CHƯƠNG 2. NỘI DUNG VÀ ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO TRONG PHONG TỤC TANG MA TẠI THỊ XÃ ĐÔNG TRIỀU, TỈNH QUẢNG NINH
2.1 Nội dung ảnh hưởng của Phật giáo trong phong tục tang ma tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
2.1.5 Ảnh hưởng đến việc làm lễ cầu siêu cho người quá cố
Nói về làm lễ cầu siêu trên chùa cho người quá cố, thường có hai cách như sau:
Thứ nhất, gửi vong để thờ ở chùa: Trước đây, nghi thức rước vong lên chùa chỉ dành cho những người không có con cháu. Những người này lo sợ rằng một khi mình chết đi, không có người thờ phụng, vong sẽ đói khát lang thang. Vì vậy, họ cúng tài sản của mình cho nhà chùa với nguyện vọng rằng sau khi chết đi, vong được nương nhờ chốn cửa Phật, hàng năm vào dịp cúng giỗ sẽ do nhà chùa đứng ra tổ chức để họ được an lòng nơi chín suối, có ảnh, có bát hương (có thể thờ chung bát hương), vong của họ sẽ được no ấm, không phải chịu cảnh đói khát, lang thang. Ngày nay, trường hợp gửi vong ở chùa để thờ có thế do toàn bộ người thân ở nước ngoài, không có cháu trai nối dõi hoặc đơn giản chỉ là nguyện vọng của người mất hay người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, tại Đông Triều chỉ có những chùa theo phái Tịnh độ hay Mật Tông xây nhà thờ vong, còn Thiền Tông chỉ thuần túy cầu siêu cho vong vào chung thất 49 ngày, chứ không có nhà thờ vong vì nhiều vấn đề liên quan đến mê tín dị đoan. Thị xã Đông Triều có một số chùa xây nhà vong và nhận thờ vong ở chùa điển hình như chùa Đồn Sơn (Yên Đức), chùa Chạo Hà, chùa Tế (Đông Triều)...
Thứ hai, rước vong lên chùa để cầu siêu: Trường hợp này dành cho đa số người dân, vong linh vẫn thờ phụng ở nhà, chỉ rước di ảnh lên chùa trong dịp 35 hoặc 49 ngày để nhờ Chư Tăng Ni và đạo tràng tụng kinh siêu độ, sau đó rước di ảnh và bát hương về nhà thờ phụng như cũ. Đối với những gia đình là tín đồ trung thành của Phật giáo, đã quy y Tam Bảo, hay những gia đình có điều kiện về mặt kinh tế và thời gian, họ thường đưa vong lên chùa ngay sau lễ tang để nhờ nhà chùa tụng kinh cầu siêu cho vong trong liên tục 6 tuần đầu, mỗi tuần một lần cho đến tuần thứ 7 thì thực hiện lễ cầu siêu cho vong thoát khỏi Thân Trung Ấm.
Thân Trung Ấm được hiểu là sự sống sau khi chết trước khi thần thức người ấy đi tái sinh vào một trong sáu cõi nào đó (Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ va Súc sinh). Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà là lấy tư tưởng làm thân. Sau khi người ấy chết, thần thức thoát ra khỏi xác thì trụ lại ở thế giới trung gian này từ một đến bảy tuần lễ, rồi sau đó tìm kiếm một nơi thích hợp với nghiệp lực của mình mà đi tái sinh. Nếu vong linh là người từng tạo phước, tu tập tâm linh, thì luôn có những cảm giác yên bình, thanh thản và dễ dàng để tìm đường tái sinh vào cõi lành. Còn nếu những người từng tạo ra ác nghiệp, có đời sống tiêu cực thì luôn đối mặt với những cảnh tượng khổ đau, kinh hoàng, sợ hãi, thất vọng và chán chường. Họ lang thang một cách tuyệt vọng trong cõi trung ấm và muốn tìm một thân xác để tái sinh tương xứng với nghiệp lực của họ. Theo quan niệm của Phật giáo, ngày thứ 49 là ngày định nghiệp, sẽ quyết định xem vong linh đó đi vào cảnh giới nào. Trong một số
trường hợp, có thể có những vong linh không phải chờ làm lễ cầu siêu thì mới siêu thoát, mà tự vong linh ấy đã siêu thoát rồi. Nhưng với người đang sống, vì không thể biết được những chuyện như vậy nên để giải quyết nhu cầu về mặt tâm linh, người ta tiến hành những khóa lễ cầu siêu. Người sống thành tâm tưởng niệm tới người chết thì vong linh sẽ yên tâm để đi tái sinh. [23]
Tiến hành khóa lễ cầu siêu là để khi ta niệm Phật, dùng kinh giảng giải cho người ta thấy được những điều thiện, năng lượng của người đang sống và năng lượng của vong linh cùng hòa đồng. Khi ấy, tâm đồng thanh khí tương cầu, vong linh mới có thể siêu sinh được. Nói cách khác, đó là sự hướng dẫn để vong linh hướng tâm theo chính đạo.
Qua tìm hiểu và thăm hỏi trụ trì tại một số ngôi chùa trên địa bàn thị xã Đông Triều (chùa Kỉnh, chùa Linh Ứng, chùa Thiên Trúc, chùa Chạo Hà), được biết lễ cầu siêu được tiến hành trong một số trường hợp khác nhau: 1. Dành cho người mới mất trong vòng 49 ngày (7 tuần lễ đầu tiên); 2. Tổ chức vào mùa Vu Lan – Báo Hiếu Báo Ân (trong tháng 7 âm lịch, thường là trung tuần tháng 7); 3.
Đại lễ cầu siêu cho vong hồn các liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, hoặc tưởng niệm nạn nhân của những tai nạn đáng tiếc đã không may xảy ra.
Theo ý kiến của sư thầy Thích Hiền Nhu – trụ trì chùa Kỉnh thì làm lễ cầu siêu dành cho các gia đình có người thân mới mất trong vòng 49 ngày là trường hợp phổ biến, thường gặp nhất trong khóa lễ cầu siêu ở các chùa nói chung.
Ông Nghiêm Xuân Minh, 57 tuổi (số 34 Hoàng Hoa Thám, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) cho biết: “Trong các ngày cũng cho người mất như giỗ tuần đầu, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu… thì ở địa phương mình coi trọng nhất là ngày giỗ 49. Đây là thời khắc mà vong linh biết mình đã chết thật sự và thoát khỏi thân trung ấm. Cầu siêu như một sự trợ giúp để vong linh không phải vào chốn địa ngục. Đồng thời giỗ 49 ngày cũng là cơ hội để tang chủ bày tỏ sự biết ơn đối họ hàng, hàng xóm láng giềng đã đến chia buồn với gia đình trong đám tang.” [Bảng khảo sát số 1]
Tại Đông Triều, ngày nay người dân có xu hướng đưa vong linh lên chùa để tiện cho việc làm lễ cầu siêu. Qua khảo sát, con số này là 66%. Bên cạnh đó, cũng có những gia đình thực hiện việc cầu siêu này ngay tại nhà, song phải lập thêm bàn thờ Phật tam cấp. 24% số người được hỏi cho rằng việc đưa vong linh người thân của mình lên chùa trong vòng 49 ngày là phong tục mà ông cha ta truyền lại và số ít 9% nghe theo lời khuyên của người quen biết rằng nên gửi vong lên chùa để hương hồn vong linh “được mát mẻ” sẽ phù hộ cho gia đình mạnh khỏe. Tuy vậy, rất nhiều người (58%) làm vậy vì niềm tin với Phật giáo.
Tức là bây giờ, khi gia đình có một người chết đi, việc đưa vong lên chùa được coi như một việc đương nhiên cần thiết phải làm. [Bảng khảo sát số 1]
Tùy thuộc vào việc đã từng làm lễ cầu siêu ở chùa từ trước hay chưa, người đến chùa có thể tới đăng kí trực tiếp với ban quản lý hoặc chỉ đơn giản là sau khi thu xếp hoàn tất những công việc của đám tang, người ta tới chùa để hỏi xem tiếp theo gia đình nên làm gì để có thể đưa vong lên chùa. Người nhà chùa sẽ hướng dẫn sơ lược và giới thiệu họ tới gặp ban quản lý để đăng kí.
Đối với những gia đình chỉ làm lễ cầu siêu thì ngoài việc ghi tên, tuổi, địa chỉ của các thành viên trong gia đình và tên, tuổi, ngày mất, địa chỉ phần mộ của người mất… ban quản lý không yêu cầu thêm về số tiền cố định để nhà chùa chuẩn bị cho khóa lễ, tất cả xuất phát từ tùy tâm và điều kiện kinh tế của gia đình người mất. Nhưng thường, với số tiền 1,5 triệu đồng là đủ để chuẩn bị đồ cho khóa lễ. Đồ lễ bao gồm hoa, quả, bánh kẹo và 2 mâm chay để cúng Phật và cúng vong. Một bàn vong được lập riêng đặt bên cạnh bàn thờ Phật ở chùa.
Người nhà chỉ cần mang ảnh của người mất mà không cần mang bát hương lên chùa, người ta dùng một chiếc cốc đựng đầy gạo để làm nơi cắm hương cho vong.
Đối với những gia đình làm cả lễ tuần thì ghi vào sổ những thông tin như nhóm đối tượng trên và gửi nhà chùa khoảng 200 nghìn mỗi tuần để sửa soạn lễ cúng tuần cho 6 tuần trước khi lễ cầu siêu 49 ngày chính thức được tổ chức.
Tụng kinh ở chùa thường diễn ra vào các buổi tối được thực hiện bởi trụ trì và các Tăng Ni, cư sĩ Phật tử của chùa. Khi làm lễ cúng tuần, công tác chuẩn bị tương đối đơn giản, chỉ bao gồm hoa, quả dâng lên ban Phật, sau đó đến buổi tối vào thời đểm tụng kinh, các Tăng, Ni sẽ đọc tên, tuổi, địa chỉ của vong để cầu siêu, hồi hướng cho họ sớm được đầu thai vào kiếp người.
Để chuẩn bị cho một khóa lễ cầu siêu tại chùa, gia đình người mất sau khi ghi đầy đủ và chính xác thông tin cần thiết theo yêu cầu của ban quản lý thì hầu như không phải mua sắm bất cứ thứ gì khác cho buổi lễ. Nếu thành tâm, khi đến tham dự khóa lễ, họ có thể mang theo một ít hương, hoa quả, quần áo, giày dép… bằng đồ thật để dâng lên vong linh. Khi tới chùa, họ bày những lễ vật đó lên khay, đĩa có sẵn và đặt lên bàn thờ vong hoặc bàn thờ Tam Bảo. Sau khi làm lễ cầu siêu xong, tất cả những đồ cúng đó được ban phát, làm bố thí hay từ thiện cho bất kỳ ai có hoàn cảnh khó khăn hay có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, vì phần lớn chùa và nhân dân theo Tịnh Độ, các đồ cúng cho vong là tiền vàng mã, đồ thế nên cũng có nhiều trường hợp nhà chùa đó vẫn chấp nhận tín ngưỡng của người dân thực hiện đốt vàng mã ngay tại chùa. Đây chính là điểm tích cực, văn minh và đáng tuyên dương của Thiền Tông so với Tịnh Độ.
Ngoài ra, qua trao đổi, các nhà sư đều cho rằng, trong quan niệm của nhà Phật, chúng sinh bình đẳng, không phân biệt ai hơn ai kém. Vì vậy, bất kì vong linh nào cũng có thể đưa rước lên chùa nếu bản thân người chết khi còn tại thế có nguyện vọng hoặc gia đình của người mất bày tỏ mong muốn được gửi gắm vong hồn thân nhân của họ vào chốn Thiền môn.
Cách thức mà con người ta chết đi rất đa dạng. Có thể chết vì tuổi già, chết vì tai nạn, chết vì bệnh tật, chết vì tự tử… Nguyên nhân của cái chết không ảnh hưởng tới việc tiến hành lễ cầu siêu. Tất cả các nghi thức, diễn tiến của một buổi lễ vẫn được tổ chức một cách bình thường và giống nhau.
Một điểm đáng lưu ý, một số chùa trên địa bàn đã xuất hiện hình thức lễ cầu siêu cho thai nhi như chùa Tế, chùa Đồn Sơn, chùa Chạo Hà… Đối tượng
thai nhi ở đây được hiểu là: Những thai nhi ngay khi vừa mới sinh ra vì một lý do nào đó (thường là bị bệnh từ khi còn nằm trong cơ thể người mẹ hoặc sinh non…) không thể tiếp tục duy trì sự sống; Những trường hợp có thai mà không thể giữ lại để chờ tới lúc sinh nở, buộc phải nạo phá ngay từ lúc người phụ nữ biết mình mang thai. Họ quan niệm rằng thai nhi dù chưa cất tiếng khóc chào đời vẫn được coi là một sinh linh, nên đối xử bình đẳng, coi nó như một con người. Nhưng vì thai nhi chưa được sinh ra hoặc vừa mới sinh nhưng đã sớm lìa đời, không có tên tuổi nên làm lễ cầu siêu tập thể, khi tuyên sớ, nếu các vong linh người lớn được xướng đầy đủ họ tên thì các vong linh thuộc dạng này sẽ chỉ được gọi ngắn gọn theo là thai nhi họ Nguyễn, thai nhi họ Trần, thai nhi họ Lê...
tùy vào cái họ mà người đến chùa đăng kí làm lễ cầu siêu cho thai nhi đó ghi lại.
Như vậy, lễ cầu siêu 49 ngày cho vong linh là một nghi lễ vô cùng quan trọng sau đám tang, thể hiện tấm lòng của người sống đối với người quá cố qua hình thức cầu siêu. Cách thức thực hiện của các Tăng Ni phái Thiền Tông vừa có những điểm chung vừa có những điểm riêng so Tịnh Độ và môn phái của các thầy cúng. Dưới góc nhìn của văn hóa và tín ngưỡng, mỗi phái có những cách thức riêng do quan niệm mà ra, tuy nhiên xét thấy Thiền Tông có những ưu điểm vượt hơn về giá trị nhân văn, hành xử văn minh với thế giới tâm linh và thế giới đời thực, tránh đi nhiều yếu tố mê tín dị đoan làm mụ mị dân chúng.