên, bên cạnh đó, có mức điểm trung bình khá cao do đó cần chú trọng duy trì để nhân viên tiếp tục hài lòng với đặc điểm công việc, từ đó nâng cao sự thỏa mãn trong công việc của nhân viên.
- Nhân viên hài lòng nhất với việc cảm thấy công việc thú vị nên ở WSE cần giữ được không khí, đặc điểm công việc như hiện tại, đồng thời tìm cách đổi mới nó trên nhu cầu của nhân viên nhưng vẫn hướng đến mục tiêu phát triển tổ chức. Để làm được điều này, mỗi khi WSE có những thay đổi về công việc, về quy trình cần có những buổi họp phát triển ý tưởng (Brainstorming) để các
nhân viên cùng tham gia nhằm cùng nhau tìm ra được phương án thích ứng với sự thay đổi đó nhưng vẫn cảm nhận được sự thú vị trong công việc.
o Việc tổ chức các buổi họp phát triển ý tưởng giúp WSE triển khai được những công việc mới đến các nhân viên, giúp nhân viên dễ dàng nắm bắt thông tin về công việc mới.
o Bên cạnh đó, nó còn giúp thu thập được những ý kiến đóng góp hay của nhân viên để các cấp lãnh đạo có những thay đổi về quy trình cho phù hợp hoặc có những bước cải thiện các công việc tại WSE sao cho hiệu quả.
- Tuyển người đúng chuyên môn vào vị trí tương ứng. Chuyên môn công tác của một người có thể đến từ hai hướng: do quá trình học tập kiến thức của bản thân hoặc là do quá trình làm việc, cá nhân được đào tạo, tích lũy kiến thức chuyên môn cho riêng mình. WSE phải chú trọng khai thác nhân lực theo đúng chuyên môn từ hai hướng này.
o Đối với ứng viên có chuyên môn do tự học mà có: Tìm hiểu, săn lùng những người có chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng thông qua các kênh tuyển như: các công ty săn đầu người, thông tin từ các trường đại học, thông qua các mối quan hệ…
o Nếu WSE sẵn sàng và có quy trình đào tạo hợp lý cho người mới thì nên chú ý đến đối tượng thứ hai. Đối tượng này chỉ cần có chuyên môn liên quan đến vị trí ứng tuyển, đồng thời chấp nhận chuyển hướng nghề nghiệp sang một lĩnh vực có liên quan. Để tuyển dụng ứng viên có đặc điểm như vậy, WSE hoàn toàn có thể sử dụng nguồn nhân lực nội bộ, từ đó huấn luyện, đào tạo ứng viên về công việc ở vị trí mới, tạo điều kiện, thời gian để họ thích nghi với công việc mới.
- Tiếp tục tạo nên môi trường làm việc an toàn bằng cách thường xuyên kiểm tra các hệ thống lọc không khí, vệ sinh. Tham khảo những tiêu chuẩn vệ sinh để làm yêu cầu với đối tác dịch vụ vệ sinh. Bên cạnh đó, WSE cần sử dụng dịch vụ của cả hai công ty vệ sinh cùng một lúc, có như vậy mới tạo nên sự cạnh tranh giữa hai công ty, từ đó WSE sẽ có được dịch vụ tốt nhất.
- Rà soát các quy trình và xây dựng lại mô tả công việc cho các vị trí một cách hợp lý. Vị trí nào làm những việc gì, có những quyền hạn nào, trách nhiệm như thế nào và cần báo cáo cho ai, đây là nguyên tắc chung khi lập mô tả công việc. Hiện nay, tại WSE một số vị trí bị nhập nhằn về khâu báo cáo của cấp dưới cho cấp trên. Điển hình như trường hợp của nhân viên dịch vụ khách hàng thường được bàn giao công việc từ cấp trên trực tiếp của mình là các Giám sát, tuy nhiên khi công việc hoàn tất lại được yêu cầu báo cáo cho Trưởng bộ phận Dịch vụ khách hàng. Trưởng bộ phận thường xử lý các công vụ liên quan đến giải ngân cho bộ phận dịch vụ, giải quyết các thắc mắc, phàn nàn của khách hàng khi nhân viên không giải quyết được. Còn các công việc được bàn giao là kế hoạch làm việc cá nhân, thời khóa biểu lên lớp của giáo viên… Điều này dẫn đến sự báo cáo không hiệu quả và lủng củng trong quy trình nội bộ.
- Thành quả công việc của nhân viên nên được ghi nhận một cách rõ ràng và có hình thức khen thưởng hợp lý. Để làm được điều này, hằng năm WSE nên tổ
chức đăng ký các chỉ tiêu công việc tương ứng với từng bộ phận, từng vị trí để nhân viên có mục đích hướng tới, hình dung ra được nếu làm tốt công việc, nhân viên sẽ đạt được những gì cụ thể và đương nhiên các chỉ tiêu này phải phù hợp với mục đích hoạt động của công ty. Ngoài ra, có những thành quả công việc phát sinh ngoài dự tính thì WSE nên thưởng nóng như là một cách ghi nhận thành quả đóng góp của nhân viên cho WSE.
- Yếu tố “chủ động trong công việc” có điểm trung bình thấp nhất nhóm này nhưng vẫn ở mức cao. Có một số công việc ở WSE có tính chủ động rất cao, thường để nhân viên linh động về vị trí, thời gian cũng như nội dung công việc. Bên cạnh đó, có một số công việc không cho phép nhân viên thực sự chủ động nên việc cần thiết là các cấp lãnh đạo cho nhân viên thấy được họ có thể chủ động trong chính góc làm việc của mình, tạo không gian thật sự thoải mái để họ cảm giác được họ đang tự do, chủ động trong công việc.
5.2.2. Quan hệ với đồng nghiệp
Yếu tố vừa có tác động lớn, vừa có mức điểm trung bình cao, do đó WSE cũng cần tiếp tục duy trì môi trường làm việc thân thiện giữa người với người như thế này. Mọi vấn đề liên quan đến con người cần được công khai, minh bạch, mâu thuẫn cần được giải quyết hợp lý, công bằng. Đồng thời cần tổ chức những buổi dã ngoại, giao lưu, có nhiều hơn những hoạt động cùng nhau ngoài công việc, từ đó mọi người thêm đoàn kết, tạo không khí ngày càng gắn kết hơn.
- Nên tổ chức các buổi hoạt động nhóm (teambuilding) ít nhất 2 lần/năm nhằm huấn luyện cho các nhân viên kỹ năng làm việc nhóm, cùng nhau phối hợp để hướng đến một mục đích chung. Các hoạt động này nên có kế hoạch và nội dung rõ ràng, lành mạnh phù hợp với môi trường giáo dục của WSE.
- Tổ chức du lịch vào các dịp lễ để nhân viên được nghỉ ngơi thoải mái sau thời gian dài làm việc. Bên cạnh đó còn giúp nhân viên có những trải nghiệm thú vị cùng nhau ngoài công việc. Để thực hiện được giải pháp này, WSE cần chú trọng cân đối tài chính, tạo điều kiện để người nhà cùng tham gia với nhân viên.
- Thường xuyên tổ chức thăm hỏi nhân viên mỗi khi có ốm đau.
- Tại nơi làm việc cần thường xuyên nhắc nhở và động viên về tinh thần làm việc nhóm, phối hợp, hỗ trợ với nhau giữa các đồng nghiệp.
- Các mâu thuẫn cần được giải quyết hợp lý, công bằng. Tránh tình trạng thiên vị, giải quyết công việc dựa trên mối quan hệ cá nhân. Khi có mâu thuẫn cần xác định rõ nguyên nhân của mâu thuẫn và trách nhiệm thuộc về cá nhân, nhóm người nào. Giải pháp nhằm hướng tới công việc được giải quyết và không làm căng thẳng mối quan hệ giữa các đồng nghiệp.
- Trong yêu cầu tuyển dụng cần nhấn mạnh các tính cách nhân viên sao cho phù hợp với văn hóa chung, sự hòa đồng trong WSE. Trong lúc tuyển dụng cần có những phương pháp kiểm tra tính cách ứng viên.
5.2.3. Tiền lương
Mặc dù ít tác động nhưng tiền lương là nguồn động lực khá quan trọng để làm việc tốt và gắn bó với tổ chức. Do đó, cần cho thấy được sự công bằng trong việc chi trả lương cho nhân viên, tương xứng với mức độ đóng góp cho công việc bằng cách thiết lập hệ thống KPI rõ ràng, mức thưởng/phạt bằng tài chính tương ứng với việc đạt/không đạt KPI của từng nhân viên.
- Để xây dựng được KPI cần nghiên cứu kỹ hoạt động của từng bộ phận, vị trí và có tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Cần chú ý đến mô tả công việc làm cơ sở, đồng thời rà soát lại quy trình chung của WSE để phân chia đồng đều công việc, KPI cho nhân viên.
- Khi đã thiết lập được hệ thống KPI cần công bố rõ ràng các mức thưởng/phạt tương ứng. Mục đích thưởng/phạt nhằm hướng tới việc thúc đẩy nhân viên làm việc tốt hơn để từ đó thúc đẩy hoạt động của WSE.
- Lương trả cho người lao động phải đảm bảo họ có thể trang trải các chi phí cuộc sống đồng thời phải giữ một mức tương quan nhất định đối với các vị trí tương tự tại các tổ chức khác, có như vậy thì mới giúp công ty giữ chân được người lao động.
- Đồng thời, mức lương phải được đánh giá theo bản thân công việc để công nhân cảm thấy được sự công bằng trong hệ thống lương của công ty, tránh trường hợp làm việc nặng thì lương thấp mà làm việc nhẹ nhàng lại lương cao hoặc sự chênh lệch lương quá ít.