Nguồn gốc và bản chất của phong tục tang ma

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của phật giáo trong phong tục tang ma tại thị xã đông triều, tỉnh quảng ninh​ (Trang 24 - 29)

CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM VÀ NGHI LỄ

1.3 Nghi lễ phong tục tang ma tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh 18

1.3.1 Nguồn gốc và bản chất của phong tục tang ma

Bất cứ một xã hội nào đều có những phong tục riêng biệt, được hình thành từ những tập quán đã trải qua hàng ngàn năm và được xã hội chấp nhận.

Theo Phan Kế Bính: “Mỗi nước có một phong tục riêng, phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi một vài người mà bắt trước nhau rồi thành ra thói quen hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái

phong trào ở ngoài tràn vào mà rồi dần dần tiêm nhiễm thành tục. Nhưng đại để tục gì cũng vậy phải trải qua lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy, cũng có tục hay cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay được”. [12,6]

Như vậy, có thể nói phong tục chính là một quy ước đạo lý bất thành văn mà người trong xã hội ấy phải tuân thủ, là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thức, nghi lễ, nhưng cũng không tùy tiện như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững và tương đối thống nhất. Phong tục có thể ở một dân tộc, địa phương, tầng lớp xã hội hay thậm chỉ một dòng họ, gia tộc. Phong tục là một bộ phận của văn hóa và có thể chia thành nhiều loại. Hệ thống phong tục liên quan đến vòng đời của con người, như phong tục về sinh đẻ, trưởng thành, cưới xin, mừng thọ, lên lão và chết đi… Tuy nhiên, vì phong tục mỗi thời đại lại thay đổi dần theo nền dân trí, đồng thời với nền văn minh loài người, lại tùy theo quan niệm riêng từng người hoặc theo từng hoàn cảnh mà tăng giảm nên trở thành “tam sao thất bản”, làm cho người đời sau muốn giữ lại nét phong hóa đặc thù của dân tộc nhiều khi cũng băn khoăn, không biết thực hành như thế nào cho đúng và dần dần mai một đi, thậm chí vì quá tin tưởng mà đi đến mê tín dị đoan. Cùng với lễ cưới, lễ tết…tang ma là một trong những phong tục quan trọng của người Việt được truyền giữ bao đời nay.

Nếu như “quan” có nghĩa là đánh dấu sự trưởng thành của người nam (theo tục xưa), thì “tang” lại là sự kết thúc một kiếp người và thường biểu hiện qua sự sầu đau, khổ não. Đám tang hay còn gọi tang lễ, tang ma là phong tục tiễn đưa của người sống thực hiện với người vừa mất, từ lúc hấp hối cho đến khi chôn cất, nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với người đã khuất. Sinh

hoạt xã hội Á Đông rất coi trọng tình cảm, đề cao tình thân, coi trọng huyết thống gia đình thân tộc hơn nên những nghi thức nghi lễ trong tang ma được thực hiện rất chu đáo, bài bản. Trong tư tưởng triết gia Á Đông, việc thực hiện nghi lễ tang ma đối với người chết là rất quan trọng, là bổn phận của những người sống đối với người đã khuất là cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân tộc của mình. Cái chết đối với mỗi người không ai tránh khỏi và tang lễ là vấn đề nghiêm trọng đối với một gia đình nào đó. Ngay từ giờ phút hấp hối của một người, không khí gia đình đã trở nên trầm lắng xuống với vẻ thiêng liêng; con cháu gần xa được báo tin vội vã quay về để “gặp mặt lần cuối”, tuy đông đủ nhưng đều im lắng với một vẻ u ám, buồn bã.

Khi loài người còn ở thời sơ khai lạc hậu, việc chôn cất không được đặt ra và thường mang vất ngoài đồng vắng hay rừng sâu. Trải qua các thời đại, nền văn hóa mỗi ngày được nâng cao và có lẽ trước tiên việc tang lễ được áp dụng cho bậc cha mẹ, tức là người gần gũi nhất và có công ơn dưỡng dục nhiều nhất, sau đó mới dần dần phổ biến đến cả họ hàng thân thuộc và trở thành một lễ nghi không thể thiếu trong cuộc sống con người.

Vào thời phong kiến, đạo lý rất được coi trọng và được các bậc thánh nhân đặt lên hàng đầu trong các lễ nghi, điển hình là một câu chép trong sách luận ngữ của Khổng Tử: “Thánh nhân trị thiên hạ chú trọng vào ba việc quan trọng nhất là ăn uống, tang ma và tế lễ”, [24,127] Vì vậy, trải qua một thời gian khá dài, việc lễ tang không thể cẩu thả, dần trở thành biểu tượng cho lòng hiếu của con cái đối với cha hay mẹ vừa chết. Tại sao lại gọi việc tang là việc hiếu. Ấy là bởi do tấm lòng của con, cháu muốn đền đáp công ơn cha mẹ khi sinh thành và nuôi dạy ta nên người. Cho nên, con cái làm tất cả những gì có thể làm được khi cha mẹ viên tịch. Tuy nhiên, đạo hiếu không chỉ răn dạy con cái đáp đền công ơn cha mẹ khi qua đời, mà lại ở lòng biết ơn được bộc lộ qua các hành vi khi cha mẹ còn sống.

Thời xưa, tang ma được tổ chức hết sức long trọng và tốn kém với quan quách mấy lớp, tế lễ ăn uống kéo dài vài ngày, kèn trống không dứt. Thậm chí có người còn quan niệm càng kéo dài tang lễ và càng linh đình bao nhiêu càng tỏ rõ lòng hiếu của mình bấy nhiêu. Quan niệm này trở thành một gánh nặng với người nghèo khó trong xã hội: Không làm linh đình thì xóm giềng cười chê, họ hàng trách móc mà làm cho tới nơi tới trốn thì có khi con cháu trả món nợ ấy suốt đời cũng chưa hết.

Việt Nam vốn ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc rất sâu sắc, vì vậy trước kia tang lễ rất đúng theo sách Văn Công Gia lễ của Chu Hy đời nhà Tống, nhưng kể từ thế kỷ XVI trở đi, vào thời nhà Lê, nhờ có sách Hồ thượng thư gia lễ của Hồ Sĩ Dương, hoặc Gia lễ tiệp kính của Ngô Doãn hay Thanh thuận gia lễ của Lê Quý Đôn... tang lễ của người Việt Nam giản lược đi một phần, tuy nhiên vấn đề tang ma vốn đã phức tạp càng thêm rối loạn. Trước tình hình ấy, một nhà nho khác, ông Hồ Sĩ Tân biên soạn Thọ Mai gia lễ chú ý tham khảo, vận dụng trong giới hạn tư duy chủ quan đối với phong tục tập quán xã hội nước nhà. Do có ít nhiều tiến bộ so với các tập sách trước nó, Thọ Mai gia lễ nhanh chóng được dân gian tiếp nhận và lưu truyền. Đặc biệt dưới triều Nguyễn, Thọ Mai gia lễ được sử dụng như một thứ luật lệ về tang ma do chế độ nhà Nguyễn quy định.

Tuy nhiên, cuốn Thọ Mai gia lễ đương thời bị nhà nho Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) tác giả sách Vu trung tùy bút nổi tiếng – đả kích kịch liệt nội dung quê mùa, đưa ra những cách thức lạ kỳ chưa từng thấy, soạn giả thu thập, nhặt nhạnh những điều vớ vẩn, bỏ cái này, chọn cái kia... Phạm Đình Hổ chỉ trích đích danh Hồ Sĩ Tân soạn Thọ Mai gia lễ, khắc in phát hành nhằm thu lợi.

Nhưng chỉ dùng riêng ở thôn quê, các bậc thức giả đa phần coi thường.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới của Đảng ta, nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng thành phong trào rộng khắp, kiên quyết bài trừ hủ tục, chống xa hoa lãng phí, thực hành tiết

kiệm. Nhưng do nền kinh tế thị trường tác động, có cả mặt tích cực và tiêu cực,

“phú quý sinh lễ nghĩa” mà không phú quý cũng đua đòi “sinh lễ nghĩa”, tạo điều kiện cho hủ tục phục hồi và Thọ mai gia lễ có cơ hội hồi sinh. Thực chất nội dung tư tưởng Thọ Mai gia lễ về căn bản đã lạc hậu. Mặc dù ở thời kỳ rạng rỡ nhất trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Thọ Mai gia lễ cũng đã bộc lộ sự bất ổn bởi soạn giả với tất cả hạn chế của một nhà nho không vượt thoát nổi vòng xiềng xích tiêu cực của Nho giáo. [2,5-6]

Trong việc biên soạn Quy ước nếp sống văn hóa mới của làng xã, tham khảo các “gia lễ” thời xưa cũ là cần thiết để gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng, góp phần xây dựng tang chế văn minh, tiến bộ trên nền tảng thuần phong mỹ tục cổ truyền và dưới ánh sáng văn hóa Cách mạng. Mọi sự đề cao một chiều

“gia lễ” đều sai lầm, không phải là phát huy truyền thống cha ông hay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bộ Văn hóa thực hiện chủ trương Chỉ thị của Đảng và Chính phủ, tiến hành nhiều cuộc tuyên truyền vận động toàn dân xây dựng Nếp sống văn hóa mới.

Nhưng thực tiễn cuộc sống vốn muôn màu ngàn vẻ, vấn đề không chỉ là câu chuyện sách vở mà còn là phong tục, tập quán, một lĩnh vực khá nhạy cảm và hết sức phức tạp, khiến cuộc vận động thực hành quy ước Nếp sống văn hóa mới không dễ, đặc biệt về tang lễ [10,17-18].

Với ý thức lấy tâm thành thương tiếc người quá cố làm trọng, giảm thiểu những nghi lễ thiên về hình thức – mặc dù những hình thức ấy được đặt chủ ý muốn giáo dục con cháu không quên ơn nghĩa của người đã sinh thành – dần dần sau này, với nền văn hóa phát triển, ý thức được vấn đề tinh thần tách biệt với vật chất, việc tang ma cũng giản lược đi rất nhiều, chủ yếu là để biểu lộ lòng thương tiếc người đã chết, nhất là tang ma cho cha mẹ vì công lao dưỡng dục sâu nặng như trời bể không thể qua loa mà tự cho rằng đã đền đáp được trong muôn một.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của phật giáo trong phong tục tang ma tại thị xã đông triều, tỉnh quảng ninh​ (Trang 24 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(88 trang)
w