Nhận xét chung về tư tưởng đạo đức học của Freud

Một phần của tài liệu tư tưởng đạo đức học trong phân tâm học của sigmund freud​ (Trang 61 - 65)

2.2. Một số đánh giá về tư tưởng đạo đức học của Freud

2.2.1. Nhận xét chung về tư tưởng đạo đức học của Freud

Tổng quát nhất, đạo đức học trong phân tâm học dựa trên nền tảng triết học nhân bản phi duy lý với các cách tiếp cận rất mới và độc đáo về vấn đề con người, về cơ cấu tâm lý cá nhân, đặc biệt về cái vô thức với tính cách là khởi nguồn, nguyên nhân và yếu tố tác động cơ bản đến của các hành vi đạo đức của con người trong xã hội. Quan điểm này có thể coi là một trong những cách thức phản biện đối với chủ nghĩa duy lý cực đoan quá đề cao vai trò của ý thức trong đời sống xã hội.

Đặt vấn đề chủ khách thể trong vấn đề nhận thức tồn tại người, quan niệm của Freud được triết học hiện sinh mời ngồi vào chỗ thượng khách và người ta thấy nó hiện ra ở trung tâm mọi vấn đề then chốt của họ. Các nhà triết học có kỳ vọng xây dựng học thuyết triết học mới thường có thái độ phê phán với các bậc tiền bối của mình. Triết học hiện sinh không phải là ngoại lệ. Họ cũng có thái độ phê phán đối với Freud, mặc dù họ không hề luận chiến công khai trong các tác phẩm của mình. Về cơ bản, các nhà hiện sinh đánh giá cao những đóng góp của Freud đã đưa ra một cách nhìn mới về con người cũng như phương pháp thấu hiểu mà ông vận dụng nghiên cứu trong việc xây dựng lý thuyết về quá trình tâm lý tự thân.

Họ cũng nhận thấy rằng, quan niệm con người của Freud còn có những khiếm khuyết hiển nhiên thậm chí là khó chấp nhận. C. Jaspers (1883 - 1969) là nhà

triết học hiện sinh đầu tiên quan tâm đến tư tưởng của Freud. Ông cho rằng Freud đã quá nhấn mạnh đến sự lý giải bí ẩn vô thức trên cơ sở khám phá các biểu tượng tình dục trong việc lý giải bí ẩn của tồn tại, đó là điều rất khó chấp nhận, vì nó không góp phần làm rõ các cơ sở của tồn tại người. Theo ông, triết học cần có định hướng tìm tòi các biểu tượng của tồn tại, luận giải hiện sinh về các bộ mã bao chứa thông tin về thế giới và tồn tại người. Cùng xuất phát điểm giống như Freud, Jaspers quan tâm đến thế giới thần thoại và cho rằng nội dung của nó cho phép tìm ra chìa khóa để giải mã tồn tại người trong quá trình họ quan tâm tới bản thân, tới sự kiện hiện sinh khởi thủy. Nhưng, Jaspers không chấp nhận các giải thích mang tính tự nhiên chủ nghĩa của Freud như sự cấu thành của tâm lý học vô thức và phủ định ý nghĩa của việc chuyển dịch các nội dung vô thức vào ý thức đối với việc nhận thức các biểu hiện của tồn tại [12, 279]. Song, quan điểm hiện sinh của ông ở một chừng mực nhất định là tương đồng và thậm chí là vượt qua Freud trong cách lý giải về tồn tại người trong thế giới.

J.P. Sartre quan tâm tỷ mỉ đến việc xét lại có phê phán quan quan niệm con người của Freud trong tác phẩm Tồn tại và hư vô (1943). Ông tán thành thử nghiệm làm rõ cấu trúc tồn tại người, thấu hiểu mục đích của hiện sinh người theo con đường giải mã các nghĩa ẩn náu đi liền với “cảnh lưu đầy”, với “hư vô” và các “hiện sinh thể đau khổ” khác của Heidegger. Nhưng, quan niệm con người của Freud lại cho phép soi rọi các giai tầng miền sâu của tâm thần bị che khuất đằng sau hoạt động biểu tượng hóa. Và, Sartre tán thành thử nghiệm của Freud để thâm nhập vào giai tầng miền sâu của tâm thần con người hơn tâm lý học truyền thống. Từ đó, ông thừa nhận đóng góp của Freud trong việc xem xét “quyết định luận theo chiều dọc”

cho phép hiểu rõ hơn bộ phận cấu thành miền sâu của tâm thần con người nhưng cũng vẫn chê trách Freud đã quy giản việc xem xét lịch sử phát triển của con người về những cảm xúc cá nhân bắt nguồn từ thời thơ ấu, từ quá khứ thơ ấu và khước từ việc xem xét tương lai như nhân tố có tác động không kém đến động cơ ứng xử của con người [16, 109].

Heidegger cũng tỏ thái độ phê phán đối với các quan niệm phi duy lý về con người trong đó có Freud. Ông cho rằng, Freud đã quá nhấn mạnh đến đam mê vô thức để dẫn đến việc coi nó như nhân tố định trước bản tính người. Nếu Freud cố

gắng xem xét các bộ phận cấu thành cấu trúc của tâm thần thông qua vô thức, thì Heidegger lại hướng vào các cấu trúc bản thể của tồn tại người từ góc độ quan niệm tiền phản tư, tức vô thức về chúng. Freud nhận thấy cội nguồn đau khổ của con người ở các xung đột đam mê vô thức bẩm sinh với các giá trị của văn hóa, văn minh; Heidegger xuất phát từ những bất an hiện sinh, thực chất là từ những mâu thuẫn nội tại của tồn tại trong thế giới, nơi mà hiện sinh người đông thời là “tính cởi mở” và “tính khép kín”, siêu việt và hiện hữu [12, 489-490].

Alfred W. Adler (1870 – 1937) là bác sĩ, nhà tâm thần học người Áo thừa nhận có một thế giới vô thức tiềm phục trong con người và có ảnh hưởng đến tâm tính, nhân cách của chúng ta như Freud nêu ra, nhưng ông cũng không đồng ý với Freud khi coi năng lực libido là lực lượng duy nhất, sống động nhất thúc đẩy sự sống và quá trình hình thành nhân cách con người, mà còn có những lực lượng khác, những yếu tố quan trọng khác. Theo Alder, Freud đã bị rơi vào vòng luẩn quẩn khi cho rằng vô thức bắt nguồn từ dồn nén, dồn nén bắt nguồn từ xung đột giữa ý thức cá nhân và chuẩn mực văn hoá, và văn hoá lại bắt nguồn từ dồn nén. Từ đó, Adler đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của việc thực hiện ý chí đối với con người. Ông cho rằng, mọi động cơ của con người, bất kể tốt hay xấu, đều hướng về một mục đích là theo đuổi sự ưu việt, theo đuổi và chinh phục mục tiêu, tiếp tục phấn đấu và mãi mãi không dừng lại. Ông nói: “Sự nghiên cứu thấu triệt đã làm cho chúng ta hiểu được, chỉ cần tiền đề chung nhất của chúng ta, tức là tinh thần, coi mục tiêu ưu việt là mục tiêu có thể đạt được thì chúng ta có thể lý giải một cách tốt nhất sự vận động đa dạng và biến hóa khôn lường của tinh thần” [12, 39]. Phê phán Freud trong việc nhấn mạnh vai trò của tính dục, Adler chỉ ra khát vọng và sự theo đuổi của con người hướng tới cái cao cả có khởi nguồn từ mặc cảm tự ti được hình thành từ thời thơ ấu. Tình cảm này cũng bị dồn nén. Để bù trừ, điều chỉnh lại, một mặc cảm khác xuất hiện để cân bằng đó là mặc cảm tự tôn. Muốn khắc phục tính tự ti, theo ông, cần phái có sự “bù trừ” bằng ý chí hùng bá (ông mượn của Nietzsche) khắc phục thiếu sót để đạt tới tính ưu việt. Lý giải mối quan hệ giữa tính tự ti và ưu việt, Adler đã đưa ra khái niệm “phương thức sống” trong quá trình hình thành nhân cách. Chỉ ra hạn chế của Freud là đã quá nhấn mạnh nhân tố sinh học bản năng,

Adler nhấn mạnh vai trò của hoàn cảnh xã hội, đặc biệt là gia đình đã quyết định việc hình thành nhân cách của con người như một sự khắc phục thiếu sót của Freud.

Như vậy, có thể nhận thấy, những ý kiến đánh giá, nhận xét về Freud là rất khác nhau. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của Freud ở mọi khía cạnh, đặc biệt là đã có cách tiếp cận mới về con người góp phần định dạng tư tưởng văn hóa loài người trong xã hội hiện đại. Thomas Mann đã nói:

Tôi hoàn toàn tin chắc rằng sẽ có một ngày người ta phải thừa nhận trong sự nghiệp mà Freud cống hiến cả cuộc đời mình có một trong những viên đá tảng quan trong để xây dựng một nền nhân loại học mới. Bằng nhiều cách khác nhau và với nền tảng của tương lai, nền nhận loại học mới đó hôm nay đang được tạo dựng vì một sự vững bền của loài người khôn ngoan hơn, tự do hơn

Từ nghiên cứu con người tâm lí (mà chủ yếu là tâm lí của con người bệnh tật), trong quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng, Freud đã mở rộng sang nghiên cứu con người xã hội và ứng dụng nó vào nghiên cứu một số lĩnh vực trong đời sống tinh thần của con người. Việc đó đã làm cho phân tâm học ẩn chứa một thứ triết học văn hoá, triết học xã hội độc đáo. Từ đó phân tâm học còn được coi là cơ sở lí luận để nghiên cứu những ngành khoa học xã hội nhân văn khác nhau. Tuy nhiên, phân tâm học cũng còn có một số hạn chế mà sau này các học trò của ông đã chỉnh sửa, cải tạo, phê phán, để phát triển thành chủ nghĩa Freud mới. Sự chuyển dịch từ "cổ điển" sang "hiện đại" của phân tâm học làm cho nó ngày càng có ý nghĩa đối với triết học phương Tây hiện đại. Trong quá trình nghiên cứu tư tưởng triết học của Freud, tôi cũng ý thức được rằng, khía cạnh triết học trong phân tâm học không tồn tại một cách cụ thể, nhưng cũng không quá chung chung. Có thể nhận thấy rằng, vốn là học thuyết tâm lý học được Freud sử dụng vào nghiên cứu con người và các vấn đề của đời sống xã hội khác nhau, nên phân tâm học cũng đòi hỏi sự lý giải của triết học. Thực sự, Freud đã có những phát hiện mới cho quan niệm về con người so với triết học truyền thống. Những điểm mới đó bao hàm một sự hiểu biết triết học sâu sắc về tồn tại người trong thế giới hiện đại.

Quan niệm của ông về vai trò quyết định của bản năng và dục vọng vô thức, về cuộc đấu tranh giữa bản năng sống và bản năng chết đã làm cho các luận điểm lý luận của ông trở nên gần gũi với chủ nghĩa phi duy lý triết học. Mặc dù chưa nhìn

nhận văn hóa dưới góc độ lịch sử (và đây cũng chính là hạn chế của ông), nhưng Freud đã đưa ra một quan điểm mang tính chất cách mạng là muốn đạt tới văn hóa con người phải chấp nhận từ bỏ bản năng để hướng tới tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau và đó chính là cơ sở để đảm bảo cho mỗi người có thể đạt tới hạnh phúc.

Như vậy, các nhà triết học hiện sinh đã xem xét cách tiếp cận tồn tại người trong quan niệm của Freud với mục đích xây dựng một phương pháp mới nhằm đạt tới mục đích của hiện sinh người và vạch rõ quan hệ đích thực giữa tồn tại và ý thức. Do đó, những hạn chế và bế tắc của Freud trong việc lý giải tồn tại người đã được triết học hiện sinh khắc phục và xem ra họ lý giải có vẻ thuyết phục hơn.

Một phần của tài liệu tư tưởng đạo đức học trong phân tâm học của sigmund freud​ (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(77 trang)
w