Quan tâm đến phương diện đạo đức để làm rõ bản tính người, Freud đã nghiên cứu đạo đức từ lập trường cái vô thức do mình khởi xướng để làm rõ vấn đề thiện ác, các động cơ của hoạt động trong tương quan với cấm đoán đạo đức, lương tâm và tội lỗi. Do là nhà nghiên cứu tâm lý tinh thần nên quan điểm đạo đức của ông có nhiều điểm khác so với các quan niệm truyền thống.
Sigmund Freud: “Con người đạo đức hơn ta nghĩ, nhưng cũng rất vô đạo đức hơn ta tưởng”.
Freud nhìn thấu bản chất ấy và nhận ra hai xu hướng bản năng đối lập mà ông gọi là Eros và Thanatos: Eros và Thanatos là hai nhân vật đối lập trong thần thoại Hy Lạp: Eros là thần của sắc đẹp, tình yêu nhục dục và sự sinh sản; Thanatos là thần chết.
Eros là một từ gốc Hy Lạp, Ἔρως, được Freud sử dụng để biểu thị cái “libido”
hoặc bản năng sống hướng tới thoả mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn.
Ham ăn, ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi,
… là những thứ ham muốn nằm trong cái Eros nói chung. Những ham muốn này là tự nhiên, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Đối lập với bản năng sinh tồn là bản năng Thanatos.
Thanatos cũng là một từ gốc Hy Lạp, Θάνατος, dịch ra tiếng Anh là “death wish”. Freud sử dụng thuật ngữ này để chỉ trạng thái “muốn huỷ hoại” – một trạng thái tâm lý tiêu cực như muốn đập phá, huỷ hoại mọi thứ bất chấp cái chết để giải quyết những bế tắc, căng thẳng trong cuộc sống. Biểu lộ thấp nhất của cái Thanatos là thói tự ái, nóng giận, nổi khùng mà ai cũng có thể có. Rất nhiều đổ vỡ trong hôn nhân hay trong quan hệ giữa người với người nói chung xuất phát từ những cơn tự ái bất chấp. Đó là lúc bản năng Thanatos trỗi dậy, không thể kiểm soát. Sự ghen tức, đố kị dẫn tới hãm hại lẫn nhau là biểu hiện cao hơn của Thanatos. Thù oán, giận dữ đến mức giết hại đồng loại là biểu hiện tột cùng của Thanatos.
Hoạt động của con người bị quy định bởi sự tương tác và nhân nhượng của hai loại bản năng đó, tương ứng với hai loại ý chí đối nghịch với nhau hoạt động một cách vô thức: ý chí hướng đến cuộc sống và ý chí hướng đến cái chết. Những lực
lượng vô thức của tâm lý này dường như điều khiển hoạt động của con người cá nhân. Theo Freud, trình độ khởi đầu của đời sống tâm lý này quy định nội dung ý thức và tất cả các hình thức của hoạt động văn hóa trong đó có đạo đức và tôn giáo.
Cả hai bản năng nói trên không chỉ tồn tại trong từng cá thể, mà có thể tồn tại ngay cả trong một cộng đồng xã hội, tạo nên một xu thế sống trong cộng đồng đó.
Những vụ tự tử tập thể là một bằng chứng. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, bề ngoài được che đậy bởi mục tiêu tôn giáo, nhưng thực chất cũng là một biểu hiện của cái Thanatos lên tới cực điểm. Có thể chỉ ra hàng đống ví dụ khác để thấy vai trò của Thanatos tác động tiêu cực đến xã hội loài người như thế nào.
Tất nhiên bản năng vô thức bị kiềm chế bởi lý trí – ý thức làm cho con người hơn hẳn con vật. Nhưng khả năng kiềm chế của lý trí lớn đến đâu? Lý trí có thể chiến thắng bản năng Eros và Thanatos hay không? Đây chính là câu hỏi khó nhất và cũng là quan trọng nhất khi nhận định về tương lai của nền văn minh. Nếu lý trí thắng, nền văn minh sẽ tiến lên. Nếu bản năng thắng, nền văn minh sẽ sụp đổ.
Thực tế cho thấy tuỳ theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể, từng cá nhân mỗi con người hoặc từng xã hội, khả năng và mức độ kiểm soát của lý trí đối với bản năng Eros và Thanatos là khác nhau.
Những cá nhân như Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện có lẽ thuộc loại thuần tuý bản năng. Trước khi thực hiện hành vi man rợ, chúng tính toán kế hoạch rất tỉ mỉ. Những kế hoạch này càng quỷ quái ranh ma bao nhiêu càng chứng tỏ cái bản năng Eros và Thanatos lớn bấy nhiêu.
Có những xã hội cũng hành động điên rồ như những cá nhân tội phạm. Chủ nghĩa quốc xã Đức là cái gì nếu không phải là một tập thể hành động theo cái Eros (tranh giành quyền lợi) và Thanatos (tiêu diệt người Do Thái, lập nên những trại tập trung, lò thiêu người,…). Những mồ chôn tập thể của Khơ Me đỏ những năm 1970 hay của Gaddafi mới được phát hiện vào tháng 9/2011 là cái gì nếu không phải là kết quả của một nền chính trị bị chi phối bởi những con quỷ Eros và Thanatos?
Đôi khi những con quỷ ấy bị nguyền rủa như một thứ “bản năng dã thú” hay
“bản năng súc vật”. Sự nguyền rủa này có phần oan uổng cho loài vật, vì thú dữ chỉ dữ khi chúng đói hoặc bị tấn công. Khi chúng được ăn no, chúng trở nên hiền lành đến mức có thể sai bảo. Đó là bí quyết của các môn xiếc động vật. Nói cách khác,
bản năng của động vật là có giới hạn, và giới hạn này do Tự Nhiên quy định, đó chính là luật cân bằng sinh thái.
Chỉ có con người mới phá vỡ luật cân bằng sinh thái, đơn giản vì cái Eros và Thanatos ở con người không có giới hạn, đúng như ngạn ngữ Việt Nam đã nói:
“Lòng tham không đáy!”. Thật vậy, cái Eros của con người vượt xa con vật. Đã có 1 tỷ đô-la lại muốn có 10 tỷ, bỏ ngoài tai lời tâm sự của Warren Buffet: “Khi tôi đã có 1 tỷ, mọi đồng tiền kiếm thêm đều vô nghĩa”. Trong hơn 7 tỷ người trên trái đất, có bao nhiêu người thấm thía ý kiến của Honoré de Balzac trong “Tấn trò đời”: “Đằng sau những tài sản kếch xù đều là máu và nước mắt”? Bao nhiêu người lắng nghe Lão tử: “Hoạ mạc đại ư bất tri túc; cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ” (Không cái hoạ nào lớn hơn là không biết tri túc; không sai lầm nào lớn hơn là tham lam. Cho nên kẻ biết cái đủ là đủ thì không bị nhục và bao giờ cũng thấy đủ)?
Vì thế không ngạc nhiên khi thấy Sigmund Freud, ngay từ năm 1930, trong tác phẩm “Civilization and Its Discontents” (Nền văn minh và sự bất mãn của nó), đã sớm có một cái nhìn đầy bi quan về mối quan hệ xung đột giữa nền văn minh với chính chủ thể sáng tạo ra nền văn minh đó: Nền văn minh muốn tiến lên để đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng luôn luôn bị chệch hướng và thậm chí bị huỷ hoại bởi cái Eros và Thanatos.
Freud đáng được thông cảm, bởi ông đã chứng kiến cuộc Thế chiến I. Ở một mức nào đó, cảm nhận của ông về tương lai của nền văn minh nhuốm vẻ tiên tri – chưa bao giờ xã hội loài người lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng như hiện nay: mất cân bằng sinh thái; chiến tranh khu vực; khủng bố; suy đồi đạo đức;
khủng hoảng tội ác; đám mây hạt nhân treo lơ lửng trên bầu trời; bất công xã hội lên đến mức vô đạo (90% của cải vật chất tập trung vào 5% dân số thế giới, bất chấp ngót 1,5 tỷ người đang sống nghèo đói và bệnh tật);...
Bình luận về vấn đề này, học giả David Peat nêu ra ý kiến rằng: lý trí, cái vốn được coi là nền tảng chắc chắn của một xã hội, thực ra chỉ là bề nổi của một đại dương vô thức mênh mông – một tầng tâm lý nằm sâu bên dưới, ẩn giấu những khát vọng điên cuồng và những cơn bốc đồng thôi thúc. Sức mạnh của cái vô thức này thường xuyên đe doạ nổ tung trong cuộc sống tỉnh thức của chúng ta … Theo
Freud, tình trạng căng thẳng này là không thể giải quyết được, do đó không bao giờ có thể có một xã hội thật sự lý tưởng, cũng như không bao giờ có một hạnh phúc và sự hài hoà thuần khiết của con người. Có lẽ đây là lý do căn bản để sự cùng khốn, bất công xã hội, và sự bất bình đẳng chính trị châm ngòi cho sự bùng nổ bạo lực và những căng thẳng xã hội. Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của những căng thẳng đó chính là cái Thanatos – trạng thái muốn huỷ hoại được phóng chiếu lên các quốc gia, các nhóm sắc tộc, và các cá nhân. Vì cái Eros và Thanatos không thể hoà giải được với nhau nên tội lỗi của con người và sự thiếu vắng của một hạnh phúc trọn vẹn là điều khó tránh. Tất cả mọi hình thái của nền văn minh, từ nền tảng cốt lõi của chúng, đã là một sự đối kháng đối với xu thế bản năng và khát vọng căn bản nhất của chúng ta.
Đáng tiếc là Freud có một số quan điểm thái quá khi bàn đến bản năng dục vọng cách nhìn bi quan của ông về con người và tương lai của nền văn minh cũng khiến một số người kết tội ông là hạ thấp gía trị của con người, thiên về cái xấu của con người thay vì đề cao giá trị của ý thức.
Tuy nhiên, sẽ có ý nghĩa tích cực nếu ta coi ý kiến của Freud như những lời cảnh tỉnh. Chẳng hạn, ông nói: “Cái tôi không phải là ông chủ trong căn nhà của chính nó” (The ego is not master in its own house), đại ý ông muốn nói: thay vì làm chủ được chính mình, con người chỉ là những tên nô lệ của bản năng mà thôi. Nhận định này có thể đúng với người này, sai với người khác. Nhưng người nào càng tự phụ cho rằng ý thức của mình mạnh hơn bản năng, người ấy càng có nguy cơ rơi vào cạm bẫy của bản năng nhiều hơn. Chúng ta phải hiểu rõ vấn đề này để tránh sa vào các cạm bẫy cám rỗ không thể ngờ tới.
Trong tác phẩm Tâm lí học đám đông và phân tích cái tôi con người, Freud còn đưa hai phát hiện cơ bản lớn của ông vào phân tích mối quan hệ giữa con người với con người. Sự phân tích đó đã chỉ ra cho thấy "mối liên hệ của tình yêu" được xây dựng trên cơ sở bản năng, là sự ràng buộc các cá nhân trong tập thể, là sức mạnh trung tâm trong quan hệ giữa người với người. Freud nói: trong quan hệ người với người, đã có thể thấy quan hệ tự yêu, tự thương để bảo tồn cá nhân. Điều này có ý nghĩa vì nó tạo nên sự khoan dung lẫn nhau trong tập thể làm cho con người chuyển từ "con người vị kỉ sang con người vị tha" [7, 369]. Một ứng dụng
nữa trong phân tâm học là Freud đã ứng dụng phân tâm học vào nghiên cứu nguồn gốc của đạo đức và tôn giáo, ông coi "mặc cảm Ơdip" là căn nguyên cuối cùng của đạo đức và tôn giáo. Vấn đề này được Freud trình bày trong Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Freud xác định cấu trúc tâm lý con người gồm 3 yếu tố: “cái Nó” (cái vô thức); “cái Tôi” (ý thức) và “cái Siêu Tôi” (yếu tố văn hóa – đạo đức – xã hội), trong đó “cái Siêu Tôi” là yếu tố quan trọng nhất, mà biểu hiện khách quan của nó là môi trường văn hóa xã hội gắn liền với các cơ chế quy định về xã hội đối với hành vi con người như các tập quán, truyền thống, các điều cấm kỵ, các yêu cầu của tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt là các chuẩn mực đạo đức tác động đến con người từ thời thơ ấu. Từ quan điểm của Freud, “cái Siêu Tôi”
với tính cách là yếu tố văn hóa – đạo đức xã hội đóng vai trò trung gian giữa “cái Nó” và “cái Tôi”. Theo Freud, giữa “cái Tôi” và “cái Nó”, tức là giữa cái vô thức và ý thức, thường xuyên diễn ra cuộc đấu tranh trong đó “cái Tôi”, ý thức không thể luôn luôn kiềm chế một cách thành công những bản năng vô thức.
Ngoài ra, Freud còn sử dụng các khái niệm cái Nó, cái siêu Tôi và cái Tôi để trình bày mối quan hệ giữa lý tính và dục vọng, dùng lý tính xã hội đè bẹp, điều khiển bản năng động vật trong hình thức tâm lý văn hoá của con người. Điều tiết hoạt động này là do “nguyên tắc thực tại”; nó làm cho con người trở thành thành viên sống và tồn tại trong xã hội nhưng dục vọng của bản năng động vật bị đè bẹp, điều khiển. Song những ham muốn ấy vẫn không thể mất, mà thường thể hiện trong giấc mơ, trong nghệ thuật và trong những hành động vượt ngoài khuôn khổ. Kết tinh lý tính hoàn toàn không thể thay thế và khống chế tất cả. Giá trị sự sinh tồn, cuộc sống, sinh mệnh của con người và ý nghĩa của đời người cũng không hoàn toàn đồng nhất với đạo đức luân lý và trật tự lý tính. Thế nên, một mặt, như nhiều nhà sinh vật học hiện nay cho rằng động vật sống bầy đàn cũng có đạo đức luân lý, không khác gì con người, hoàn toàn không xem thường hoặc chê bai cơ cấu tâm lý văn hoá chỉ có ở con người - ý chí tự do thuộc kết tinh lý tính, là phiến diện. Mặt khác, như Kant coi tự giác đạo đức thuộc kết tinh lý tính này chính là mục đích cuối cùng và kẻ kiểm duyệt tối cao của con người, coi đó là bản thể, xem thường và chê
bai sự chính đáng và quan trọng của tình dục cảm tính động vật của con người, cũng là phiến diện.
Thừa nhận hoạt động chủ yếu của trạng thái tâm thần người là do những ham muốn bản năng chi phối, Freud cho rằng, con người có thiên hướng “đeo mặt nạ” để hóa trang, che đậy những dục vọng bẩm sinh. Trong quá trình nhận thức cái vô thức trên cơ sở giải mã những hành vi sai lạc và giấc mơ, Freud cho rằng cần phải nhận thấy trong con người đằng sau cái cao cả là những dục vọng thấp hèn. Vì thế, Freud thừa nhận ác là bản tính đầu tiên trong con người và cũng bởi con người luôn có mong muốn theo đuổi những đam mê và hiếu chiến. Trong khi đó, đạo đức chính là những cấm đoán xã hội (Kategorischer Imperativ trong đạo đức học của Kant), là những quy tắc, chuẩn mực có tính cưỡng chế và bắt buộc mọi người phải tuân thủ, nên đôi khi gây hậu quả khôn lường. Bởi vì, dù chịu sự chế tài của xã hội nhưng cá thể vẫn có những hoạt động riêng. Vì thế, sẽ dễ nảy sinh những mâu thuẫn giữa những đòi hỏi chân chính của con người và các lực lượng cưỡng chế của xã hội.
Con người sẽ không còn thực sự là chính mình nữa mà sẽ chỉ hành động bởi được xã hội tán đồng mà thôi.
Từ lập trường ấy, Freud không đồng ý với quan điểm cho rằng Phân tâm học không đề cập đến đạo đức mà chỉ nói đến những điều bẩn thỉu, tục tĩu vốn bị văn hóa Thanh giáo cố tránh, không chấp nhận. Văn hóa Thanh giáo nhấn mạnh đến nhu cầu tự xét mình, nghiêm khắc tự kiểm điểm mọi hành vi và kiềm chế những cảm xúc, ham muốn trong đời sống hằng ngày. Đối với các tín đồ Thanh giáo, người có đạo đức là người biết tiết chế và làm trong sạch lối sống, suy nghĩ của mình trong quan hệ với Chúa và với nhau trong xã hội. Với ông, việc thực hiện những quy tắc đó là căn nguyên dẫn đến lối sống đạo đức giả - một lối sống phổ biến ở thành Viên lúc bấy giờ. Freud coi đây là một căn bệnh của thời hiện đại, và cho rằng nhiệm vụ của đạo đức học phân tâm là phải đi sâu phân tích mổ sẻ căn bệnh tâm thần để giải tỏa tâm lý, đưa con người trở về với phẩm chất của con người thực vừa có phần bản năng sinh học vừa có phần Người.
Như vậy, ông cho rằng, việc chỉ trích “Phân tâm học không lưu ý đến cái cao nhã, đạo đức, siêu việt trong con người” [2, 255] là nhận xét chủ quan. Ông chứng minh: “Về phương diện lịch sử, Phân tâm học đã gán cho khuynh hướng đạo đức và
thẩm mỹ một vai trò quan trọng trong sự dồn nén ngay từ đầu”. Ông phê phán: “Về phương diện phương pháp làm việc, người chỉ trích không muốn hiểu rằng sự tìm hiểu Phân tâm học không có cái gì chung với một hệ thống triết lý có sẵn, một học thuyết toàn vẹn và thành tựu; Phân tâm học bắt buộc phải tìm hiểu và tiến hành từng bước để hiểu những điểm khúc mắc của động tác tinh thần qua sự phân tích những hiện tượng tinh thần bình thường và bất thường” [2, 255-256]. Với cách hiểu của Freud như vậy, khi nghiên cứu quan niệm đạo đức của ông, không thể coi đạo đức là hệ thống các quan niệm và phạm trù có sẵn được liên kết lôgic chặt chẽ. Vì thế tư tưởng đạo đức của ông cần được chắt lọc ra qua một quá trình nghiên cứu, sử dụng phương pháp Phân tâm học vào mổ xẻ các vấn đề xã hội trong quan hệ giữa cái Tôi và siêu Tôi, tôn giáo và văn minh.
Trước hết, để trả lời câu hỏi “bản tính người là gì?” Freud đã đi sâu phân tích cái Tôi để phê phán quan điểm cho rằng đạo đức học của ông không bàn đến bản tính thiện trong con người. Ông nói: “Tôi có thể trả lời cho những người có thắc mắc với vấn đề đạo đức và chủ trương ý thức đạo đức phải có yếu tính cao cả, tôi sẽ trả lời rằng: hẳn là phải có, yếu tính cao cả ấy không phải là cái gì khác cái Tôi lý tưởng, cái siêu Tôi thâu tóm đạo làm con đối với cha mẹ” [2, 256]. Freud cho rằng, siêu Tôi là cái tối cao về mặt đạo đức, với tư cách là lương tâm, nó cố gắng thực hiện sự giám sát đối cái Tôi và cái Nó, do vậy, đối với tất cả các nguyên tắc hoạt động sống quan trọng nhất của con người: nguyên tắc thực tại, nguyên tắc thỏa mãn và bản năng chết gắn liền với chúng. Trong học thuyết đạo đức của mình, Freud gán ghép vai trò quyết định không phải cho bản nguyên đạo đức tối cao trong con người, mà cho nguyên tắc thỏa mãn và cái Nó: bản tính con người cho thấy nó bao giờ cũng hướng tới sự thỏa mãn lớn nhất. Dù con người được xem xét từ bất kỳ lập trường nào, kể cả lập trường đạo đức, thì nguyên tắc thỏa mãn và bản năng chết vẫn luôn mang tính quyết định.
Theo Freud, thông qua giáo dục, xã hội văn minh cung cấp cho con người tri thức khoa học để có khát vọng chinh phục, cải tạo tự nhiên và vô hình trung lại tạo thành siêu Tôi vô thức trong con người. Vì thế, vô thức thì hay đòi hỏi quá đáng cho nên nhiều khi siêu Tôi không kiểm soát được những ham muốn, và con người không thể tự giác hiểu và chấp nhận những mong muốn mà xã hội đòi hỏi nên