CHƯƠNG 3: KIẾN NGHỊ VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN
3.2. Phương hướng phát triển
3.2.1. Tăng cường nguồn lực thông tin
Với nguồn lực thông tin hiện có, song song với quá trình phát triển nguồn sách nói thì thư viện cần củng cố lại vốn tài liệu là sách chữ nổi cũ. Một mặt để phục vụ bạn đọc khi có yêu cầu, mặt khác để đạt hiệu quả cao trong việc tiếp cận giữa các nguồn thông tin Tự nhiên và Xã hội khi chưa có những thống nhất về việc trình bày các ký tự, ký hiệu trong các môn học Khoa học Tự nhiên.
+ Xây dựng chính sách bổ sung hợp lý dựa trên cơ sở các yếu tố như: khả năng ngân sách thư viện, nhu cầu tin của người khiếm thị.
+ Có kế hoạch mua và sử dụng cá nguồn tin là các dạng file âm thanh trên các website, thanh lọc xử lý và có những thông báo đến bạn đọc để bạn đọc dễ dàng tiếp cận, sử dụng nguồn tin phù hợp với mình.
+ Xin tài trợ, hỗ trợ ngân sách từ các cá nhân/tổ chức trong và ngoài nước.
Tận dụng các cơ hội hợp tác để phát triển nguồn sách nói trao đổi, biếu tặng từ các tổ chức cho thư viện.
- Đa dạng nguồn thông tin: Song song với quá trình đảm bảo về số lượng thì quan trọng hơn cả, chất lượng nguồn tin cho người khiếm thị cũng là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu. Đối với các thư viện trường học, việc sản xuất sách nói vấp phải một số khó khăn chủ yếu là việc xu hướng cải cách trong giảng dạy tiểu học là tăng phần quan sát hình họa, giảm lời diễn đạt nên đòi hỏi người dịch phải có trình độ, có kỹ năng mô tả, diễn giải cụ thể từ hình họa sang lời văn thật dễ hiểu để các em khiếm thị hình dung được. Mặt khác, sách nói chỉ đáp ứng đối với các môn học thiên về xã hội, còn về các môn học tự nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình truyền đạt. Do đó, cần có một cái nhìn khoa học trong quá trình thu âm sách nói, cần tìm ra những phương pháp làm cân đối số lượng các tài liệu Tự nhiên và Xã hội, Văn học- nghệ thuật,….
Một vấn đề rất đáng quan tâm đó là một số tài liệu chữ nổi ngoại văn do các tổ chức/cá nhân nước ngoài trao tặng còn chưa được sử dụng đến gây lãng phí nguồn thông tin. Do đó, cần nhanh chóng cập nhật các tài liệu dạy các ngoại ngữ
thông dụng để họ có cơ hội được học tập, nâng cao tri thức bản thân và khai thác tối đa nguồn tin có trong thư viện.
- Xây dựng các sản phẩm và dịch vụ: Người khiếm thị cũng như mọi đối tượng người dùng tin khác, cần có cơ hội được sử dụng mọi sản phẩm và dịch vụ của thư viện. Tuy nhiên, thư viện cần tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đặc thù để đối tượng người dùng tin đặc biệt này có thể sử dụng.
Đối với các sản phẩm, ngoài nguồn sách nói thì cần xây dựng các mục lục, thông tin tóm tắt, các thư mục… rất cần thiết đối với người khiếm thị trong quá trình tìm tin của mình. Trước mắt, thư viện cần xây dựng công cụ tra cứu dưới hình thức truyền thống (có thể là phích/tủ mục lục dưới dạng chữ nổi) để bạn đọc tìm tài liệu mỗi khi trực tiếp tới thư viện đọc/mượn tài liệu. Tuy nhiên, cũng cần tuân thủ chuẩn biên mục đã đề ra để đảm bảo tính thống nhất. Mặt khác, cần kết hợp các sản phẩm thông tin thông thường với các sản phẩm hỗ trợ như hình họa nổi, các mô hình phục vụ học tập. Như một số giáo viên với tâm huyết nghề dạy học cho các trẻ khiếm thị đã kết hợp bài giảng với các mô hình tự tạo như hình tam giác, hình vuông,.. để các em dễ dàng hiểu bài hơn. Đó tưởng chừng như một điều đơn giản nhưng lại có tác dụng vô cùng lớn với NDT khiếm thị.
Đối với các dịch vụ, cần xây dựng các dịch vụ in sao tài liệu (từ đĩa CD, băng catsette, dịch vụ Tư vấn-Hỏi đáp, dịch vụ phòng đọc nhóm cho người khiếm thị,…) Trong đó, với điều kiện thiếu thốn về thiết bị hỗ trợ đọc như hiện nay thì việc xây dựng hồ sơ bạn đọc có cùng sở thích và phòng đọc nhóm sẽ giúp giải quyết vấn đề, mặt khác vẫn đáp ứng được nhu cầu của nhiều bạn đọc khiếm thị.
3.2.2. Xây dựng và đẩy mạnh các hoạt động phát triển thƣ viện
Đối với trẻ em khiếm thị, đa số khi phải hòa nhập với trường học của người sáng, các em phải nhờ bạn bè đọc giúp tài liệu rồi ghi âm vào băng, sau đó mở ra nghe và tự mình đánh máy bằng phần mềm dành cho người khiếm thị. Hiện nay có 3 tổ chức chính hỗ trợ cho chương trình giáo dục hòa nhập (GDHN), đó
là Radda Barnen (RB), Tổ chức quốc tế Pearl S Buck (PSBI) và Tổ chức cứu trợ và phát triển (CRS). Theo thống kê của Trung tâm Tật học, Viện khoa học và giáo dục, GDHN hiện đang được triển khai thực hiện tại 51 trong tổng số 61 Tỉnh/Thành phố trong cả nước với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế và phi chính phủ khác. Ngoài việc liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước, để xây dựng và đẩy mạnh các hoạt động phát triển nguồn tin cũng như hoạt động của thư viện dành cho người khiếm thị cần tham khảo một số ý kiến sau:
- Phối hợp với Đài tiếng nói để sản xuất sách nói cho người khiếm thị bằng cách chọn lọc các bản tin, chương trình đưa vào phần danh mục tạp chí, tin tức hàng ngày. Công tác này không chỉ giúp tăng nhanh về số lượng tài liệu mà còn đa dạng các loại hình sản phẩm dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, hoạt động này cần đòi hỏi tính chuyên nghiệp, nhanh nhạy của cán bộ thư viện để thông tin được cập nhật nhanh chóng tới người khiếm thị.
- Liên kết chặt chẽ với các thư viện, đặc biệt là các thư viện sản xuất và lưu trữ nguồn tài liệu dành cho người dùng tin đặc biệt để phối hợp và trao đổi nguồn thông tin, sao in tài liệu; tránh các trường hợp cùng một tài liệu được thu âm ở nhiều nơi làm tốn thời gian và công sức cho cán bộ thư viện.
- Ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, các thư viện cần liên kết với các tổ chức từ thiện, hội khuyến học, hội người khiếm thị kết hợp với các hoạt động thực tế để quyên góp quỹ, hỗ trợ các trang thiết bị máy móc cần thiết cho các thư viện phục vụ người dùng tin đặc biệt. (Nêu gương các tấm gương vượt lên số phận, ham học hỏi, tổ chức các triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, chương trình văn nghệ do chính các học sinh khiếm thị trình bày để huy động các nguồn hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức). Thiết nghĩ, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn cho việc xuất bản loại sách này đi vào quy củ và nhất quán. Ngành tài chính và giáo dục nên có thêm sự hỗ trợ về nguồn kinh phí về cơ sở vật chất kỹ thuật để tạo điều kiện tối đa cho người dùng tin khiếm thị sử dụng sách nói.
- Mở rộng liên kết với các thư viện công cộng, thư viện dành cho người khiếm thị ở nước ngoài để có sự giúp đỡ đầu tư về vốn, thường xuyên trao đổi nguồn tin, đặc biệt là sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, các thiết bị hiện đại hỗ trợ cho việc tiếp cận nguồn tin của người khiếm thị ...
3.2.3. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện
Sản xuất nguồn sách nói cho người khiếm thị vẫn còn là một hoạt động chưa phổ biến ở nước ta bởi rất nhiều nguyên nhân. Hiện nay có nhiều studio mở ra và sản xuất sách nói cho người khiếm thị nhưng phổ biến ở các Wesite - nơi mà người khiếm thị ít cơ hội được tiếp cận nhất, mặt khác, hoạt động của các website này cũng chưa đồng bộ và liên tục. Ngược lại tại các cơ quan Thông tin Thư viện, trường học, lượng sách nói rất ít do phải tỷ lệ thuận với thiết bị như đài, đầu VCD, máy đọc Victor Reader, .... Bởi mỗi người dùng tin có một nhu cầu tin khác nhau, do vậy thư viện tối thiểu phải đủ máy móc đáp ứng nhu cầu tin tại chỗ cho người dùng tin. Trong khi đó, cá nhân mỗi người dùng tin khiếm thị phần đa là có điều kiện khó khăn, khó có thể tự trang bị cho mình một thiết bị hỗ trợ nghe đọc như thế.
Do đó, để đảm bảo chất và số lượng nguồn sách nói cũng như các trang thiết bị hỗ trợ thì Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức đến cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị thư viện như phòng thu âm sách nói, các thiết bị hỗ trợ nghe,.. Mặt khác, cần theo dõi hoạt động của tổ chức từ thiện trong và ngoài nước nhằm thu hút và tận dụng sự đầu tư của họ vào cơ sở mình.
3.2.4. Nâng cao trình độ cán bộ thƣ viện
Trong hoạt động thư viện, nguồn nhân lực hay chính là cán bộ thư viện với nhiệm vụ chính là lưu giữ những thành tựu và bảo tồn tri thức. Đối với đối tượng người dùng tin khiếm thị, các cán bộ quản lý cũng như cán bộ thư viện càng đóng một vai trò quan trọng hơn nữa và có những đòi hỏi nhất định về kỹ năng nghề.
Đối với cán bộ quản lý: Người cán bộ quản lý phải luôn dành sự quan tâm đặc biệt với đối tượng người dùng tin này, trong đó có việc đưa ra những quyết định về việc cân đối giữa những nguồn tin dành cho bạn đọc bình thường với nguồn tin dành cho bạn đọc khiếm thị. Đồng thời, xây dựng được những kế hoạch lâu dài để phát triển nguồn tin cho bạn đọc khiếm thị và tăng số lượng người dùng tin khiếm thị đến thư viện. Để thực hiện được điều đó, người cán bộ quản lý phải nắm được những văn bản của Nhà nước quy định về phát triển nguồn tin cho người khiếm thị, nắm được xu hướng phát triển của các nguồn tin hiện nay trong nước cũng như trên thế giới.
Đối với cán bộ thư viện: Là người tiếp xúc trực tiếp nhất với đối tượng người dùng tin đặc biệt này, người cán bộ thư viện cần có nhưng yêu cầu nhất định trong hoạt động xây dựng nguồn tin cũng như phục vụ người khiếm thị. Tuy nhiên, để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất thì các thư viện cần hình thành một đội ngũ được đào tạo chuyên trách từ các khâu như lựa chọn tài liệu, thu âm, xử lý… đến việc quảng bá sản phẩm đến người khiếm thị.
- Về thái độ: Cần có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp cũng như đối tượng mà mình đang phục vụ.
- Về kiến thức: Nắm vững kiến thức chuyên môn cả truyền thống và hiện đại. Có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực khoa học khác, có trình độ tin học và ngoại ngữ tốt để có thể tư vấn cho bạn đọc khiếm thị đạt hiệu quả tốt nhất.
Đồng thời phải có khả năng khai thác các nguồn tin dành cho người khiếm thị trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác…
- Về kỹ năng: Thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp trong các kỹ thuật như xử lý thông tin, tổ chức lưu giữ, tra cứu, bảo quản nguồn thông tin dành cho người khiếm thị; kỹ năng phục vụ NDT khiếm thị…. Ngoài ra còn cần có khả năng giao tiếp với NDT khiếm thị như một chuyên gia tâm lý để tìm hiểu nhu cầu tin của họ, khả năng thuyết trình, kể chuyện,…
3.2.5. Hướng dẫn và đào tạo người dùng tin
NDT là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong bất kỳ một hệ thống TT – TV nào. Hoạt động TT – TV càng phát triển khi nhu cầu của NDT càng được thỏa mãn và nó thực sự có chất lượng khi những kỹ năng sử dụng, khai thác nguồn thông tin đạt hiệu quả. NDT chính là người sử dụng và đánh giá chất lượng hiệu quả của các sản phẩm và dịch vụ TT – TV. Đồng thời, nhu cầu tin của NDT ngày càng tăng thì càng thúc đẩy sự phát triển nguồn tin hơn nữa. Người dùng tin khiếm thị cũng không nằm ngoài những mục tiêu đó.
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng dẫn và đào tạo người dùng tin song song với quá trình phát triển nguồn tin. Quá trình này có thể tuân theo các chương trình đào tạo truyền thống như tổ chức các khóa đào tạo người dùng tin hàng tuần, hàng tháng ngay tại thư viện hoặc về các cơ sở, các trung tâm, các câu lạc bộ người khiếm thị,... Đa số người khiếm thị khi đến thư viện không có khả năng diễn đạt chính xác nhu cầu tin vì vậy đây là hoạt động cần thiết đối với họ.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nguồn tin cho người khiếm thị, đặc biệt là nguồn sách nói, NDT ở đây vừa phải đóng vai trò là người sử dụng thông tin vừa là các chuyên gia tư vấn về chất lượng nguồn tin, tạo ra các sản phẩm thông tin mới có chất lượng và phù hợp hơn. Không ai khác ngoài người dùng tin khiếm thị có thể đánh giá chính xác chất lượng của nguồn thông tin mà họ sử dụng. Bởi với một sản phẩm thông tin dành cho người khiếm thị, người cán bộ thư viện tạo ra sản phẩm đó nếu không phải là người khiếm thị thì không thể biết được nó dễ/khó tiếp cận, nguồn thông tin phù hợp/không phù hợp, … khi sử dụng. Qua đó, có thể tư vấn cho cán bộ thư viện sửa đổi các sản phẩm của thư viện mình phù hợp với bạn đọc khiếm thị hơn. Để thực hiện được điều đó, cần thiết lập các nhóm tình nguyện viên là những người khiếm thị với các chức năng nhiệm vụ riêng, ví dụ như nhóm tìm hiểu nhu cầu tin bạn đọc, nhóm thu âm, nhóm hướng dẫn người dùng tin,…
3.2.6. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm và dịch vụ tới mọi đối tượng người khiếm thị
Như chúng ta đã biết, Marketing dịch vụ sản phẩm TT-TV tập trung vào các khái niệm “cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp cho đúng đối tượng sử dụng với giá cả hợp lý thông qua những phương án tiếp xúc hiệu quả”. Trong khi đó, đối tượng người dùng tin khiếm thị hầu như có điều kiện kinh tế còn khó khăn, ít có điều kiện được tiếp cận với nguồn thông tin, chưa có hình dung cụ thể về nguồn tin của thư viện cũng như những quyền lợi đợi tiếp xúc với các nguồn tin đó. Do vậy, quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của thư viện tới người dùng tin khiếm thị song song với hoạt động đào tạo người dùng tin là một hoạt động vô cùng thiết thực.
Trong quá trình thực hiện Thư viện cần chú trọng đến các yếu tố sau trong việc quảng bá dịch vụ:
- Quan hệ công chúng hơn là quảng cáo thuần túy: Thư viện cần tổ chức các hoạt động như câu lạc bộ bạn đọc, triễn lãm các sản phẩm thông tin mới phù hợp với bạn đọc khiếm thị ở các lứa tuổi, hoặc tổ chức trưng bày, giới thiệu sách nói theo một chủ đề, nhân vật… Các hoạt động này không chỉ tổ chức tại thư viện mà còn nên tổ chức tại các cơ sở, phát thông tin, tờ rơi, pano áp phích về các tổ chức, câu lạc bộ người khiếm thị trên địa bàn thư viện mình hoạt động.
- Đẩy mạnh công tác liên lạc giữa thư viện đến với bạn đọc hoặc nhóm bạn đọc , giữa các bạn đọc với nhau: Nhằm mục đích kết nối các bạn đọc khiếm thị cũng như các bạn đọc bình thường để họ có cơ hội trao đổi, học hỏi lẫn nhau về một sản phẩm hay dịch vụ nào đó thì thư viện nên đẩy mạnh công tác liên lạc đến với bạn đọc hoặc nhóm bạn đọc. Mặt khác, có thể xây dựng những danh mục sách nói mới, danh mục sách nói hay dưới dạng chữ Braile để gửi đến các cá nhân hay nhóm người dùng tin này để quảng bá về các sản phẩm mới của thư viện.
3.2.7. Thị trường hóa thông tin
Như nghiên cứu đã nêu trên, với tính năng của mình, tài liệu dưới dạng sách nói không chỉ phục vụ cho người dùng tin khiếm thị mà mọi đối tượng người dùng tin bình thường khác đều có thể sử dụng. Như vậy, cần thiết lập các hoạt động mua bán sản phẩm và cung cấp các dịch vụ có thu phí cho các đối tượng khác có yêu cầu nhằm tăng khả năng ngân sách cho thư viện, thúc đẩy hoạt động phát triển nguồn tin tại thư viện.
Thu phí sản phẩm và dịch vụ đối với một số đối tượng bạn đọc có thể dưới nhiều hình thức:
- Khi download tài liệu trực tuyến: Trên CSDL trực tuyến của Thư viện, mỗi người dùng tin sẽ được quản lý và cấp một account để truy cập với một tài khoản riêng (NDT nộp cho thư viện theo từng tháng/quý), mỗi một lần download tài liệu về máy mình, hệ thống sẽ tự động trừ đi một khoản phí tương ứng với định dạng file và lưu lượng.
- Khi in, sao tài liệu: Ưu điểm của đĩa CD, băng catsete là dễ in sao, nhân bản. Do đó, khi bạn đọc có yêu cầu, thư viện sẽ thực hiện và thu phí tương ứng.
- Khi thực hiện các dịch vụ thông báo sách mới, thông báo tài liệu theo chuyên đề: Hiện nay, việc sản xuất sách nói khác với việc cho ra đời các xuất bản phẩm thông thường đó là nó ra đời sau các tài liệu in trên giấy. Đồng thời, với việc số lượng sách nói chỉ chiếm một phần nhỏ so với các dạng tài liệu khác thì công tác chuyển dạng tài liệu của các thư viện vẫn còn là một quãng đường dài phía trước. Do đó, khi thực hiện thu âm một tài liệu nào đó phù hợp với một nhóm đối tượng người dùng tin nhất định thì chúng ta sẽ tiến hành triển khai dịch vụ thông báo có thu phí đến các đối tượng bạn đọc. Qua đó, họ sẽ nắm được các tài liệu mới của thư viện và đối chiếu với nhu cầu tin của mình.