CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM VÀ NGHI LỄ
1.3 Nghi lễ phong tục tang ma tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh 18
1.3.2 Một số đặc điểm nghi lễ phong tục tang ma tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Tại mỗi vùng miền, mỗi dân tộc sẽ có nghi thức tổ chức đám tang khác nhau, tuy nhiên tang ma nói chung đều có một số nghi lễ và ý nghĩa chung là tưởng nhớ người đã khuất. Ngày nay, nhiều thủ tục tổ chức đám tang đã được lược bỏ, giản tiện để phù hợp với thực tế xã hội. Phong tục tang ma theo tại thị xã Đông Triều có những nghi thức chính như sau:
Khi người thân vừa mất (Lễ Mộc dục)
Trong giờ phút này, người vừa mất được sửa cho ngay ngắn, không được đụng chạm nhiều đến thi thể, vì lúc đó thần thức chưa ra khỏi thể xác. Nếu đụng chạm mạnh có thể làm cho người chết dễ sinh bực bội, sân giận. Sau 8 tiếng trở đi, thân nhân tắm gội cho người mất sạch sẽ bằng nước thơm, thay quần áo mới, đặt lên giường, chân duỗi thẳng, hai tay đặt lên bụng, mặt phủ mảnh vải trắng.
Người thân buông màn rồi thắp một ngọn đèn dầu, đặt hương, hoa, quả nơi đầu giường. Những đồ dùng tiếp xúc với người chết như: quần áo, chăn màn, giường chiếu phải đem thả xuống sông hoặc đốt đi. Với những người chết không có bệnh, người thân thường giữ lại quần áo còn lành, mới để mặc vì cho rằng sẽ được người mất phù hộ cho luôn khỏe mạnh, may mắn. Đặc biệt, con cháu dù đau đớn cũng không được khóc thành tiếng, nếu không sẽ khiến người chết không thể ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.
Lập bàn thờ vong (Lễ Thiết linh)
Bàn thờ vong được lập ở trước cửa nhà trước khi khâm liệm. Bàn thờ vong là một cỗ linh sa được trên một chiếc bàn rộng, trên có bài vị, ảnh và tên tuổi người mất, mâm quả bày một nải chuối và một số loại quả khác, một bát hương và thẻ hương cho người thân, hàng xóm đến thắp hương tưởng nhớ người mất.
Theo phong tục, hai bên bàn thờ được đặt hai cây chuối non cắm trong lọ lục bình tượng trưng cho sự an nghỉ, bình yên. Cây chuối biểu tượng của tình cảm
gia đình quần tụ nhiều thế hệ, đông vui, yêu thương, đùm bọc, gắn bó và chở che. Chuối lại mọc thẳng biểu tượng cho tính thật thà, trung hiếu của con người.
Theo các nhà khoa học thì chuối cũng là loại cây có khả năng hút tử khí và do vậy mà nó không bị héo úa trong suốt thời gian đám tang, dù là mùa hè nóng nực.
Nghi thức khâm liệm
Nghi thức khâm liệm được tiến hành sau một hồi dài kèn trống. Lúc này khăn phủ mặt và người mất được bỏ ra. Sau đó người mất được nâng lên hạ xuống tiếp đất ba lần để tiếp âm dương. Người thân sẽ dùng vải trắng để gói thân thể người mất và đặt vào trong áo quan, kèm theo đó là gương, lược, một chút tiền lẻ, gạo, muối đút vào túi áo cho người mất. Người dân quan niệm tiền và gạo phạn hàm đó là lương thực và lộ phí đi đường cho người chết hành trình sang cõi âm. Quan tài đặt ở gian chính giữa ngôi nhà theo chiều dọc, song song với bàn thờ gia tiên. Kể từ khi khâm liệm đến lúc chôn cất cần được thắp nến liên tục trên quan tài. Giữa mặt ván đặt một bát cơm (bát cơm này sẽ được đặt trên mộ sau khi chôn) và quả trứng gà luộc kẹp bằng đôi đũa bông. Nắp quan tài đặt hờ lúc đưa tang mới đóng khít.
Phát tang (Lễ thành phục)
Chủ tế làm lễ phát tang. Bàn để khăn tang để ngay cạnh bàn thờ vong. Khi thực hiện lễ phát tang con cháu quỳ ở dưới chiếu. Con gái, con trai, con dâu thắt khăn tang trắng, đội mũ mấn, đội vòng dây chuối ngang người. Con rể không đội mấn chỉ chít khăn, cháu quấn khăn trắng quanh đầu thành vòng tròn, chắt quấn khăn vàng, chút đội khăn đỏ. Trước kia, dây thắt ngang lưng nhất thiết phải là dây chuối nhưng ngày nay họ có thể dùng các loại dây khác thay thế. Sau khi an táng, cháu, chắt không phải đội tang nữa, nhưng con cái hoặc vợ, chồng thì vẫn phải đội khăn, hoặc dùng một mẩu vải đen đeo trước ngực. Sau giỗ đầu, việc để tang này kết thúc. Trong vòng một năm tang trở này, người ta kiêng
không đi đám cưới, không chúc tết, không lam những việc đại sự như xây nhà cưới vợ.
Tế cơm
Lễ tế cơm bao gồm: một bát cơm tẻ, một đĩa muối trắng, một quả trứng luộc và một chén nước lã, nam 7 sắt gừng, nữ 9 sắt gừng. Lễ tế cơm có ý nghĩa giúp người mất được ăn no trước khi sang thế giới bên kia.
Phúng viếng
Sau lễ phát tang cho đến trước khi quay cữu là khoảng thời gian để người thân, họ hàng phúng viếng. Khi mọi người phúng viếng, con trai trưởng hoặc cháu trai trưởng đứng cạnh bàn thờ để đáp từ. Để chia sẻ với gia đình, người đến phúng viếng thường mang theo hương, vòng hoa, và tiền viếng. Những người đến phúng viếng đứng thành hàng ngang trang nghiêm trước hương án, trưởng đoàn bước ra nói lời chia buồn với tang chủ, sau đó họ giành một phút cúi đầu mặc niệm người quá cố.
Giở mình cho vong (Động cữu)
Đúng 12 giờ đêm là thời khắc gia đình tiến hành “giở mình” cho vong. Sau khi đánh 3 hồi 9 tiếng trống, con cháu nhấc quan tài lên và hạ xuống ba lần, động tác này được gọi là động cữu, việc làm này như một động tác trở mình nâng giấc cho cha mẹ khỏi mỏi và ngủ ngon hơn.
Đưa tang (Lễ phát dẫn)
Đến giờ đưa tang, nắp quan tài sẽ được sập kín và đóng đinh. Con cháu trong nhà cúi người nối nhau tạo thành một chiếc cầu đưa quan tài ra đến xe tang, được gọi là luồn cữu, với quan niệm con cái trả ơn cha mẹ lần cuối cùng.
Quan tài người mất được đặt vào xe tang, vòng hoa chất bên ngoài. Đoàn đưa tang đi theo thứ tự gồm: Phật đình, long kiệu (linh sa), cờ phướn, cờ tang, phường kèn, xe tang, con cháu và những người làng xóm. Thường người con
trai trưởng chống gậy tre đi song song với quan tài, và đi giật lùi. Trên suốt chặng đường đưa tang, kèn trống được thổi để xua đuổi ma quỷ.
Lễ hạ huyệt
Huyệt mộ được đào sẵn từ trước. Khi hạ huyệt, người con trai trưởng lấp hòn đất đầu tiên, sau đó các anh em con cháu lần lượt ném xuống nắm đất với ý nghĩa con cái đắp mộ cho cha mẹ. Mộ được phủ cỏ, thắp hương, đặt vòng hoa xung quanh và đặt bát cơm bông lên bên trên.
Thờ người đã mất
Ảnh, bát hương cùng mâm quả thờ trên linh sa được rước lên bàn thờ.
Người ta lập một bàn thờ ngay cạnh ban thờ gia tiên. Trên ban thờ luôn có hương khói, đèn, nhang.
Cúng tuần đầu
Sau đám tang có lễ cúng tuần đầu. Tuần đầu không quy định là bao nhiêu ngày mà là ngày Rằm hoặc mùng Một đầu tiên kể từ sau khi chết. Người ta sắp lễ mặn để cúng ở nhà, không nhất thiết phải lên mộ.
Cúng 49 ngày (Lễ chung thất)
Ngày thứ 49, con cháu làm cỗ mặn cúng tại nhà, và mang đồ lễ lên chùa, đền lễ cho vong hồn người chết được mát mẻ, siêu thoát. Dịp này các gia đình theo đạo Phật thường nhờ các sư tăng tụng kinh sám hổi để cầu cho vong linh được siêu sanh tịnh độ.
Cúng 100 ngày (Lễ tốt khốc)
Trong vòng 100 ngày con cháu phải cúng cơm mỗi ngày 2 bữa trưa, chiều.
Hành động này được giải thích rằng người chết khi mới xuống âm phủ cũng như những người mới ra ở riêng, chưa có vốn làm ăn lại không quen biết ai, chưa có lương thực nên phải cúng cơm cho họ như là nuôi những ngày đầu. Người ta xới
một bát cơm lồng, một đôi đũa, một quả trứng luộc đã bóc sạch vỏ và một đĩa muối trắng, một chén nước lã, đặt lên bàn thờ rồi chắp tay khấn, gọi đầy đủ tên tuổi, quê quán của người chết mời về ăn cơm. Cơm nấu để cúng không được ghế cơm nguội, không được nếm hay lấy cho chó, mèo ăn trước khi cúng. Tốt khốc có nghĩa là ngừng khóc, cúng xong tuần này thì từ đây về sau không còn phải cúng cơm hằng ngày nữa.
Cũng trong khoảng 100 ngày này, mỗi khi có đám tang thì con cháu phải đi nhận mộ bằng cách lên thắp hương và hờ khóc trong suốt khoảng thời gian đám tang kia chôn cất. Quan niệm rằng khi có một đám tang mới là âm phủ có một đám hội, hồn ma có thể mải chơi nơi đám hội này mà quên mất lối về cho nên phải hờ khóc để gọi hồn về cho đúng nhà cửa.
Cải táng
Người chết từ ba năm trở lên mới được phép cải mộ. Người ta thường xem ngày, chọn giờ tốt, mua sẵn một chiếc tiểu sành để chuẩn bị cho công việc quan trọng này. Đến ngày đã định, trước khi đào mộ, con cháu làm lễ cúng tổ tiên, trình bày việc “thay nhà mới” cho người đã chết, đồng thời cũng sắp lễ cúng ở chùa đền và trên mộ. Khi cải táng, người ta tránh không cho ánh nắng chiếu rọi xuống huyệt. Rượu được mang theo để rửa tay và đổ xuống ván khi vừa mới mở nắp, mục đích là để tẩy mùi. Xương cốt được thu gom đầy đủ rồi đặt vào trong tiểu nhưng phải sắp xếp vị trí của chúng trên cơ thể. Tiểu được đem đi chôn ở nơi đã chọn, thường được quy tụ mồ mả của họ tộc về một khu vực để tiện trông nom, chăm sóc. Tiểu được chôn vĩnh viễn không chuyển dịch đi đâu nữa.
[1,2,4,39]
Tiểu kết chương 1
Như vậy, Phật giáo nước ta không rập khuôn theo con đường Phật giáo của các nước, Phật giáo nước ta không ham chuộng sự bay bổng hay thực tiễn quá như Phật giáo của Ấn Độ và cũng không duy lý, nặng tính thần bí, mê tín như
Phật giáo Trung Quốc, Mông Cổ. Không có sự phân biệt giàu nghèo, giai cấp thống trị hay bị trị, Phật giáo nước ta chung sống hòa đồng với các đạo khác như đạo Nho, đạo Lão và các hình thức tín ngưỡng dân gian biểu hiện qua hình thức của các phong tục. Như vậy, khi Phật giáo truyền vào nước ta, do có giáo lý phù hợp với đời sống của người dân nên đạo Phật nhanh chóng được tiếp nhận, sự tiếp nhận này không làm cho đời sống tinh thần của người Việt thay đổi một cách đột ngột, người Việt thờ cúng đức Phật cũng như các vị thần bản địa.
Điều đáng tự hào hơn là Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sáng tạo ra dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – chứng tỏ khả năng dung hợp và tiếp biến văn hóa của người Việt Nam đối với các yếu tố văn hóa và tôn giáo ngoại lai. Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc hay một số nước khác không chủ trương nhập thế mà là một tôn giáo xuất thế. Trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng có thời kỳ như vậy, nhưng nhìn chung, Phật giáo đời Lý - Trần mang xu hướng nhập thế. Phật giáo xuất thế nhấn mạnh “đời là bể khổ” và con đường thoát khỏi bể khổ là tu tập kiên trì để đạt tới cõi Niết bàn không còn đau khổ và bất công. Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh nguyên nhân của nỗi khổ là do chính con người và xã hội nên thường coi việc đạo chính là cuộc đời. Con đường thoát khổ là con đường đấu tranh diệt ác, tu nhân tích đức thành người lương thiện và khuyến khích con người làm việc thiện dưới nhiều hình thức phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người. Tư tưởng triết lý của Phật giáo Việt Nam là tu dưỡng thân tâm mình để phụng sự lợi ích của dân tộc, nó luôn đồng hành với dân tộc, là
“điểm tựa tinh thần”, góp phần củng cố và nâng cao ý thức liên kết cộng đồng, tinh thần độc lập tự chủ của Đại Việt trước mọi thử thách cam go của lịch sử.
Giáo lý của Phật giáo khá gần gũi với tinh thần vị tha bao dung, yêu thương đùm bọc, đề cao tư tưởng từ bi, bác ái, chủ trương hỷ xả, cứu khổ cứu nạn nên rất gần gũi với văn hóa nông nghiệp, ưa sống ổn định, dân dã, thái bình, trọng tình nghĩa của người Việt. Ở gia đình Phật tử, bàn thờ Phật được đặt cao hơn bàn thờ tổ tiên. Trong lời khấn tổ tiên, dường như người Việt khấn “Nam mô a
di đà Phật” 3 lần sau đó mới đến các vị tổ tiên của mình. Dù họ không xuất gia vào chùa tu Phật nhưng họ vẫn sống theo tinh thần Phật giáo, chùa và nhà hòa vào một. Chính vì biết uyển chuyển nên Phật giáo đã nhanh chóng chiếm được vị trí trong đời sống tâm linh của người Việt như thách thức với thời gian, với lịch sử, Phật giáo Việt Nam vẫn an nhiên đứng đó. Đã có biết bao tư tưởng và tôn giáo từ bên ngoài đưa vào nước ta nhưng Phật giáo xem ra càng lâu càng sâu gốc bền rễ.